Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

ĐOÀN HÙNG TÂM - TRƯỜNG TABERD - BẢO LỘC



Vài dòng giới thiệu

Đoàn Hùng Tâm là một tổ chức thiếu niên Công giáo, xuất xứ từ Pháp với đường hướng giáo dục theo châm ngôn:
Với Hùng Tâm không gì khó
À cœur vaillant rien d’impossible - Jacques Coeur.
Tại Taberd, chúng tôi không biết đoàn Hùng Tâm chính thức hoạt động vào năm nào (xin các Huynh trưởng và đoàn viên cũ bổ sung thêm). Đa số anh em chúng tôi tham gia vào khoảng 1968 dưới sự lãnh đạo của SH Thanh Trung. Kế tiếp là SH Ephrem Trần Ngọc Tú và SH Martial Lê Văn Trí. Đoàn Hùng Tâm Taberd giải tán vào năm 1974 do thiếu người lãnh đạo.
Cũng giống như học sinh Taberd, một số tương đối lớn các bạn đoàn viên Hùng Tâm Taberd không phải là Công giáo. Sinh hoạt của đoàn Hùng Tâm chủ yếu là rèn luyện tinh thần đồng đội và hướng thiện qua việc tập luyện kỷ năng, sinh hoạt, cắm trại, tham gia cứu trợ, v.v.
Lời chào: Nhất trí, Đồng tâm
Khẩu hiệu: Với Hùng Tâm không gì khó, cái khó để thắng, càng khó càng hay.
Bài ca đoàn: sẽ bổ sung sau
Đây là một số hình ảnh từ các cuốn kỷ yếu và từ các ảnh chúng tôi còn giữ lại được về các sinh hoạt của đoàn Hùng Tâm Taberd.
(Nguồn: taberd.org)

Niên học  1957-1958
Niên học 1958-1959
Niên học 1959-1960(1)

Niên học 1959-1960(2)

Niên học 1960-1961(1)







Niên học 1969-1970












(Hình ảnh của : taberd.org)

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

DẠY CON BÀI HỌC VỀ SỰ TRUNG THỰC

Hầu hết trẻ nhỏ đều có lúc không thành thật, có thể là đôi khi nhưng cũng có trường hợp là thường xuyên. Chúng nói dối bởi vì như vậy có thể tránh được nhiều rắc rối hay chỉ đơn giản là thu hút sự chú ý của cha mẹ và mọi người xung quanh. Thái độ và cách chỉ dạy của cha mẹ trong giai đoạn này hết sức quan trọng trong việc định hướng cho con. Vậy các cha mẹ đã và nên làm gì???

Đôi khi nói dối chính là một “bản năng” để bảo vệ bản thân. Ngay từ khi bé có ý thức, bạn hãy cùng các thành viên khác tạo nên những nguyên tắc trong gia đình nguyên tắc về long trung thức. Đã là nguyên tắc thì tất cả mọi người đều phải thực hiện, không ngoại lệ. Nếu nguyên tắc chỉ dành cho những đứa trẻ và chúng thấy bạn không thực hiện nghiêm túc thì nghĩa là bạn đã thất bại trong việc tạo lập và duy trì những nguyên tắc trong gia đình. Đôi khi những lời nói dối “trong sáng, thiện ý” mang lại hiệu quả tốt nhất định nhưng bạn không nên áp dụng bởi trẻ nhỏ không thể phân biệt chúng với những lời nói dối khác. Và tốt nhất là đừng bao giờ nói dối trẻ hay nói dối trước mặt trẻ,  vô hình chung bạn đang là một tấm gương thực tế để trẻ bắt chước, nhưng lại là một tấm gương xấu.


Ảnh minh họa

Hãy kể cho con nghe những câu chuyện về sự trung thực và giả dối. Đó thực sự là một cách giáo dục hay. Ví như ở Việt Nam, các cha mẹ thường kể câu chuyện về cậu bé chăn cừu. Cậu kêu gọi mọi người cứu đàn cừu vì sói tấn công nhưng trên thực tế lại không hề có nguy hiểm nào và cậu cảm thấy rất vui vẻ. Sau vài lần lừa dối như vậy mọi người đã mất lòng tin ở cậu và đến khi có sói tấn công cậu và đàn cừu thì không ai tới giúp vì hiển nhiên mọi người nghĩ cậu lại đang nói dối họ… Đây là một câu chuyện hết sức ý nghĩa mà bất cứ cha mẹ nào cũng thường kể cho con nghe. Ngoài ra, thực tế xung quanh bạn cũng có vô vàn câu chuyện thú vị để kể cho con nghe. Mỗi câu chuyện có một ý nghĩa nhân văn riêng nhưng thường hướng tới việc con người phải trung thực.  Hãy để cho bé biết giá trị của sự thật thà và ỹ nghĩ tốt đẹp của nó.

Khi trẻ trung thực trong bất cứ vấn đề gì thì đừng nên tiết kiệm những lời khen cho trẻ. Những lợi khen này phải thật cụ thể, khen vì bé đã làm gì, nói gì để bé khắc sâu hành động đó chứ đừng chung chung kiểu “ con giỏi lắm”. Và chắc hẳn khi bé nói dối thì bạn nên chỉ rõ ra bé nói dối điều gì, điều ấy gây hậu quả thế nào và có những hình thức kỷ luật nhất định. Kỷ luật chính là giúp bé nhìn nhận việc không trung thực có hậu quả rất xấu và bé cần phải kiểm điểm cũng như nhận hình phạt về việc đó.

Trẻ con nói dối có nhiều nguyên nhân: nói dối để tránh hình phạt ( bảo vệ mình), nói dối để thu hút chú ý ( vì chúng thấy thiếu tự tin..) Tìm được nguyên nhân bạn sẽ biết con cần được giúp đỡ như thế nào và có biện pháp hiệu quả hơn với con mình. Giáo dục sự trung thực ở trẻ nhỏ dễ mà thực rất khó. Cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên trong đời của con.
(Nguồn: Alberomilk)

