Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

SƠ CỨU VÀ PHÒNG TRÁNH NGỘ ĐỘC NẤM







SƠ CỨU VÀ PHÒNG TRÁNH NGỘ ĐỘC NẤM

              Có khoảng 10.000 loại nấm thịt, trong đó có một nửa là ăn được và  khoảng 100 loài có độc tố cao.
             Hiện nay có rất nhiều chủng loại nấm, nhiều loại có giá trị dinh dưỡng cao, mùi vị thơm ngon; có loại còn được dùng như là thuốc bổ “thần dược”. Tuy nhiên cũng có không ít loài nấm độc gây chết người nếu ăn phải.
              Nấm độc có rất nhiều loại, về hình dáng bề ngoài rất khó phân biệt giữa nấm lành (ăn được) và nấm độc; và cũng không thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào  màu sắc.
          Vì vậy, người ta khuyên chỉ nên ăn những loại nấm đã biết chắc chắn là ăn được mà không bị ngộ độc.
        Ngoài ra , có những loại nấm độc rất giống nấm thường, mọc lẫn với nấm ăn được, khiến người đi hái nấm rất dễ bị nhầm. 

           Đã vậy nhiều khi trong chế biến lại sai sót như nếu không đun kỹ hoặc dụng cụ dùng để đun nấu, đựng đồ ăn chín có dính nấm sống, ăn vào cũng có thể gây ngộ độc.
            Mặt khác một số loại nấm vốn thuộc loại không độc nhưng nếu mọc ở nơi môi trường bị ô nhiễm hoặc tầng đất bên dưới có những khoáng chất độc hại như phốt pho, thạch tín, thủy ngân… nếu ăn phải cũng gây ngộ độc. Vậy nhận biết nấm độc như thế nào?

          Thông thường các loại nấm độc bao giờ trông cũng nhiều màu sắc hơn, có đốm nổi lên, trên mũ nấm có những hạt nổi hay vằn màu đỏ hay màu tạp, có rãnh, vết nứt, có vòng quanh thân…, khi ngắt sẽ có nhựa chảy ra.

          Nấm độc khi hái thường có mùi cay, mùi hắc hoặc mùi đắng xộc lên. Nấm ăn được thường thơm hoặc không mùi.

         Thử nghiệm biến màu: Dùng phần trắng của hành lá chà xát trên mũ nấm, nếu thân hành biến thành màu xanh nâu chứng tỏ có độc, nếu ngược lại, hành không chuyển màu chứng tỏ không có độc. Ngoài ra, sau khi nấu chín, có thể dùng đũa, thìa bạc để thử trước khi ăn giống như cách thử của vua chúa xưa kia vẫn thường làm vậy.

          Thử nghiệm bằng sữa bò: Cho một lượng nhỏ sữa bò tươi bên trên mũ nấm, nếu thấy hiện tượng sữa vón cục, có khả năng nấm này có độc.




1.     Biểu hiện ngộ độc chính:


         a)    Loại biểu hiện ngộ độc sớm:

-         Thường biểu hiện sau ăn 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ.
-         Biểu hiện tuỳ thuộc vào loại nấm:

    --  Nấm đỏ (nấm mặt trời, tên khoa học: Amanita muscaria) còn gọi là   nấm diệt ruồi.



             Mũ nấm khi non hình trứng, sau đó nâng lên dạng lồi . Màu sắc sặc sỡ, màu vàng, da cam đến hồng. Trên mặt mũ có phủ vảy trắng rất dễ tróc khỏi mũ. Mép mũ có những vết nhăn lõm xuống, màu trắng, đường kính mũ 6-12cm.

            Cuống nấm hình trụ, hơi phình ở gốc, màu trằng, dài 5-10cm, đường kính 1-1,5cm, ở giữa rỗng. Vòng cuống màu trắng, đôi khi có mép màu vàng.

            Nơi sống: Nấm mọc đơn độc, đôi khi mọc gần nhau thành cụm ở trên đất bãi, đồi hoặc ven rừng. Nấm này mọc vào mùa hè, thu. Nấm rất độc.

          Chú ý: Nhân dân dùng nấm này để làm bả đánh ruồi n
ên gọi là nấm diệt ruồi .
.
          Đây là một loại nấm độc, thường xuất hiện trong những câu chuyện cổ, trong những cuốn sách của trẻ em và trên các tấm thiệp giáng sinh

-   Nấm mụn trắng (nấm tán da báo, tên khoa học: Amanita pantheria):gây buồn ngủ, chóng mặt, khó chịu, ảo giác, sảng, giật cơ, co giật.
   
             

- Nấm mực (tên khoa học: Coprinus atramentarius) : do khi ăn bệnh nhân có uống rượu, bia, biểu hiện đỏ mặt, cổ, ngực, cảm giác bốc hoả, vã mồ hôI, trống ngực, nhịp tim nhanh, đau ngực, thở nhanh, khó thở, buồn nôn, nôn, đau đầu, hạ huyết áp.
            

