Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

TÔNG ĐỒ


SUY NIỆM  
LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ 

(Tđcv 12, 1-11; 2Tm 4, 6-8.17-18; Mt 16, 13-19).


          Thánh Phêrô và thánh Phaolô là hai cột trụ kiên vững tiên phong của Giáo Hội Công Giáo. Thánh Phêrô là tông đồ cả trong số 12 tông đồ của Chúa Giêsu. Phêrô thường được gọi là Simon Phêrô. Tên thật là Simon, thân phụ tên là Gioan, Chúa Giêsu đã đặt tên ông là Phêrô. Ông sinh tại Bethsaida, thuộc miền Galilêa, gần vùng biển Tibêria. Phêrô đã lập gia đình. Trong Kinh Thánh có nói đến người mẹ vợ bị bệnh và đã được Chúa Giêsu chữa lành. Phêrô là anh em với ông Anrê. Hai anh em làm nghề đánh cá tại Capharnaum, trên hồ Galilêa. Phêrô đã gặp Chúa Giêsu qua sự giới thiệu của ông Anrê. Ông thuộc vào số những môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu mời gọi cùng với Anrê, Gioan và Giacôbê. Trong danh sách các tông đồ, tên Phêrô luôn đứng đầu.
           Phêrô đã đồng hành và sống sát gần với Chúa Giêsu trong khi Chúa đi giảng dậy. Đặc biệt Phêrô cùng với Gioan và Giacôbê được chứng kiến những biến cố quan trọng trong sứ vụ của Chúa Giêsu: Như khi Chúa cho con gái ông Giairô chết sống lại, sự biến hình của Chúa trên núi và cơn hấp hối của Chúa trong vườn Cây Dầu. Ông Phêrô là người có tính khí, nhiệt thành và thẳng thắn. Khi được Chúa Giêsu hỏi các tông đồ rằng các con nói Thầy là ai?Simon Phêrô đại diện các tông đồ và thưa rằngThầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16, 16). Trong hành trình theo Chúa, có những lúc ông cũng yếu đuối và yếu lòng tin, như khi đi trên mặt nước, vì sợ hãi thì ông bắt đầu chìm và ông đã xin Chúa cứu. Khi Chúa Giêsu nói về của ăn hằng sống là Thịt và Máu Chúa, một số môn đồ nghe thế, thấy chói tai và đã bỏ đi. Phêrô đã nhân danh các tông đồ còn lại biểu lộ lòng trung thành với Chúa Giêsu, ông đã thưa: Thưa Thầy, bỏ Thầy, chúng con biết theo ai? Thầy mới có lời ban sự sống đời đời.
          Tại bữa tiệc ly, khi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, lúc đầu Phêrô đã từ chối, nhưng sau đó đã để cho Thầy rửa chân và xin rửa cả người. Trước cuộc tử nạn, Phêrô cam đoan sống chết với Thầy, nhưng khi Thầy đã bị bắt, trong cơn hoảng sợ, ông đã chối Thầy ba lần. Sau khi đã an táng xác Chúa trong mồ, Phêrô và các bạn buồn sầu trở về nhà canh thức. Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria báo tin là xác Chúa đã bị mất, Phêrô và môn đệ mà Chúa yêu đã chạy ra mộ. Ông đã chứng kiến cảnh mồ trống và nhìn thấy các khăn liệm của Chúa còn đó, ông đã tin. Sau khi Chúa Kitô phục sinh, Phêrô đã dẫn đầu các tông đồ trong các cuộc tụ họp cầu nguyện. Chúa Giêsu đã trao quyền cho ông chăn dắt các chiên con, chiên mẹ, đã trao chìa khóa Nước Trời và Chúa hứa sẽ xây Hội Thánh của Chúa trên Phêrô: Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và cửa địa ngục sẽ không thắng được (Mt 16, 18).
          Sách Tông đồ Công Vụ đã thuật lại thuở Giáo Hội sơ khai, Phêrô giữ vai trò lãnh đạo: Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước trời. “Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”(Mt 16, 19)Phêrô thi hành chức vụ và chủ tọa việc bầu chọn một tông đồ thay thế Giuđa Iscariôt. Chủ tọa công đồng đầu tiên tại Giêrusalem. Khi đi rao giảng, Phêrô đã hăng say và nhiệt tình. Ông đã làm nhiều phép lạ nhân danh Chúa Kitô Phục sinh. Phêrô đã cai quản Hội Thánh trong khoảng 25 năm đầu. Theo truyền thống Công Giáo, Phêrô là Giám mục Rôma và là vị Giáo hoàng đầu tiên cai quản Giáo Hội.
         Theo tương truyền, khi Hoàng đế Nero bách hại giáo hữu, Phêrô quyết định đi khỏi Roma tìm nơi trú ẩn. Trên đường đi Appia, ông đã gặp Chúa Giêsu vác thánh giá đi vào thành. Phêrô hỏi: Lạy Thầy, Thầy đi đâu? Chúa đáp: Thầy vào thành để chịu đóng đinh một lần nữa. Phêrô hiểu ý đã trở về thành để tiếp tục sứ mệnh làm nhân chứng cho Chúa. Sau cùng, ông đã bị bắt và tống ngục. Khi bị giam trong ngục, một thiên sứ đã cứu ông ra khỏi ngục, nhưng rồi các nhà lãnh đạo lại bắt giam trở lại. Vì thấy không xứng đáng được chết như Thầy, ông xin được đóng đinh ngược đầu vào thập giá. Sau khi chết, thi hài của Phêrô được chôn táng trong một nghĩa trang gần đó và tin rằng chính nơi đây, Giáo hội đã xây Đền Thánh Phêrô trên đồi Vatican.
          Thánh Phaolô là người Do-thái, có tên là Saolô. Ông được sinh ra và lớn lên ở Tarsus, ngày nay là miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Saolô lớn lên và được giáo dục ở Giêrusalem với Thầy cả Gamaliel, thuộc nhóm Biệt Phái và có quốc tịch Rôma. Saolô rất nhiệt tâm và trung thành với đạo Do-thái Giáo. Muốn triệt hại đạo Kitô, Saolô đã xin tình nguyện lên đường đi truy nã và ruồng bắt những Kitô hữu đã tin theo Chúa Giêsu. Một hôm trên đường từ Giêrusalem tới Đamas để bắt bớ các Kitô hữu, ông đã bị một luồng sáng đánh ngã. Sau này, chính Phaolô đã thuật lại, khi ông bị ngã ngựa, thì có tiếng nói: Saolô, Saolô, sao người bắt bớ Ta? Tôi thưa lại: Ông là ai? Ta là Giêsu Nazareth ngươi đang tầm nã bắt bớ. Tôi hỏi: Bây giờ tôi phải làm gì?Ông chỗi dậy và người ta đã dẫn ông vào thành và được ông Anania cầu nguyện và mở mắt cho ông. Sau đó, Saolô đã lãnh chịu phép rửa tội và trở về Giêrusalem trong một con người mới hoàn toàn. Tên Saolô được đổi thành Phaolô.
         Phaolô là một tông đồ sinh sau đẻ muộn. Chúa Giêsu đã chọn Phaolô để sai ngài đi rao giảng Tin mừng cho dân ngoại. Cùng với Barnabê, Phaolô đến gặp thánh Phêrô và xin Giáo Hội cử phái đoàn đi rao giảng Tin mừng trong các miền phụ cận. Phaolô được ủy thác việc truyền giáo cho các dân ngoại. Ông đã cộng tác với Barnabê, Sila, Timôtêô, Titô và Luca trong các cuộc truyền giáo. Sách Tông Đồ Công Vụ đã tường thuật những bước đầu của Phaolô cùng với các cộng sự viên. Phaolô đã viết 12 thơ gởi cho các Giáo Đoàn và cá nhân. Một thơ gởi cho cộng đoàn Galata, một thơ gởi cho cộng đoàn Rôma, hai thơ gởi cho cộng đoàn Corintô và hai thơ gởi cho cộng đoàn Thessalônica. Có bốn thơ viết trong tù gởi cho các cộng đoàn: Colossê, Philipphê, Ephêsô và ông Philêmon. Ba thư riêng về mục vụ: Hai thơ viết cho giám mục Timôtêô và một thơ viết cho Titô.
         Người Do-thái thù ghét Phaolô vì nghe biết các việc truyền giáo ông đã thực hiện. Họ tìm cách loại trừ và triệt hạ ngài. Khi Phaolô về tới Giêrusalem, người ta đã bắt trói và tống ngục tại Xêsarê. Phaolô đã nại đến quyền công dân Rôma để được giải về Rôma xét xử. Tại Rôma, ông đã bị giam giữ và rồi được thả tự do. Phaolô rất can đảm làm nhân chứng cho Chúa Kitô, Ngài viết: Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin (2Tm 4, 7)Khoảng năm 64, khi Hoàng Đế Nerô bách hại đạo, Phaolô đã cùng chịu chung số phận với các Kitô hữu. Phaolô đã bị bắt, chịu gông cùm và chịu chém đầu. Xác ngài được an táng gần địa điểm hiện nay là Vương Cung Thánh Đường thánh Phaolô Ngoại Thành.
           Mừng lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta nhận thấy mỗi vị có ơn gọi riêng. Các ngài đều là những con người yếu đuối và phạm lỗi, nhưng với lòng trung tín, các ngài đã bù đắp những sự thiếu sót bằng chính cuộc sống gương mẫu và chịu đựng gian khổ vì danh Chúa cho đến chết. Các ngài là mẫu gương thực sự cho mỗi người chúng ta. Các ngài có yếu đuối, có lầm lỡ, nhưng đã biết ăn năn sám hối, quyết tâm sửa đổi và canh tân. Với ơn sủng của Chúa, hai ngài đã rao giảng Tin mừng một cách can đảm và không mệt mỏi hay chùn bước. Hai ngài đã trung kiên cho đến cùng và giữ vững đức tin.
          Thánh Phêrô và Phaolô là hai trụ cột kiên cố của Giáo Hội Công Giáo. Tại tòa thánh Vatican, trước điện có đặt hai tượng thánh Phêrô và thánh Phaolô. Qua bao nhiêu sóng gió, con thuyền Giáo Hội vẫn vững vàng trước các thử thách của trần đời. Phêrô tông đồ cả và Phaolô tông đồ dân ngoại, hai vị thánh đã bổ túc cho nhau để làm cho Hội Thánh sống động nhờ lời rao giảng của các ngài. Với tấm gương hy sinh và lòng nhiệt thành của các ngài, Giáo Hội có một nền móng vững chắc như xây trên đá tảng.