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

TRUNG THỰC

Một buổi chiều thứ bảy đầy nắng ở thành phố Oklahama, tôi cùng một người bạn và hai đứa con của anh đến vui chơi tại một câu lạc bộ. Bạn tôi tiến đến quầy vé và hỏi:
-  Vé vào cửa là bao nhiêu? Bán cho tôi bốn vé.
Người bán vé trả lời:
- 3 đôla một vé. Chúng tôi đặc biệt miễn phí cho trẻ em dưới sáu tuổi. Các cậu bé này bao nhiêu tuổi?
- Đứa lớn bảy tuổi và đứa nhỏ thì lên bốn – Bạn tôi trả lời – Như vậy tôi phải trả cho ông 9 đôla tất cả.
Người đàn ông ngước lên với cặp mắt ngạc nhiên:
- Sao ông không nói rằng đứa lớn chỉ mới sáu tuổi? Như thế có phải là tiết kiệm được 3 đôla không?
Người bạn tôi nhìn người bán vé rồi chậm rãi nói:
- Dĩ nhiên, tôi có thể nói như vậy và ông cũng sẽ không nhận ra. Nhưng bọn trẻ thì biết đấy. Tôi không muốn bán đi sự kính trọng của những đứa con và lòng trung thực của mình chỉ với 3 đôla.
HỒNG DIỄM - Theo The Secret of Life

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

TIN BUỒN


Linh Mục PHÊRÔ PHAN XUÂN THANH , sinh năm 1947, Quảng Bình .
Thụ phong linh mục : 20/12/1973
Cựu huynh trưởng HTDC Phủ Cam, Huế đã qua đời lúc 15g30 ngày 20/10/2015 tại nhà hưu dưỡng TGP Huế . 
Xin báo tin và giúp lời cầu nguyện cho linh hồn Phêrô .



TRUNG THỰC LÀ MỘT PHẨM CHẤT CAO QUÝ


Trung thực là thành thực với người và cả với chính mình, luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức chân thật trong từng lời nói và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính. Tính trung thực giúp con người trở nên đáng tin cậy trong mọi mối quan hệ, giao dịch, đó là sức mạnh lớn nhất giúp thuyết phục người khác. Người trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kì việc gì. Trung thực làm nên nhân cách con người. Sống trung thực không phải lúc nào cũng dễ, nó đòi hỏi sự dũng cảm và nghiêm khắc với bản thân. Walter Anderson cho rằng:
 “Cuộc sống sẽ thay đổi khi chúng ta biết nắm bắt các cơ hội cho mình, nhưng cơ hội đầu tiên và khó khăn nhất lại là việc chúng ta phải thành thật với chính bản thân mình”. Ngay cả khi phải đối diện với thất bại, thua thiệt, ta vẫn cần phải sống trung thực, có thế, ta mới có thể ngẩng cao đầu mà sống và cảm thấy thanh thản trong lòng.
Theo Samuel Johnson: “Trung thực mà không hiểu biết thì yếu ớt và vô dụng, còn hiểu biết mà không trung thực thì thật là nguy hiểm và đáng sợ. Còn những người trung thực và hiểu biết sẽ là những người viết nên lịch sử của chính mình”. Người trung thực sẵn sàng lắng nghe những điều họ phải nghe về mình hơn là những điều họ muốn nghe. Người trung thực trước tiên là trung thực với chính bản thân mình, thành thật nhìn nhận những nhược điểm và sai lầm của mình. Họ nhận thức được là dù họ có công khai nhìn nhận sai lầm của mình hay không thì thường những người xung quanh vẫn biết.
Abraham Lincoln – Tổng thống thứ 16 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1861 – 1865) đã gởi bức thư sau cho thầy giáo của con mình: “Kính thưa thầy! Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có những con người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng một đồng đôla kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với 5 đôla nhặt được trên hè phố...”
Sự trung thực là một phẩm chất quan trọng hàng đầu trên hành trình hiện thực hóa ước mơ của mình. Trung thực cũng là phẩm chất hàng đầu của nhà lãnh đạo. Những người thiếu trung thực, nhất thời có thể đạt được những lợi ích nhất định, nhưng không sớm thì muộn sẽ bị phát hiện và sẽ đánh mất lòng tin của người khác. Người không trung thực khó lòng duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài và đứng vững được trong xã hội. Nếu không muốn thất bại, vì tự hủy hoại các mối liên hệ, kể cả đối với những người thân, thì cần ghi nhớ “một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Không ít chính khách và người đứng đầu quốc gia đã gánh chịu những thất bại đau đớn khi sự thiếu trung thực bị phơi bày trước công luận.
Muốn người khác trung thực với mình thì trước tiên mình phải là người trung thực. Người có nhân cách không ngừng tu dưỡng để có được phẩm chất trung thực.
(Nguồn: www.tam-sang.com)

