Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA NGƯỜI CHA TRONG VIỆC GIÁO DỤC CON CÁI


Trong việc giáo dục con cái, vai trò của người cha cũng rất quan trọng.
Trong gia đình, nếu người mẹ tượng trưng cho sự hiền lành, mềm mại, an ủi, cảm thông, thì người cha tượng trưng cho sức mạnh, can đảm, chính xác, uy quyền. Cái gì trong gia đình, người cha cũng phải biết, ít nữa là biết một cách tổng quát, vì người cha là kẻ chỉ huy trong gia đình. Trong gia đình, lúc nào ý kiến của người cha cũng phải được tôn trọng vì người cha tượng trưng cho công lý, cho uy quyền, và vợ con cái phải chấp nhận điều đó.
Đứa con nào, khi còn nhỏ, cũng luôn luôn nhìn xem cha nó để bắt chước sống theo. Khi biết mình có một người cha xứng đáng, đứa con mới dám ngang nhiên nhìn đời, ngang nhiên đi dứng, ngang nhiên ra mặt với bạn bè. Vì thế, trong cuộc đời của đứa con, nếu nó thấy mình có một người cha sống đàng hoàng, xứng đáng, thì nó sẽ tránh được nhiều thất vọng và thất bại khi nó bước chân vào đời và khi nó đang sống giữa đời.
Dù người cha là một kẻ lao động bình thường hay là một người có chức phận trong xã hội, đứa con vẫn luôn luôn xem cha mình như một gương mẫu đáng quý mà nó cần phải noi theo. Đứa con luôn luôn muốn thấy cha mình là kẻ rộng lượng, có lòng tốt, có ý chí mạnh mẽ, có lòng dũng cảm đáng khen, biết sống hợp lý, biết che chở. Vì thế, đứa con nào cũng để ý tới cách cư xử của người cha đối với mẹ nó.
Nếu người cha thiếu lễ độ, thiếu nhẹ nhàng đối với mẹ nó là người nó yêu quý nhất trên đời, thì đứa con khó có lòng kính phục cha mình. Trái lại, đối với mẹ, đứa con luôn bênh vực mẹ mình: nếu thấy mẹ giận dữ, mất bình tĩnh, đứa con nói một cách thông cảm: tại mẹ mệt, tại mẹ quá lo, tại mẹ quá làm việc.
Gia đình nào không có người cha, là một gia đình không đầy đủ. Mặc dù thường phải vắng mặt vì công ăn việc làm ngoài xã hội, người cha phải luôn luôn duy trì sự hiện diện tích cực của mình trong gia đình. Nếu người cha, khi ở nhà, chỉ biết đọc sách, đọc báo, coi tivi, uống rượu say, hoặc ngủ li bì, thì sự có mặt của người cha như vậy, sẽ được coi là như không có ,ặt, hoặc có mặt nhưng đem lại nhiều tai hại cho gia đình. Huống nữa, khi người cha cứ bê tha với bạn bè nơi quán nhậu, nơi quán cà phê, nơi sòng bạc..., thì người cha này thật đámg khinh và đáng trách vô cùng!
Trong gia đình, bao giờ người mẹ và con cái cũng nóng lòng mong đợi người cha về. Người cha phải biết nỗi mong đợi của vợ và của các con ở nhà mà đừng trể quá trong việc về nhà.
Mọi người trong nhà mong muốn người cha lúc nào cũng vui vẻ vì ai cũng thích gần người vui vẻ, vì tính vui vẻ đem lại hòa khí và hạnh phúc cho mọi người trong gia đình.
Người cha nên kể cho mọi người trong gia đình nghe những mẫu chuyện hay, vui, có tính cách giáo dục.
Người cha hãy tìm cách ân cần hỏi han mọi người trong gia đình để xem trong gia đình, khi mình vắng mặt, có chuyện gì xảy ra không.
Người cha còn tìm cách hỏi han những sở thích của con cái, vì nhờ hỏi han và thông cảm như vậy, mà người cha hiểu được con cái và tìm cách giúp ích cho chúng.
Trẻ con thường ưa kể những chuyện xảy ra trong cuộc đời của chúng và thích có người chịu khó nghe mình. Nếu người cha không tìm dịp để lắng nghe con cái, thì sẽ khó mà có ảnh hưởng trên con cái của mình. Con cái chỉ biểu lộ tâm tình với những ai hiểu chúng. Người mẹ thường lắng nghe con cái, vì thế, con cái thường chọn mẹ làm người tri kỷ, làm người bạn tâm tình, chứ không chọn người cha là kẻ thường không chịu lắng nghe chúng. Vì thấy người cha thường không lắng nghe, nên con cái chỉ biết có mẹ, xem mẹ là người thân cận nhất, và sẳn sàng vâng theo lời mẹ dạy, nên có thể xảy ra những sự bất đồng giữa người cha và người mẹ trong việc giáo dục và lo cho con cái.