         Lạy Chúa, chúng con mừng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Xin cho chúng con được hiệp nhất nên một trong Chúa Kitô, để cùng mang tin mừng của Chúa đến cho mọi người.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

BẠN CÓ MUỐN BIẾT BẠN CÒN SỐNG ĐƯỢC BAO NHIÊU NĂM NỮA ?


Cũng theo ông Araujo rất nhiều người sau khi qua phương pháp thử nghiệm đã cố gắng thay đổi cách sinh hoạt qua việc ăn uống, vận động và tập luyện trong chừng mực của mình để gia tăng sự dẻo dai và sức mạnh nhằm kéo dài tuổi thọ hơn.
 Cali Today News - Nếu có một điều ai cũng muốn biết là mình sẽ sống được bao nhiêu lâu nữa, thường thì khó có câu trả lời. Tuy nhiên, một bác sĩ người Brazil là ông Claudio Gil Araujo đã khám phá ra một phương pháp thực nghiệm cách ngồi, đứng rất đơn giản và rất dễ dàng để nhanh chóng giúp cho mỗi người có thể đoán một cách khá chính xác số năm tháng còn lại của mình trên đời này. 

Phương pháp của ông Araujo dựa vào sự dẻo dai của cơ bắp, sự cân bằng tư thế và sự mạnh mẽ của cơ thể sau nhiều lần quan sát những bệnh nhân của ông, nhất là những người lớn tuổi gặp khó khăn khi đứng lên ngồi xuống hay khi phải cúi nhặt đồ vật rơi dưới đất. 

Vấn đề này không những nguy hiểm vì có thể gây té ngã mà còn liên quan đến sự tuần hoàn tim mạch. 
Từ nhận xét này ông Araujo cùng một số đồng nghiệp có sáng kiến thiết lập ra một thử nghiệm đơn giản không cần máy móc mà mọi người trên 50 tuổi đều có thể thực hành ở bất cứ nơi nào cùng với bạn bè hay tự mình, phương pháp này gọi là SRT (sitting-rise test). 

Bước đầu tiên là đứng thẳng giữa phòng và từ từ ngồi xuống một cách thoải mái trong tư thế tréo chân lại nhau mà không dùng đến đôi tay. Sau đó lại tự đứng thẳng lên mà không dùng tay vịn hoặc chống theo như trong hình kèm theo bài. Thang điểm để cho bài tập này là 10 điểm. 5 điểm cho phần ngồi xuống và 5 điểm cho phần đứng lên. Cứ mỗi khi phải dùng sử dụng đến đôi tay thì bị trừ một điểm và mỗi khi xiêu vẹo mất thăng bằng thì bị trừ nửa điểm. Bác sĩ Araujo áp dụng bài tập trên đối với 2,000 người trong độ tuổi từ 51 đến 80 và kết quả cho thấy đa số những người có điểm dưới 8 chỉ sống thêm khoảng 6 năm, người có điểm dưới 3 thì qua đời chẳng lâu sau đó. 

Nói chung cứ mỗi điểm đạt được qua thử nghiệm ngồi đứng tượng trưng cho 21% cơ hội giảm thiểu tính tử vong.

Tuy bài tập ứng dụng chính xác nhất đối với người ngoài 50 nhưng những người trẻ hơn cũng có thể tập qua để chắc chắn là mình đạt điểm tối đa đúng với độ tuổi của mình. 

Cũng theo ông Araujo rất nhiều người sau khi qua phương pháp thử nghiệm đã cố gắng thay đổi cách sinh hoạt qua việc ăn uống, vận động và tập luyện trong chừng mực của mình để gia tăng sự dẻo dai và sức mạnh nhằm kéo dài tuổi thọ hơn. 

Ông Araujo nói rằng bài tập này có tính cách thuyết phục các bệnh nhân của ông nhiều hơn là họ chỉ nghe ông khuyên bảo suông về việc tập thể dục và ăn uống lành mạnh. 

Phước An
(Theo Mother Nature Network)


Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

ĂN UỐNG CỦA NGƯỜI PHÁP


          Một người sành ăn uống rất nổi tiếng tên Brillat-Savarin nói: “Chỉ có người lịch sự tao nhã mới biết cách thưởng thức trong vấn đề ăn uống mà thôi” Nghĩa là: Ý thức và đánh giá đúng mức chất lượng và cách trình bày trên bàn ăn.
          Niềm vui được họp mặt với nhau là góp phần làm cho bữa ăn trở thành đặc biệt, cho dù là buổi ăn thường hay là buổi ăn tiếp tân. Trong bữa ăn thân mật giữa bạn bè trong gia đình người Pháp, bàn ăn của họ luôn luôn được trải khăn bàn. Khi họ xếp ly, đĩa, dao, nĩa trên bàn, mỗi người ngồi chiếm khoảng 60 cm.



