Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

PHƯƠNG PHAP GD CỦA CHA GASTON COURTOIS (tt)


Tại sao con hà tiện một tiếng khen? Tiếc một nụ                cười? Một siết tay với người ta? 
Bao nhiêu người không cần bạc tiền, chỉ cần lòng con 
(trích Những người lữ hành trên đường hy vọng - ĐHY Nguyễn văn Thuận)

Cũng chính cha Gaston Courtois thuật lại chứng tích sau đây:
 - Một cha phó trẻ tuổi đến gặp tôi với vẻ mặt buồn thiu ảm đạm:
 - Thưa cha, con đau khổ quá, con định lên Tòa Giám mục xin thuyên chuyển đi xứ khác!
 - Tại sao thế? Con cứ nói hết đầu đuôi câu chuyện cho cha nghe. Cha sẵn sàng giúp con.
 - Con nghĩ con thực xấu số: mới tập tễnh vào đời mà gặp một cha xứ quá tệ! Bầu không khí nhà xứ nghẹt thở lắm, cha ạ! Không ngày nào mà không có chuyện va chạm xích mích. Giờ cơm đúng ra là buổi thân mật nhất, vui vẻ nhất lại là lúc im lặng nặng nề, ai cũng cúi đầu ăn cho xong mà đi. Ăn cũng chẳng biết ngon lành gì nữa. Do đó, đời sống thiêng liêng cũng bị ảnh hưởng, lại sinh thêm gương xấu cho giáo dân...
 - Ngài khó tính lắm sao?
 - Hết chỗ nói! Vừa lạc hậu vừa độc đoán, không bao giờ chấp nhận đối thoại, xem người không bằng ngọn rau má!
 - Ngài hay chỉ trích con lắm à?
 - Gặp ai ngài cũng chê bai cha phó, cha thấy có tệ hại và chán nản cho tuổi trẻ không! Nào là ít kinh nghiệm, nào là bồng bột, nào là thiếu nghiêm trang, cứ hay chơi đùa với thanh niên, trẻ con, nào là dạy giáo lý không đúng. Ngài muốn con giáo dục thanh thiếu niên theo kiểu xưa, dùng sách giáo lý cổ lỗ sỉ mà dạy thế thì đứa nào thèm nghe! Muốn bệ vệ như ngài thì con lúng túng quá và không cách nào chịu được!
 - Thế con có bao giờ chỉ trích ngài không?
 - Con phải công nhận là có. Vì con phải bênh vực lập trường của con chứ! Con đã phê bình ngài trước mặt nhiều người. À, mà ngài lại còn hà tiện lắm nữa kia! Con mới ra trường, không có được xu mô. Tuần trước, đưa thiếu nhi đi cắm trại liên hoan sau ngày rước lễ vỡ lòng, con đến xin ngài lì xì; ngài đã không cho thì thôi, lại còn phê thêm một câu chua như giấm: "Các cha đời bây giờ chả làm nên được cái gì cả, chỉ ham chơi đùa với cắm trại!". Dẫn bầy trẻ đi, con phải rán vui nhưng trong thâm tâm thực đắng cay chua xót. Cha thấy có khổ không?... Thú thực với cha, con năng bàn chuyện cha xứ với giáo dân lắm!
 - Cha thông cảm với con, nhưng con hãy bình tâm suy nghĩ lại. Ai lại không có tính khí, có lập trường của mình. Nhất là người càng lớn tuổi thì càng giữ quan điểm của thời họ, của lối giáo dục mà họ đã hấp thụ. Sau con đến tuổi già cũng dễ mắc phải tật ấy. Con phàn nàn với người ta về cha xứ, tất nhiên có kẻ mách lại cho ngài biết, và như thế ngài sẽ chỉ trích chê bai con lại. Thế là hết tình nghĩa huynh đệ và càng đắng cay chua xót với nhau hơn. Con đã đến với cha thì cha bàn với con thế này. Con thấy ngài có điểm nào có thể khen được không?
 - Chịu? Con thấy ngài như cái hũ cũ, chả có gì mà khen cả!
 - Thế con thấy ngài giảng thế nào?
 - Kể ra không hấp dẫn mấy, nhưng mà có dọn trước, có bố cục, mạch lạc đàng hoàng; kiểu cổ điển: có mở đầu, kết luận...
 - Ngài có chịu khó ngồi tòa giải tội không?
