Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

MÙA VỌNG

                                          
Lác đác, các xứ đạo đã bắt đầu treo đèn kết hoa để đón chờ Chúa Cứu Thế giáng sinh. Có những hẻm nhỏ đã hoàn tất việc chăng những giây đèn mầu nhấp nháy. Các cửa tiệm đã chưng ra những ngôi sao ngày càng lộng lẫy, các dãy thông xanh trắng rực rỡ những món trang trí…, khiến khách nhàn du cảm thấy phải mua để thay vào thứ mình đang có, dù chỉ mới dùng có một đôi tuần rồi cất đi cho…mới!
Hóa ra, ai cũng muốn có cái gì mới mẻ khi chính ngày Giáng Sinh chưa đến. Chỉ có những sợi kẽm giăng để máng đèn trang trí vào, nơi nhiều xóm nhỏ, vì lười biếng mà sau ngày lễ năm trước, là còn yên vị qua suốt 365 ngày qua; Còn thì, có lẽ phải có ngôi sao Đa Vít mới cho hợp thời trang; Có lẽ phải cho giải đèn đẹp như ngân hà năm trước về hưu, thay vào đó là cái gì chưa biết nữa, vì còn phải chờ xem xóm bên cạnh làm cái gì trước, xóm mình sẽ làm sau sao cho đẹp hơn, hay hơn, kiểu cọ hơn, tốn tiền hơn, và dĩ nhiên, cho mặt chúng ta đây ngẩng…cao hơn một tí!
Chẳng sao, vì vui mà! Mua mới thì tốn tiền chứ có lợi lộc gì? Khắp khắp lung linh bộ không làm ta gần Chúa hơn sao? Giá mà ta đem tiền ấy đi…nhậu nhẹt, thì mới đáng ca cẩm! Chứ đàng này, ta làm thế chỉ vì ta muốn ngày Chúa giáng thế phải rất là đặc biệt! Thậm chí, sau khi đi lễ đêm về, cả xóm có bày ra giữa sân một bữa tiệc bỏ túi, có overnight đàn ca hát xướng, thì hẳn chỉ là để tỏ lộ niềm vui cùng với ngàn vạn vì sao trên kia!
A! Nghĩ thế thì phải bắt đầu là vừa rồi. Phải “hú” ai đó, có đạo hay không có đạo chẳng nhằm nhò gì, ra kia uống cà phê, hoặc lai rai chút đỉnh để bàn bạc về kế hoạch cho noel năm nay. Này nhé, cứ lại nhà cô Vui, cô tuy không biết Chúa là ai, nhưng cô rất sẵn lòng đóng góp cho đêm noel xóm mình rực rỡ! Này nhé, chớ có xin nhà ông Keo, vì đúng là ổng keo hơn quỷ, ổng mà có cho tí xíu thì ổng nói nọ nói kia mệt bỏ…bà! Này, chớ mà ăn rề vây dông cạnh nhà bà Lắm, vì nói hơi to một tí là bả lườm với nguýt không à! Này nhé, chớ mà dây vào mụ Cải, vì mụ thậm chí không cho cắm điện ở nhà mụ đâu, có lẽ mụ sợ tốn tiền! Này nhé! Ráp đèn đâu đó xong, cứ để cầu dao điện ở nhà anh Chùa ,có lẽ ảnh sẽ…ăn cắp điện “nhà nước”, nên chẳng ai phải trả tiền điện cho vụ noel này đâu! Cứ xài thả dàn! Cũng lưu ý là, sau lễ, nếu nhắm thấy đèn đóm để dành sang năm thế nào cũng hư, thì cứ để yên vậy mà mừng tết tây rồi tết ta luôn thể, rồi cứ phó mặc cho nắng mưa. Và sang năm, ta lại cứ thế mà làm nhé!
