Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

ĐỒNG HƯƠNG

Đến người yêu anh còn phải nói lời chia tay với anh vì cái tính lỳ lợm của anh. Tự nhiên, anh đổi tính đổi nết lôi mấy đứa bé lếch thếch lang thang về rồi dạy cho chúng đứa thì học đàn, đứa thì học thổi tiêu…
Thật ra, anh là một thầy giáo tiểu học. Sống một mình nên anh chẳng đến nỗi lo đói no, dù đồng lương anh có là bao. Bù vào mái nhà hiu quạnh ấy luôn là tiếng đàn ca của anh, ru ngủ đến cả lũ chim trời.
Một ngày nọ, anh phải bao che cho thằng bé học trò của anh khỏi bị đòn vì cái tội ăn cắp của thằng bạn cùng lớp mấy đồng bạc lẻ. Anh hiểu rằng, nhà thằng bé rất nghèo. Thế là anh nẩy ra cái ý nghĩ “lùa” mấy đứa học trò con nhà nghèo về nhà anh, biến cái mái nhà chưa đủ ấm ấy thành nơi dạy đàn ca cho lũ nhỏ, để may ra, giúp chúng không phải bước chân vào lối đi tù mù của kẻ đầu trộm đuôi cướp. Dĩ nhiên, là anh không lấy tiền công, thậm chí anh còn phải chạy vạy để kiếm cho những đứa bé rách rưới kia, khi thì cây guitar thủng đáy, khi thì cây mandolin cũ mèm. Vậy mà lớp học của anh đông đáo để, đến nỗi con nhà giàu cũng xin vào học, và đến nỗi người yêu của anh phải ngỏ lời tạm biệt vì anh chăm cho những đứa bé kia còn hơn chăm cho cô nữa!
Anh chẳng còn thời gian để buồn. Kế hoạch anh là lấy tiền nhà giàu rồi đắp qua cho mấy đứa nghèo khó kia. Quả là lý tưởng thay cho cái ý nghĩ ấy.
Nhưng luôn có kẻ không đồng tình với anh. Dù họ biết anh có thực tài, nhưng họ cứ hỏi lẫn nhau:
_Cái thằng ấy nhạc nhẽo tới đâu mà dạy với dỗ…
Họ chẳng nói với anh về cái thắc mắc có tính chọc bị gạo ấy. Nhưng họ rỉ tai với những ông cha bà mẹ nhà kha khá đến nhờ anh dạy cho con họ. Nước chảy, đá mòn! Những lời âm ỷ ấy làm ánh mắt tin cậy bỗng trở nên nghi ngờ. Giàu thì thiếu gì chỗ học mà lại đâm đầu vào cái mái nhà cô quạnh ấy? Những lời xúi xiểm làm công việc của anh lụi dần. Học trò của anh quanh quẩn chỉ là những đứa trẻ sáng trên lớp của chính anh, chiều đến, thầy trò đạm bạc với nhau đàn đàn hát hát…
Ở đời, vẫn có kẻ từ tâm, nhưng những người ấy thường kín tiếng nên có mấy ai thấy đâu. Có ai đó giúp anh cái phòng học rộng rãi hơn ở xóm mãi đàng kia. Anh cũng ráng theo lời phải quấy của vị ân nhân này mà dời chỗ làm việc. Chỉ tội, là anh và vị ân nhân ấy phải thay nhau chở mấy đứa bé lếch thếch ấy từ nhà chúng sang nơi học mới. Lớp học lại rình rang. Thậm chí anh còn tổ chức được buổi “hòa nhạc” cho các nhạc công nhí của anh, làm cha mẹ chúng nức lòng sung sướng.
Nhưng những kẻ quen gièm pha anh thì chẳng sung sướng chút nào! Dù anh chẳng lấy mất của họ đồng xu cắc bạc nào, dù anh vẫn đối xử tử tế với con họ trên ghế nhà trường như bổn phận anh phải làm; Thì họ vẫn cảm thấy mình bị bẽ mặt khi cái “thằng thầy giáo” ấy dám tổ chức cho cái lũ ranh kia đàn địch ồn ào đến độ tiếng cười đùa của chúng, tiếng hát trong veo của chúng muốn đục thủng cả trái tim tức tối của họ.
Nghĩa là họ tiếp tục gièm pha, quyết không để cho anh có thể làm được điều anh ấp ủ là, cố gắng giúp những cô cậu bé đáng thương ấy nên người.
Nhưng anh vẫn bình tâm đi trên con đường anh chọn, dù có mang lại cho rất nhiều đắng cay.
Đơn giản thôi! Vì anh rất ấn tượng với hình ảnh Đức Giê-su trong Kinh Thánh bị chính những người đồng hương gièm pha, dường như chỉ vì Ngài là con của Ông Bà Giuse-Maria nghèo rớt mồng tơi cuối xóm…
                                                            LAM TRẦN 05.07.2015