Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

ĐI LẠI CON ĐƯỜNG LÀM CHỨNG

CHÚA NHẬT 33 TN – C 

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM 


Lời mở 

          Hôm nay Giáo hội Việt Nam long trọng mừng kính các Thánh Tử đạo Việt Nam, những chứng nhân anh hùng đã giới thiệu cho đất nước chúng ta biết bao giá trị tốt đẹp và Giáo Hội mời gọi chúng ta tiếp tục công trình làm chứng như các ngài. Nói đến “tử đạo”, nhiều khi chúng ta cảm thấy nặng nề và sợ hãi, vì “tử đạo” nghĩa là chết vì đạo. Thật ra, từ “tử vì đạo” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là martis, chuyển âm sang tiếng Anh là martyr, chỉ có nghĩa là làm chứng. Các anh hùng tử đạo đã làm chứng cho Đức Giêsu và những giá trị cao cả của Tin Mừng ngay từ thời Giáo Hội sơ khai với các tông đồ và tiếp tục cho đến ngày nay. Nhờ thế, khi dân tộc chúng ta đón nhận những giá trị ấy, đất nước của chúng ta đã thay đổi. Hôm nay chúng ta muốn suy nghĩ về những giá trị Tin Mừng mà các bậc tiền bối anh hùng đã làm chứng cho dân tộc để rồi chúng ta thấy mình có thể làm được gì trong những hoàn cảnh hiện nay. 

1. Những giá trị mới vào thời các thánh Tử đạo Việt Nam 

         Vào những thế kỷ 17,18,19, đất nước ta theo chế độ quân chủ chuyên chế, vua là thiên tử (con trời) có toàn quyền sinh sát trong tay, vua bắt ai chết thì phải chết, ai không chết bị coi là bất trung vì đạo quân tử trong Nho giáo thời đó đã quan niệm rằng: “Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung”. Các thánh Tử đạo Việt Nam đã giới thiệu một nền dân chủ trong đó người dân làm chủ đất nước, vua chỉ là người đại diện Thiên Chúa điều hành đất nước mà thôi, trong đó mọi người đều là anh em với nhau, đều làm chủ sự sống của mình, không ai có quyền giết người vì Thiên Chúa là chủ của sự sống. Ngay chính Đức Giêsu là Thiên tử, là Con Chúa Trời, cũng đã chết cho con người, nên các vị thánh đã sẵn sàng chết cho mọi người, cho những giá trị dân chủ cao quý đó. 
          Xã hội Việt Nam thời đó theo chế độ đa thê: “Trai thì năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Các Thánh nhân đã giới thiệu một giá trị mới của Tin Mừng đó là “gia đình một vợ một chồng” để có thể chung thuỷ trọn vẹn với nhau. Gia đình mới tràn đầy niềm vui, tràn đầy tiếng cười vì không có chuyện ghen bóng ghen gió của bà lớn, bà nhỏ hay xung đột lẫn nhau giữa bà nọ với bà kia. 
           Xã hội thời đó cũng đang theo Nho giáo, nam nữ bất bình đẳng lớn lao đến nỗi người phụ nữ chỉ như là phương tiện để sinh con trai cho người chồng, nếu người phụ nữ nào không có con trai bị coi là mắc tội rất lớn với gia đình và xã hội vì “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một người con trai kể là có, mười người con gái kể là không). 
Các Thánh nhân đã giới thiệu giá trị bình đẳng nam nữ vì tất cả đều do Chúa dựng nên, người phụ nữ được tôn trọng với tất cả những giá trị cao quý của con người trong mọi sinh hoạt của cộng đồng Giáo Hội. 