Ôi, chưa lễ mà người ta đã bàn định kỹ ghê đi! Đúng là “con cái thế gian” khôn ngoan hết chỗ chê! Chẳng bao giờ những con cái ấy bàn cách sao cho ông Keo cùng tham gia với sự hỷ hả cần có! Chẳng bao giờ thế gian ấy to nhỏ một chút với bà Lắm, và lắng nghe bà xem bà có cố vấn cho cách làm thế nào vừa được vui mà không inh củ tỏi lên như vẫn thế! Chẳng bao giờ sự khôn ngoan được dùng để thì thầm với bà Cải, chứ không phải với “mụ” Cải, khiến bà sẵn sàng cắm giây điện vào ổ điện nhà bà! Chẳng bao giờ qua ly cà phê, nói với anh Chùa rằng, anh ạ, anh chớ có mà xài điện “chùa” nhé! Chớ có nghĩ điện “chùa” là thắp sáng được niềm tin anh ạ! Có vậy, cô Vui mới thật sự hiểu được niềm vui của ngày Giáng Sinh. Còn bây giờ ư! Chỉ là cái vui thoáng qua mau vụn vỡ!
Vậy thì ra, mùa Vọng đã bắt đầu để người ta ngưỡng vọng về ngày Noel huy hoàng rực rỡ. Rồi sau ngày Noel sáng láng ấy, mọi sự lại trở lại với cái vòng tròn quay mòng mòng. Có thể, sự “trở lại” ấy vẫn xảy ra ngay khi người ta đang trang trí cho mùa noel của mình, vì trong lúc treo những ngôi sao lên chỗ dễ trông thấy nhất, người ta vẫn không ngừng nghĩ về cách làm sao cho túi tiền của mình được đầy đặn thêm, hầu có cái mà mua ông sao độc nhất vô nhị mà cả đời mình ước mơ nhưng chưa được. Vì, trong lúc cầu kỳ làm máng cỏ thật ra vốn rất đơn sơ, người ta vẫn tìm cách hạ độc thủ ai đó làm vướng chân mình trên đường đời. Vì, trong lúc nài nỉ, gài độ cho ai đó xùy tiền ra làm bữa tiệc đêm lấy lý do vậy mới vui, người ta vẫn thầm ghen tức với sự giàu có và phóng khoáng của kẻ bị rút rỉa ấy; Không biết chừng cái miệng lưỡi hiểm độc của người ta có thể khiến kẻ bị gài độ ấy cảm thấy không còn nhu cầu tìm hiểu xem, thật ra Hài Nhi Giê su là ai vậy!
Như vậy, “sáu mươi năm cuộc đời” hóa ra là sáu mươi lần hoài vọng chẳng phải về chuyện gì cao cả hơn, mà chỉ là thói quen làm vui cho chỉ chính mình qua những hình thức cầu kỳ và tốn kém. Điều chính yếu là ngưỡng trông Đấng sẽ đem ơn Cứu Độ đến, có lẽ chỉ được cố nhớ lại đôi chút qua bài giảng đêm noel, để ngay sau đó lại quên đi ngay lập tức mà sống như người chẳng hề có nhiệm vụ phải loan truyền Tin Vui cho mọi người.
Ngẫm nghĩ như vậy mới chảy nước mắt ra rằng, có lẽ chính Đức Chúa mới là “kẻ” đang trông chờ những con chiên lạc từng phút giây, hơn là những con chiên nhất định đi lạc ấy chờ mong Chúa. Nếu mỗi con chiên dù lạc nẻo nghĩ rằng, đời mình là cả một mùa vọng, thì hẳn nhiên, đàng sau những hang đá tươi vui, bên cạnh những sắc màu lung linh, là chính trái tim con chiên luôn mong mỏi được gặp Chúa của mình mỗi ngày.
Mùa Vọng cả đời ấy sẽ làm tâm hồn mãi an vui. Hình ảnh Chúa nếu được thắp sáng bằng chính niềm tin, chứ không hề bằng những dãy đèn phụt tắt khi mất điện, thì hẳn rằng, ta sẽ cư xử với mọi người thật khác với cách ta vẫn làm xưa nay là thật ra, ta chỉ tôn vinh mỗi mình mình, ta chỉ trông chờ những sự tốt đẹp bên ngoài cho mình. Còn bên trong, chỉ mất điện, là đèn lòng ta tăm tối…
                                                                                                                                                      LAM TRẦN 28.11.2015

