Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

HỒNG ÂN THIÊN CHÚA QUA KINH LẠY CHA


Người chấp bút:  Têrêsa Hồng Nhung
&   &   &
<<Lạy Cha chúng con ở trên trời (câu 01)
Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng (câu 02)
Nước Cha trị đến (câu 03)
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời (câu 04)
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày (câu 05)
Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con (câu 06)
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ (câu 07)
Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen (câu 08)>>
*****
                                Kinh Lạy Cha (x. Mt 6, 9-13 ; Lc 11, 1) còn gọi là “Kinh Nguyện của Chúa Giêsu”, hay còn gọi là “Lời Kinh của Chúa”. Qua cái chết hy sinh thân mình trên cây Thánh giá của Chúa Giêsu  và qua Kinh Lạy Cha,  mọi tín hữu đều được nâng linh hồn lên để tiếp cận mật thiết với Thiên Chúa Cha đang ở trên trời, nếu Kinh Lạy Cha được đọc với trọn lòng kính mến, tuyệt đối không lo ra, và được đọc từ trái tim của người không vướng mắc tội trọng.
                   1. Nguồn gốc
                   Kinh Lạy Cha xuất xứ từ sự thắc mắc của một môn đệ Chúa Giêsu. Ông này thấy Chúa Giêsu cầu nguyện, ông cũng muốn được cầu nguyện giống như Thầy của mình. Và Người đã dạy cho họ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha (Lc 11,14). Thánh Tôma Aquinô tuyên bố: Kinh Lạy Cha là “Lời cầu nguyện tuyệt hảo nhất”.
                   Sách YOUCAT Việt Nam , trang 376 có đoạn:Thực ra Kinh Lạy Cha còn hơn lời cầu nguyện, vì đó là con đường dẫn ta đi trực tiếp vào trái tim của Cha chúng ta. Các Kitô hữu đầu tiên đọc Kinh này 3 lần trong  ngày. Khi lãnh bí tích Rửa Tội mỗi Kitô hữu cũng được trao cho Kinh này. Phần ta, ta phải cố gắng để không sống qua ngày mà không đọc Kinh của Chúa hoặc bằng miệng, hoặc thầm thĩ trong lòng và đem áp dụng Kinh đó trong đời sống hằng ngày”.
                   2. Kinh Lạy Cha được chia thành 2 phần
                   - Phần một, từ câu 01 đến câu 04, giúp con người hướng về Thiên Chúa với một lòng sùng kính và tôn vinh Thiên Chúa, qua các cụm từ: “Lạy Cha chúng con ở trên trời” ; “Nguyện Danh Cha cả sáng”;  “Nước Cha trị đến” ; “Ý Cha thể hiện”.
                   - Phần hai, từ câu 05 đến câu 08, nhắc nhở con người nhớ về  thân phận yếu đuối mỏng dòn và rất vắn vỏi của mình. Nếu không có Thiên Chúa nuôi dưỡng và thương yêu đùm bọc, con người khó mà tồn tại lâu bền được, qua các cụm từ:  “ Lương thực hằng ngày” ; “ Tha nợ” ;  “ Chớ để sa chước cám dỗ” ;  “Cứu khỏi sự dữ”.
                   3. Đi sâu vô trọng tâm của Kinh Lạy Cha


