Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

SỬA LỖI ANH EM TRONG TÌNH THƯƠNG

SUY NIỆM 
CHÚA NHẬT XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM A

         Tạp chí “Vận May” trong số ra ngày 23-12-1997, đã xếp hạng 25 nhà hảo tâm giàu có nhất tại Hoa kỳ. Rất nhiều nhà tỉ phú không có tên trong danh sách, vì họ không đóng góp gì cho các công tác từ thiện, hoặc sự đóng góp đó không đáng kể. Một số khác cũng không được nêu tên, vì họ chỉ hứa dâng cúng sau khi chết mà thôi. Một trong những điểm chung nối kết các nhà hảo tâm, đó là niềm tin tôn giáo của họ. Theo cuộc thăm dò của tạp chí “Vận May”, các nhà hảo tâm cho biết động lực thúc đẩy họ trong công cuộc từ thiện chính là niềm tin tôn giáo và đa số đã có thói quen tốt này trước khi giàu có. Quả thực, tôn giáo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, tôn giáo nào cũng dạy sống bác ái. Riêng trong Kitô giáo, nền tảng của bác ái chính là tình huynh đệ. Người Kitô hữu yêu người, vì họ nhận ra mỗi người là anh em của mình, và đó là điểm nòng cốt của điều răn yêu thương.
           Hai chữ “anh em” là sợi chỉ xuyên suốt trong toàn bộ Tân Ước. Danh xưng “anh em” được áp dụng cho các tông đồ, các môn đệ, các cộng đoàn nhỏ đựơc qui tụ quanh Chúa Giêsu lúc sinh thời và nhất là sau khi Ngài phục sinh. Hơn nữa, hai chữ “anh em” còn có một ý nghĩa rộng rãi hơn, là anh em của chúng ta, không những là những ai tin nhận Chúa Giêsu, mà còn là tất cả mọi người, bởi vì Chúa Giêsu đã chết cho mọi người. Tác giả thư Do Thái đã khẳng định : “Chính vì mọi người mà Chúa Giêsu đã nếm trải cái chết, và Ngài không xấu hổ khi gọi mọi người là anh em”.
           Là anh em của Chúa Giêsu, nên mọi người đều là anh em với nhau. Tình huynh đệ giữa mọi người là tình huynh đệ đại đồng, không biên giới, đối với Kitô giáo, không có bất cứ hàng rào nào mà không thể vượt qua được, bởi vì mọi người đều là anh em với nhau. Tóm lại, Chúa Giêsu đã chết và sống lại là để đánh thức nơi con người cái ý thức về tình huynh đệ đại đồng ấy. Qua cái chết và sự phục sinh ấy, Ngài mặc khải cho thấy mọi người đều là con cái của Cha trên trời, và do đó là anh em với nhau. Đây chính là nền tảng của điều răn yêu thương và cũng là nền tảng của giáo huấn xã hội mà Giáo Hội không ngừng truyền bá để kêu gọi xây dựng một cộng đồng nhân loại công bằng hơn, huynh đệ hơn. Hai chữ “anh em” và tình huynh đệ cũng là hai điều Chúa Giêsu nói với chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.
          Sống với nhau như anh em, yêu thương như anh em, lý tưởng như thế, nhưng “bá nhân bá tánh” : trăm người thì có trăm tính khác nhau, vì thế, mỗi người phải phát huy ưu thế của mình và tận dụng nó trong việc giúp đỡ anh em mình cái mặt yếu kém của họ, không được ỷ vào ưu điểm Chúa ban mà lên mặt tự phụ khinh thường người khác. Hơn nữa, “nhân vô thập toàn”, không ai là hoàn hảo, tuyệt đối không bao giờ sai lầm hay thiếu sót, trái lại, còn thường xuyên lầm lỗi và thiếu sót nữa, nên chỉ bảo cho nhau, góp ý xây dựng cho nhau, sửa lỗi lẫn nhau là một việc cần thiết. Đây là một cách cư xử rất khó khăn, rất phức tạp, đòi hỏi hết sức tế nhị và phải làm.