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

CÁI GIÁ CỦA SỰ TRUNG THỰC


Đây là câu chuyện xảy ra vào buổi trưa tháng 8/2010 tại thành phố New York, Hoa Kỳ. Harris và một đồng nghiệp trong công ty quảng cáo cùng đi ăn trưa tại nhà hàng. Cả hai đã gặp một người ăn xin khiến họ không thể nào quên…
Khi hai người đang đứng bên cạnh đường thì một người ăn xin tiến về phía của Harris. Người ăn xin ấp úng nói: “Tên tôi là Valentine, tôi đã thất nghiệp 3 năm rồi, và chỉ dựa vào ăn xin sống qua ngày. Tôi nói ra hoàn cảnh thật của mình mong cô có nguyện ý giúp đỡ. Cô có thể cho tôi một ít tiền lẻ để mua chút đồ ăn và nước uống không?”
Sau khi nói xong, Valentine đưa ánh mắt nhìn Harris như đang đợi câu trả lời.
Nhìn Valentine, Harris đã động lòng trắc ẩn. Cô mỉm cười nói với Valentine: “Không vấn đề gì, tôi hoàn toàn nguyện ý giúp cậu”. Nói rồi Harris đưa tay vào túi để lấy tiền cho Valentine, nhưng tiếc là cô không còn chút tiền mặt nào, mà chỉ có một thẻ tín dụng. Cô thấy băn khoăn, cầm thẻ tín dụng mà không biết phải làm sao.
Nhìn thấy Harris đang tỏ vẻ ái ngại, Valentine nhỏ giọng nói: “Nếu như quý cô tin tưởng, có thể đưa thẻ tín dụng cho tôi mượn.” Harris vốn có tấm lòng lương thiện nên cô không một chút nghi ngờ đã đưa thẻ cho Valentine.
Cầm thẻ tín dụng xong, Valentine chưa vội rời đi mà còn nói với Harris: “Ngoài việc mua đồ ăn, tôi còn có thể mua thêm ít nước không?”
Harris không suy nghĩ gì thêm, cô nói: “Hoàn toàn có thể, nếu như cậu còn cần mua thứ gì thì cứ mua đi nhé!”
Valentine cầm thẻ tín dụng rồi rời đi. Harris và bạn cùng nhau bước vào nhà hàng. Ngồi xuống không lâu, cô bắt đầu thấy hối hận. Harris có vẻ buồn buồn rồi nói chuyện với bạn: “Thẻ tín dụng của mình không có mật mã, trong thẻ có tới 100.000 USD, cậu kia chắc sẽ cầm mà bỏ trốn, phần lớn là không trả lại cho mình rồi.”
Người bạn lại nói thêm vào: “Bạn quá dễ tin tưởng người xa lạ. Bạn thật quá lương thiện lại ngây thơ nữa!”
Harris giờ nghĩ lại, cô không còn tâm trạng để ăn cơm nữa. Đợi bạn ăn xong rồi hai người rời khỏi nhà hàng.
Điều ngạc nhiên mà họ không ngờ tới là Valentine đã đợi ở bên ngoài từ lâu. Anh dùng hai tay đưa thẻ tín dụng và chi phiếu thanh toán cho Harris. Rồi anh nói: “Tôi đã tiêu hết 25 USD để mua một ít đồ dùng rửa mặt, hai bình nước. Quý cô có thể kiểm tra đối chiếu ngay bây giờ.”
Nhìn người ăn xin biết giữ chữ tín, Harris cùng với bạn của mình đã vô cùng kinh ngạc và cảm động. Cô không thể làm chủ được mà nắm tay Valentine rồi liên tục nói: “Cảm ơn cậu, cảm ơn cậu!”
Valentine làm bộ mặt khó hiểu về tình huống này: “Cô giúp tôi, tôi phải cảm ơn cô mới đúng chứ. Tại sao cô lại phải cảm ơn tôi?”
Sau đó Harris đã đem câu chuyện này kể cho một tòa soạn báo ở New York. Sự thành thật của Valentine khiến tòa soạn cảm động, giúp tờ báo hướng con người đến với chuẩn mực đạo đức cao hơn. Bài viết do đó cũng được nhiều người đón nhận. Nhiều độc giả đã gửi thư đến tòa soạn nguyện ý giúp đỡ Valentine.
Một thương nhân ở bang Texas sau khi xem báo, ông đã gửi cho Valentine hơn 6000 USD kèm theo lời khen tặng về sự thành thật.
Điều làm cho Valentine vui mừng hơn nữa đó là chỉ vài ngày sau anh đã nhận được cuộc điện thoại từ hãng hàng không Wisconsin Airlines. Hãng mời anh về làm nhân viên phục vụ, đồng thời thông báo rằng anh có thể ký hợp đồng đi làm ngay.
Trong một khoảng thời gian ngắn Valentine đã nhận được niềm vui quá lớn.
Anh chia sẻ: “Từ nhỏ mẹ của tôi đã dạy rằng: làm người nhất định phải thành thật và giữ chữ tín, dù cho có nghèo hèn phải lưu lạc đầu đường cũng không được vứt bỏ chữ tín…”
Valentine giờ đã hiểu: làm một người thành thật nhất định sẽ nhận được phúc báo!

- SƯU TẦM -



Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

MÙ CÓ PHẢI LÀ BẤT HẠNH KHÔNG?

(www.40giayloichua.net)


SUY NIỆM

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN  B - 25/10/2015
 Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Khi nghĩ đến người mù, nhất là những người bị mù bẩm sinh, ta thường nghĩ đến hai chữ “tội nghiệp”, “đáng thương”, hay “bất hạnh”. Dĩ nhiên có khi chính bản thân người mù cảm thấy bất hạnh thật vì họ không được nhìn thấy ánh sáng, không được nhìn thấy vẻ đẹp thiên nhiên, nhất là không được nhìn thấy những người thân yêu của mình. Và ngay cả khái niệm về màu sắc, họ cũng không biết đến.
Tuy nhiên, giữa người mù và người sáng, chưa chắc ai bất hạnh hơn ai. Có khi vì mắt sáng tỏ, nên người ta bất hạnh hơn là bị mù loà. Bằng chứng là trong các vụ án trộm cắp, lường gạt, đâm chém, hiếp đáp, ngoại tình,…, ta có thấy thủ phạm nào là người mù không, ngoại trừ những người sáng mắt? Trong số những dân chơi cuồng quay nơi các vũ trường ngập ngụa ma tuý, thuốc lắc, hàng “đá”, ta có bắt gặp bóng dáng người khiếm thị nào bên cạnh những người mắt sáng ở đó không? Trước vành móng ngựa xét xử các quan tham vô lại, có lẽ ta cũng khó mà tìm được một bị cáo nào là kẻ mù loà ở đấy; có chăng chỉ toàn là những người cả hai mắt đều tỏ đều tường!!! Và nếu ta cất công thắp đuốc đi tìm các tù nhân là người mù trong các trại giam, chắc chắn ta sẽ thất vọng vì nơi đó chỉ thấy toàn những người có đủ cả hai mắt. Vậy thì ai “bất hạnh” hơn ai? Người mù hay người sáng? Bởi thế, khi nhìn thấy một người mù, khoan đã cho rằng người đó tội nghiệp, người đó bất hạnh. Hạnh phúc hay bất hạnh không hệ tại ở việc sáng hay mù cặp mắt thể lý, nhưng là hệ tại ở việc sáng hay mù cặp mắt tâm hồn, cặp mắt đức tin.
Trong câu chuyện Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, ta thấy Bartimê là một người mù loà, hành khất bên vệ đường ngoại thành Giêricô. Không biết anh có thuộc “Hội Người Mù” nào hay không! Song thiết tưởng anh là một người lương thiện. Anh sống bằng những gì kiếm được từ lòng hảo tâm của người khác. Mặc dù nghèo, nghèo nên phải đi ăn xin, nhưng cuộc đời anh thanh thoát. Anh sống vô tư giản dị, không bon chen giành giật, không tính toán hơn thua, không đua đòi ăn diện. Anh cũng không vợ nọ con kia, không rượu bia các thứ. Có lẽ anh cũng chưa bao giờ phạm vào những tội “đội sổ” của con người thời đại hôm nay: buôn gian bán lận, lậu thuế trốn thuế, tham ô, móc ngoặc, hối lộ, hay rút ruột các công trình xây dựng… Suốt cả cuộc đời, chắc hẳn anh cũng chưa hề lường gạt, bóc lột hay hãm hại ai. Tắt một lời, anh sống hoàn toàn ngay chính.
Hơn thế nữa, trong khi rất nhiều người sáng đôi mắt thể lý, lại mù loà trước ánh sáng vô hình, không thể nhận ra Chúa Giêsu là ai, thì anh mù Bartimê này lại “thấy tỏ tường” chính Đức Giêsu là ai. Anh không van xin Chúa bằng danh xưng “Giêsu Nazareth”, mà dùng danh xưng “Con Vua Đavít” – một danh xưng ám chỉ tước hiệu Đấng Mêsia. Tiếng kêu lớn tiếng của anh khi bị mọi người ngăn cản: “Lạy Con Vua Đavít”, đồng thời cũng là một lời tuyên xưng niềm tin vào chính Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, Đấng mà anh tin là sẽ phục hồi sự sáng cho anh. Bởi đó, khi được Chúa Giêsu hỏi anh muốn xin gì, anh không xin Chúa Giêsu mua cho anh mấy tờ vé số, cũng không xin Chúa Giêsu cho anh ít đồng bạc cắc bố thí, như anh đã từng nói với những người qua lại, mà anh chỉ xin Chúa Giêsu cho anh được thấy, tức là được sáng mắt. Nếu không tin Chúa Giêsu là Đấng có thể mở được mắt cho nguời mù bẩm sinh, anh đã không xin Ngài điều này.
Đồng ý “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, nhưng không phải một khi “cửa sổ” ấy bị đóng vĩnh viễn do mù loà là đương nhiên tâm hồn trở nên tối tăm băng giá như vùng bắc cực đâu. Ngược lại nữa là khác. Khi đôi mắt của họ không còn khả năng thấy được những thực tại hữu hình, thì tâm hồn họ lại rất bén nhạy với những thực tại vô hình. Bởi đó người ta bảo rằng người mù thường cảm nhận rất sâu xa về những thực tại siêu linh, và họ cũng rất nhạy bén trước những nỗi thống khổ của anh em đồng loại. Nói cách khác, người mù thường có cặp mắt đức tin sáng tỏ, như trường hợp anh mù Bartimê hôm nay.
Dẫu chưa một lần được gặp gỡ hay diện kiến Đức Kitô; chưa một lần được trực tiếp nghe những lời Ngài giảng dạy, cũng chưa một lần được phúc chứng kiến các phép lạ Ngài đã làm; anh chỉ mới được nghe người ta nói về con người của Đức Giêsu; thế mà anh đã tin. Anh tin một cách mãnh liệt. Và nhờ niềm tin đó, anh đã gặp được hiện thân lòng nhân hậu của Thiên Chúa, hiện thân của những mối phúc thật là Đức Giêsu Kitô. Anh được Chúa phục hồi sự sáng, sự sáng của cặp mắt thể lý, và quan trọng hơn là cặp mắt đức tin nơi anh vốn đã sáng nay sáng tỏ hơn. Từ đây đời anh hoàn toàn đổi mới. Còn hạnh phúc nào bằng? Anh đã tự nguyện dấn bước theo Chúa trong niềm vui trào tràn.
Sẽ thật hạnh phúc cho tôi, nếu tôi có đôi mắt thể lý lẫn đôi mắt tâm linh sáng ngời. Ngược lại, sẽ thật bất hạnh biết bao nếu tôi có đôi mắt thân xác sáng tỏ nhưng đôi mắt tâm hồn lại mù tối như đêm ba mươi. Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho tôi có đôi mắt thể lý chưa một lần phải đến bác sĩ nhãn khoa. Xin Ngài gìn giữ tôi, để đôi mắt đức tin của tôi cũng luôn được tinh tường sáng suốt. Đặc biệt xin Chúa cho những người mù luôn giữ được cái tâm trong sáng để cuộc đời của họ không bao giờ là “bất hạnh”, là “đáng thương” như người ta vẫn nghĩ. Amen. 