         Trên bàn để lọ muối, tiêu, nhỏ, và bình nước, nhưng không bao giờ để chai dầu, dấm và tăm xỉa răng. Trong bữa ăn trịnh trọng những lọ tiêu, muối, bình nước, bánh mì được để trên một cái bàn đẩy nhỏ có bánh xe để kế bên.  
         Trước  khi ăn phải rửa tay. Khăn nhỏ của khách dùng trong bữa ăn, xếp lại hình tam giác để trong đĩa, hoặc hình chữ nhật để bên trái, không bao giờ người Pháp xếp khăn hình cánh quạt để trong ly. Trên bàn trang trí một bình hoa đơn giản tránh có mùi thơm.
          Người Pháp trong lúc ăn rất kỵ nhai có tiếng kêu, và họ rất ý tứ không bẻ bánh mì chấm trực tiếp vào “sốt” bằng tay, mà chỉ dùng bằng nĩa mới đúng cách ăn. Bánh mì được bẻ ra từng miếng nhỏ trước khi đưa lên miệng (ăn tới đâu bẻ tới đó) không cắn, bứt ra bằng miệng (họ cũng không bẻ sẵn ba, bốn miếng nhỏ để đó) cũng không cắt nhỏ bằng dao, bánh mì là món ăn phụ trong buổi ăn chính. Các bạn đến Paris vào nhà hàng Tây, thói thường, hầu bàn đem ra đĩa bánh mì trước, bạn lỡ đói bụng cũng không nên lấy bánh mì ăn trước mà hãy chờ món chính dọn ra. 
          Điều cấm kỵ của dân Pháp là sau khi ăn xong, xỉa răng và ợ trước mặt người khác. 


          Trong bữa ăn thân mật, có vài thông lệ đơn giản của người Pháp. 
           Nhập tiệc, chủ nhà ngồi trước rồi mời nữ giới, bắt đầu bằng những người lớn tuổi hay là người có chức vụ, rồi mới đến nam giới. Người đàn bà có gia đình ưu tiên hơn người đàn bà độc thân, trừ khi người này lớn tuổi, ngòai ra người con dâu được ưu tiên hơn con gái ruột. Những đứa trẻ được phục vụ sau cùng. Khi họ ngồi trọn vẹn trong ghế dựa, tư thế thẳng, tự nhiên rất thoải mái, không bao giờ họ ngồi trên ghế trong tư thế một nửa. Trong bàn ăn, hai bàn tay họ đặt kế bên đĩa, ngồi thẳng lưng, họ không dựa hai cùi cỏ trên bàn, cũng không khoanh tay để trên bàn. Khăn lau miệng đặt trên đầu gối chỉ mở phân nửa. Không bao giờ quấn khăn vào cổ.
             Uống nước người Pháp cũng điệu lắm ! Trước khi họ uống nước, bạn để ý họ chùi môi một cách tế nhị cũng như sau vài miếng ăn, điều cấm kỵ của họ là chùi miệng bằng lưng bàn tay. 
             Lúc cầm dao, nĩa, muỗng,  cầm giữa cán và không bao giờ cầm thẳng đứng đầu nhọn chĩa lên trời ( cầm ngang). 
            Cầm dao luôn luôn bằng tay mặt, và nĩa cầm tay trái. Không bao giờ lấy dao ghim thịt đưa trực tiếp lên miệng. 
           Cầm ly, hoặc cầm đĩa, họ cũng tránh ngón tay út để vểnh lên trời (tây cho đó là một cử chỉ trưởng gỉa học làm sang) 
           Tập tục ăn uống của người Pháp với dao, nĩa, muỗng, đĩa, ly cá nhân có từ giữa thế kỷ 16, vì trước đó, nhiều người ăn chung trong một tô lớn, không có muỗng, nĩa, chỉ có dao thôi, mỗi người lại ăn phải mang theo con dao của mình, và trước khi ăn tráng miệng phải rửa tay.
           Trong trường hợp thức ăn khó ghim, nĩa có thể được chuyển qua tay mặt. Khi còn lại ít súp trong đĩa, họ không bao giờ nghiêng đĩa để múc cho hết những muỗng chót. 
           Khi ăn các loại nghêu, sò, trừ trường hợp thân mật trong nhà, còn ăn ở tiệm họ không đưa con sò lên miệng đẻ hút nước cốt sò, chỉ nên dùng nĩa ghim một mẫu bánh mì nhỏ để thấm nước cốt. 
           Khi uống rượu, người Pháp cũng không bao giờ cạn ly một hơi (100%) mà nhâm nhi từ từ để thưởng thức hương vị của rượu. 
           Bạn để ý, người sành điệu họ không cầm dưới chân ly, mà cũng không cầm đầu ly mà chỉ cầm giữa ly. 
          Thông lệ thì người phụ nữ không nên tự rót rượu cho mình mà để người đàn ông ngồi kế lo chuyện đó. Đây là một tục lệ của ngày xưa, nhưng bây giờ trong những buổi ăn bình thường và thân mật, người phụ nữ có thể tự rót nước và rượu cho mình. 
          Khi ăn xong, tất cả dao, nĩa, muỗng gom lại để song song trong đĩa, mũi nhọn chĩa xuống phía thấp của đĩa, lưỡi dao để vào trong phía mình, không bao giờ để dao nĩa chéo nhau. 
          Khăn nhỏ dùng lau miệng, ăn xong để bên phải, không nên thắt nút cũng không nên xếp lại (nhắc lại là : trước khi ăn, khăn nhỏ để bên trái, sau khi ăn, khăn để lại bên phải) 
          Là khách mời, nếu họ xếp khăn lại như cũ, điều này có nghĩa là muốn gợi ý để được mời vào bữa ăn kế tiếp. 

           Món tráng miệng của người Pháp thường là món “phó mát” được dọn ra trên một khay bằng gỗ, bằng mây đan hay bằng thủy tinh với một con dao, đầu mũi dao nhọn cong xuống để ghim lấy miếng “phó mát” khi được cắt xong. Thường thuờng trên khay “phó mát” ít khi người Pháp để chung bơ vào, nhưng cũng không phải là điều cấm kỵ, đôi khi vẫn có người để miếng bơ chung với “phó mát”. Vì là một loại tráng miệng nên khay “phó mát” có đủ loại xuất hiện vào phút chót. 
          Cuối bữa ăn, tách cà phê không bao giờ được dọn lên bàn ăn, mà chỉ dọn ra nơi phòng khách. Chủ nhà mời cà phê khách, cũng không bao giờ để muỗng sẵn trong ly cà phê. Khi cầm tách cà phê, người khách được mời, cầm đĩa ở dưới với tay trái, tách cà phê tay phải. Sau màn cà phê, nước trái cây được đem ra, đó là dấu hiệu cho biết đến lúc chuẩn bị để chia tay . 

