Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

CHO ĐI LÀ HẠNH PHÚC

             Buổi sáng nọ, vị giáo sư, người được các sinh viên gọi thân mật là 'người bạn của sinh viên' vì sự thân thiện và tốt bụng của ông, đi dạo với một học trò ở miền quê. 
             Trên đường đi, hai người bắt gặp đôi giày cũ của một nông dân nghèo nằm ngay bờ ruộng sát đường. Anh sinh viên tinh nghịch quay sang nói với vị giáo sư: 'Em sẽ giấu đôi giày của ông ta rồi thầy và em trốn vào bụi cây kia xem thái độ của ông ta khi mất đôi giày'. Vị giáo sư ngăn lại: 'Chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui. Em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãy đặt 1 đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và  chờ xem ông ta phản ứng thế nào'. Anh sinh viên làm theo lời giáo sư, rồi cả hai cùng trốn sau bụi cây. Một lát sau, người nông dân đã xong việc, đến nơi đặt giày áo khoác của mình.
              Ông vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem và thấy 1 đồng tiền, sự kinh ngạc nhưng vui mừng hiện rõ trên gương mặt.

              Ông lật 2 mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Sau đó, ông bỏ đồng tiền vào túi và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Niềm vui như được nhân lên gấp bội khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai. Người nông dân quỳ xuống, ngước mặt lên trời và nói gì đó như lời cảm ơn. Món quà người nông dân nhận được tuy không lớn nhưng đúng lúc, nó giúp ông có thể mua được thuốc cho đứa con nhỏ đang ốm ở nhà.
              Anh  sinh viên lặng người đi vì xúc động. Lúc bấy giờ, vị giáo sư mới lên tiếng: 'Em cảm thấy vui hơn không?'. Anh sinh viên nói: 'Thầy đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu mà thầy thường nói với chúng em: Cho đi là hạnh phúc'.

(Nguon : niemvuimoi.org)

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

CHUYỆN 2 NGƯỜI ĂN CẮP CỪU

          Một người luôn lấy quá khứ để dằn vặt bản thân, còn một người đối mặt với quá khứ như là bài học kinh nghiệm.  
          Tại một vùng nông thôn nước Mỹ, có 2 anh em nhà kia vì quá đói kém, bần cùng đã rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may 2 anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự 'ST', có nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ stealer). 
           Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống hòng chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ 'ST' đáng nguyền rủa này. Còn người em, anh tự nói với bản thân mình: 'Tôi không thể từ bỏ sự tin cẩn của những người xung quanh và của chính tôi'. Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể.
           Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự 'ST' vẫn còn in dấu trên vầng trán anh. Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: 'Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện (saint)'.

(Nguồn : niemvuimoi.org)

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

CÁI BÚA VÀ CON NGƯỜI

        Truyện kể về nỗi lo sợ của các loại cây trong rừng, từ cây cổ thụ cho đến những cây nhỏ đều sợ Cái Búa của người đốn cây. Hễ búa đi đến đâu là cây cối đều ngã rạp đến đó.
       Một hôm cây cối họp đại hội, bàn cách đối phó với Cái Búa. Để chứng tỏ rằng việc làm của tất cả cây rừng là công khai, và Búa cũng được mời tham dự đại hội này.
        Sau một lúc bàn bạc sôi nổi, đại hội kết luận: Cương quyết không cho Búa bất kỳ một khúc gỗ nào để làm cán cả. Búa mà không có cán thì làm được việc gì bây giờ. Tất cả cây rừng từ nhỏ đến lớn đều hoan hỉ về quyết định này. Dù một khúc gỗ cũng không cho!
       Bấy giờ, Búa dơ tay xin phát biểu với giọng nài nỉ đáng thương: “Xin quý vị niệm tình, thân tôi mà không có cán như người tật nguyền không tay chân, xin hãy cho tôi một lần này nữa thôi, tôi sẽ chỉ dùng Búa mình vào những việc tốt, tôi chỉ chặt những gai góc làm vướng chân quý vị mà thôi!”
       Trước lời thỉnh cầu tội nghiệp của Búa, cả Đại hội liền có sự chia rẽ vì khác quan điểm. Hội nghị phải đi đến việc biểu quyết lại. Kết qủa là đa số bằng lòng cấp cho Búa một khúc gỗ duy nhất làm cán.
       Nhưng hỡi ôi! Khi Búa đã có cán rồi, nó bèn lần lượt đốn hết những cây trong rừng, từ cây non cho đến cây cổ thụ.
                                      