*******************************************************************


           SỨC MẠNH ĐỨC TIN
                  (Phỏng theo và suy niệm từ Mc 10, 46-52)
     
     Bác Ti Mê- một người mù
Là người hành khất âm u bên đường
     Bỗng nghe thấy tiếng lạ thường
Giê Su (Na)Gia Rét qua đường, ai ơi !!!
     Anh ta vội rống lên lời:
Con Vua Da Vít thương tôi khốn cùng…
     Chúa liền đứng lại, cảm thông…
Anh ta van lạy: được trông thấy Thầy.
     Chúa rằng: hãy thấy, Thầy đây,
Anh ta mở mắt;xin Thầy cho theo.
     Vì anh thành tín, Chúa yêu…
                    ***
Giáo Hội dạy ta: vững đức tin.
Đức tin nền tảng sống nhân hiền.
Vững tâm cầu nguyện xin ơn Chúa,
Chúa chẳng khi nào rời bỏ chiên.


                         Thế Kiên Dominic

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

THÁNG MƯỜI - THƠ




THÁNG MƯỜI


Lãng đãng, năm giờ mà đã tối
Một ngày, trời chẳng chút nắng vui
Ngoài kia, sao ai còn mê mải
Nhích từng chút một giữa cuộc đời…

Chẳng biết đêm nay trăng có trốn
Như suốt tháng mười sắp sửa qua
Hay chỉ lấp ló sau khung cửa
Đủ cho nhân thế vấp lời ca?

Chẳng biết nhìn trời cho hò hẹn
Có làm trễ nải những con tim
Khi người đợi luôn là chờ đợi
Đêm tháng mười…yếu đuối, ho hen!

Giở lại ngày qua, bâng khuâng tiếc
Rằng đời ta đang ở tháng mười
Tấm ảnh cũ tóc đen ngờ nghệch
Bĩu môi cười “lão đã dở hơi!”

Thôi thì kệ đời lũ năm tháng
Ta cứ ung dung cạnh khung trời
Mặc cho ai đổi thay lòng dạ
Chỉ mỗi ta thôi,cũng đủ rồi!


