Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

NỒI BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT VÀ NIỀM VUI XUM HỌP

(Cinet) - Bánh chưng gợi nhớ ngày Tết hay Tết gợi hương vị bánh chưng? Không biết tự bao giờ, món bánh truyền thống ấy đã trở thành thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên, thành món ăn đặc trưng trong ngày Tết. Với nhiều gia đình, chiếc bánh chưng vuông nhỏ bé không còn đơn thuần là món ăn mà đã trở thành niềm vui, niềm hân hoan sum họp trong những ngày đầu năm mới.

Ngày Tết cổ truyền, nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh chưng để cúng gia tiên. Bánh chưng là nét văn hóa lâu đời mà có lẽ mãi mãi về sau cũng không thể biến mất trong tâm thức người Việt.
Cùng với sự phát triển của xã hội, hình ảnh nồi bánh chưng sôi sùng sục suốt đêm và những ánh lửa bập bùng trong đôi mắt người trông bánh nay đã thưa dần và gần như đã không còn thấy ở thành phố nữa. Mỗi năm Tết đến, tôi lại nhớ về những cái Tết thời thơ bé với nồi bánh chưng ấm cúng mà đến khi trưởng thành tôi mới nhận ra nó ấm áp nghĩa tình biết bao.

Bánh chưng - món ăn độc đáo của dân tộc

Dân tộc nào cũng có những món ăn truyền thống, song chưa thấy dân tộc nào có một món ăn vừa độc đáo, vừa ngon, vừa bổ, lại gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh như bánh chưng, bánh dầy của Việt Nam.
Vào các dịp lễ tết ở miền Bắc, một trong các món ăn phổ biến nhất là bánh chưng, bánh dầy. Trong mâm cỗ đón Xuân, những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn khiến ta nhớ đến sự tích bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Có người quan niệm bánh chưng hình vuông để tượng trưng cho đất, là âm, dành cho mẹ; bánh dầy hình tròn để tượng trưng cho trời, là dương, dành cho cha. Bánh chưng bánh dầy là thức ăn trang trọng, cao quí nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.
Có nhiều truyền thuyết dân gian cũng như có nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa giải thích khác nhau về nguồn gốc của bánh chưng. Riêng tôi rất ấn tượng với truyền thuyết từ thời vua Hùng Vương thứ 6, về cuộc thi tài để chọn người lên kế vị ngai vàng.
Truyền thuyết kể rằng: Ngay sau khi phá xong giặc Ân, vua Hùng muốn truyền ngôi cho con. Vào dịp đầu xuân, vua cho mở hội và bảo các con rằng: Con nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ và có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho. Các Lang (các người con của vua Hùng) đã đua nhau làm ra những món lạ từ những nguyên liệu là sơn hào hải vị quý hiếm khắp nơi.
Truyền thuyết bánh chưng, bánh dầy
Riêng người con trai thứ 18 của vua Hùng là Lang Liêu tính tình thuần hậu, chí hiếu, đã làm ra bánh chưng, bánh dầy. Cái giỏi và cái tâm của Lang Liêu là biết sử dụng những nguyên liệu thông thường có sẵn như: lá, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo… để làm thành món ăn, mà trong đó đã gói ghém cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, mang ý nghĩa sâu xa để làm vật phẩm cúng tế tổ tiên, đất trời. Kết quả Lang Liêu được vua cha chọn nhường ngôi.
Từ đó, cứ đến Tết Nguyên đán, dân gian bắt chước làm theo, sau thành tục lệ để cúng Tổ tiên, cúng Trời Đất. Dần dần, bánh chưng đã trở thành món ăn truyền thống, độc đáo của dân tộc. Đây cũng là một trong những bằng chứng cụ thể chứng tỏ văn hóa ẩm thực Việt Nam với nhiều món ăn đặc sắc, hấp dẫn.

Bánh chưng trong ký ức tuổi thơ và niềm vui sum họp

Cho đến bây giờ, trong tâm trí tôi vẫn không mờ phai những kỷ niệm thơ ấu xung quanh nồi bánh chưng đêm trừ tịch. Cảm giác háo hức của một đứa trẻ lon ton chạy theo mỗi bước chân của bố mẹ đang hối hả cho các công việc ngày Tết. Có biết bao nhiêu thứ phải chuẩn bị: nào thịt, nào giò chả, dưa hành…, nào là đi chợ sắm Tết… Nhưng có lẽ cầu kì nhất là chuẩn bị những chiếc bánh chưng.
Để có được những chiếc bánh chưng vuông vắn, ngon lành thường phải mất từ 1 - 2 ngày với rất nhiều công đoạn. Tôi còn nhớ hồi ấy, từ những ngày 27, 28 Tết, các gia đình đã bắt đầu gói bánh chưng. Trước đó, các bà, các mẹ ai nấy đều tấp nập đi chợ mua gạo nếp thơm, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong và một số vật dụng khác.  
Ngày ấy, kinh tế dẫu còn khó khăn nhưng những thứ đó thì không thể thiếu. Nhà nào mà có bà con ở quê mang lên cho yến gạo nếp thì quý lắm. Không khí Tết những ngày này đã thực sự rộn ràng. Khu nhà tôi ở, nhà nào cũng chỉ mười mấy m2, mà bày la liệt giữa nhà những thúng đầy gạo nếp trắng tinh, những mâm đầy đỗ xanh vo tròn rất ngon mắt, thêm những bát thịt rồi cả những khuôn bánh, lá dong xanh rờn nữa.
Những căn hộ nhỏ bé, chật chội với đủ thứ giữa nhà, cả nhà quây quần xung quanh. Không gian nhỏ bé lại càng chật hẹp hơn. Người lớn thì đôi tay thoăn thoắt, nhanh nhẹn mà khéo lắm nên gói bánh rất nhanh mà lại đẹp. Bánh chưa luộc mà nhìn đã ngon lắm rồi. Trẻ con chúng tôi thì chỉ ngồi… nghịch, ngồi xem là chính. Mà đứa nào cũng được bố mẹ, ông bà gói riêng cho một cái bánh nhỏ nhỏ xinh xinh. Trẻ con ở đâu cũng được “ưu tiên” như vậy và đứa nào cũng thích thú lắm.