       Thiên Chúa mở đường cho con người đến tự do hạnh phúc, còn ma quỷ lại tìm cách khống chế, lôi kéo ta đến đường đến nô lệ, bất hạnh, đau khổ muôn kiếp.
        Bất cứ ai cũng đều được Thiên Chúa thương yêu chăm sóc như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh. Vì con người được sống trong vòng tay hạnh phúc yêu thương của Người, nên ma quỷ ghen tức. Vì thế mà bất cứ ai, ngày hay đêm, khoẻ hay yếu, già hay trẻ, giàu hay nghèo, đều là điểm nhắm của satan, là mục tiêu để tiêu diệt. Vì thịt con người thơm, linh hồn lại càng ngon hơn.
        Nhưng con người lại không đấu tay ngang với ma quỷ được. Vì xưa Ađam và Eva vốn thánh thiện tốt lành mà còn không thắng nổi, thì làm sao bây giờ, vốn mang trong mình nguyên tội.
        Con người thì giới hạn, mà ma quỷ lại vô hạn. Con người thì yếu đuối, satan lại mạnh bạo. Con người thì nhân từ, quỷ dữ lại lạm dụng. Con người thì mê mệt, quỷ dữ lại tỉnh táo. Con người thì nóng vội, ma quỷ lại kiên trì.
         Vì thế, bất cứ lúc nào ta nhân nhượng với điều xấu, thì đều có mặt chúng chờ sẵn. Còn nếu cho nó một cơ hội, thì ta sẽ phải hối tiếc cả đời. Bằng không thì cũng trở nên yếu nhược về tinh thần, đức tin, hay phải vất vả lắm mới sửa lại lỗi lầm, mới giữ được quân bình trong cuộc sống.
         

Tuy trí khôn con người ngày càng phát triển, nhưng so với xảo quyệt, mưu mô tinh vi của ma quỷ thì ta chẳng ăn thua gì. Nguyên chuyện biết đến hậu quả một cách đầy đủ do tội gây ra cũng chưa rõ hết.
         Hậu quả do tội thật tàn khốc mà con người không lường trước được. Tội huỷ hoại đời người như sự ăn mòn của axít, huỷ hoại hung tợn như núi lửa, tàn phá cơ thể như ung thư và hậu quả kéo dài như gia đình đổ vỡ, nên việc hàn gắn quả không dễ chút nào.
         Tội làm cho con người xa tránh Thiên Chúa và xa tránh nhau. Cô lập mình trong thế giới cô đơn. Trói buộc mình trong quá khứ, trong mặc cảm tự ti hay cố chấp.
         Sức mạnh của sự dự thdật ghê sợ. Nên với điều xấu, dù trong tư tưởng hay với việc làm, ta chỉ có một câu trả lời duy nhất cho mọi người, mọi thời, mọi lúc, mọi nơi, đó là: Không.
          Cách an toàn nhất vẫn là dựa vào Chúa, xin ơn Ngài và lấy Ngài ra tâm niệm như:
- Hãy phục tùng Thiên Chúa, hãy chống lại ma quỷ, chúng sẽ chạy xa anh em (Gc 4,7).
- Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng (Ep 4, 27)
- Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự (1Pr 5,8-9).
- Chính Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người, để tâm trí, tâm hồn và thân xác được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta quang lâm (1Tx 5,23).]
THANH THANH 
(Nguồn : niemvuimoi.org)

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

CÁI BÚA



       Đức Phật có dạy: “một niệm sân nổi lên đốt tiêu rừng
công đức” vì tâm con người như con vượn chuyền hết cành cây
này sang cành khác, như con ngựa phi trên đường thiên lý khó
đuổi bắt kịp. Nhiều lúc chỉ  cần một ý nghĩ lóe lên, rồi
thì tiếp theo có thể là bao nhiêu tưởng tượng, nghi ngờ, giận
hờn, trách móc, có khi còn đưa đến hậu quả đau thương đáng
tiếc không lường được.
       Trong sách Trung văn “Thính hòa thuyết” có câu chuyện “Cái
búa” tiêu biểu cho tình trạng thất niệm trên, câu chuyện thế
này:
       