         Còn bữa ăn tiếp tân của những nhân vật quan trọng thì sao?  Nó cũng tương tự nhưng hơi khác một tí về sự đòi hỏi thêm của chiếc khăn nhỏ phù hợp màu sắc của khăn bàn. Một bữa ăn trang trọng đòi hỏi như hồi xa xưa, khăn trải bàn trắng và những khăn nhỏ cho khách cũng màu trắng. Trong những bữa ăn quan trọng của các chính khách, khăn bàn chỉ được dùng một lần nên không cần đồ gác dao, nĩa. (truyền thống này được giữ). 
           Trong bàn có ba lọai dĩa: Lọai đĩa thứ nhất lõm nhiều, dùng để ăn súp, loại đĩa thứ nhì bằng phẳng, dùng để ăn món khai vị và những món chính, loại đĩa thứ ba cũng bằng phẳng nhưng nhỏ hơn, dùng để ăn phó mát và thức ăn tráng miệng. Thường thường những đĩa này hình tròn, nhưng bây giờ người ta có những hình dáng khác biệt, mới hơn. Đĩa lõm ăn món súp luôn luôn để trên đĩa bằng. Đối với bữa ăn tiếp tân quan trọng, không bao giờ để chồng lên nhau quá ba đĩa . 
            Trong những bữa ăn trịnh trọng cần tối thiểu một đến hai người hầu bàn. Người hầu bàn phải ăn mặc sạch sẽ. Phụ nữ mang yếm trắng, váy đen, chemise trắng, còn đàn ông mặc áo veste trắng, quần đen, họ phải giữ im lặng lúc hầu bàn. Tay mặt để sau lưng, họ xử dụng tay trái đem đĩa thức ăn trên một cái khăn, đến phía bên trái của mỗi thực khách, nhưng lúc dọn dẹp dao, nĩa trên bàn thì phía bên tay phải khách, cho nên người sành điệu ăn uống, họ biết người hầu bàn sắp đến bên trái hoặc bên phải của họ tùy lúc đem đĩa đến hay dọn đĩa đi. Món ăn nóng được dọn trên những đĩa được hấp nóng trước. Chai rượu chát khi mời khách, anh hầu bàn phải cầm ngay ở giữa chai để rót, không bao giờ cầm đầu chai hoặc đáy chai. Rót rượu một cách chậm rãi, nhẹ nhàng không tiếng động, và miệng chai phải kề gần sát ly; ly rượu không bao giờ được đổ đầy (để ly rượu được tỏa hương). Khi rót xong, anh ta xoay chai rượu một vòng với cổ tay để tránh giọt rượu cuối rơi xuống khăn bàn, và nếu là rượu qúi, anh ta sẽ thì thầm bên tai người thực khách tên rượu và năm tuổi của rượu, để cho người thực khách ý thức hơn khi thưởng thức. (nên nhớ hầu bàn chỉ phục vụ rượu, còn nước uống khách phải tự rót lấy) Trước khi uống rượu đỏ, mở nút chai rượu ra trước khoảng 30 phút để hòa nhiệt độ rượu với nhiệt độ không khí thì lúc đó rượu mới tỏa ra tất cả hương vị của nó. Nhiệt độ lúc mở giữa 15 và 18 độ C,  tránh để rượu đỏ bên lò sưởi lúc mở ra. Rượu nho trắng thường được uống lạnh. Còn những chai rượu chát đỏ ngon, có tuổi già, phải mở nút hai giờ trước khi uống.  Không bao giờ pha nước hoặc bỏ nước đá cục vào ly rượu chát đỏ. 
              Trong những bữa ăn trịnh trọng, ly nước được rót trước khi khách vào ngồi. Người sành điệu dùng mỗi món ăn, một loại rượu chát đỏ khác nhau. Nói chung rượu chát đỏ, chẳng hạn như Bordeaux thường dùng kèm với thịt đỏ, tùy theo loại thịt mà dùng rượu với nồng độ khác nhau. Không bao giờ uống rượu đỏ với artichaut hay với nghêu, sò. Họ không uống rượu trắng có vị ngọt (doux) (vin blanc liqueur) khi dùng món cá và đồ biển mà phải uống rượu chát trắng loại không ngọt (sec) rất lạnh (giữ lạnh giữa 5 và 8 độ C). Trong khi dùng món caviar (trứng cá) hay cá saumon xấy khô bằng khói thì được dùng với rượu vodka (rượu đế của Nga cũng mạnh như rượu đế VN) . Còn champgne được uống lúc khai vị dùng cho tất cả trong các buổi tiệc, và phải được ướp lạnh trong một sô đá cục chung quanh, cổ chai được quấn một khăn trắng. Bạn có biết tại sao không ? Để thấm những giọt rượu dư khỏi rơi xuống bàn.                      Khách không cầm ly để người hầu bàn rót rượu, mà phải để ly trên bàn, khi rót xong mới cầm lên. Người Pháp rất lịch sự không bao giờ rời bàn với ly rượu còn đầy hoặc còn phân nửa. 
          Thực đơn và bảng ghi tên những thực khách tham dự chỉ dành cho những buổi ăn quan trọng mà thôi. Bảng ghi tên từng thực khách được để gần các ly. Ly để dùng trong bàn tiệc, tối thiểu hai ly cho một người, một để uống rượu và một để uống nước. Còn buổi tiệc quan trọng thì ba ly. Ly được đặt theo thứ tự, từ trái qua phải, từ lớn đến nhỏ (ly để uống nước lớn hơn ly rượu đỏ, ly rượu đỏ lớn hơn ly rượu trắng) Ly nước đặt đầu tiên, kế đến là ly rượu chát đỏ, sau đó là ly rượu chát trắng, uống rượu champagne là một ly khác nữa(nếu có) thì để sau cùng….Có những loại nĩa để dùng khi ăn  cá hay thịt. Lọai nĩa nhỏ hơn dùng để ăn món cá, chỉ có ba răng cưa thôi, nằm bên trái hàng đầu, loại nĩa bình thường dùng để ăn thịt cũng nằm bên tay trái kế bên cạnh đĩa, còn dao để cắt cá, lưỡi dao mỏng bề ngang dẹp, nhưng ngắn hơn lọai dao bình thường luôn luôn cùng với muỗng nằm bên tay mặt. 
           Để đạt được phong cách như một người Pháp sành điệu trong vấn đề ăn uống là cả một nghệ thuật. 

Bích Xuân

(Nguồn : vanhoaphap.com)

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

KHÁM PHÁ NHỮNG QUY TẮC TRÊN BÀN ĂN CỦA CÁC NƯỚC CHÂU Á

                              Khám phá những quy tắc trên bàn ăn của các nước Châu Á 1
             Ẩm thực không chỉ bao gồm các món ngon vật lạ cùng kĩ thuật nấu nướng khéo léo tinh tế. Thế giới ẩm thực còn tồn tại một mảng, thường ít được chú ý hơn, nhưng kì thực rất quan trọng, đó chính là các quy tắc trên bàn ăn. Các nước Châu Á dù có nhiều điểm tương đồng trong món ăn, nhưng ở mỗi nước, cách thưởng thức món ăn lại ẩn chứa những thông điệp và ý nghĩa vô cùng khác biệt.

Ấn Độ

           Dù nằm trong Châu Á, nhưng thực chất Ấn Độ với nguồn gốc Nam Á của mình lại sở hữu một nền văn hóa ẩm thực rất khác lạ so với Việt Nam và các quốc gia Đông Bắc Á khác. Một trong những điều lạ và điển hình nhất của ẩm thực Ấn chính là thói quen ăn bốc. Người Ấn không sử dụng dao, nĩa, thìa hay dụng cụ đặc trưng của các nước Châu Á là đũa, họ để thức ăn lên đĩa, cầm đĩa bằng tay trái và bốc ăn bằng tay phải. Quy tắc hai bàn tay này là quy tắc nghiêm ngặt trong ẩm thực Ấn, tới mức người thuận tay trái khi ăn cũng sẽ dùng tay phải, và cả những món có dạng lỏng như cà ri cũng sẽ ăn bằng tay.

            Tại sao lại có phong tục kì lạ đó? Bỏ qua những nhận xét chủ quan rằng tục ăn bốc là sự mất vệ sinh, kém văn minh,... thói quen này của người Ấn cần phải được nhìn nhận trên chính phong nền văn hóa của riêng họ. Bị ảnh hưởng bởi tôn giáo chính là Phật giáo cùng Hồi giáo, người Ấn hình thành quan niệm sùng bái tự nhiên và cho rằng thức ăn - đồ uống do đấng tối cao trao cho - phải được đón lấy bằng tay trần, như một cách thể hiện sự thành kính. Bản thân những đất nước có nguồn gốc Hồi giáo như Indonesia cũng có tục ăn bốc này. Và quan niệm "vệ sinh" của người Ấn cũng khác hẳn chúng ta: Ăn bằng tay vẫn được coi là sạch sẽ, song cầm thức ăn bằng tay trái là điều cấm kị, bởi tay trái là đại diện cho "cái ác" gồm những yếu tố tiêu cực, xấu xa và nhơ bẩn, còn tay phải đại diện cho "cái thiện" với tính chất đúng đắn, công lý và cao khiết.
Khám phá những quy tắc trên bàn ăn của các nước Châu Á 2
Tới Ấn Độ, bạn nhớ phải ăn bằng tay phải nhé!

