Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

7 NGUYÊN TẮC NÊN CÂN NHẮC TRƯỚC KHI TRÁCH MẮNG TRẺ





Đối với một người trưởng thành, công việc vất vả và có trách nhiệm lớn lao nhất chính là giáo dục con trẻ. Dạy trẻ ngoan và biết vâng lời, biết làm một đứa trẻ tốt mà không làm chúng tổn thương là điều rất khó. Một số nguyên tắc của người xưa trong việc trách mắng trẻ dưới đây có thể gợi ý cho bạn.
1. Đối chúng bất trách: Nghĩa là không trách mắng trẻ trước mặt đám đông, bởi trẻ dù nhỏ nhưng trước mặt người khác chúng ta cần giúp trẻ giữ được tôn nghiêm của mình.
2. Quý hối bất trách: Nghĩa là khi trẻ biết thẹn thùng và hối hận trước những sai lầm của mình thì cũng không nên tiếp tục trách mắng, hãy cho trẻ thấy sự khoan dung của bạn đối với người đã biết sai.
3. Mộ dạ bất trách: Buổi tối trước khi đi ngủ cũng không nên trách mắng trẻ, vì như thế sẽ khiến trẻ mang tâm trạng nặng nề trước khi lên giường, nên giấc ngủ sẽ mộng mị, thậm chí gặp ác mộng.
4. Ẩm thực bất trách: Vào bữa cơm cũng không nên trách trẻ, vì trách mắng trong bữa ăn sẽ khiến tâm trạng trẻ nặng nề, tính khí suy yếu, ăn không thấy ngon miệng nữa.
5. Hoan khánh bất trách: Đương lúc tâm trạng trẻ đang vui mừng phấn khích, bạn cũng không nên trách mắng.Tâm trạng vui vẻ sẽ khiến kinh mạch thông suốt, nếu đột nhiên bị quở trách, kinh mạch bất ngờ bị đình chỉ, thân thể của trẻ sẽ bị tổn thương nghiêm trọng.
6. Bi ưu bất trách: Khi trẻ đang trong tâm trạng u buồn, việc trách mắng khiến tâm trạng nặng nề hơn, trẻ cũng không thể tiếp thu.
7. Tật bệnh bất trách: Người lớn cũng không nên trách mắng khi trẻ đang lâm bệnh. Đối với bất cứ ai, lúc mắc bệnh chính là thời điểm trạng thái thân thể rơi vào suy kiệt nhất, đặc biệt trẻ em vào lúc này sẽ rất cần sự quan tâm chăm sóc nồng ấm của cha mẹ, điều này còn quý giá hơn bất kì loại thuốc nào.
(Nguồn: Sound of Hope)