       Có một người muốn treo bức tranh mà nhà anh chỉ có đinh, không
có búa. Người hàng xóm có búa.  Thế là anh quyết định sang
người hàng xóm mượn búa. Sắp ra đi, anh ta chợt phân vân:
“Nếu như người hàng xóm không cho mượn thì sao? Hôm qua đây,
anh ấy chỉ chào mình một cách thờ ơ, có thể là anh ấy quá
vội việc, nhưng có thể sự vội vã của anh ấy là giả bộ
chứ kỳ thật anh ấy không bằng lòng mình. Nhưng cái gì làm cho
anh ấy không bằng lòng mình nhỉ? Mình có làm gì quấy với anh
ấy đâu! Điều này anh ấy chỉ có thể tự trách mình quá nghĩ
ngợi mà thôi! Nếu như có người mượn mình đồ dùng, mình cho
họ mượn ngay. Còn anh ấy, sao lại không cho mình mượn chứ? …
Mà lẽ nào mình lại cứ phải mượn của anh ấy mới được? Anh
ấy có cái gì ghê gớm đâu? Chẳng qua là một cái búa cùn. Mình chịu đựng như vầy quá đủ rồi!!… Thế là anh ta vội vàng chạy qua nhà kia nhấn chuông. Người hàng xóm ra mở cửa, chưa kịp thốt hai chữ: “Chào anh” thì bị anh ta xông thẳng đến nói xối xả vào mặt: _- Này, hãy giữ lấy cái búa cùn của anh mà dùng một mình đi, chẳng có cái gì ghê gớm đâu!  
        Từ chỗ đánh mất chánh niệm rồi đi tới buông lung tâm ý, chỉ
trong gang tấc và chúng ta dễ dàng bị cuốn lôi như nước dốc.
Ba độc tham, sân, si luôn rình chờ kẻ hở trong tâm ý chúng ta.
Đến khi tỉnh ngộ, hối tiếc thì đã quá muộn màng. 


Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

CHUỘT CẮN KHỐ RÁCH


         
            “Một đệ tử quyết tâm cầu đạo, xin học với một đạo sư. Sau thời gian học hành chăm chỉ, một hôm sư phụ có việc phải đi xa một thời gian nên dặn học trò ở lại chăm lo tu hành.

          Học trò nghe theo lời thầy, thiền định sớm hôm không hề bê trễ, Vì nếp sống tu hành thanh bần, tu sĩ chỉ có độc mỗi một miếng khố che thân. Nhưng chiếc khố cứ bị chuột cắn rách hoài nên tu sĩ cứ lâu lâu lại phải đi xin một mảnh vải che thân khác.
          Dân làng thấy vậy, bèn biếu tu sĩ một con mèo để trừ lũ chuột. Tu sĩ đem con mèo về nuôi, từ đó chuột không dám lộng hành nữa, nhưng tu sĩ lại phải lo thêm một phần ăn.
          Ngoài thực phẩm chay tịnh, tu sĩ phải xin sữa để nuôi con mèo. 
          Một tín đồ thấy vậy bèn tình nguyện dâng cúng tu sĩ một con bò cái để có sữa nuôi mèo. Tu sĩ vui vẻ nhận con bò nhưng nuôi được mèo lại không có rơm cho bò ăn. Do đó, ngoài thức ăn khất thực, tu sĩ lại phải đi xin rơm về nuôi bò.
           Dân làng thấy vậy bèn biếu tu sĩ một mảnh đất và dụng cụ canh nông để tu sĩ trồng trọt, nuôi bò. Tu sĩ ra công cầy cấy nên rau trổ thật nhiều, bò ăn không hết, phải mang bán ngoài chợ.
           Miếng đất thật mầu mỡ sinh hoa lợi quá nhiều, tu sĩ làm không xuể, phải gọi người làng đến giúp. Lạ thay, miếng đất cứ thế sinh sôi nẩy nở, trồng gì cũng tươi tốt và chả mấy chốc trở nên một đồn điền trù phú.
          Tu sĩ có nhiều hoa lợi bèn xây một đền thờ to lớn, đẹp đẽ, thuê thợ khắc tượng, đúc chuông thật vĩ đại, nhưng thời gian tu hành không còn là bao vì tu sĩ phải lo trông nom đồn điền, lo sổ sách giao dịch buôn bán, kiểm soát nhân công trồng tỉa, rồi có tiền bạc phải lo đầu tư sợ mất, bỏ vốn mua thêm đất đai, khai khẩn thêm nữa.
          Một hôm, sư phụ trở về không trông thấy túp lều đơn sơ nữa mà thay vào đó một ngôi đền tráng lệ, nô nức khách hành hương, trong đền ồn ào những tín đồ vừa cúng bái vừa buôn bán.
          Trông thấy sư phụ, tu sĩ mừng rỡ chạy ra chào. Sư phụ ôn tồn hỏi tại sao lại có sự thay đổi như thế. Tu sĩ trả lời: "Thưa thầy, thật tâm con muốn tu hành nhưng tại lũ chuột cứ cắn rách áo hoài. Để bảo vệ cái áo con nuôi mèo. Để có sữa cho mèo ăn, con phải nuôi bò, và để có rau nuôi bò, con phải canh tác. Rồi thì trúng mùa liên tiếp, sức con làm không xuể nên phải gọi thêm người làm giúp, rồi thì buôn bán thành công, tiền bạc nhiều thêm, con phải đích thân trông nom mọi việc. Sau đó con cho xây cất đền thờ to tát, đúc tượng thật vĩ đại, con còn mướn người lo việc cúng tế, nhang đèn cẩn thận".
           Sư phụ thở dài: "Xây cất đền thờ thật to chỉ là trói buộc, nào phải giải thoát. Tụ tập tín đồ cho đông, ồn ào phức tạp, chỉ gây trở ngại cho việc thanh tu. Chỉ vì một cái khố rách mà con đã đi thật xa, xa hẳn con đường mà ta đã chỉ dạy nhằm việc giải thoát. Con chỉ lầm lẫn một chút mà đã đi lệch lúc nào không hay, trói buộc vào các thứ nghịch duyên đó rồi làm sao có thể tu hành giải thoát được?".
            Chỉ vì một sự việc rất nhỏ mà đôi khi nó sẽ dấn đến những sự việc lớn bất ngờ mà chính bản thân ta cũng không ngờ tới. 





Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

THƯ MỜI THAM DỰ TRẠI HL THÁNH LINH IV - LỂ GIỖ 41 NĂM CHA CỐ ANTÔN BÙI HỮU NGẠN




                                                   

MỐI TÌNH CHÂU LONG



            Chuyện cổ tích Việt Nam kể rằng: Có đôi bạn chí thân là Lưu Bình và Dương Lễ. Lưu Bình cùng họ với Lưu Linh. Ham chơi hơn ham học. Dòng dõi giầu sang phú quý nhưng lêu lổng ăn chơi trác táng. Dương Lễ nhà nghèo nhưng ham học. Lấy đèn sách làm thú vui. Nhờ chí thú học hành mà Dương Lễ đã đỗ trạng nguyên làm quan lớn triều đình. Ngược lại, Lưu Bình vì ham chơi nên công không thành và danh thì bại. Thân xác tiều tuỵ và đói khổ bần hàn. Dương Lễ nhìn cảnh bạn sa cơ thất thế nên động lòng trắc ẩn, dầu vậy, bên ngoài ông vẫn làm như không nhìn nhận tình bạn. Ông đã ngầm cho vợ là Châu Long giả dạng là người con gái đến giúp Lưu Bình làm lại cuộc đời. Châu Long đã theo lời chồng đến ở với Lưu Bình để động viên, giúp đỡ Lưu Bình. Nhờ đó mà Lưu Bình đã cố gắng ăn học và sau này cũng thành tài. Về phần Châu Long tuy sống với Lưu Bình nhưng lại không thuộc về Lưu Bình. Nàng vẫn thuộc về Dương Lễ. Nàng vẫn phải trung thành tuyệt đối với Dương Lễ. Cho dù Lưu Bình đã nhiều lần đề nghị nàng kết mối duyên tình, nhưng nàng đã khéo léo từ chối. Nàng khuyên nhủ Lưu Bình hãy chuyên chăm học hành để công thành danh toại mới tính đến chuyện trăm năm. Cho đến khi Lưu Bình thi đỗ mới vỡ lẽ ra: Châu Long chính là vợ của bạn được gởi đến để giúp đỡ mình.
           Cuộc đời ky-tô hữu chúng ta cũng giống như nàng Châu Long. Sống giữa thế gian để canh tân đổi mới thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Sống giữa thế gian nhưng phải trung thành với thầy Chí Thánh Giê-su. Không để lòng mình buông theo những cám dỗ tội lỗi, những thói đời điêu ngoa, những đam mê thấp hèn. Trong kinh lạy Cha, Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta : Hãy xin cùng Chúa Cha gìn giữ chúng ta khỏi sa chước cám dỗ và gìn giữ chúng ta khỏi mọi sự dữ. Chúa không bảo chúng ta xin cùng Chúa Cha cất nhắc chúng ta ra khỏi thế gian, nhưng vẫn ở giữa thế gian, đồng thời vẫn phải trung tín với Chúa. Như Châu Long sống với Lưu Bình để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Dương Lễ đã trao.
           Có thể nói, Châu Long phải có một tình yêu thật cao cả, thật thuỷ chung lắm mới có thể sống với Lưu Bình mà vẫn giữ trọn giao ước với Dương Lễ. Người ky-tô hữu cũng phải có một tình yêu thật thâm sâu với Thiên Chúa mới có thể tuân giữ giới răn Chúa khi sống giữa thế gian đầy mời mọc hấp dẫn luôn lôi kéo con người bất trung, phản bội với Chúa. Vâng, chúng ta đang ở giữa một thế gian đầy gian tà, một thế gian sa đoạ, tội lỗi, người ky-tô hữu phải có một tình yêu sắt son trung kiên mới có thể giữ lòng thanh khiết như đoá sen “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
         Lời Chúa hôm nay cũng căn dặn chúng ta: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hãy giữ lời Thầy”. Như thế, tuân giữ giới răn Chúa là dấu chỉ cho lòng yêu mến Chúa. Tuân giữ giới răn Chúa còn là dấu chỉ sự trung tín và chu toàn bổn phận của Chúa giữa thế gian. Không thể nói rằng mình yêu mến Chúa mà lại không dám thực thi lời Chúa. Nếu chúng ta nói yêu mến Chúa mà không dám sống đạo và giữ đạo, đó chỉ là sự giả tạo vì Chúa đã từng trách rằng: “Dân này chỉ thờ Ta bằng môi bằng miệng mà lòng chúng lại xa cách Ta”. Tuân hứa giới răn Chúa không chỉ dừng lại trên môi miệng mà còn là một dấn thân để ý Chúa được thể diện trong cuộc đời chúng ta. Như Chúa Giê-su, ngài đã vâng phục thánh ý Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự. Người ky-tô hữu cũng phải vâng phục theo giáo huấn của Chúa, cho dẫu có phải chịu thiệt thòi, mất mát hay phải hy sinh cả tính mạng vì lòng yêu mến Chúa.
            Nhìn vào thế gian hôm nay với bao nhiêu cám dỗ mời mọc, bao nhiêu cạm bẫy rình chờ, khiến đức tin của chúng ta đã nhiều lần chao đảo, muốn buông xuôi theo cám dỗ của tiền tài, danh vọng và thú vui thể xác. Giữa một thế giới có quá nhiều cám dỗ hưởng thụ, làm sao chúng ta có thể trung thành với Chúa? Có lẽ vì nguyên nhân đó, mà Chúa Giê-su đã hứa ở cùng chúng ta, đồng thời, ngài còn ban Thần Khí đến cho chúng ta. Ngài sẽ an ủi khi chúng ta gặp u buồn. Ngài sẽ soi sáng khi lòng trí chúng ta gặp hoang mang, lo lắng. Ngài sẽ nâng đỡ khi bước đường chúng ta gặp gian nan. Ngài sẽ ban sức mạnh khi chúng ta cần sức mạnh để vượt qua cám dỗ tội lỗi và làm lại cuộc đời. Ngài sẽ ban cho chúng ta những ơn cần thiết để chúng ta hoàn thành sứ mạng cuộc đời như một tôi tớ trung tín và khôn ngoan, vì Chúa đã hứa hằng: “Ơn Ta đủ cho người và quyền năng Ta hiển trị nơi sự yếu hèn của con”
           Nguyện xin Chúa Kytô Phục sinh luôn đồng hành với chúng ta và chúc lành cho cuộc đời chúng ta luôn bình an để chúng ta mãi trung thành với Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
(Nguồn : langthangchieutim@suyniemhangngay.org)