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

THỨC MÀ KHÔNG TỈNH - TỈNH MÀ KHÔNG THỨC

www.40giayloichua.net

SUY NIỆM 
CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG    -  NĂM C  -  29/11/2015



“Lạy Chúa, con nâng hồn lên tới Chúa.
Lạy Chúa, con nâng hồn lên tới Ngài”.

Các bạn trẻ thân mến,
Thánh Vịnh đáp ca của Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay là một lời cầu nguyện khẩn thiết, cũng là tâm tình đúng đắn để chúng ta đi vào Mùa Vọng, khởi đầu một năm phụng vụ mới.  Bởi lẽ, là những người đang sống trên đất, dường như chúng ta đang quá lo lắng những chuyện ngang đất.  Đi giữa ban ngày, nhưng lắm lúc chúng ta đang lần khần trong đêm tối; trừng trừng mắt mở, nhưng không ít lần chúng ta lại hoá đang ngủ mê.  Ấy thế, khởi đầu Mùa Vọng, Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta: “Hãy tỉnh thức, hãy cầu nguyện.”

Và thật ý nghĩa, theo Tin Mừng Luca, khi “Hãy tỉnh thức, hãy cầu nguyện” chính là câu nói cuối cùng trong Diễn Từ Chung Luận của Chúa Giêsu trước khi Ngài ra đi chịu chết.  Vậy thì tại sao “lời cuối cho nhau” lại là tỉnh thức và cầu nguyện mà không là một lời nào khác?

Phải chăng, bởi Chúa Giêsu biết có nhiều người thức mà không tỉnh; hay ngược lại, nhiều người tỉnh mà không thức?

Thức mà không tỉnh nghĩa là mê.  Ở đây không nói đến mê ngủ nhưng nói đến mê lầm, mê muội, mê đắm: tức là mê danh, mê tiền, mê việc, mê đất, mê người… mê đến nỗi quên tất cả, quên cả Chúa, quên cả người, quên cả bà con ruột rà anh em và nhất là quên cả nhân cách, quên luôn cả linh hồn mình.  Thức mà không tỉnh là vậy!

Còn tỉnh mà không thức là thấy điều lành nhưng lại không ao ước, mà có ao ước cũng không dám thực hiện.  Vì lẽ, thực hiện thì phải cố gắng, cố gắng lại phải hy sinh, hy sinh hẳn phải bỏ mình.  Bởi thế, sẽ không ngạc nhiên khi có người định nghĩa: “Hoả ngục là nơi được lát bằng những thiện chí.”  Tỉnh mà không thức là thế!

Kho tàng ngụ ngôn Ấn Độ kể rằng:  Cụ già kia có cô cháu ngoại 12 tuổi với khuôn mặt thật xinh xắn, đôn hậu; nhưng rủi thay, cô bé bị mù từ thuở mới sinh.  Bởi thế, ngày ngày cô thầm khóc vì tủi thân và nét mặt bao giờ cũng trầm buồn.  Cho đến một hôm, cụ già gọi cô lại và bảo: “Cháu ơi, trên đời này người ta khổ vì mê, người ta bất hạnh vì lầm.  Vì mê, nên người ta so; vì lầm, nên người ta sánh.  Phần cháu, cháu không mê, cũng không lầm; cháu không so, cũng không sánh nên thật hạnh phúc.”

Cô bé xem ra không hiểu nên ngoại em nói tiếp: “Người ta so sánh cái này với cái kia, người này với người nọ.  Chính cái hơn thua làm cho người ta đau khổ, chính cái đua đòi làm cho người ta u mê, để rồi họ miên man chạy theo danh, hụt hơi tìm theo lợi, rong ruổi theo cái phù hoa, bất chấp phải xâu xé, không ngại phải dẫm đạp…  Thế mà đang khi đó, mấy ai nhớ rằng, tất cả mọi sự đang qua đi, tất cả mọi sự đang tan chảy; có cái tan nhanh như bọt nước, có cái tan chậm như địa cầu.  Mỗi người quên rằng, chính thân xác họ đang tan, cuộc đời họ cũng đang chảy.  Sống thêm một ngày là một ngày bước tới gần bên huyệt mộ của mình”.

Nghe xong lời giải thích, cô cháu lặng người, những giọt lệ từ đôi mắt mù loà lăn dài trên đôi má; nhưng cũng từ đó, khuôn mặt cô bắt đầu rạng rỡ.  Cô cảm nhận mình đang thật hạnh phúc.

Các bạn thân mến,
Khởi đầu Mùa Vọng, là những lữ khách trên chốn trần ai, chúng ta không được đề nghị hãy quên những chuyện dưới thấp để sống lỏng bỏng hỏng chân cho những chuyện trên trời, nhưng mỗi người đang được mời gọi hướng lên cao đang khi chu toàn những công việc dưới thấp, mỗi người được mời gọi làm những việc bình thường một cách phi thường, nghĩa là được mời gọi nâng tâm hồn lên tới Chúa.