Nấm phiến đốm chuông (tên khoa học: Paneolus campanulatus): điều hoà các động tác vận động kém, tăng vận động, ảo giác, hoang tưởng. Có thể có đồng tử (con ngươi mắt) giãn, kích thích vật vã, co giật.
            

 b) Loại biểu hiện ngộ độc muộn:


-         Xuất hiện sau khi ăn 6-40 giờ (trung bình 12 giờ).
-         Hầu hết các trường hợp  ngộ độc do :

      - Nấm lục (nấm độc xanh đen, tên khoa học: Amanita phalloides). Amanita phalloides, thông thường được gọi là nấm tử thần, là một loại nấm rất độc

                  
               Mũ nấm đầu tiên nằm trong bao chung có dạng trứng, màu trắng. Khi trưởng thành mũ nâng lên và phá vỡ bao chung, mũ trở thành dạng lồi phẳng. Mũ màu đen nhạt, khô, mép không có khía rõ. Thịt nấm màu trắng.

            Cuống nấm màu trắng, hình trụ, hơi phình dạng củ ở gốc. Ở độ cao 2/3 kể từ gốc lên có vòng cuống dạng màng màu trắng. Gốc cuống có bao chung, màu trắng.

             Nơi sống: Mọc đơn độc, đôi khi thành cụm trên đất rừng và đồng bằng vào mùa xuân, hè thu. Nấm rất độc, làm chết người với một liều lượng nhỏ.

              
   -  Nấm độc tán trắng (amanita verna) và nấm độc trắng hình nón (amanita virosa) thường được gọi là Thiên sứ hủy diệt . Đây là những loài nấm gây ngộ độc chết người tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn trong những năm mới đây
             Đây là hai loài nấm có màu trắng tinh khiết, độc tố của nấm rất cao ,bền với nhiệt và không mất độc tính sau 10 năm khi sấy khô .Chỉ một chiếc nấm là có thể gây tử vong một người trưởng thành .


                 


              

                    Các loài nấm trắng tinh khôi  mang biệt danh " thiên sứ hủy diệt "

-         6-40 giờ sau ăn, bệnh nhân mới biểu hiện nôn, đau bụng, ỉa chảy dữ rội và nhiều. Vào thời điểm này hầu hết chất độc đã vào máu.
-         Sau 1-2 ngày: các biểu hiện tiêu hoá trên đỡ, người bệnh (thậm chí có thể cả cán bộ y tế) nghĩ là bệnh đã khỏi. Trên thực tế tình trạng ngộ độc vẫn tiếp diễn âm thầm ở các cơ quan khác.
-         Sau 3-4 ngày: vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, ăn kém, đái ít dần, phù, chảy máu nhiều nơi, hôn mê và tử vong.
-         Trong thực tế các vụ ngộ độc xảy ra ở miền Bắc nước ta gần đây, khoảng 50% số người bệnh ngộ độc nấm này tử vong mặc dù được điều trị tích cực.

2.     Sơ cứu:

-         Gây nôn (bằng biện pháp cơ học): trong vòng vài giờ sau ăn nấm (tốt nhất trong vòng giờ đầu tiên) nếu bệnh nhân là người trên 2 tuổi, tỉnh táo, chưa nôn nhiều. Cho bệnh nhân uống nước và gây nôn.
-         Uống than hoạt: liều 1gam/kg cân nặng người bệnh.
-         Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng ORESOL (loại thuốc pha nước uống dùng trong tiêu chảy).
-         Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
-         Nếu người bệnh hôn mê, co giật: cho người bệnh nằm nghiêng.
-         Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở: hà hơI thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ.
-         Không tự về nhà trong 1-2 ngày đầu kể cả khi các biểu hiện ngộ độc ban đầu đã hết. Nhân viên y tế cần cân nhắc cận thận khi quyết định cho người bệnh về nhà ở thời điểm này.
-         Ngộ độc nấm loại biểu hiện muộn cần được điều trị tại các cơ sở y tế có phương tiện hồi sức tích cực tốt (thường tuyến tỉnh trở lên hoặc bệnh viện cỡ tương đương trở lên).

3.     Những điều cần lưu ý để phòng tránh:

        Phân biệt giữa nấm độc và nấm không độc rất khó, nên :

-    Không ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, có mùi thơm hấp dẫn vì nấm này thường là nấm độc;

-   không ăn loại nấm khi cắt, vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa;

- Không ăn nấm đã già hoặc nấm bị ôi thiu.

- Người tạng yếu, dạ dày bị viêm loét, dị ứng nấm tuyệt đối không nên ăn nấm dù loại lành hay làm thuốc.

- Không nên hái nấm non, mới nhú chồi (kể cả nấm rơm, nấm hương) để ăn, vì nấm non dễ bị chất phalin rất độc chưa bị hủy, thường hay gặp ở chồi vừa nhú khỏi mặt đất. Hơn nữa  , lúc còn non chúng rất giống nhau (giống cúc áo), khó phân biệt nấm độc hay lành .