           LAM TRẦN 16.10.2015




Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

TẢ, HỮU


Mẹ chết, hai đứa nó lại càng ăn chơi xả láng. Chẳng là khi còn sống, bà cứ càm ràm chúng vì chúng chẳng khác gì cha chúng. Mà suốt đời bà cứ hận mình là đã lấy phải ông chồng chẳng ra gì! Ấy là chẳng ra gì đối với bà thôi, chứ ngoài kia người ta “tâng” ông ấy lắm.
Không tâng sao được khi ông có nhiều tiền. Tuy lùn một tí nhưng tiền kê lên là ông cao khấp khởi đến chín tầng mây! Ông vẫn tự hào rằng chẳng có ai trên đời này ghét ông, thậm chí ai cũng mến ông là đàng khác! Làm sao cái đám đàn ông ưa nhậu nhẹt lại ghét ông, khi hễ gọi là ông có mặt, và bao nhiêu thứ họ bỏ vào mồm ông đều thanh toán một cách nhẹ nhàng. Chẳng mến ông sao được khi giỗ chạp, đầy tháng gì gì, ông cũng không hề tới người không, mà ít nhất cũng có cái phong bao nằng nặng. Đối với ông, cái ông cần chính là lời khen của mọi người. Mà, việc này chẳng hề khó khăn gì với đám người bu quanh ông. Thỉnh thoảng, có mấy cô mỏ đỏ gây gỗ nhau cũng chỉ vì tranh nhau chỗ đứng trước mặt ông chủ thầu xây dựng giàu nứt đố đổ vách! Nhưng ông giải quyết rất êm, vì với cô em nào, ông cũng yêu chiều, vì ông vốn vậy mà!
Bà lấy ông lúc ông còn nghèo cơ! Rồi chẳng hiểu sao, ông lại trúng độc đắc cả nùi vé số. Vậy là đời ông lên hương thấy rõ. Chẳng bằng cấp gì, nhưng ông thừa sức điều hành cả cái công ty xây dựng này. Tiền chi ra thừa cho ông chỉ cần có cái tên thôi cho oai, còn công việc đã có kẻ khác lo cả cho ông rồi…Ông cũng chẳng keo cú gì với bà, vì có bao giờ ông để bà phải khổ vì không có tiền đâu. Bà chỉ khổ vì ngoài tiền ra, ông chẳng dành cho bà cái gì khác, để căn nhà to đùng họ ở, thật ra chỉ có mấy mẹ con, còn ông thì miệt mài với vô vàn các đứa em tinh thần ngoài kia kìa!
Họ có 3 đứa con. Chẳng bù cho 2 thằng anh lười biếng, cô em gái lại chăm chỉ học hành. Cô thích được tự tay bắt chước mẹ nấu mấy món ăn, để hai mẹ con cứ cắc củm với nhau ở gian nhà sau. Trong khi 2 anh trai cô thì  noi gương bố không sót một tí nào, là chỉ muốn làm bà con, anh em với người ngoài đường: những kẻ luôn mồm khen họ không tiếc lời, dù những đức tính chúng được gán ghép phần lớn là bịa đặt. Mà chính chúng, hai thằng biếng nhác ấy cũng nịnh bợ bố nó không tiếc lời. Có hôm thằng Thông, đứa lớn nói với ông:
_Bố già có bồ nhí dễ thương ghê!
_Sao mày nói vậy?
_Vì con Diễm khoe con mà, bố già!
Ông hơi chột dạ, vì ông không muốn vợ ông biết việc này, dù bà chưa bao giờ tỏ ra là người ghen tuông. Nhưng ông thắc mắc:
_Mà sao nó lại khoe với mày?
_Vì nó là bồ con mà, nên nó nói hết bố già ơi!
Thế có tréo ngoe không cơ chứ! Nhưng không sao, vì nhìn vào mắt nó, ông hiểu nó muốn gì. Tiền thôi cả làng ạ! Cứ đưa cho nó một nùi tiền, thì đến mười con Diễm nó cũng sang nhượng cho thần tài, chứ đừng nói gì chỉ mỗi mình con Diễm nọ mà nó đã quá…rành!
Dù sao thì bố nó vẫn là bố nó, cái gì của bố thì một ngày nào đó sẽ là của nó thôi! Dĩ nhiên, còn có thằng Thái em nó nữa. Nhưng nhằm nhò gì khi bố nó có quá trời tiền! Thằng Thái cũng dư biết tánh dê xồm của bố đẻ. Cứ thấy cách bố nó nhìn bạn gái của nó là biết ngay thôi, đến nỗi nó gọi ông:
_Bố, bố…
_Gì? Xin tiền hả? Mới cho…
_Không bố già ơi! Lần này thì con nói chuyện khác!
_Chuyện gì?
_Con cảnh báo bố nghe! Bố chớ mà có léng phéng với bạn gái con nhé!
_Bạn mày là con nào?
_Thì con Hương…
_Tao léng phéng với nó hồi nào ?
_Thôi bố chớ có múa rìu qua mắt thợ nhé ! Kiểu nhìn của bố với con Hương đến là..hay !
Ông cố nuốt nước bọt, mà sao nó cứ trù trừ trong cái bản họng của ông, khiến ông phát cáu :
_Thì tao nhìn thế đã sao…
Đấy ! Cha con họ đã vạch ra một cái ranh giới rõ ràng rồi, nên về sau cũng chẳng có gì để phải cà khịa lẫn nhau. Trừ ra, hai thằng khốn Thông và Thái ấy, có lúc cũng vô tình lác cả mắt ra mà nhìn mấy con chân dài thiếu vải đi với bố nó trong khách sạn, nơi cha con họ thỉnh thoảng thấy nhau mà giả vờ như bị khiếm thị !
Cái chính là chúng vẫn cứ đứa bên tả, đứa bên hữu tha hồ mà nịnh bợ người cha đú đởn của mình. Mẹ chết cũng chẳng làm chúng buồn tí nào. Không lẽ chúng nói rõ ra rằng chúng thậm chí còn vui hơn vì chẳng còn ai quấy rầy, nhắc nhở khi chúng lôi hết cô này tới cô nọ về nhà mặc sức diễn mọi vở tuồng học hỏi được từ cha chúng ! Chúng cũng kệ xác cô em út bỏ nhà ra đi. Chúng chỉ nghe phong phanh cô trọ học trong ký túc xá nào đó. Ôi ! Cần gì phải biết chuyện không liên quan đến mình !
Rồi một hôm xấu trời. Hai thằng tả hữu ấy bật ngửa ra khi nghe tin bố nó xộ khám vì cái tội mua bán ma túy. Chuyện xây dựng chỉ là cái vỏ bọc cho cái tà tâm của lão. Chúng rụng rời vì từ nay chẳng còn người cho chúng cận kề tả hữu. Thậm chí chúng cũng chỉ nghe nói rằng, lão bố đẻ của chúng sẽ phải bóc lịch đến khi không còn móng tay mà bóc nữa kìa.
Một hôm cũng xấu trời không kém, chúng rủ nhau đi khám bệnh vì « đồ chơi » của chúng có vấn đề. Cô nữ bác sĩ khẩu trang kín mít, nói với hai ông mãnh ấy :
_Hai ông liệu mà ăn với chơi, có ngày mất luôn của quý đấy nhé !
Họ nhận ra giọng cô. Thì ra cô em gái ngày nào bây giờ đã là bác sĩ. Còn hai thằng anh tả hữu ấy bây giờ chỉ còn nước đi phụ hồ mà sống, mà trả tiền thuê nhà, vì nhà ông bố ấy đã bị tịch biên.
Tả với chẳng hữu !
                                                                                                                        LAM TRẦN 16.10.2015



Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

TÔI ĐANG LÀM CHỨNG HAY PHẢN CHỨNG VỀ ĐẠO?