Mỗi người hãy ao ước thưa lên: “Lạy Chúa, con nâng hồn con lên tới Chúa, con nâng hồn con lên tới Ngài.”  Muốn được vậy, chớ gì chúng ta cũng biết tỉnh thức và cầu nguyện luôn để không phải là người lừng khừng đi giữa ban ngày mà thực tế, đang lầm lũi trong đêm; để không là những người quá quen với bóng tối đến nỗi không biết ở bên kia vẫn còn sự hiện diện của ánh sáng.

Vậy mà, tự sức chúng ta, tỉnh thức và cầu nguyện lại không dễ chút nào.  Hãy đến với Chúa Giêsu mỗi ngày trong phép Thánh Thể, vì Thánh Thể không chỉ là của ăn linh hồn nhưng còn là mặt trời cho mỗi ngày sống của chúng ta.

Càng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta càng được mạnh sức; càng đến với Ngài, chúng ta càng được khôn ngoan, tỉnh táo.  Tâm có tỉnh, trí mới khôn; lòng có cầu, ý mới nguyện.  Tỉnh thức và cầu nguyện là vậy, là ước ao nên tốt hơn mỗi ngày, là biết sống như những người con sẵn sàng đứng thẳng và ngẩng đầu lên một khi ra trước mặt Chúa.

Mỗi người chúng ta có thể cầu nguyện: “Lạy Chúa, dù làm việc, dù học hành…, mỗi chúng con cũng đang bôn tẩu ngược xuôi giữa chợ đời.  Xin hãy dừng bước chân con, xin hãy dừng bước chân con… để con cũng có thể nâng hồn lên tới Chúa; cho tim con đang trĩu nặng được thư thái, cho trí xôn xao của con được lặng yên, cho thần kinh căng thẳng của con được dịu lại, cho gân cốt mệt nhoài được ngơi nghỉ.  Cho con thật tỉnh thức và chuyên chăm nguyện cầu. 

Giữa bao công việc thường ngày, xin dạy con biết dừng lại năm mười phút, trầm sâu xuống lòng mình để nghe cho được tiếng Chúa, tiếng tha nhân và cả tiếng lòng con.

Xin cho con mỗi tuần, ít nữa ngày Chúa Nhật, biết dành thời giờ cho Chúa, cho linh hồn con nhiều hơn.  Từ đó, con có thể rút ra nguồn sáng mới, sức mạnh mới và lòng dũng cảm mới.  Và lạy Chúa, cho dẫu trời có sập xuống, đất có vỡ đôi khi mà mọi người phải hồn xiêu phách lạc, thì phần con, lạy Chúa, Chúa có thể gọi con bất cứ lúc nào vì con đang tỉnh thức và cầu nguyện để luôn sẵn sàng; sẵn sàng khi thức, sẵn sàng cả lúc ngủ, nhất là giấc ngủ không bao giờ chỗi dậy, giấc ngủ sau cùng, Amen”.

LM Minh Anh (Gp. Huế)

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

NGƯỜI THIẾU PHỤ VÀ BA TÊN TRỘM



                                                                   (Ảnh từ Internet)


Có một thiếu phụ dắt theo một con lừa và một con dê rừng vào thành để bán, trên cổ của con dê rừng có đeo một cái lục lạc. Cuối cùng cả dê và lừa, thậm chí ngay cả quần áo trên người đều bị trộm mất. Rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra?


Có ba tên trộm đã nhìn thấy, một tên trong số đó nói: “Tôi sẽ đi ăn trộm con dê rừng mà thiếu phụ kia sẽ không hay biết gì cả”.

Một tên trộm khác nói: “Tôi sẽ dắt trộm con lừa ngay từ trong tay người thiếu phụ kia”.

Tên trộm thứ ba nói: “Cái này có khó gì, tôi có thể lấy trộm hết toàn bộ quần áo đang mặc trên người thiếu phụ kia”.

Tên trộm thứ nhất ngay tại chỗ rẽ của con đường đã lén lén đến gần con dê rừng, cởi bỏ cái lục lạc xuống, buộc vào đuôi con lừa, sau đó dắt con dê rừng đi. Người thiếu phụ nhìn quanh một lượt, phát hiện dê rừng không thấy đâu nữa, liền bắt đầu tìm kiếm

Lúc này, tên trộm thứ hai đi đến trước mặt thiếu phụ, hỏi bà đang tìm kiếm gì, thiếu phụ nói bà đã bị mất một con dê rừng. Tên trộm nói: “Tôi đã nhìn thấy, vừa nãy có một người dắt theo một con dê rừng đi ra khỏi khu rừng này, bây giờ vẫn còn có thể đuổi kịp được”.