          Quả thực, yêu thương không phải là luôn khen ngợi, tâng bốc anh em mà còn là ân cần sửa lỗi cho anh em nữa. Dĩ nhiên chúng ta không được dò xét để tố cáo nhau, nhưng phải có trách nhiệm với nhau trong cộng đoàn. Chúng ta tránh kết án lỗi lầm người khác, nhưng nên khiêm tốn sửa lỗi anh em trong sự tế nhị kín đáo. Người Kitô hữu không nên can thiệp vào chuyện thiên hạ, nhưng chúng ta cũng phải có trách nhiệm đối với những lỗi lầm của anh em mình.
         Chúa Giêsu hiểu biết tâm lý con người, Ngài biết rõ chúng ta yếu đuối, hay lỗi lầm, thiếu sót và cần sửa chữa, nên Ngài đã chỉ dạy chúng ta một cách sửa lỗi nhau rất hay, rất tế nhị, đó là hãy kiên nhẫn thực hiện bốn giai đoạn hay bốn bước sau đây:
       Trước hết, phải gặp gỡ riêng hai người, chỉ hai người thôi, ta và người sai lỗi. Gặp gỡ và nói chuyện với nhau trong tình thân ái, kín đáo và chân thành. Gặp gỡ như vậy sẽ giúp chúng ta hiểu nhau, thông cảm nhau và biết đúng sự thật hơn. Đàng khác, sẽ giúp cho người sai lỗi thấy được lỗi lầm của họ để sửa chữa và phục thiện.
          Sau khi đã gặp gỡ riêng rồi mà không kết quả, người sai lỗi vẫn tự ái, cố chấp, thì mời thêm một hoặc hai người làm nhân chứng và cùng góp ý. Nhiều người nhiều bộ óc, tất nhiên sẽ mạnh lý hơn, vừa minh chứng cho lòng thành thực của chúng ta, vừa cho người sai lỗi thấy rõ và phải nhìn nhận điều sai trái của họ.
           Nếu vẫn không kết quả, khi ấy mới đưa ra cộng đoàn hay đưa đến người có thẩm quyền để giải quyết, đây là người có thẩm quyền trong Giáo Hội chứ không phải là người có thẩm quyền ngoài xã hội. Nếu đã làm cả ba bước như trên mà vẫn không kết quả, thì hãy nhận sự giới hạn của mình và phó dâng người anh em cho lòng nhân từ của Thiên Chúa, là cầu nguyện cho họ. Chúng ta cầu nguyện và cộng đoàn cầu nguyện, lời cầu nguyện ấy sẽ được Chúa nhận lời, như Chúa Giêsu quả quyết trong Tin Mừng hôm nay : Nếu chúng ta hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện và trong tình yêu thì Chúa Giêsu sẽ ở giữa chúng ta và lời cầu xin của chúng ta sẽ được Chúa Cha chấp nhận.
          Chúng ta sống trong một gia đình, một cộng đoàn, một giáo xứ hay với những người chung quanh, chúng ta liên đới với nhau, nương tựa vào nhau và giúp nhau lớn lên trong tình yêu thương. Bất cứ nghĩa cử yêu thương nào cũng làm cho chúng ta lớn lên trong tình yêu thương và giúp chúng ta được thêm một bước đến gần với Thiên Chúa tình yêu. Vì vậy, giúp nhau sửa chữa những lỗi lầm, thiếu sót cũng là một khía cạnh của tình thương, với điều kiện việc sửa lỗi đó phải đặt trên nền tảng đức ái, tức là sửa lỗi anh em chỉ vì tình yêu thương, bởi vì không phải những lý luận sắc bén làm cho người anh em ăn năn hối cải, chỉ có tình thương, lòng nhân ái, thông cảm và tha thứ mới làm cho con người đổi đời mà thôi.

Theo Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP
(Nguồn : giaoxuphuly.jcapt.com)