Trung Quốc

            Là cái nôi của văn hóa Hán tự, khởi nguồn cho toàn bộ nền văn hóa Đông Bắc Á và cũng là một trong những nền ẩm thực lớn nhất thế giới, ẩm thực Trung Hoa bao hàm cả những phép tắc quả thực không đơn giản chút nào. Ở Trung Quốc, bữa ăn luôn được chia ra thành nhiều hình thức khác nhau: điểm tâm (dimsum), tiệc trà, tiệc bàn tròn,... Tuy nhiên, các bữa ăn này vẫn chia sẻ với nhau một điểm chung đó chính là cách bày trí bát đĩa "Lazy Susan", hay còn gọi là bàn xoay.
Khám phá những quy tắc trên bàn ăn của các nước Châu Á 3
             Đây là kiểu bố trí bát đĩa phổ biến được áp dụng hầu hết mọi bữa ăn và trong mọi hoàn cảnh: Ở giữa bàn thường có một bộ trà nhỏ, xung quanh là bát sứ với đũa đặt bên phải, và tuyệt nhiên phải có đồ kê đũa cũng bằng sứ. Thức ăn được đặt trên một mặt phẳng hình tròn có trục xoay ở giữa, người ăn chung qua chỉ cần xoay nhẹ tay là món ăn mình muốn đã hiện ra trước mặt. Ý tưởng này vốn phát sinh từ những bộ tiệc xa hoa, hoành tráng đậm chất cung đình, giúp thực khách có thể dễ dàng thưởng thức các đĩa thức ăn dù chúng ở xa hay gần.Ngoài việc làm quen với bàn ăn tròn, khi tới Trung Quốc , bạn còn cần bỏ túi không ít những quy tắc ăn uống khác: Trừ món súp hoặc canh, các món ăn khác luôn luôn phải được ăn bằng đũa; tuyệt đối không hút thuốc trong bàn ăn; chỗ ngồi trong bữa ăn phải dựa vào sắp xếp của gia chủ, khách không được ngồi tùy tiện,... Như vậy mới biết để thưởng thức một trong những nền ẩm thực vĩ đại nhất thế giới quả không dễ chút nào nhỉ!

Nhật Bản

           So với Trung Quốc, ẩm thực Nhật Bản tuy không khoác lên mình vẻ ngoài rực rỡ và xa hoa, song cũng rất đặc biệt nhờ vẻ tinh tế, tỉ mỉ, cùng tính thẩm mĩ cao. Để thưởng thức món ăn Nhật đúng chuẩn, thực khách cần phải chú ý tới từng chi tiết nhỏ. Thứ nhất, bạn đừng ngạc nhiên nếu thức ăn trên đĩa thường rất ít, bởi người Nhật quan niệm không có gì là chính là phụ, mọi thứ đều tương liên và cân bằng với nhau. Do đó, không chỉ có món ăn đẹp mắt mà chính những họa tiết trang trí trên bát đĩa cũng phải được hiển lộ, bằng việc không để đầy thực phẩm lên trên.
Khám phá những quy tắc trên bàn ăn của các nước Châu Á 4
            Thứ hai, trong bữa ăn không thể quên lời mời "Itadakimasu" trước khi ăn và "Gochiso sama deshita" sau khi ăn (cả 2 đều mang ý nghĩa cảm ơn vì bữa ăn ngon). Thứ ba, người Nhật rất trọng "không gian riêng" trong bữa ăn. Mỗi người đều tự cầm bát và luôn hướng đũa về phía mình, không để bát hay tựa cùi chỏ lên bàn tức "không gian chung". Với món ăn "quốc hồn quốc túy" là sushi, danh sách những quy tắc cần phải nhớ lại càng dài thêm: Không gỡ nhân ra khỏi cơm, không chấm phần cơm vào xì dầu và wasabi mà chỉ chấm phần cá hoặc tôm. Thậm chí, ở một số nhà hàng sushi cao cấp, đầu bếp sẽ tự phết một lượng vừa đủ wasabi lên sushi cho bạn và bạn không được "tự ý" nêm nếm gì thêm sau đó.
Khám phá những quy tắc trên bàn ăn của các nước Châu Á 5
Ăn sushi cũng rất mệt đó nha!

Hàn Quốc

           Một trong những đặc điểm lớn nhất của văn hóa Hàn Quốc chính là phép tắc trên dưới. Người Hàn cực kì coi trọng thứ bậc trong xã hội, và cũng giống như việc coi trọng kính ngữ, một khi đã ngồi vào bàn ăn của người Hàn thì bạn phải nhớ một loạt những quy tắc "kinh trên nhường dưới". Như việc rót đồ uống, bạn phải tuân thủ các điều sau: Người ta thường chuyền tay nhau cùng thưởng thức chung một ly rượu, nếu ai đó đưa bạn ly rượu không, bạn cũng đừng ngạc nhiên mà phải chờ họ rót đầy lại cho bạn. Người trẻ tuổi luôn phải mời rượu người lớn tuổi trước, và khi người lớn tuổi chuyền ly cho người trẻ tuổi, họ phải nhận bằng hai tay và quay mặt đi chỗ khác để uống. Điều này được coi là phép lịch sự và lễ độ cơ bản nhất trong ăn uống ở Hàn.
Khám phá những quy tắc trên bàn ăn của các nước Châu Á 6
              Ngoài ra, một bữa ăn của người Hàn thường rất đa dạng về chủng loại: bữa ăn bao gồm các món hấp, món nướng, món xào, món khô, món nước,... Vì thế, bạn phải nhớ cách ăn đúng chuẩn cho từng loại, như thìa chỉ dành riêng để ăn cơm và đũa để ăn các món khác. Hãy chú ý tới việc cùng chia sẻ thức ăn với người khác thông qua những chiếc nồi lớn đặt giữa bàn, bởi người Hàn tin rằng việc san sẻ này sẽ giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.

Việt Nam

            Ở Việt Nam, các quy tắc bàn ăn trở thành một đề tài cực kì thú vị. Bởi nó có thể vừa phức tạp rắc rối, lại vừa đơn giản đến mức "qua loa". Việt Nam là đất nước đã tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau, vì thế phong cách bàn ăn ở nước ta cũng rất đa dạng phong phú: Có những món ăn vẫn phải cầm tay như gỏi, cuốn,...và có những món ăn phải dùng thìa, đũa, dao, nĩa, có những địa phương vẫn duy trì tục mời cơm theo thứ tự trên dưới như miền Bắc, có những nơi lại ăn uống thoải mái như miền Nam.
Khám phá những quy tắc trên bàn ăn của các nước Châu Á 7
               Tuy nhiên, không phải phong cách thưởng thức ẩm thực của Việt Nam chỉ là sự góp nhặt mà thiếu đi cá tính riêng. Chính trong bữa ăn hàng ngày của người Việt đã thể hiện một lối ăn uống giản dị mà tinh tế, đơn sơ mà ý nghĩa. Trên bàn ăn Việt Nam, nguồn tinh bột quan trọng nhất là cơm sẽ luôn được đặt đầu bàn, nơi người lớn tuổi nhất trong nhà vẫn ngồi (và thường là phụ nữ như bà hoặc mẹ), thể hiện dấu ấn rõ nét của chế độ mẫu hệ đặc trưng ở nước ta. Mọi người thường quay quần bên mâm cơm chung như một quy tắc bất di bất dịch, và khác với Nhật Bản chú trọng sự riêng tư và kín đáo trong bữa ăn, người Việt ưa chuyện trò và trao đổi về mọi thứ diễn ra trong ngày trên chính bàn ăn của mình. Tính chất cởi mở, phóng khoáng và nồng hậu của vùng văn minh lúa nước đều thể hiện rõ qua những bữa ăn giản dị ngày nào cũng có như vậy.
            Đúng như câu nói: "Khi ở Rome, phải làm theo người Rome", phép cư xử nói chung và cung cách ẩm thực nói riêng không phải là một giá trị bất biến. Ở mỗi vùng đất khác nhau, đi cùng với phông nền văn hóa đặc trưng lại có những chuẩn mực, nguyên tắc riêng trong việc ăn uống. Tìm hiểu và học theo những nguyên tắc này không chỉ giúp ích cho bạn khi du lịch hay học tập ở nước ngoài, mà trên hết, nó giúp chúng ta học tập và hiểu biết thêm về những tập tục văn hóa của các nền ẩm thực trên thế giới.
(Nguồn: tapchi.guy.vn)

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

VĂN HÓA DÙNG ĐŨA CỦA NGƯỜI NHẬT

Văn hóa dùng đũa của người Nhật Bản

Người phương Tây dùng dao dĩa, người phương Đông dùng đũa. Nhật Bản cũng là một trong những nước dùng đũa trong bữa ăn. Cùng tìm hiểu những nét đặc trưng trong văn hóa dùng đũa của người Nhật Bản nhé!