Thiếu phụ cầu khẩn người này dắt con lừa thay bà, còn mình thì đuổi theo lấy lại con dê rừng. Tên trộm thứ hai đã nhân cơ hội dắt trộm con lừa đi mất.

Người thiếu phụ từ trong rừng trở về, con lừa cũng không thấy đâu nữa

Bà vừa đi đường vừa khóc, đang đi đang đi, bà nhìn thấy bên cái đầm nước có một người ngồi đó, cũng đang khóc. Thiếu phụ hỏi anh ta đã xảy ra chuyện gì.

Người đó liền nói, anh ta đã làm rớt một cái túi xuống hồ, ai mà giúp anh ta nhặt lên thì sẽ tặng cho người đó hai mươi thỏi vàng

Người kia nói: “Ông chủ nhờ tôi đem một túi vàng vào trong thành, vì đi đường quá mệt mỏi, tôi bèn ngồi nghỉ ở bên đầm này, không ngờ đã ngủ quên mất, trong giấc mơ đã ném cái túi đó xuống đầm nước rồi”.

Thiếu phụ hỏi sao anh không xuống vớt cái túi đó lên. Người đó nói: “Tôi sợ nước, bởi vì tôi vốn không biết bơi, nếu ai có thể vớt túi vàng này lên đây. Tôi hứa sẽ tặng cho người đó hai mươi thỏi vàng”.

Người thiếu phụ mừng rỡ, nghĩ thầm trong lòng rằng: “Chính là vì người ta đã lấy trộm mất con dê rừng và lừa của mình, nên ông trời mới ban hạnh phúc cho mình”. Thế là, bà liền cởi bỏ quần áo bên ngoài, lặn xuống nước, nhưng dù cố gắng đến mấy bà cũng tìm không thấy túi vàng kia đâu. Khi bà từ dưới nước bò lên bờ, thì phát hiện quần áo không thấy đâu nữa. Thì ra tên trộm thứ ba đã lấy trộm quần áo của bà đi mất.

Cảm ngộ

Đây chính là ba cạm bẫy lớn của đời người: sơ suất, cả tin và tham lam.

Thế gian đầy rẫy những giả tướng mê hoặc người ta, bản tính con người luôn tồn tại chỗ thiếu sót, làm việc tuyệt đối không được sơ suất, không nên nhẹ dạ cả tin người khác, tham lam luôn sẽ nhận phải sự trừng phạt.

Hãy nhớ kỹ đời người có ba điều cấm kỵ lớn, hãy là người quyết định sáng suốt. Nhẹ dạ cả tin người khác luôn sẽ phải trả giá.

Đừng có khoác lác rằng bên mình có bao nhiêu bè bạn, đừng nói bạn quen biết bao nhiêu người, mà hãy xem những lúc bạn khó khăn vẫn còn có bao nhiêu người quen biết bạn.

Những người hàng ngày cùng với bạn ăn ăn uống uống, khi có chuyện không nhất định họ sẽ giúp đỡ bạn. Bạn bè, chỉ cần chất lượng, không cần số lượng, cả một xe khoai tây, không bằng một viên minh châu.

Mình có một quả táo, chia cho bạn một nửa, đây chính là tình bạn.

Mình chỉ ăn một miếng, còn lại đều đưa cho bạn, đây chính là tình yêu.

Mình một miếng cũng không ăn, đưa cho bạn toàn bộ, đó chính là cha mẹ bạn.

Mình đem giấu thật kỹ, nói với người khác rằng mình cũng đói rồi, đây chính là xã hội.

Người đàn ông khi một lần rơi vào cảnh nghèo khó, mới biết được người phụ nữa nào yêu mình thật sự. Người phụ nữ có một lúc nào đó dung mạo trở nên già xấu đi, mới biết được người đàn ông nào sẽ không rời khỏi mình. Con người ta chỉ có rơi vào sa sút một lần, mới biết được ai thật lòng quan tâm đến bạn.