           Độc tố phalin cực mạnh, chỉ ăn 5g sau 30 phút, da tươm máu, mê sảng, người co giật, tiêu ra phân thối lẫn máu khi chưa kịp cấp cứu.


- Phụ nữ có thai không nên ăn nấm vì khó biết nấm độc hay lành. Khi phụ nữ có thai dù cứu được mẹ, thai nhi cũng bị ảnh hưởng, có thể bị độc tố gây dị tật hay tử vong.


-   Mỗi lần ăn  không nên ăn  nhiều loại lẫn lộn mà chỉ nấu một loại duy nhất. Ngoài việc đề phòng lẫn nấm độc, còn vì nhiều loại nấm nấu cùng sẽ gây phản ứng hóa học, không độc cũng trở thành độc.

Tốt nhất là nên luộc sôi trước rồi bỏ nước mới lấy cái để xào nấu sẽ giảm bớt độc tính.

- Khi mua nấm ở chợ, tốt nhất nên mua loại đã từng ăn.

- Khi ăn nấm không nên uống rượu. Có một số loại nấm dại tuy không độc nhưng có chứa những thành phần gây ra phản ứng hóa học với thành phần trong rượu, vì vậy sẽ gây ngộ độc.



-  Biết chắc chắn nấm ăn được mới được ăn.  Không ăn các loại nấm mọc hoang, kể cả ở nhà, vườn, ruộng.
- Tuyệt đối không ăn thử nấm vì rất nguy hiểm, có thể chết người nếu thử phải nấm  độc.
 -  Kiểm tra, xác minh nấm thật kỹ trước khi nấu, kiên quyết loại bỏ nấm lạ.

 -  Khi không phải tự tay mình hái nấm hoặc chưa có người phân loại thành thạo nấm độc thì không được ăn nấm.
-     Chất độc có trong nấm không bị thay đổi khi đun nấu.

-  Không dùng phương pháp cho động vật (chó, mèo...) ăn thử vì có loài nấm sau khi ăn tới nửa ngày hoặc lâu hơn mới có biểu hiện ngộ độc nên không thể xác định có độc hay không sau khi động vật ăn  ,  nên  khi thấy động vật ăn nấm không sao không có nghĩa là nấm an toàn với người.    Ngoài ra, đừng  quan niệm nấm có côn trùng, sâu ăn là nấm không độc với bằng chứng là các bức ảnh chụp nhiều cây nấm độc chết người bị sâu bọ ăn nham nhở.
- Khi bị ngộ độc nấm cần phải xử lý gây nôn cho người bị ngộ độc và cả người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện và nhanh chóng đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời.


 (tổng hợp từ các trang chuyên môn của TT Phòng chống độc của HVQY HN , TT Chống Độc của BV Bạch Mai , các trang SKvà ĐS ...)


Để " kinh hoàng " với sự độc hại của nấm ,
mời các bạn xem một bài viết  về nấm não ở Brazil  của trang Kien thuc mà chúng tôi  mạn phép đăng lại .

Kinh hoàng loài nấm đầu độc, biến kiến thành "ma sống"
Khi bị dính loại nấm này, kiến sẽ bị điều khiển, buộc phải làm theo “lệnh” của nấm độc và rơi vào cảnh “sống không bằng chết”.




Loại nấm não (brain fungus) ở Brazil là nỗi kinh hoàng của các chú kiến. Trong quá trình kiếm thức ăn, kiến thợ vô tình bị bào tử nấm bám chặt.



Loài thực vật này nhanh chóng sinh sôi nảy nở trong cơ thể kiến, dùng chính vật chủ này làm thức ăn.





Chưa hết, nấm độc tiết ra một chất có tên Ancaloid để kiểm soát và điều khiển những con kiến xấu số. Sau khi bị nhiễm độc, kiến sẽ có những hành vi kỳ lạ như đi đứng lảo đảo, không phân biệt được phương hướng, thậm chí ăn thịt cả đồng loại.





Khi kiến sắp chết, loài nấm này sẽ buộc chúng phải tìm đến một lá cây thích hợp rồi dùng hàm khoá chính nó vào gân lá ở giữa. Đây chính là nơi thích hợp nhất để nấm nảy mầm, phát triển và sinh sôi nảy nở.





Chú kiến đáng thương chỉ còn biết nằm chờ đến ngày tận số.





Thời gian từ khi bám vào kiến, kiểm soát và biến vật chủ thành thây ma chỉ kéo dài khoảng 2 ngày.





Loại nấm độc thuộc họ Ophiocordyceps được hai nhà khoa học David Hughes và Harry Evans phát hiện tại khu rừng mưa Atlantic ở Đông Nam Brazil.
                                                                                                    Theo Kien Thuc