Các công đoạn làm bánh chưng

























Đám trẻ con chúng tôi cứ hay lanh chanh. Ngồi xem người lớn gói bánh mà nghe tiếng bạn í ới ngoài cửa là chạy ra ngay. Mấy đứa gặp nhau là tíu tít: “Nhà cậu gói bánh xong chưa? Đêm có trông luộc bánh không? Tối ra chơi nhé…”. Xong là lại lanh chanh chạy vào hết nhà này đến nhà nọ xem mọi người gói bánh. Có những nhà còn ngồi ra tận ngoài hành lang gói bánh nữa. Ai cũng khẩn trương, nhanh tay cho kịp luộc bánh buối tối. Ấy thế mà chẳng ai gợn lên chút gì mệt mỏi, ưu phiền. Những câu chuyện phiếm vui vẻ và những tiếng cười cứ không ngớt xung quanh những chiếu bánh bề bộn trong những căn hộ nhỏ bé. Có lẽ vì vậy mà càng thấy ấm cúng hơn.
Chập tối, nhà nào nhà nấy đã gói xong những chồng bánh vuông vắn đều đặn. Ở giữa hành lang của tầng đã kê sẵn một chiếc thùng phuy lớn, dưới đã chất sẵn củi. Các gia đình trong tầng của khu tập thể chúng tôi cùng luộc bánh chung trong chiếc “nồi” ngất ngưởng ấy. Và khi thành phố lên đèn thì nồi bánh chưng của chúng tôi cũng đỏ lửa. Tối đến, tụi trẻ con chúng tôi hẹn nhau ăn cơm thật nhanh rồi chạy ra hành lanh ngồi bên nồi bánh. Trẻ con mà! Chỉ thích ngồi nhìn bếp lửa, ngồi nghịch lửa thôi. Rồi có khi bác hàng xóm mang ra cho bọn trẻ mấy củ khoai lang vùi vào bếp lửa là thích lắm. Rồi cả buổi tối, cả tầng không hẹn mà kéo nhau ra hành lang ngồi quanh nồi bánh chưng ý như là… đi họp tổ dân phố vậy. Người lớn thì vừa trông bánh, lại vừa có dịp ngồi bên nhau chuyện phiếm. Tiếng cười nói râm ran suốt cả buổi tối. Trẻ con chúng tôi thì chẳng biết người lớn nói chuyện gì mà cười vui thế, cũng chẳng đứa nào để ý vì mấy con mắt còn mải dán vào ánh lửa đỏ hừng hực kia. Đến tối thì chẳng đứa nào được ở lại trông bánh nữa vì bố mẹ bắt về nhà đi ngủ, chỉ còn lại vài ba người thức đêm trông bánh. Đó có lẽ là ngày mà cả xóm đều thức khuya nhất. Sáng hôm sau, tôi ngủ dậy thì bánh đã được vớt ra từ lúc nào rồi, sờ vào còn âm ấm. Ngoài hành lang thì chỉ còn lại dấu vết đen xì trên nền gạch men cũ kĩ. Sáng ra trẻ con nhìn mặt nhau, đứa nào đứa nấy má đỏ ửng vì ngồi cả tối bên bếp lửa. Mấy đứa trẻ con mặt nẻ hồng hào lại lon ton chạy đi chơi giữa trời rét buốt.
Vậy đấy! Chỉ có một buổi tối bên nồi bánh chưng mà biết bao ý nghĩa, ấm áp, chan hòa tình hàng xóm. Ngày nay, đời sống đã khác xưa, đã đầy đủ hơn nhiều lắm rồi. Người Hà Nội vẫn ăn bánh chưng ngày Tết như phong tục ngàn đời nay. Song, hình ảnh nồi bánh chưng đỏ lửa trong đêm quây quần thì gần như không còn nữa, để cho người ta bất chợt nhớ đến mà khát khao, mà nhớ thương. Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy, giờ cũng khôn lớn rồi. Chúng tôi còn trẻ nhưng cũng là cái tuổi bắt đầu biết hoài niệm rồi, để bây giờ ngồi nhớ về tuổi thơ mà thèm những nồi bánh chưng chan chứa tình làng nghĩa xóm ấy. Giờ đây, vẫn khu tập thể này, nhưng nồi bánh chưng ấy thì đã không còn từ lâu. Chạnh lòng mà thấy tiếc cho lũ trẻ con sau này chẳng còn được biết đến nồi bánh chưng ấm áp như thế nào…
Nguyên Hà
(Nguồn : cinet.gov.vn)