          Đất nước chúng ta thời đó hết sức lạc hậu, không biết khoa học kỹ thuật, cứ 10 đứa trẻ sinh ra thì có 7 đứa chết yểu vì các bà mụ không biết cách giữ vệ sinh cho sản phụ. Các nữ tu hồi xưa được gọi là “Bà mụ” vì được học kỹ thuật giúp đỡ sản phụ do các nhà truyền giáo giỏi khoa học của Tây phương truyền lại. Họ đi đỡ đẻ và truyền các kỹ thuật săn sóc thai nhi như các y tá hộ sinh thời nay. Người Công giáo truyền bá khoa học kỹ thuật cho nhau. Hồi đó mỗi làng có vài cái ao, ăn uống, tắm rửa đều dùng thứ nước ao tù đó nên hầu hết dân làng bị đau mắt, ghẻ lở và những bệnh tiêu hoá đường ruột. Các gia đình Công giáo được dạy phải dùng nước sạch, bỏ than cát sỏi vào lu để lọc nước, lấy nước đem đun sôi, để nguội rồi mới uống. Vì thế, con cái người Công giáo đều khoẻ mạnh, đẹp đẽ, nên ai cũng muốn lập gia đình, kết thân với người Công giáo. 
          Sống trong một đất nước mà người biết chữ nghĩa rất hiếm hoi vì mỗi làng chỉ có vài ba người khá giả mới học được chữ Nho. Khi vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, thoái vị vào năm 1945, những văn tự bán nhà, bán trâu bò vẫn còn phải viết bằng chữ Nho, thì lúc đó người Công giáo đã dùng chữ quốc ngữ từ lâu rồi. Khởi đầu người Công giáo học chữ Hán và Nôm, ai đi đạo cũng được học, cũng biết chữ vì phải đọc kinh, đọc sách hằng ngày. Cuối cùng người Công giáo sáng chế ra chữ Quốc Ngữ và truyền cho nhau, rồi hầu như cả xã hội bắt đầu học theo. Năm 1865, ở miền Nam Việt Nam xuất hiện tờ báo tiếng Việt đầu tiên là Gia Định Báo. 
          Với 2 chữ tả đạo thích trên trán, với lý lịch Công giáo ghi trong sổ dân đinh, người Công giáo gặp nhiều khó khăn, không được học hành, thi cử, buôn bán… nhưng người Công giáo vẫn dạy nhau học, truyền nghề cho nhau, làm hàng gì phải thật tốt, bán hàng gì phải thật rẻ, nên ai cũng muốn giao hảo với người Công giáo. Khi gặp khó khăn quá thì họ trốn vào rừng sâu như ở Trà Kiệu, La Vang, phá rừng làm rẫy để được tự do giữ đạo và nhờ đó mở mang bờ cõi đất nước. 
          Từ những nơi khó khăn ở miền Bắc, miền Trung, người Công giáo theo đoàn quân tiến vào miền Nam. Vì luật pháp còn thông thoáng ở những miền đất mới, nên đạo Công giáo ở trong miền Nam phát triển mạnh và nhanh hơn ở miền Bắc. Những giá trị của Tin Mừng như dân chủ, gia đình một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng, khoa học phổ biến… được các Thánh Tử đạo làm chứng, truyền bá và dần dần mọi người tin theo. 
          Chúng ta có tự hào là con cháu của những chứng nhân như thế không? Để đổi lấy những giá trị này cho dân tộc, cha ông của chúng ta đã chịu biết bao nhục nhã, hy sinh, thậm chí cả cái chết. Không phải chỉ 117 vị mà chúng ta đang mừng kính hôm nay. Người ta ước tính có khoảng 130 ngàn người đã chết trong những cuộc bách hại, nhất là vào những năm 1860-1885 khi phong trào Văn Thân bùng nổ, nhưng số người Công giáo vào thời khó khăn đó có khi tăng đến 12% dân số. Đêm 7-1-1862, 700 người đã bị thiêu sống trong mấy nhà ngục ở Bà Rịa, Vũng Tàu, 444 người đã chết với danh sách rõ ràng còn ghi cho đến hôm nay. 