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

ACE HTDC HÒA HƯNG SG VỚI MÁI ẤM BÉ THƠ


                                 
                                                                                       
                                                                                         18/5/2014

           Mái Ấm Bé Thơ hình thành từ năm 1997 do các soeur dòng Chứng Nhân Tin Mừng - Đà Lạt, đến nay đã có tới 158 cháu và hiện cưu mang 10 cô gái chuẩn bị sanh....
           Được sự giúp đỡ, các soeur đã có them một cơ sở tại Lái Thiêu .
           158 cháu có tuổi từ 0-18 tuổi (vừa qua có cháu 3 tuần tuổi mới gia nhập Mái Ấm, chưa làm khai sanh và rửa tội), cá biệt có những cháu đã đi làm và có gia đình. Đa phần là trẻ mồ côi và khuyết tật (khoảng 40 cháu: down, tự kỷ, liệt, câm điếc,...). 

          Ngoài được sự giúp dỡ của các nhóm thiện nguyện khác nhau (sáng chúa nhật 18/5 cũng có khoảng 12 cháu sinh viên các trường, nhóm Lá Đen, đến vui chơi với Mái Ấm) soeur cũng tập cho các cháu làm gối nằm, lược nhựa, vò hộp giấy,...để có thu nhập cho Mái Ấm. Ngoài ra, các soeur cũng tham gia mục vụ có giáo khu như đi kẻ liệt, trao Mình Thánh, dọn bàn thờ, tập hát,...
           Giáo khu mới được phep làm lễ  8 tuần mặc dầu có khoảng 3000 giáo dân và có miếng đất nhưng vẫn chưa được phép xây nhà thờ *:( buồn

          Trước khi ăn, các em nhỏ được các chị lớn rửa tay, rửa mặt.... Nước coca-cola được cho vào bình để rót, sau khi đã ăn phở xong. Ăn xong, nghỉ ngơi và được ngủ tập thể vì ....trời quá nóng

          Vài dòng Chia Sẻ,....