 Phần một

                   -Câu 01:  “Lạy Cha chúng con ở trên trời”.
                   <<Trong Kinh của Chúa, chúng ta cùng đọc: “Lạy Cha chúng con”. Dù là vua, là người ăn mày, là người đầy tớ, là ông chủ, tất cả là anh chị em, con cùng một Cha.>> (Thánh Augustinô).
                   Do vậy không đọc là “Lạy Cha (của) con”; mà đọc là “Lạy Cha chúng con”. Vấn đề cần tự hỏi thêm, là khi ta gọi Thiên Chúa Cha là “Cha” và xưng với Ngài là “con”, ta có được biến đổi tốt lành đời sống thường nhật của ta hay chưa?? Nếu chưa, đó là vì ta đọc Kinh Lạy Cha giống như người học trò đứng trả bài thuộc lòng trước mặt thầy cô giáo. Hay nói cho đúng hơn, ta đang lừa dối Thiên Chúa và lừa dối bản thân ta.
                   <<Qủa vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn đều là con cái Thiên Chúa.  Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên:-“Abba! Cha ơi!” (Rm 8,15). >>
                   Ngoài ra, còn vấn đề “ở trên trời”. Vậy, trời là ở đâu?? Thông thường ai cũng nghĩ trời là ở trên ngút ngàn mây xanh. Trời cách rất xa mặt đất. Nhưng với Kinh Lạy Cha, nơi nào có bình yên có hạnh phúc có niềm vui đích thực thì nơi đó có trời. Điều này hoàn toàn phù hợp với Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, và Ngài thông biết hết mọi sự.
                   -Câu 02: “Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng”.
                   Nguyện cho “Danh Cha cả sáng” là tâm lành của mọi Kitô hữu. Tiếc thay, giống như Thánh Phaolô đã từng nói,  cái điều mà ý chí ta muốn làm, thì ta lại không làm. Cái điều mà ý chí ta không bao giờ muốn làm, thì ta lại làm. Vì thế “Danh Cha” không được “cả sáng”, mà “Danh Cha” đành phải bị tối hù tối mịt như đêm đen! Và nếu ta đã làm cái chuyện phản nghịch Thiên Chúa cách tày trời, mà không chịu tìm cách hòa giải cùng Cha ta, lúc bấy giờ ta không còn là con của Cha ta nữa, mà ta là con cái của loài quỷ dữ.
                   Vì thế, “nguyện Danh Cha cả sáng” là bao hàm ý nghĩa tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự, và luôn tuân hành theo Ý Cha, bằng cách giữ nghiêm khắc 10 Điều Răn của Đức Chúa Trời, và Tám Mối Phúc Thật.
                   -Câu 03: “ Nước Cha trị đến”.
                   Nước của Cha ta là Nước bình yên và là Nước hạnh phúc vĩnh cửu. Tính từ trên trời, tức thiên đàng, có các Đấng Thánh hiển vinh đang tận hưởng mọi vinh quang bên Thiên Chúa Cha, xuống dưới đất có đoàn con cái của Cha đang mong đợi Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh sẽ đến một lần nữa. Để Thiên Chúa làm thanh sạch con người ở thế gian, và để Ngài tái lập lại một thế giới mới, với đoàn người mới.
                   -Câu 04: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
                   Trời là trời của Cha ta. Đất cũng là đất của Cha ta. Vì thế Ngài toàn quyền quyết định mọi vấn đề trên trời dưới đất, và trong toàn cõi vũ trụ do tay Ngài tạo thành là điều rất tự nhiên. Ngoài ra, Francois Fénelon đã viết: “Muốn tất cả những gì Chúa muốn, luôn luôn muốn thế trong mọi hoàn cảnh, đó là Nước Thiên Chúa trong đáy lòng ta.
                   Như vậy, “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” là cầu nguyện cho Thánh Ý Chúa được hoàn thành trên khắp thế gian, đi sâu vào lòng người, và kết hợp cùng các Đấng Thánh ở trên trời nữa.
                                     
                                 

Phần hai
            -Câu 05: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.
                  