Nhận xét về văn hoá ăn, có nhà nghiên cứu đã nói: Phương Đông ăn kiểu chim, phương Tây ăn kiểu thú”. Ấy là nói về việc đa số người Phương Tây sử dụng dao, thìa, dĩa… để cắt xé thức ăn (giống như các loài thú thường hay dùng móng vuốt để xé nhỏ con mồi) trong khi đó người Phương Đông thường sử dụng đũa để gắp và và thức ăn (giống như các loài chim dùng mỏ của nó). Vì thế trong ăn uống, người Phương Tây có văn hoá dùng thìa dĩa thì người Phương Đông có văn hoá dùng đũa.
Như các nước thuộc nền văn hoá Phương Đông, người Nhật Bản cũng thường sử dụng đũa để và và gắp thức ăn trong các bữa ăn hàng ngày. Tuy vậy ở mỗi nước văn hoá dùng đũa lại có những nét chung và riêng. Ở Nhật Bản, đũa cũng có thể làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như tre, gỗ, sừng, sắt…nhưng ở mỗi chất liệu, đôi đũa lại mang trong mình một giá trị khác.
Xa xưa, đôi đũa bằng ngà voi chắc chắn có giá trị hơn so với đôi đũa gỗ, tre… đôi đũa sắt chỉ là sản phẩm xuất hiện khi trình độ kỹ thuật của con người có một bước “nhảy vọt” đáng kể. Trong quá trình giao lưu văn hóa với người Trung Quốc, các nhà buôn, các sư sãi đã du nhập đũa vào Nhật Bản. Người Nhật bắt đầu sử dụng đũa trong cung đình sau đó lan ra các gia đình quan lại giàu có vào khoảng thời gian từ năm 710 đến 794 (Thời kỳ Nara trong lịch sử Nhật Bản). Đũa trong cung đình Nhật Bản lúc đó có sự phân biệt đẳng cấp rõ ràng. Đũa của vua và những người thuộc hoàng tộc thì ngắn. Đũa của các quan lại dài hơn. Khoảng thời gian từ 1185 trở đi, đũa được dùng phổ biến trong đời sống nhân dân Nhật Bản nhưng quan niệm đũa dài, ngắn trong dân gian thì ngược lại với cung đình. Đũa của cha mẹ phải dài hơn đũa của con cái. Đũa của chồng dài hơn đũa của vợ đũa của anh dài hơn đũa của em.
Thời xưa muốn chứng tỏ mình thuộc tầng lớp “quyền quý”, vua, quan và những người giàu có thường dùng đũa một lần sau đó đem vứt đi và dần dần tục lệ này cũng trở nên phổ biến trong đời sống người thường dân. Cũng từ 1185 trở đi, mỗi năm vào thời điểm cấy lúa (mùa xuân) và dịp thu hoạch lúa (mùa thu) người dân Nhật lại có phong tục thay đũa mới. Họ quyết định lấy ngày 4- 8 làm “ngày hội đũa” trên toàn quốc. Số 4 trong tiếng Nhật phát âm là Si (Shi), số 8 phát âm là Hachi (Hachi) mà HaShi lại là đôi đũa nên ngày 4-8 được gọi là ngày hội đũa. Ngày nay, ở Nhật Bản trưng bày rất nhiều loại đũa bằng các chất liệu, màu sắc khác nhau. Ở không ít gia đình có tục lệ thay đổi đũa mới trong ngày hội đũa.
So với đũa Trung Quốc, Việt Nam… đũa Nhật Bản làm bằng gỗ, ngắn hơn và dễ sử dụng hơn. Theo quan điểm của Richard Bowring (người Anh), một nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Nhật Bản cho rằng: “Đũa Trung Quốc dài và hơi to quá nên khó sử dụng”. Dưới con mắt người Nhật, đôi đũa có giá trị hơn khi nó trở thành chủ đề thẩm mỹ học gắn nhiều với phong tục, tập quán. Ở Nhật Bản, một món ăn truyền thống, nổi tiếng là món Sashimi sẽ dễ bị hỏng nếu như người Nhật sử dụng các dụng cụ ăn bằng kim loại như dao, dĩa… theo kiểu người phương Tây.
Trên bàn ăn người Nhật dùng một đôi đũa chung để gắp thức ăn vào bát của riêng mình. Nếu không có đôi đũa chung, họ phải trở đầu đũa ăn của mình để gắp thức ăn sau đó trở lại đầu đũa cũ để ăn. Đây không đơn thuần là vấn đề vệ sinh mà còn gắn với phong tục: trong tang lễ Nhật Bản, người thân phải dùng đũa gắp xương ngừơi đã khuất sau khi hỏa táng và chuyền cho nhau.
Ngoài ra, họ còn tránh dùng đũa gắp thức ăn đã bị rơi, không cắm đũa vào bát cơm vì nó gợi lên hình ảnh chết chóc. Điều thú vị hơn cả là người đi cắm trại, đi picnic nhất thiết không được quên tục lệ: đôi đũa dùng xong phải bẻ đôi tránh ma quỷ tận dụng những đôi đũa đó làm điều xấu, điều ác.
Người Nhật ngày nay cũng như người Trung Quốc, người Việt Nam ăn xong sẽ rửa sạch đũa để dùng lại. Ở mỗi gia đình, mỗi ngừơi có một đôi đũa riêng, khách đến nhà sau khi dùng xong bữa thì đũa của họ ăn gia chủ sẽ vứt đi – biểu hiển sự trong sạch của người dân xứ sở Mặt trời mọc.
Người Nhật Bản rất cầu kỳ trong ăn uống, trong việc chế biến, nấu nướng các món ăn cũng như sử dụng các vật dụng ăn uống. Nếu bạn thực sự muốn tìm hiểu nét văn hoá đặc sắc này của Nhật thì bạn có thể đến các nhà hàng Nhật Bản, nơi đó có những món ăn đẹp mắt, độc đáo đựng trong những chiếc bát, chiếc đĩa… rất xinh xắn có nguồn gốc “made in Japan” đấy.
 (Nguồn : gaolut.vn)

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

ĐÔI ĐŨA VÀ MÂM CƠM TRONG VĂN HÓA VIỆT



Thời nay dân Âu Mỹ đi ăn nhà hàng Á Đông đã bắt đầu dùng đũa càng ngày càng nhiều. Người Việt Nam đều dùng đũa trong mỗi bữa ăn nhưng có mấy người hiểu đưọc ý nghĩa của đôi đũa và mâm cơm? Không biết dân Việt dùng đũa từ bao giờ nhưng qua đôi đũa và mâm cơm chắc chắn tổ tiên chúng ta đã gửi gắm một triết lý sống cho con cháu nhớ đến đạo nhà.