Tình bạn, không phải vì bạn có tiền tôi mới đi theo. Tình yêu, không phải vì bạn xinh đẹp tôi mới để mắt đến.

Những gì thời gian để lại, không phải giàu sang, không phải vẻ đẹp mà là sự chân thành.

Sưu tầm

(Tinh Hoa)

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

CHIẾC CHÌA KHÓA


Những người làm khóa chúng ta, trong lòng mỗi người đều phải có một cái khóa không thể mở, đó chính là ‘không vì lợi mình, chỉ vì lợi người’. (Ảnh: Internet) 


Câu chuyện lão thợ khóa chọn đồ đệ và bài học về nhân cách


Lão thợ khóa cả đời làm ra không biết bao nhiêu khóa, kỹ thuật cao siêu, giá cả cũng hợp lý, được mọi người vô cùng kính trọng; điều quan trọng hơn nữa là, lão là người chính trực, mỗi lần sửa khóa, lão đều cho người ta biết họ tên và địa chỉ của mình, bảo rằng: “Nếu như nhà anh có trộm, chỉ cần dùng chìa khóa mở cửa nhà anh mà đến tìm tôi, tôi sẽ thay anh tìm ra tên trộm, không thu phí của anh một đồng”.

Chọn đồ đệ
Thời gian dần trôi, lão thợ khóa càng già đi, nhưng tay nghề càng lúc càng tinh xảo, vì muốn kỹ nghệ của ông không bị thất truyền, mọi người thay ông xem xét tìm kiếm đồ đệ. Cuối cùng, lão thợ khóa chọn được hai người trẻ tuổi, cả hai đều rất có năng lực, lão vô cùng quý mến họ, định rằng sẽ đem hết kỹ nghệ tinh xảo của mình truyền thụ cho họ.
Sau một thời gian ngắn, cả hai người đều học được không ít kỹ thuật, thế nhưng, chỉ có một người có thể được chân truyền, vì vậy lão thợ khóa quyết định thử thách 2 người họ một chút.
Ngày hôm đó, lão thợ khóa chuẩn bị hai cái két sắt, đặt ở hai phòng khác nhau, rồi sai hai đồ đệ mở ra, người nào nhanh sẽ thắng. Khảo nghiệm này đối với họ mà nói rất đơn giản, vì cả hai đều có kỹ năng thành thục, chính yếu chỉ là so thời gian dài ngắn.
Kết quả là, người thứ nhất không đến 10 phút đã mở được két, còn người thứ hai lại mất đến nữa tiếng đồng hồ. Ai cũng cho rằng người thứ nhất thắng cuộc là điều không có gì bàn cãi vì cách biệt giữa hai người quá lớn, chỉ cần đợi lão thợ khóa tuyên bố ai là người chiến thắng thôi. Mọi người chờ thật lâu nhưng lão thợ khóa vẫn không có động tĩnh gì.
Trong lúc mọi người đang thắc mắc, lão thợ khóa bèn hỏi đồ đệ thứ nhất:
“Con là người mở ra trước hết, vậy con thấy trong két có cái gì?”.
Người này ánh mắt sáng rỡ, phấn khích trả lời thầy:
“Thưa thầy, bên trong có rất nhiều tiền, số tiền này có thể đủ dùng cho cả nữa đời người! Con chưa bao giờ nhìn thấy nhiều tiền như vậy!”
Lão thợ khóa quay đầu lại hỏi đồ đệ thứ hai câu hỏi giống như vậy, người này ấp úng cả buổi mới nói:
“Thưa thầy, con không thấy bên trong có cái gì cả, thầy chỉ bảo con mở khóa, thì con mở khóa, chứ con không có xem trong két có cái gì hết”.
Lão thợ khóa nghe xong, hết sức vui mừng, trịnh trọng tuyên bố đồ đệ thứ hai là người ông chọn nối nghiệp mình. Thấy vậy, đồ đệ thứ nhất không phục, mọi người cũng rất khó hiểu.