Ninh

PS: cám ơn cha Siêu với động từ chia sẻ gợi ý nhân dịp tĩnh tâm "Cho một mùa chay xanh hơn" tại Hòa Hưng.... Đặc biệt cám ơn các ace, các bạn đã có các đứa con xinh xắn, khỏe mạnh mà nuôi dưỡng cho nên người, nhìn các cháu nhỏ xíu mà là con "mồ côi"!!!































Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

video : HAI CHÚ CHÓ ĐÁNG YÊU


HAI CHÚ CHÓ ĐÁNG YÊU
(Để xem video xin bấm vào hàng chữ trên )

Xem clip này cảm động quá- Thề từ nay không ăn thịt chó nữa !




Không biết nói sao khi coi clip này ... nhưng từ nay THỀ SẼ KHÔNG ĂN THỊT CHÓ NỮA. Chó nó chỉ không biết nói, nó đáng sống vì trung thành hơn rất nhiều con ... người.

2 chú cờ hó này cực thông minh và đáng yêu. Uớc gì ngày nhỏ nhà mình cũng có 2 chú cờ hó thế này để mỗi lúc mẹ đánh đòn có chú ra bảo vệ. Hehe

(Nguồn Vitalk)



Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

HỒNG ÂN THIÊN CHÚA QUA KINH LẠY CHA


Người chấp bút:  Têrêsa Hồng Nhung
&   &   &
<<Lạy Cha chúng con ở trên trời (câu 01)
Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng (câu 02)
Nước Cha trị đến (câu 03)
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời (câu 04)
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày (câu 05)
Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con (câu 06)
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ (câu 07)
Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen (câu 08)>>
*****
                                Kinh Lạy Cha (x. Mt 6, 9-13 ; Lc 11, 1) còn gọi là “Kinh Nguyện của Chúa Giêsu”, hay còn gọi là “Lời Kinh của Chúa”. Qua cái chết hy sinh thân mình trên cây Thánh giá của Chúa Giêsu  và qua Kinh Lạy Cha,  mọi tín hữu đều được nâng linh hồn lên để tiếp cận mật thiết với Thiên Chúa Cha đang ở trên trời, nếu Kinh Lạy Cha được đọc với trọn lòng kính mến, tuyệt đối không lo ra, và được đọc từ trái tim của người không vướng mắc tội trọng.
                   1. Nguồn gốc
                   Kinh Lạy Cha xuất xứ từ sự thắc mắc của một môn đệ Chúa Giêsu. Ông này thấy Chúa Giêsu cầu nguyện, ông cũng muốn được cầu nguyện giống như Thầy của mình. Và Người đã dạy cho họ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha (Lc 11,14). Thánh Tôma Aquinô tuyên bố: Kinh Lạy Cha là “Lời cầu nguyện tuyệt hảo nhất”.
                   Sách YOUCAT Việt Nam , trang 376 có đoạn:Thực ra Kinh Lạy Cha còn hơn lời cầu nguyện, vì đó là con đường dẫn ta đi trực tiếp vào trái tim của Cha chúng ta. Các Kitô hữu đầu tiên đọc Kinh này 3 lần trong  ngày. Khi lãnh bí tích Rửa Tội mỗi Kitô hữu cũng được trao cho Kinh này. Phần ta, ta phải cố gắng để không sống qua ngày mà không đọc Kinh của Chúa hoặc bằng miệng, hoặc thầm thĩ trong lòng và đem áp dụng Kinh đó trong đời sống hằng ngày”.
                   2. Kinh Lạy Cha được chia thành 2 phần
                   - Phần một, từ câu 01 đến câu 04, giúp con người hướng về Thiên Chúa với một lòng sùng kính và tôn vinh Thiên Chúa, qua các cụm từ: “Lạy Cha chúng con ở trên trời” ; “Nguyện Danh Cha cả sáng”;  “Nước Cha trị đến” ; “Ý Cha thể hiện”.
                   - Phần hai, từ câu 05 đến câu 08, nhắc nhở con người nhớ về  thân phận yếu đuối mỏng dòn và rất vắn vỏi của mình. Nếu không có Thiên Chúa nuôi dưỡng và thương yêu đùm bọc, con người khó mà tồn tại lâu bền được, qua các cụm từ:  “ Lương thực hằng ngày” ; “ Tha nợ” ;  “ Chớ để sa chước cám dỗ” ;  “Cứu khỏi sự dữ”.
                   3. Đi sâu vô trọng tâm của Kinh Lạy Cha