Điều tốt đẹp nhất, là cha mẹ phải hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc giáo dục và lo cho con cái, vì thường người mẹ thì sống theo tình cảm, dễ thông cảm và tha thứ, còn người cha thì sống theo lý trí và muốn mọi người trong gia đình phải vâng phục, nên khi xử đoán con cái, người mẹ thường theo tình cảm mà bênh con, còn người cha thì theo lý trí mà xử thẳng con cái. Vì thế, nếu chỉ để người mẹ hướng dẫn con cái, thì cũng không tốt; mà nếu chỉ để người cha hướng dẫn con cái, thì cũng không hay. Cả cha lẫn mẹ phải hiệp nhất với nhau trong công việc chung, là hướng dẫn và giáo dục con cái.
Cha mẹ nên để con cái làm việc chung với mình trong những điều có thể được, chẳng hạn như con trai làm chung với cha trong những công việc như sửa chữa bàn ghế, đồ dùng, điện đài máy móc, con gái học nội trợ, học thêu thùa với mẹ, ......
Nếu để ý, người ta thấy con cái thích đứng nhìn người cha của mình làm việc và muốn phụ lực cha với những dụng cụ mà người cha đương dùng, và có thể đó là những cái mà người con thích hơn cả đồ chơi của hg nửa. Người cha hãy lợi dụng và khuyến khích cái ý thức nầy để cho con cái mình sau này ham chuộng những công việc thực nghiệm.
Khi cha và con cùng nhau làm một việc gì, thì tình cha con dễ hòa hợp và đi đến chổ hiểu biết nhau hơn. Chính vì yếu tố hòa hợp này, mà người cha nên tham gia vào những trò chơi giải trí của con cái. Người cha hãy kiếm thời giờ để giải trí như con cái, và giải trí với con cái. Như vậy, người cha sẽ được cái lợi là: khi hạ mình xuống ngang trình độ của con cái, người cha sẽ thấy con cái mình cũng tìm cách nâng cao trình độ của mình lên ngang trình độ của người cha.
Người cha phải tránh đừng bao giờ để cho con cái nghe chuyện mình than phiền về điều này, về vấn đề nọ... Những chuyện buồn nầy mà để cho con cái chứng kiến hoặc nghe biết, thì chúng sẽ buồn theo, và bầu không khí trong gia đình trở ngột ngạt, ảm đạm, ảnh hưởng đến đời sống vui tươi của con cái. Nhất là trước mặt con cái, người cha và người mẹ đừng bao giờ sừng sộ nhau, cải vả nhau, nặng lờ to tiếng với nhau, gây thiật hại vô cùng đau thương cho con cái của mình hiện giờ và sau này.
Lớn lên trong một gia đình mà bầu không khí luôn thiếu thốn tiền bạc và và bị nợ nần ray rứt, đứa con sẽ mang một tâm trạng bi quan, buồn rầu, và nó có thể mất cả can đảm để chống chọi lại với cuộc đời sau này. Khi thấy cha mình không bình tĩnh trước túng thiếu và nợ nần, con cái mất tin tưởng vào cha nó, không còn tin vào tài năng của cha nó, và đi đến chổ không còn tôn trọng cha nó nữa.
Thỉnh thoảng người cha phải họp gia đình đông đủ để báo cáo cho gia đình nghe một cách vui vẻ những công việc xảy ra trong gia đình. Nhờ vậy, mọi người trong nhà đều vững lòng tin tưởng vào cuộc sống của gia đình mình.
Người cha phải lập một ngân sách gia đình, và nên để cho mỗi người trong gia đình phát biểu ý kiến của mình về những món chi tiêu. Khi người cha thảo luận ngân sách trong gia đình với vợ con, thì tập cho những đứa con nhỏ của mình có tính phòng xa và tính quả cảm, làm cho chúng sau này đủ sức chống chọi với cuộc đời đầy khắt khe và bạc bẽo...
Chúng ta thấy có rất nhiều trách nhiệm nặng nề đè trên vai người cha, vì thế, người cha không những phải có sự thông minh sáng suốt, có tinh thần can đảm, mà còn phải có lòng yêu thương con cái và hết tình hy sinh cho con cái, và nhất là phải treo cao gương mẫu, luôn sống đàng hoàng, đạo đức, nói gì là làm, hứa gì là giữ, không bao giờ gian dối, phỉnh gạt, lừa dối vợ con mình ...
Chúng ta thường ca tụng tình yêu của người mẹ đối với con cái, sự hy sinh cao cả và vô vị lợi của người mẹ đối với con cái. Nhưng tình yêu của người cha đối với con cái, sự hy sinh cao cả và vô vị lợi của người cha đối với con cái, cũng rất đáng khâm phục lắm thay!
Ước gì được như vậy!
Và mong ước này được thực hiện, là tuỳ Bạn, Người Cha của những người con của Bạn!
Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
(Nguồn : tonggiaophanhue.net)