2. Những giá trị cho những chứng nhân thời đại hôm nay 

        Nhưng người Công giáo chúng ta dường như đã ngủ quên trong chiến thắng! Khi cả xã hội Việt Nam đã đón nhận những giá trị Tin Mừng trên đây thì chúng ta lại không giới thiệu được những giá trị mới cho dân tộc. Bây giờ chỉ còn có 7% dân số Việt Nam theo đạo Công giáo. Chúng ta thử hỏi xem chúng ta sẽ giới thiệu những giá trị gì? Chúng ta sẽ giới thiệu Chúa Giêsu qua những giá trị mới trong hiến chương Nước Trời, chẳng hạn như tinh thần khó nghèo, hiền hoà, thánh thiện, trong sáng, yêu chuộng công lý, xây dựng hoà bình, chia sẻ quảng đại và dám hy sinh vì đại nghĩa. Tinh thần nghèo khó giúp chúng ta nói lên niềm tin vào Thiên Chúa là chủ của tất cả, Chúa nhìn thấy và ban tất cả cho chúng ta. Chúng ta diễn tả tinh thần nghèo khó qua những cách ăn mặc đơn giản nhưng lịch sự, chứ không phải chạy theo mốt quần áo mắc tiền của đủ loại hàng hiệu. Chúng ta ăn những bữa cơm thanh đạm, đầy đủ chất bổ dưỡng nhưng không đi tìm những loại đặc sản, những món lạ lùng mới mẻ có khi làm hại sức khoẻ con người. 
          Chúng ta thử nhìn vào anh em Công giáo Hàn Quốc, cách đây 60 năm, vào năm 1949, họ chỉ có 1% người Công giáo, nay đã tăng 10,1% (năm 2010) và họ quyết tâm trong 10 năm nữa dân số Công giáo sẽ tăng lên 20%. Những thanh niên Công giáo Hàn Quốc được dạy cách sống theo tinh thần tích cực của 8 mối phúc thật. Họ không để tóc “hai lai” (highlight), ăn mặc đơn giản, cử chỉ lịch sự, ham thích học hỏi, giữ gìn sức khoẻ, sống mạnh mẽ, có lòng bác ái, quảng đại, hy sinh nên ai cũng muốn kết thân với gia đình Công giáo Hàn Quốc. Người thanh niên Công giáo Việt Nam có dám đi theo  con đường đó của Đức Giêsu không? Sống trong tinh thần nghèo khó nhưng họ lại trở thành những người giàu có. Giáo hội Hàn Quốc là Giáo hội có thể nói duy nhất trên thế giới dám đứng tự lập, không nhận những đồ viện trợ, không nhận những dự án tài trợ của nước ngoài, đi đâu họ cũng giúp đỡ những người Công giáo hết sức quảng đại và rộng rãi bởi vì những người Công giáo đóng góp rất nhiều và trở thành những người giàu, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm buôn bán, những kiến thức buôn bán cho nhau. Những chủ siêu thị Công giáo Hàn Quốc liên kết nâng đỡ những người nông dân Công giáo để bán những nông sản với giá cao và không bị những người khác ép giá. Họ hiểu rằng càng quảng đại với con người thì Thiên Chúa càng quảng đại với họ. 
            Chúa của chúng ta là nguồn của sự khôn ngoan nên người Công giáo cần phải tích cực học hành để có nhiều tiến sĩ, nhiều nhà khoa học nghiên cứu, nhiều bác học Công giáo. Lúc bấy giờ chúng ta mới có thể minh chứng cho Chúa của mình. Chúa của chúng ta là nguồn đẹp. Giống như người Công giáo ngày xưa, chúng ta có điều kiện ăn uống, ngủ nghỉ đàng hoàng, ngày nay chúng ta cũng truyền cho nhau những kỹ năng sống để trở thành những con người đẹp đẽ, khoẻ mạnh, mới thu hút được người khác về cho Chúa. 
          Chúa của chúng ta là nguồn yêu thương, chúng ta cần học lại bài học tha thứ, đón nhận, sống hiền hoà với mọi người, chứ không phải chỉ hơi quẹt xe một tí là chúng ta đứng lại chửi toáng lên, rút dao đâm người khác như báo chí đã đưa tin nhiều trường hợp trong xã hội hiện nay. Chúng ta dám chấp nhận bị người khác chửi bới, nhục mạ, phản bội, bách hại mà vẫn tha thứ, yêu thương như Đức Giêsu đã làm chứng cho chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa vì Ngài là vị tử vì đạo gương mẫu cho tất cả chúng ta. 
          Chúng ta sẽ không phá thai, không bán hàng giả, hàng độc hại vì đó cũng là một cách giết người. 
         Người Công giáo trở lại với những giá trị trung thực, tốt đẹp như cha ông chúng ta hồi xưa, chúng ta không chiều theo những tham vọng và dục vọng để sống buông thả. Chúng ta giữ một cuộc sống điều độ, không chơi trò chơi trực tuyến đến nỗi quên cả học hành, ăn ngủ, không xem những phim sex để tinh thần chúng ta luôn trong sáng đón nhận những chân lý, kiến thức. Theo số liệu thống kê mới đây, VN là nước truy cập phim sex nhiều nhất thế giới: hơn 5 triệu người truy cập phim sex và hơn 5 triệu người chơi trò chơi trực tuyến trong số 24 triệu người sử dụng internet hiện nay. 
          Giống như các tín hữu tổ tiên thời xưa, cộng đồng tín hữu giới thiệu Thiên Chúa và Đức Giêsu là nguồn chân thiện mỹ, nguồn sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô tận qua những con người khoẻ mạnh, xinh đẹp, học hành giỏi giang, làm việc hăng say và vô vị lợi, trung tín trong tình bạn, trong sáng trong tình yêu, cao thượng trong hành động, dám hy sinh vì đại nghĩa nhờ sống và thực hiện những giá trị của Tin Mừng.  

Kết luận 

          Chỉ có những con người thực tế như vậy mới có sức thuyết phục con người Việt Nam tin vào Thiên Chúa và vào Đức Giêsu Kitô chứ không phải là những thánh đường nguy nga, nghi lễ long trọng, những bài giáo lý cao siêu, những kiểu sinh hoạt đoàn thể hời hợt mà cha ông chúng ta không hề biết đến trong thời các ngài. Chúng ta đang được mời gọi đi lại con đường làm chứng của các Thánh Tử Đạo Việt Nam. 

Hành Khất Kitô
(Nguồn : conglyvahoabinh.org)