 Phần một

                   -Câu 01:  “Lạy Cha chúng con ở trên trời”.
                   <<Trong Kinh của Chúa, chúng ta cùng đọc: “Lạy Cha chúng con”. Dù là vua, là người ăn mày, là người đầy tớ, là ông chủ, tất cả là anh chị em, con cùng một Cha.>> (Thánh Augustinô).
                   Do vậy không đọc là “Lạy Cha (của) con”; mà đọc là “Lạy Cha chúng con”. Vấn đề cần tự hỏi thêm, là khi ta gọi Thiên Chúa Cha là “Cha” và xưng với Ngài là “con”, ta có được biến đổi tốt lành đời sống thường nhật của ta hay chưa?? Nếu chưa, đó là vì ta đọc Kinh Lạy Cha giống như người học trò đứng trả bài thuộc lòng trước mặt thầy cô giáo. Hay nói cho đúng hơn, ta đang lừa dối Thiên Chúa và lừa dối bản thân ta.
                   <<Qủa vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn đều là con cái Thiên Chúa.  Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên:-“Abba! Cha ơi!” (Rm 8,15). >>
                   Ngoài ra, còn vấn đề “ở trên trời”. Vậy, trời là ở đâu?? Thông thường ai cũng nghĩ trời là ở trên ngút ngàn mây xanh. Trời cách rất xa mặt đất. Nhưng với Kinh Lạy Cha, nơi nào có bình yên có hạnh phúc có niềm vui đích thực thì nơi đó có trời. Điều này hoàn toàn phù hợp với Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, và Ngài thông biết hết mọi sự.
                   -Câu 02: “Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng”.
                   Nguyện cho “Danh Cha cả sáng” là tâm lành của mọi Kitô hữu. Tiếc thay, giống như Thánh Phaolô đã từng nói,  cái điều mà ý chí ta muốn làm, thì ta lại không làm. Cái điều mà ý chí ta không bao giờ muốn làm, thì ta lại làm. Vì thế “Danh Cha” không được “cả sáng”, mà “Danh Cha” đành phải bị tối hù tối mịt như đêm đen! Và nếu ta đã làm cái chuyện phản nghịch Thiên Chúa cách tày trời, mà không chịu tìm cách hòa giải cùng Cha ta, lúc bấy giờ ta không còn là con của Cha ta nữa, mà ta là con cái của loài quỷ dữ.
                   Vì thế, “nguyện Danh Cha cả sáng” là bao hàm ý nghĩa tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự, và luôn tuân hành theo Ý Cha, bằng cách giữ nghiêm khắc 10 Điều Răn của Đức Chúa Trời, và Tám Mối Phúc Thật.
                   -Câu 03: “ Nước Cha trị đến”.
                   Nước của Cha ta là Nước bình yên và là Nước hạnh phúc vĩnh cửu. Tính từ trên trời, tức thiên đàng, có các Đấng Thánh hiển vinh đang tận hưởng mọi vinh quang bên Thiên Chúa Cha, xuống dưới đất có đoàn con cái của Cha đang mong đợi Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh sẽ đến một lần nữa. Để Thiên Chúa làm thanh sạch con người ở thế gian, và để Ngài tái lập lại một thế giới mới, với đoàn người mới.
                   -Câu 04: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
                   Trời là trời của Cha ta. Đất cũng là đất của Cha ta. Vì thế Ngài toàn quyền quyết định mọi vấn đề trên trời dưới đất, và trong toàn cõi vũ trụ do tay Ngài tạo thành là điều rất tự nhiên. Ngoài ra, Francois Fénelon đã viết: “Muốn tất cả những gì Chúa muốn, luôn luôn muốn thế trong mọi hoàn cảnh, đó là Nước Thiên Chúa trong đáy lòng ta.
                   Như vậy, “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” là cầu nguyện cho Thánh Ý Chúa được hoàn thành trên khắp thế gian, đi sâu vào lòng người, và kết hợp cùng các Đấng Thánh ở trên trời nữa.
                                     
                                 

Phần hai
            -Câu 05: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.
                  