Chúa Nhật Truyền Giáo

Một linh mục làm công tác truyền giáo lâu năm đã nhận định rằng Giáo Hội Công giáo Việt Nam chỉ thành công trong việc truyền giáo qua con đường hôn nhân mà thôi. Quả là không sai. Không cần phải nói đâu xa, ngay trong các xứ đạo, ta thấy tuyệt đại đa số những người theo đạo chủ yếu là để lấy vợ lấy chồng, còn những người theo đạo vì yêu mến đạo, yêu mến những người có đạo là rất ít. Vì thế số người Công giáo hằng năm tăng lên là không nhiều. Vậy đâu là nguyên nhân? Thiết nghĩ có hai nguyên nhân chính.


- Nguyên nhân thứ nhất là vì người Công giáo chưa ý thức việc truyền giáo và cầu nguyện cho việc truyền giáo. 
Một số người Việt ở hải ngoại có nhận xét rất chí lý: “Người Công Giáo Việt Nam mới chỉ giữ đạo, chứ chưa ý thức truyền đạo?” Thực tế cho thấy điều này. Nhiều người Công giáo vẫn coi việc truyền giáo là việc của người khác, của các linh mục, các tu sĩ, hoặc các tác viên loan báo Tin Mừng, chứ không phải là việc của mình; truyền giáo là việc của các tổ chức này, đoàn hội kia, chứ không phải việc của gia đình mình. Bởi đó, họ không quan tâm đến việc nói cho người khác biết về Chúa, về đạo.
Bằng chứng là trong các cuộc gặp gỡ, trò chuyện với anh chị em lương dân, người Công giáo chúng ta thường rất ít nói, hoặc không bao giờ nói về Chúa, về đạo giáo của mình. Nội dung của các cuộc trò chuyện hầu như chỉ xoay quanh chuyện cơm áo gạo tiền, xe cộ, đất đai nhà cửa, công việc làm ăn buôn bán, chuyện học hành của con cái, chuyện bệnh tật hay tai nạn của người này người nọ, hoặc chuyện vợ chồng con cái của người nọ người kia, có khi là những câu chuyện trên phim ảnh (chuyện phim Cô Dâu Tám Tuổi chẳng hạn…). Anh chị em thử nghĩ coi có đúng không? Quá đúng luôn! Có người tám hết giờ này qua giờ khác với đủ thứ chuyện trên dưới đất, trừ chuyện Chúa, chuyện đạo. Dường như nhiều người vẫn bị “á khẩu” mỗi khi nghĩ đến việc nói về Chúa hay về đạo.
Nếu ta không nói về đạo về Chúa cho họ thì làm sao họ biết Chúa biết đạo, mà không biết thì làm sao họ yêu mến Chúa, yêu mến đạo. Không yêu mến Chúa, không yêu mến đạo thì làm sao họ theo đạo được. Dĩ nhiên, truyền đạo không nhất thiết nhắm đến việc lôi kéo người khác vào đạo. Điều quan trọng là giúp người ta nhận ra sự hiện diện của Chúa, để người ta không còn sống như người vô thần, hoặc không còn “tin vơ thờ quấy” lung tung nữa.
- Nguyên nhân thứ hai là do nhiều người Công giáo sống phản chứng với Tin Mừng, tức là sống nghịch lại với những gì đạo dạy. 
Ta vẫn thường nghe nhiều anh chị em lương dân ca thán rằng người có đạo mà sống như người vô đạo, thậm chí còn tệ hơn. Gia đình Công giáo mà thường xuyên sống bất hoà bất thuận, anh em xâu xé nhau, vợ chồng lăng nhăng, phá thai, ly dị, … Người Công giáo mà sống bất công, trộm cắp tham lam, buôn gian bán dối. Người Công giáo mà cho vay ăn lời cắt cổ, hoặc chính mình vay mà quỵt nợ không chịu trả. Người Công giáo mà rượu chè say sưa triền miên, cờ bạc số đề số đóm tối ngày… Người Công giáo mà sống ích kỷ hẹp hòi, sẵn sàng tranh chấp kiện tụng nhau chỉ vì một mét đất, hay chỉ vì một chút lợi lộc trong việc làm ăn.
Người Công giáo mà sống cố chấp, hận thù, ganh ghét. Đụng một tí là chửi lộn đánh lộn, là ăn thua đủ điều với người khác. Miệng thì rêu rao phải sống “bao dung”, nhưng khi đụng chuyện thì sẵn sàng “bung dao” với người khác. Lòng thì tỏ ra “thương xót”, nhưng hành vi cử chỉ thì làm cho người khác đau đến “thót xương”.
Tất cả những điều này vẫn đập vào mắt những người lương dân mỗi ngày, thử hỏi làm sao người ta có thiện cảm với đạo, và với người có đạo được. Cũng vì thấy nhiều người Công giáo sống phản chứng, sống không ra gì, thậm chí còn bết bát hơn là những người vô thần, nên một số anh chị em tân tòng và cả cựu tòng cũng bỏ đạo.
Đã có những người chồng tân tòng bỏ Chúa, bỏ Giáo hội vì người vợ và gia đình vợ sống quá tệ, tệ hơn cái kệ ocan gặp nước. Đã có những người vợ bổn đạo mới bỏ đạo vì chồng và gia đình chồng sống đạo không ra gì. Rồi cũng những cô con dâu mất đức tin chỉ vì bà mẹ chồng hà bá quá sức tưởng tượng: chì chiết đay nghiến chửi bới cô con dâu suốt ngày, v.v… Những chuyện đau lòng này vẫn diễn ra ngay trong các xứ đạo Công giáo đó thôi.
Vậy trong ngày Chúa Nhật truyền giáo của Năm Tân Phúc Âm Hóa Giáo Xứ, chúng ta được mời gọi nghiêm túc nhìn lại đời sống của mình, xem chúng ta có ý thức truyền giáo và cầu nguyện cho việc truyền giáo hay không? Trong các cuộc gặp gỡ chuyện trò hằng ngày với những người lương dân, chúng ta có nói được tí nào về Chúa, hay về đạo không? Chúa và Giáo hội có chỗ đứng thế nào trong những bận tâm thường nhật của chúng ta? Chúng ta đang làm chứng tá tốt lành cho Chúa và Đạo thánh của Người, hay chúng ta đang sống phản chứng “hạng nặng”, khiến cho những người chung quanh có ác cảm với đạo và xa lánh đạo?
Nếu câu trả lời nghiêng về tiêu cực thì chúng ta được mời gọi thay đổi lối nghĩ và lối sống của mình, để Chúa và Giáo hội không còn bị hàm oan dưới cái nhìn của những người lương dân đang sống bên cạnh chúng ta, và để cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội có thể gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
(Nguồn:conggiaovietnam.net)

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

VIỆC TRUYỀN GIÁO

Không ai có thể trao ban điều mình không có: Thử hỏi có được bao nhiêu Kitô hữu Việt Nam, từ người giáo dân đến hàng tu sĩ, linh mục, giám mục xác tín rằng niềm tin Kitô chính là lẽ sống của mình, là kim chỉ nam chi phối, đúng hơn là hướng dẫn mọi hành vi, mọi chương trình hoạt động của mình? 