A. Đôi đũa tượng trưng cho đạo vợ chồng
Có 5 điểm cần tìm hiểu:
1. Hai chiếc đũa ngang bằng.
Hai chiếc đũa có thể so lệch chút đỉnh nhưng nếu một chiếc quá dài với chiếc quá ngắn thì làm sao gắp được thức ăn hay và được cơm. Vợ chồng cũng thế, muốn ăn đời ở kiếp và có hạnh phúc tối đa, phải tương xứng nghĩa là ngang bằng về mọi mặt từ vật chất đến tinh thần nhất là thời nay giữa hai người nếu có sự cách biệt quá xa thì trong nhà không thể yên ấm. Hãy tưởng tượng một cặp mà vợ quá cao chồng quá thấp hay chồng lịch sự cao sang gặp người vợ ăn nói cộc cằn thô lỗ thì sẽ xẩy ra chuyện gì?
2. Hai chiếc đũa phải thẳng.
Không thể một chiếc thẳng một chiếc cong hay hai chiếc cùng cong thì làm sao gắp được đồ ăn. Vợ chồng cũng vậy, ra ngoài xã hội có thể quay quắt đảo điên nhưng ở trong nhà sống với nhau phải tuyệt đối thật thà ngay thẳng.
3. Vợ chồng như đũa có đôi.
Ăn cơm với một chiếc đũa thật là khó khăn. Đũa có đôi nhắc ta ý nghĩa vợ chồng tương trợ thuận hòa. Ngày xưa, vợ lo việc nhà thì chồng lo việc xã hội; ngày nay , vợ nấu ăn thì chồng rửa chén, tuy hai mà một trên thuận dưới hòa.
4. Đôi đũa cùng một chất liệu.
Điều này khuyên vợ chồng nên cùng chung văn hóa. Á nặng tình, Âu Mỹ nặng lý nên Âu Á khó hòa hợp ví như chiếc đũa ngà đặt bên chiếc đũa tre thấy thật không tương đồng. Làm sao có hạnh phúc nếu hai vợ chồng người phật giáo người công giáo suốt ngày bênh vực đạo mình là chính thống hay người sống đa cảm ưa tình nghĩa với người mở miệng là tính toán đến lợi và danh.
5. Đôi đũa đa dụng.
Chỉ một đôi đũa mà thay cho cả ba thứ dao, nĩa và muỗng; biết lúc nào gắp thức ăn thay nĩa, lúc nào và hột cơm thay muỗng, lúc nào xắt miếng thịt thay dao. Người Việt được tiếng là thông minh tháo vát phải chăng nhờ dùng đũa hàng ngày?

doi-dua-va-mam-com-300x250
B. Mâm cơm chỉ đạo nhà.
Trong bữa ăn, ông bà cha mẹ con cái ngồi quanh mâm cơm hình tròn, trên đặt các món ăn giữa là chén nước mắm. Thức ăn chính ngoài cơm thường là một tô canh, một đĩa rau luộc và một món mặn; sang hơn thì thêm một vài món chiên sào. Xới cơm từ nồi dùng đũa cả để ăn bằng đũa con. Trước khi ăn, người dưới phải mời cơm người trên và chờ khi người trên ăn rồi mình mới ăn. Các điều trên cho ta những ý nghĩa sau đây:
Quây quần quanh mâm cơm là đùm bọc trên dưới một lòng vì đoàn kết là sống chia rẽ là chết. Mâm tròn là sống tròn đầy tình nghĩa. Nước mắm đã mặn lại còn thêm một món mặn là ăn ở cốt yếu phải mặn mà, anh em như thể tay chân, chị ngã em nâng.
2. Riêng chung, lễ giáo, kỷ cương.
Món ăn là của chung cả nhà mà cũng là của riêng từng người, tuy riêng chung lẫn lộn nhưng còn lễ giáo vì “ăn trông nồi ngồi trông hướng”, con cháu có muốn ăn cũng ngó cha ông ăn trước rồi mình mới ăn còn cha ông thường chỉ gắp lấy lệ rồi nhường món ngon cho con cháu. Trên biết nhường và hy sinh, dưới biết nhịn và lễ độ. Mâm tròn còn tượng trưng tinh thần bình đẳng vì mỗi vị trí trên vòng tròn đều ngang nhau, không có chỗ trên chỗ dưới chỗ trước chỗ sau. Tuy nhiên, có bình đẳng nhưng vẫn lớp lang như đũa cả đũa con và nơi ngồi đầu nồi là chỗ người mẹ với tính cách phục vụ lo cơm nước cho chồng con nhưng cũng nói lên vai trò của người cầm cương nẩy mực trong gia đình. Ở nhà, cha là chính nhưng chỉ có danh chứ thực quyền là nơi mẹ vì bà là nội tướng và “lệnh ông không bằng cồng bà”.
3. Sống khỏe sống vui.
Trong thời văn minh vật chất hiện đại, con người ăn uống quá nhiều chất bổ dưỡng lại vận động quá ít nên sinh lắm bệnh tật. Nhiều người phải nhịn ăn hoặc kiêng cữ đủ thứ để “xuống ký”. Khoa dinh dưỡng khuyên ta ăn nhiều rau trái cây và rất ít thịt để giữ gìn sức khỏe. Bữa ăn Việt Nam với cơm là chính cộng nhiều rau ít thịt đúng là thích hợp với phương pháp “ăn để sống khỏe sống vui”.

               