                   Có hai thứ lương thực mà hằng ngày ta cần xin Cha ta ban cho ta. Đó là lương thực dành cung cấp cho tâm linh; và lương thực dành nuôi dưỡng thể xác.
                   *Lương thực dành cung cấp cho tâm linh gồm có:
                   -Hồng ân của Thiên Chúa chiếu soi và mời gọi ta trở thành anh chị em với Chúa Giêsu và là con cái của Ngài.
                   -Sự tự do kết hiệp chặt chẽ sắt son của ta với Đức Giêsu Kitô, để chiếm lấy                   bình an hạnh phúc ngay đời này, và chiếm lấy sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
                   -Thi hành nghiêm chỉnh mọi sứ vụ của một Tư Tế Phổ Quát. Nhất là ôm lấy Lời Chúa là gia sản vô cùng quí giá để dấn thân một cách tự tin.
                   * Lương thực dành nuôi dưỡng thể xác, gồm có:
                   -Cơm, bánh, rau củ quả, nước, không khí, quần áo, thuốc men, nhà cửa, xe cộ, công ăn việc làm ...v...v...
                   ***Và, ở giữa lương thực cung cấp cho tâm linh và nuôi dưỡng thể xác kể trên, còn một thứ lương thực vô cùng cần thiết và không thể thiếu trong nhu cầu hằng ngày đối với người Công Giáo, đó là chiếc Bánh Thánh. “Chúng ta là mẹ của Người, khi chúng ta cưu mang Người trong tâm hồn và thể xác  bằng cách yêu mến Người và gìn giữ lương tâm trong sáng và chân thành; chúng ta sinh Người ra bằng hành vi thánh thiện nhằm nêu gương sáng cho kẻ khác” (- Lời khuyên của Thánh Phanxicô Assisi, trang 13, sách Luật và Tổng Hiến Chương của Dòng Phan Sinh Tại Thế Việt Nam).
                   Ai đã và đang được Thiên Chúa ban cho có của ăn đầy đủ, dư thừa, mà không biết nhớ nghĩ đến những người bần cùng đói khổ đang kêu cầu sự cứu giúp, ngay bên cạnh ta, tức là người đó đi ngược lại Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, và sống không trung thực với lương tâm. Một lương tâm vốn có từ bi và bác ái.
                   -Câu 06: “Và tha nợ chúng con,
 như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
                   Chỉ có Cha ta mới có quyền phán xét ta và phán xét mọi người xung quanh ta. Vì vậy, ta không nên phán xét bất cứ một ai, và sẵn sàng tha thứ tất cả. Để đổi ngược lại, Cha ta sẽ dễ dàng tha thứ cho ta. Hai chiều kích này như một cặp bài trùng không thể tách biệt nhau.
                   -Câu 07: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.
                   Mọi cám dỗ ở thế gian như: tình, tiền, sắc đẹp, xe hơi, nhà lầu, danh vọng.... đều là những cám dỗ “ngọt ngào êm ái” xui khiến con người rất dễ sa chân và chìm đắm. Vì con người vốn yếu đuối. Lòng người thì chỉ có đấng Thánh sống mới chịu “vụng dại” mà từ khước mọi sự ăn ngon mặc đẹp, và ngồi trên trước người khác mà thôi.
                   Do vậy, muốn kiềm hãm lại mọi ước muốn sẽ làm buồn lòng Cha ta, ta phải cầu xin Ngài gìn giữ ta, cùng lúc lòng ta cũng biết dứt khoát từ chối mọi cám dỗ, trước hết do vì ta yêu mến Cha ta, hết trí khôn và hết tâm tình của một người con thảo. Kinh Thánh có câu: “Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả  thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần (1 Ga 5,19).
                   -Câu 08: “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
                   Nếu không có sự thương yêu và hằng theo để gìn giữ bao che của Cha ta, một mình ta khó có thể đối phó lại với sự dữ. Vì sự dữ không phải là một sức mạnh trừu tượng, mà sự dữ trong Kinh Thánh gọi là “Tên Cám dỗ”; “Cha kẻ dối trá”; “Satan”; “Qủy dữ”. Và Kinh Thánh dạy rằng: “Vì chúng ta chiến đấu, không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thiêng liêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao (Ep 6,12). Kinh Lạy Cha cho ta thấy việc thường xuyên cầu xin Cha ta, cứu ta khỏi mọi sự dữ, ngay khi ta bình yên, cũng như lúc ta gặp khó khăn nguy khốn, là điều đúng đắn nhất.
                   4. Kết bài
                   Nhờ có học hỏi và  Sống liên kết với Kinh Lạy Cha, mà ta tự nhận thấy vai trò làm người anh chị em với Chúa Giêsu của ta càng quan trọng và tỏ rõ hơn! Và qua Kinh Lạy Cha, chúng ta còn khám phá ra nhiều niềm vui khác như:
                                      -Mọi người chúng ta là con một Cha.
                                      -Rồi chúng ta cùng nhau Cảm Tạ và Tôn Vinh Cha ta, Đấng hằng Sống hằng trị hằng hữu muôn đời.
                                      -Và cuối cùng là chúng ta hãy cùng nhau Vui Sống ở giữa thế gian như anh em luôn “một lòng, một ý .” ( Cv 4, 32 )
                                      -Amen!