 - Cha thì thực là khéo hỏi chuyện! Về vấn đề ấy thì con thua xa ngài. Ngài ngồi tòa thực là kiên trì, và ai xin giờ nào ngài cũng sẵn sàng cả.
 - Sổ sách các phép ngài làm có phân minh không?
 - Ngài khó tính thì thật là khó tính nhưng sổ sách thì ngài ghi từng ngày một, rõ ràng minh bạch, không chê vào đâu được...
  - Bây giờ cha xin con nghe cha: Từ đây ngài có nói gì con thì mặc ngài, trước sau thì ta vẫn là ta; nhưng ngược lại, phần con, vì hy sinh, vì yêu mến Chúa trong ngài, nếu con phải phấn đấu sống với ngài thật là bác ái huynh đệ. Và để ngài xác nhận là con tốt với ngài, cha đề nghi con lợi dụng tất cả mọi dịp để khen ngài. Không phải cha bảo con tâng bốc hay cho ngài đi tàu bay giấy, nhưng con nên khen những điểm tốt mà chính con vừa xác nhận đó! Can đảm lên! Mẹ Maria sẽ giúp con. Tháng sau con tới lại!
 Ba mươi ngày trôi qua, cha phó ấy lại đến gặp tôi. Vừa bắt tay ngài đã vội vàng nói:
 - Cha ơi có nhiều chuyện vui lắm! Để con thuật lại cha nghe!
 - Cha vẫn cầu nguyện và mong tin của con.
 - Nghe lời cha con về phấn đấu hết sức, lắm lúc phải vận dụng hết tâm lực để dằn lòng xuống mà tươi cười niềm nở với ngài. Hôm chúa nhật, sau bài giảng của ngài, con vào phòng thánh gặp ông từ hỏi ngay: "Ông có nghe cha xứ giảng không? Thực là mạch lạc và sốt sắng! Lúc nào tôi cũng chăm chỉ theo dõi để học cách giảng của ngài". Ba ngày sau, lúc lên làm lễ, gặp ông từ, ông vội đến sát tai con nói khẽ với con: "Con có thuật lại lời cha hôm nọ cho cha xứ nghe, ngài vui vẻ bảo con: "Ông từ thấy chưa, đó là một cha phó còn trẻ mà trí xét đoán rất đúng đắn". Chiều thứ bảy, ngồi tòa xong, con đi xuống bếp và nói với bà bếp: "Tôi còn trẻ mà mới ngồi tòa có một lúc mà đã nghe mỏi mệt cả người, thế mà cha xứ thật là nhẫn nại; ngài ngồi lâu mấy cũng được, ai xin lúc nào cũng sẵn sàng". Ít hôm sau bà bếp mách lại với con: "Cha biết không, con thuật lại lời cha nói bữa chiều thứ bảy cho cha sở nghe; ngài có vẻ đắc chí, vừa cười vừa nói: "Đấy bà xem cha phó này có lòng khiêm nhượng, biết kiểm điểm mình và đánh giá những điều hay của kẻ khác mà bắt chước. Bà gắng nấu nướng bồi dưỡng cho ngài. Trông ngài độ này hơi xanh..." Con cũng có dịp nói chuyện với các mẹ gia đình và lúc kết thúc đã chêm vào một câu: "Tôi về đây thực là may mắn vì học được rất nhiều đức tính nơi cha sở, đặc biệt sổ sách của ngài thật là phân minh, ngày nào xong ngày ấy không bao giờ để lại hôm sau, cẩn thận số một. Về sau có bà đến bảo riêng con: "Chúng con có thuật lời cha cho cha sở nghe, ngài cười và bảo chúng con: "Cha phó ngày càng tiến bộ, bây giờ ngài hiểu cách tôi điều hành giáo xứ, chịu khó học hỏi lắm. Thực may mới có được một cha phó như thế!" Bầu không khí giữa ngài với con dần dần thêm phần thoải mái cởi mở. Những bữa cơm không còn là giờ cực hình nữa mà là lúc đàm thoại thân mật. Chúa nhật vừa qua ngài còn cho con 100 phật lăng để đem các thiếu nhi đi trại dịp Bổn mạng giáo xứ. Thực may nhờ có cha...
 - Bây giờ, con còn đòi lên Đức Cha xin thuyên chuyển nữa không?
 - Hết rồi, cơn khủng hoảng đã qua. Bây giờ lại sợ đổi đi là đàng khác!