C. Kết luận.
Gia đình là căn bản của xã hội. Ngay trong bữa ăn hàng ngày tổ tiên chúng ta đã truyền cho con cháu một đạo sống tròn đầy lễ nghĩa, tôn ti trật tự và kỷ cương trên dưới khác với lối sống Âu Mỹ, ăn có phần riêng mà ở cũng phòng riêng, bàn ăn hình chữ nhật hay vuông có ghế chính ghế phụ, nghe cũng hợp lý vì đề cao giá trị con người nhưng tiếc rằng vuông mà thiếu tròn nên con người vị kỷ, thích “cá nhân chủ nghĩa” luôn tính toán hơn thiệt đưa xã hội đến cảnh tranh đua giành giật, nói là tự do dân chủ nhưng thực chất chỉ là “xã hội Người giết hại Người” mà thôi.
Con người là linh vật biết suy tư và có tiến hóa. Không lẽ ta lại trở về đời sống thú vật? Muốn xứng đáng là Người, hãy khởi đầu từ đạo vợ chồng qua ” Đôi Đũa” và sống trong “công thể” gia đình qua “mâm cơm”. Đây là đạo nhà lý tưởng giúp con người sống “tròn” trong xã hội “vuông”. Sống vuông tròn mới là sống, phải không bạn? Được vậy, ta vui sướng, vợ con ta sung sướng, gia đình ta thêm hạnh phúc.
Bắc cầu chiếc đũa mà trao ân tình
Đôi đũa là vật dụng hết sức thân quen trên mâm cơm của người Việt, hầu như không bữa ăn nào có thể thiếu. Vượt qua ý nghĩa là đồ vật thông thường, gắn liền với đôi đũa còn là những nét văn hoá thú vị mà nếu không để ý, chúng ta có thể khó lòng nhận ra…
Khác với phương Tây dùng thìa nĩa, ăn cơm bằng đũa là thói quen của nhiều dân tộc Châu Á nhà văn hóa học giải thích rằng ăn bằng thìa nĩa là học theo cách ăn của các loài vật ăn thịt sống dưới đất, còn ăn bằng đũa là học theo cách ăn của các loài chim. Việt Nam là xứ sở nhiệt đới, có nhiều loài chim mỏ dài cư trú như cò, vạc, sếu… Những loài chim này gắn bó với cuộc sống nhà nông, đi vào ca dao, dân ca, thành cả biểu tượng điêu khắc trên trống đồng – kết tinh văn hoá thời cổ đại. Bởi thế nên người dân Việt Nam từ thời thủy tổ đã học được cách ăn của các loài chim này chăng? Song có lẽ cũng nên xét tới nguyên nhân thành phần chính trong bữa ăn phương Tây là bánh mì và thịt nên dùng thìa nĩa, dao sẽ ăn dễ dàng. Còn thành phần chính bữa ăn Việt Nam là cơm, rau, cá hay người Trung Quốc ăn cơm, ăn mì thì dùng đũa tiện lợi hơn trong việc gắp thức ăn.
Bên cạnh sự tiện lợi ấy, xung quanh đôi đũa còn là những câu chuyện dài. Thuở còn thơ bé, những ai từng được bà, được mẹ kể cho nghe câu truyện cổ tích “Cây tre trăm đốt” hẳn đều thương anh Khoai thật thà, chăm chỉ bị lão phú ông thách cưới bằng việc vào rừng tìm về cây tre trăm đốt. Cây tre ấy sẽ dùng để vót đũa cho đám cưới anh Khoai với con gái phú ông.
Những đôi đũa cưới có thể đem lại niềm hạnh phúc mà cũng có thể làm mất đi giấc mơ đẹp nhất cuộc đời anh. Ông Bụt tốt bụng thương người hiền lành đã giúp anh Khoai biến giấc mơ đó thành sự thật với câu thần chú “khắc nhập, khắc xuất” diệu kỳ. Tôi vẫn từng tưởng tượng trong ngày đám cưới anh Khoai, những đôi đũa vót từ cây tre trăm đốt sẽ được đặt trang trọng trên mỗi mâm cơm, là minh chứng cho hạnh phúc của chàng trai nghèo khó ấy.
Không phải ngẫu nhiên mà đôi đũa thường được dân gian ví với hình ảnh đôi vợ chồng. Hai chiếc đũa luôn đi liền với nhau thì mới làm được điều có ích, cũng như hai vợ chồng khi đồng tâm cộng lực thì có thể cùng nhau tát cạn cả biển Đông. Người con gái bị mẹ ép gả vào nơi không tương xứng, phải lấy người mình không yêu thương đã thốt lên lời than cay đắng:
“Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng”
Chuyện vợ chồng trăm năm quan trọng là thế, vậy mà có khi dân gian đánh giá không bằng chuyện một đôi đũa: “Vợ dại không hại bằng đũa vênh”. Vậy mới biết người dân mình cẩn trọng đến thế nào trong việc lựa chọn những chiếc đũa sao cho tương xứng với nhau. Rất nhiều lời khuyên bổ ích khác được xây dựng bởi hình tượng đôi đũa như: So bó đũa chọn cột cờ, Vơ đũa cả nắm, Đũa mốc lại chòi mâm son… Bài học đầu tiên tôi được học khi ngồi trong mâm cơm là bài học về đôi đũa. Phải cầm đũa sao cho đúng, gắp được thức ăn mà không làm rơi vãi lung tung. Ngày đầu tiên được cầm đôi đũa là một ngày khá trọng đại với một đứa bé “thích làm người lớn” bởi chỉ người lớn mới đủ khéo léo để điều khiển đôi đũa thật nhanh nhẹn, nhịp nhàng.
Bố tôi cầm đũa tay trái nên thường ngồi đầu nồi hoặc ngồi cách xa người bên cạnh để hai bên không chạm vào nhau. Những đôi đũa không chỉ có một loại mà bao gồm đũa để ăn cơm, đôi đũa dài cho mẹ nấu nướng, đôi đũa cả dùng để xới cơm. Ngày nay khi nhà nhà đều dùng nồi cơm điện, có lẽ nhiều đứa trẻ sẽ lớn lên mà không biết về những đôi đũa cả đã từng tồn tại. Như khi xưa tôi được mẹ dặn rất kỹ rằng trước khi xới cơm thì nhúng đũa sơ qua vào nước cho khỏi dính.
Xới cơm xong dùng chiếc nọ gạt cơm khỏi chiếc kia chứ không được gõ vào nhau thành tiếng bởi âm thanh ấy là dấu hiệu gọi ma đến nhà. Đũa ăn cơm không được cắm thẳng lên bát bởi người ta chỉ làm thế trong đám ma. Đứa trẻ con khi ấy là tôi nghe nói đến ma chay là khiếp vía, chẳng bao giờ dám không làm theo lời mẹ.
Rồi nhà tôi cũng chuyển sang dùng nồi cơm điện. Ngày gói đôi đũa cả bóng loáng nước tre, mòn vẹt cả một đầu cất vào góc sâu nhất trong chạn bát, tôi thấy trong mắt mẹ thoáng chút ưu tư. Ngày bố mẹ ra ở riêng trong gian tập thể bé xíu của cơ quan bố, hành trang hai người chỉ có một valy quần áo. Trong đó đựng luôn cả chục bát ăn cơm, chục đôi đũa con và một đôi đũa cả. Mười một đôi đũa ấy chính tay bà ngoại đã vót cho mẹ mang theo để mỗi bữa ăn còn lưu lại chút hình ảnh của quê hương. Hơn chục năm trời mẹ ngồi đầu nồi xới cơm cho cả gia đình rồi hướng dẫn các con cách xới cơm sao cho đúng mực, đôi đũa cả đầu tiên bà ngoại cho đã không còn.
Nhưng đôi đũa nào cũng in dấu bàn tay mẹ, cũng là chứng nhân cho những bữa cơm gia đình đầm ấm, rộn vang tiếng chuyện trò, cười nói. Cất đi một đôi đũa là gói lại trong lòng bao nhiêu kỷ niệm. Mẹ đã từng nhắc bố không bao giờ được dùng đũa cả để răn đe các con như nhiều gia đình khác vẫn làm. Khi con mới lớn, biết chơi chuyền, chơi chắt, con len lén về lấy trộm chục đũa của mẹ làm chuyền. Biết được mẹ không hề la mắng, chỉ dặn con rằng không được dùng đũa ăn cơm để nghịch bởi đôi đũa gắn với miếng ăn trong miệng, phải trân trọng giữ gìn. Vậy mà cũng chính tay mẹ đã vót cho con đôi que đan đầu tiên trong đời bằng một đôi đũa mới, bởi giữa thành phố thật khó tìm được đốt tre ưng ý, mà con thì sốt ruột, muốn học rồi phải được đan ngay bằng chính que đan của mình…
Có lẽ đôi đũa đầu tiên người Việt Nam sử dụng chỉ là hai nhánh cây nào đó nhưng loại đũa truyền thống đầu tiên được nhớ đến là làm bằng trúc, bằng tre. Bàn tay người Việt Nam khéo léo biến những ống tre già, thẳng thành những đôi đũa thơm tho, lâu mối mọt. Những ngày hè về thăm ông nội, tôi vẫn thường ngồi xem ông vót đũa, bàn tay ông nhanh thoăn thoắt thật tài tình. Vừa vót đũa ông vừa kể chuyện ngày xửa ngày xưa mà không hề làm sai một chút.
Bây giờ mỗi lần đi siêu thị, mắt hoa lên với hàng chục loại đũa không chỉ từ tre mà còn làm bằng nhựa, bằng i-nốc, bằng gỗ mun, gỗ kim giao, gỗ dừa…, không chỉ đũa Việt Nam mà còn nhập về từ các nước, tất cả đều làm bằng máy, thẳng đều tăm tắp, tôi lại nhớ về những đôi đũa mộc mạc của ông bà năm xưa. Ngày ông mất, bác cả tự tay vót đũa cắm trên bát cơm quả trứng đặt lên quan tài cho ông. Nhớ về ký ức đau buồn ấy, tôi vẫn thấy hiện lên chùm nan tre loăn xoăn của đôi đũa thấp thoáng trước tấm ảnh ông hiền hậu như đang muốn mỉm cười. Đôi đũa gắn bó với con người khi còn sống và cũng theo con người đi về nơi an nghỉ cuối cùng.
Rồi mai đây trở thành người mẹ, trong bữa cơm đầu tiên con được dùng đôi đũa, tôi sẽ kể với con rằng: Con có biết xung quanh đôi đũa là bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu nét đặc trưng của văn hoá Việt Nam ta…
(Nguồn : woodpro.vn)