                   Có hai thứ lương thực mà hằng ngày ta cần xin Cha ta ban cho ta. Đó là lương thực dành cung cấp cho tâm linh; và lương thực dành nuôi dưỡng thể xác.
                   *Lương thực dành cung cấp cho tâm linh gồm có:
                   -Hồng ân của Thiên Chúa chiếu soi và mời gọi ta trở thành anh chị em với Chúa Giêsu và là con cái của Ngài.
                   -Sự tự do kết hiệp chặt chẽ sắt son của ta với Đức Giêsu Kitô, để chiếm lấy                   bình an hạnh phúc ngay đời này, và chiếm lấy sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
                   -Thi hành nghiêm chỉnh mọi sứ vụ của một Tư Tế Phổ Quát. Nhất là ôm lấy Lời Chúa là gia sản vô cùng quí giá để dấn thân một cách tự tin.
                   * Lương thực dành nuôi dưỡng thể xác, gồm có:
                   -Cơm, bánh, rau củ quả, nước, không khí, quần áo, thuốc men, nhà cửa, xe cộ, công ăn việc làm ...v...v...
                   ***Và, ở giữa lương thực cung cấp cho tâm linh và nuôi dưỡng thể xác kể trên, còn một thứ lương thực vô cùng cần thiết và không thể thiếu trong nhu cầu hằng ngày đối với người Công Giáo, đó là chiếc Bánh Thánh. “Chúng ta là mẹ của Người, khi chúng ta cưu mang Người trong tâm hồn và thể xác  bằng cách yêu mến Người và gìn giữ lương tâm trong sáng và chân thành; chúng ta sinh Người ra bằng hành vi thánh thiện nhằm nêu gương sáng cho kẻ khác” (- Lời khuyên của Thánh Phanxicô Assisi, trang 13, sách Luật và Tổng Hiến Chương của Dòng Phan Sinh Tại Thế Việt Nam).
                   Ai đã và đang được Thiên Chúa ban cho có của ăn đầy đủ, dư thừa, mà không biết nhớ nghĩ đến những người bần cùng đói khổ đang kêu cầu sự cứu giúp, ngay bên cạnh ta, tức là người đó đi ngược lại Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, và sống không trung thực với lương tâm. Một lương tâm vốn có từ bi và bác ái.
                   -Câu 06: “Và tha nợ chúng con,
 như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
                   Chỉ có Cha ta mới có quyền phán xét ta và phán xét mọi người xung quanh ta. Vì vậy, ta không nên phán xét bất cứ một ai, và sẵn sàng tha thứ tất cả. Để đổi ngược lại, Cha ta sẽ dễ dàng tha thứ cho ta. Hai chiều kích này như một cặp bài trùng không thể tách biệt nhau.
                   -Câu 07: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.
                   Mọi cám dỗ ở thế gian như: tình, tiền, sắc đẹp, xe hơi, nhà lầu, danh vọng.... đều là những cám dỗ “ngọt ngào êm ái” xui khiến con người rất dễ sa chân và chìm đắm. Vì con người vốn yếu đuối. Lòng người thì chỉ có đấng Thánh sống mới chịu “vụng dại” mà từ khước mọi sự ăn ngon mặc đẹp, và ngồi trên trước người khác mà thôi.
                   Do vậy, muốn kiềm hãm lại mọi ước muốn sẽ làm buồn lòng Cha ta, ta phải cầu xin Ngài gìn giữ ta, cùng lúc lòng ta cũng biết dứt khoát từ chối mọi cám dỗ, trước hết do vì ta yêu mến Cha ta, hết trí khôn và hết tâm tình của một người con thảo. Kinh Thánh có câu: “Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả  thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần (1 Ga 5,19).
                   -Câu 08: “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
                   Nếu không có sự thương yêu và hằng theo để gìn giữ bao che của Cha ta, một mình ta khó có thể đối phó lại với sự dữ. Vì sự dữ không phải là một sức mạnh trừu tượng, mà sự dữ trong Kinh Thánh gọi là “Tên Cám dỗ”; “Cha kẻ dối trá”; “Satan”; “Qủy dữ”. Và Kinh Thánh dạy rằng: “Vì chúng ta chiến đấu, không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thiêng liêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao (Ep 6,12). Kinh Lạy Cha cho ta thấy việc thường xuyên cầu xin Cha ta, cứu ta khỏi mọi sự dữ, ngay khi ta bình yên, cũng như lúc ta gặp khó khăn nguy khốn, là điều đúng đắn nhất.
                   4. Kết bài
                   Nhờ có học hỏi và  Sống liên kết với Kinh Lạy Cha, mà ta tự nhận thấy vai trò làm người anh chị em với Chúa Giêsu của ta càng quan trọng và tỏ rõ hơn! Và qua Kinh Lạy Cha, chúng ta còn khám phá ra nhiều niềm vui khác như:
                                      -Mọi người chúng ta là con một Cha.
                                      -Rồi chúng ta cùng nhau Cảm Tạ và Tôn Vinh Cha ta, Đấng hằng Sống hằng trị hằng hữu muôn đời.
                                      -Và cuối cùng là chúng ta hãy cùng nhau Vui Sống ở giữa thế gian như anh em luôn “một lòng, một ý .” ( Cv 4, 32 )
                                      -Amen!