Đức tính cao quý

Lão thợ khóa mỉm cười, nói:
“Bất kể làm ngành nghề gì, đều phải nói đến một từ ‘ĐỨC’, nhất là nghề của chúng ta, đạo đức hành nghề còn phải cao hơn nữa. Một người có được một tâm hồn tốt đẹp, thế giới trong mắt anh ta, sẽ trở nên trong sáng thanh tịnh, và anh ta sẽ là một người có đạo đức cao quý; đồng thời, phẩm chất của một người sẽ nhào nặn nên tâm hồn của mình, hình thành nên một nhân cách cao thượng.
Tôi chọn đồ đệ là muốn bồi dưỡng cho người đó trở thành một người thợ khóa tuyệt vời, người đó nhất định phải được điều ‘trong lòng chỉ có làm khóa’, chứ không có thứ gì khác, đối với tiền tài nhìn mà như không thấy; nếu không, trong lòng có tư niệm, chỉ cần hơi có chút tham lam, trèo cửa vào nhà, mở két sắt trộm tiền, vậy sẽ dễ như trở bàn tay, cuối cùng chỉ có thể hại người hại mình mà thôi.

Những người làm khóa chúng ta, trong lòng mỗi người đều phải có một cái khóa không thể mở, đó chính là ‘không vì lợi mình, chỉ vì lợi người’, chỉ giúp đỡ người khác mở khóa của họ mà thôi!”

( Theo Tinh hoa )

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

GIẤY CHỨNG NHẬN NGƯỜI


    Trên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng đi làm thuê, hạch sách:
- Vé tàu!
Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người từ trên xuống dưới một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra. Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc:
- Đây là vé trẻ em.
Người đàn ông đứng tuổi đỏ bừng mặt, nhỏ nhẹ đáp:
- Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao?
Giá vé trẻ em và vé người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi:
- Anh là người tàn tật?
- Vâng, tôi là người tàn tật.
- Vậy, anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.
Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp:
- Tôi... không có giấy tờ. Khi mua vé, cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận
tàn tật và không biết phải làm thế nào, nên tôi đã mua vé trẻ em.
Cô soát vé cười gằn:
- Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật?
Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên. Anh chỉ còn một nửa bàn chân. Cô soát vé liếc nhìn, bảo:
- Tôi cần xem chứng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ "Giấy chứng nhận tàn tật" có đóng con dấu của Hội người tàn tật !
Với khuôn mặt như quả dưa đắng, người đàn ông đứng tuổi cố giải thích:
- Tôi không có hộ khẩu của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi tai nạn xảy ra, ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện để giám định...
Trưởng tàu nghe chuyện, đến hỏi tình hình. Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với Trưởng tàu, mình là người tàn tật, đã mua một vé có giá trị bằng vé của người tàn tật…
Trưởng tàu cũng hỏi:
- Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu?
Người đàn ông đứng tuổi trả lời là anh không có giấy chứng nhận tàn tật, sau đó anh cũng cho Trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình. Trưởng tàu cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói:
- Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung.

   Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có hơn 50 ngàn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với Trưởng tàu như khóc:
- Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương quyên góp mỗi người một ít để mua dùm, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi.
Trưởng tàu nói kiên quyết:
- Không được.
Thừa dịp, cô soát vé nói với Trưởng tàu:
- Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.
Nghĩ một lát, Trưởng tàu đồng ý:
- Cũng được.
Một cụ già ngồi đối diện với người đàn ông tàn tật đó, tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên nhìn chằm chằm vào mắt vị Trưởng tàu, hỏi:
- Anh có phải đàn ông không?
Vị Trưởng tàu không hiểu, hỏi lại:
- Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không?
- Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không?
- Đương nhiên tôi là đàn ông!
- Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem đi?
Mọi người chung quanh cười rộ lên. Thừ người ra một lát, vị Truởng tàu nói:
- Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả?
Cụ già lắc lắc đầu, nói:
- Tôi cũng giống như anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông không phải đàn ông.
Vị Trưởng tàu không biết ứng phó ra sao. Cô soát vé đứng ra giải vây cho Trưởng tàu. Cô nói với cụ già:
- Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì ông cứ nói với tôi.
Cụ già chỉ vào mặt cô ta, nói thẳng thừng:
- Cô hoàn toàn không phải người!
Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé:
- Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là người thì là gì?
Cụ già vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói:
- Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận “người” của cô ra xem nào...
Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa. Chỉ có một người không cười. Đó là người đàn ông trung niên bị cụt bàn chân. Anh cứ nhìn trân trân vào mọi thứ trước mặt. Không biết tự bao giờ, mắt anh đẫm lệ, không rõ anh tủi thân, xúc động, hay vì lẽ gì.
(Sưu tầm)

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

MỘT TRANG WEB TUYỆT VỜI

phamhuutuan suu tam
(Nguồn : tinmung.net)