                           


Một hiện thực của giáo hội Công giáo Việt Nam: Giữ đạo thì xem ra khá kỷ, khá nghiêm, còn truyền giáo thì hình như bị xem nhẹ nếu không muốn nói là xao nhãng không chỉ ở một vài nơi mà có thể là tại nhiều giáo phận. 
 
Kết thúc năm thánh tryền giáo 2004, Văn phòng Thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã từng làm bản thống kê về các hoạt động truyền giáo và con số người tòng giáo trên toàn quốc và đã kết luận: “Qua những số liệu trên chúng con thấy rằng kết quả của Năm Thánh Truyền giáo vừa qua còn hạn chế, chưa gây được ý thức truyền giáo cho nhiều người, số người theo đạo còn thấp, số người lớn được rửa tội năm vừa qua chưa được 30.000 người, những hoạt động xã hội còn ít…(Hiệp Thông số 26-27- trang 118). Trong số chưa được 30.000 người trên thử hỏi có được bao nhiêu người vào Công giáo không vì lý do hôn nhân? 
Nhiều lý do để bào chữa được đưa ra nào là bà con quá gắn bó với truyền thống tổ tiên và còn hiểu lầm rằng theo Công giáo là bỏ ông bỏ bà; nào là các tôn giáo khác chẳng hạn như Phật giáo đã bám rễ sâu trong lòng người dân; nào là một số người vì vô tri mà hiểu lầm hoặc cố tình xuyên tạc đạo Công giáo là phản khoa học, là dính dáng với đế quốc…Những lý do được đưa ra thường mang tính khách quan, nghĩa là phía người ngoài Công giáo. Còn các lý do về phía chủ quan tức là người Công giáo thì có lẽ chưa được phân tích nhiều và đầy đủ. 
Có người biện bạch rằng truyền giáo hiện nay chủ yếu là Phúc Âm hoá, nghĩa là làm dậy men Tin Mừng môi trường sống. Điều này hẳn không sai nhưng có lẽ chưa đủ. Khi truyền dạy các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”(Mt 28,19-20), thì chắc chắn Chúa Kitô không chỉ muốn người ta được “dậy men Tin Mừng” mà con muốn quy tụ mọi người vào một  dàn chiên, nghĩa là mọi người được vào làm con cái Thiên Chúa trong một cộng đoàn cụ thể, để sống tình huynh đệ, được hưởng nhận ân lộc thánh thiêng qua các Bí tích…


Không dám mạn bàn đến những lý do thần học cao siêu, chỉ xin có một vài nhận định qua các dữ kiện thực tiễn của giáo hội Công giáo tại Việt Nam.


Phải chẳng các chương trình cũng như hoạt động truyền giáo chưa được quan tâm đúng mức? Xét trên bình diện các giáo phận thì có thể nói rằng ngoại trừ một vài giáo phận vùng cao, có nhiều anh chị em sắc tộc, thì vẫn có đó nhiều giáo phận chưa đặt nặng công cuộc truyền giáo, cụ thể là qua các chương trình và hành động cụ thể mang tính ưu tiên, liên tục và lâu dài. Cũng có thể là do hoàn cảnh lịch sử, do những luật lệ xã hội bất cập và còn tồn tại tính hạn chế tôn giáo (lại đổ lỗi cho khách quan), nên giáo hội Việt Nam, đặc biệt là các đấng bậc có trách nhiệm đã một thời gian khá dài chỉ loay hoay lo chuyện giữ đạo hơn là truyền đạo. Khi thời thế có vẻ “dễ thở” hơn một chút thì xứ xứ, dòng tu dòng tu, giáo phận giáo phận lại chăm chú chuyện củng cố nội bộ, xây dựng cơ sở vật chất hoặc tự bằng lòng với những cuộc “lễ lạc-rước xách” hay “hội nghị” này nọ mang tính hoàng tráng bên ngoài. Những hoạt động này dẫu sao cũng đem lại chút khích lệ cho tín hữu giáo dân, nhưng hình như chỉ mang tính “ lưu hành nội bộ” như một linh mục đã từng nhận định trong dịp hội ngộ của linh mục các giáo phận thuộc Tổng giáo phận Huế tại linh địa LaVang (02-05/3/2010).


Sẽ là bất cập hay thái quá và chắc chắn là không thể chính xác khi nhận định đúng sai, hợp lý hay không về chương trình của các đấng bậc hữu trách. Thế nhưng cần nhìn nhận một thực tế, đó là đang còn tồn tại cái tâm lý tự mãn chen lẫn sự tự ti nơi cả hàng mục tử lẫn đàn chiên Công giáo Việt Nam.


Tâm lý tự mãn: Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn mà còn giữ được các sinh hoạt tôn giáo là tốt rồi. So với thời gian trước đây, đặc biệt sau năm 1975, thì hôm nay các cơ sở thờ tự, các sơ sở tôn giáo như là Nhà Thờ, chủng viện, dòng tu được xây cất to lớn, hiện đại là tốt rồi. Vì nhu cầu sinh kế, tín hữu giáo dân tủa đi nhiều nơi và đã hình thành thêm nhiều giáo họ, giáo xứ mới. Con số người gia nhập các hội dòng, các chủng viện trên dưới mười năm trước đây đã tăng vọt, cho dù hiện nay như có chửng lại, nhưng xét về con số tuyệt đối thì khó có nơi nào bì, nhất là so với các nước Âu- Mỷ. Các đại hội tại nơi này hay linh địa kia vẫn diễn ra cách “hoành tráng” cả về số lượng người tham dự lẫn quy mô tổ chức. Nhiều cuộc lễ như tấn phong giám mục, truyền chức linh mục, khấn dòng, kỷ niệm ngân khánh, kinh khánh, lễ tạ ơn…vẫn diễn ra với mật độ quá dày đến nỗi nếu ta có chút vai vế hay chút liên hệ mà tham dự thì dù vắt chân lên cổ cũng không thể xuễ và dĩ nhiên là sẽ bỏ bê nhiều công việc bổn phận khác.


Mình đâu có chủ động, tình thế là vậy, chắc Chúa sẽ thông cảm. Thời giờ khít rịt, nhiều khi phải chạy sô. Được mặt này thì mất mặt kia. Việc đi đến với anh em lương dân, với bà con khác đạo có bị chễng mảng đôi chút thì chịu vậy. Ai lại không muốn chu toàn nghĩa vụ truyền giáo, nhưng lực bất tòng tâm! Và biết đâu những việc mình đang làm cũng là truyền giáo rồi vậy?
Mặc cảm tự ti: Trong khi bà con tín hữu giáo dân hồ hởi có khi là hãnh diện qua các lễ hội “trong khuôn viên cơ sở thờ tự”, trong khi các mục tử tự hài lòng về những tổ chức “đình đám và cả hoành tráng” dịp này dịp kia…thì vẫn còn đó tâm lý tự ti nơi các thành phần dân Chúa khi ra ngoài xã hội. 



Cụ thể như sau:
Các em học sinh, sinh viên công giáo chưa mạnh dạn tỏ bày căn tính Công giáo của mình nơi môi trường học đường. Các công viên chức thì sao đây? Đã từng thử làm thống kê với khoảng trên hai trăm thầy cô giáo, thì biết được sự thật này: đa số quý thầy cô còn ngần ngại tỏ lộ căn tính Công giáo của mình nơi môi trường học đường. Những vị trong ngành giáo dục với mặt bằng tri thức không kém chút nào, với chức năng và công việc cao quý và đáng trân trọng mà vẫn còn tồn tại biểu hiện mặc cảm tự ti thì những người ở các ngành, các lãnh vực khác chắc sẽ không khá hơn bao nhiêu. Vậy chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân của các hiện tượng trên.
Một hình thức “tốt đời –đẹp đạo”: Đã là con dân đất Việt thì không xa lạ gì cụm từ “tốt đời – đẹp đạo”. Đây là cụm từ mà chính quyền Việt Nam đã không ngừng tuyên truyền và chắc chắn có hậu ý đằng sau. 
Một khi đã không còn tính thuyết phục và hữu hiệu với chủ trương và chính sách xem “tôn giáo là thuốc phiện”, vì hai từ thưốc phiện dễ gây phản cảm, thì người ta muốn biến niềm tin tôn giáo, đúng hơn là các sinh hoạt tôn giáo trở thành một mảng văn hoá nghệ thuật, cho dù có thể ở cấp độ cao nào đó. Người ta muốn biến sinh hoạt tôn giáo thành một hình thức lễ hội hay một nghệ thuật giải trí, giải tâm mang tính phụ thêm cho các sinh hoạt khác của cuộc nhân sinh cũng như thể thao, hội hoạ, điện ảnh… Như thế niềm tin tôn giáo của người dân sẽ bị giới hạn nơi các sinh hoạt tôn giáo và rồi sẽ ít có liên hệ đến cuộc sống đời thường, may ra chỉ có nơi một vài hình thức việc từ thiện.
Mưa dầm, thấm sâu. Đời sống đạo của Kitô hữu Việt Nam vì thế cũng dường như bị giới hạn nơi các hình thức “kinh, lễ, rước xách”. Khi trở về với đời thường, người ta sao thì tôi vậy. Lắm khi người ta làm bậy, tôi làm thinh mà có khi cũng làm theo. Cuộc sống vì thế như bị tách hai phần, phần đời và phần đạo khá rõ rệt và ít có liên hệ đến nhau. Cái phần đạo dường như ít mang tính nhu cầu nghĩa là cần thiết liên lĩ cho cuôc sống, ngoại trừ những khi gặp nghịch cảnh hay tai ương hoạn nạn. Niềm tin tôn giáo, qua các sinh hoạt bên ngoài như trên đã trở thành một phần phụ thêm cho người có tín ngưỡng và vì thế nó mang tính vị kỷ. Và khi tính vị kỷ chen vào thì nhu cầu chia sẻ, yêu cầu truyền giáo sẽ ít đi và có khi là không còn, vì các hình thức lễ lạc, hội hè, rước xách như đã đáp ứng nhu cầu vị kỷ ấy.


Không ai có thể trao ban điều mình không có: Thử hỏi có được bao nhiêu Kitô hữu Việt Nam, từ người giáo dân đến hàng tu sĩ, linh mục, giám mục xác tín rằng niềm tin Kitô chính là lẽ sống của mình, là kim chỉ nam chi phối, đúng hơn là hướng dẫn mọi hành vi, mọi chương trình hoạt động của mình? 


Để trả lời câu hỏi này thì chúng ta cần xem xét các hành vi, các chương trình hoạt động và việc làm của chúng ta mang tính Kitô được bao nhiêu phần trăm. Chúng ta có chân nhận hồng ân đức tin như là kho tàng vô giá chôn dấu trong ruộng hay như viên ngọc quý để rồi sẵn sàng bán đi tất cả hầu chiếm hữu cho kỳ được chưa? (x.Mt 13,44-46).
Sự thường tốt thì khoe, xấu thì che. Một khi vẫn còn mặc cảm tự ti một cách nào đó về căn tính Công giáo của mình thì chúng ta phải đấm ngực thú nhận mình chưa trân trọng, chưa quý trọng cách đúng đắn và đầy đủ hồng ân đức tin đã lãnh nhận. Chúng ta hãnh diện và tôn vinh các bậc cha ông anh hùng tử đạo là điều chính đáng và phải đạo. Thế nhưng khi nỗ lực làm cho dòng máu ấy tươi thắm theo dòng thời gian bằng chính cuộc sống không quản ngại gian nguy của chúng ta thì đẹp lòng cha ông hơn nhiều. Chắc chắn đã từng có đó nhiều vị thánh tử đạo không phải trả giá bằng cái chết công khai mà chỉ bằng những hy sinh cách này cách khác vì danh Chúa Kitô (vì công lý, vì sự thật, vì tinh yêu…). 
Nếu giáo hội Việt Nam có càng nhiều vị thánh tử đạo bằng hình thức này hay hình thức khác thì công cuộc truyền giáo sẽ phát triển không ngừng. “Máu các thánh tử đạo là hạt giống làm phát sinh người có đạo.” Câu nói của Tertulianô là một chân lý mà các vị mục tử hàng đầu trong giáo hội thường nhắc đi nhắc lại. Có thể nói không sợ sai lầm rằng can đảm chịu tử đạo hay sống tinh thần tử đạo là phương thế truyền giáo tốt đẹp và hữu hiệu hơn nhiều chiến dịch với khẩu hiệu, bích chương hoành tráng.


Lm Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột
(Nguồn:tnttvn.com)