Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

ĐỂ HIỂU VÀ SỐNG 12 NGUYÊN TẮC HTDC (tiếp)





BÀI 5:


Hùng Dũng tử tế vuông tròn
Nói cười lịch thiệp đẹp lòng người ta

Ý chính: Đọc nguyên tắc trên chúng ta không khỏi nghĩ đến điều thánh kinh nói về cậu bé Giê su ở Nazareth, mà chúng ta có thể coi là ý chính của bài này.

1/    Một con người tốt lành thật sự sẽ chiếm đoạt được thiện cảm của mọi người (đẹp lòng người ta).
      Nhưng thế nào là tốt lành thật sự?
      Câu nhấn mạnh đến chữ “thật sự”. Vì thời buổi duy vật thực tế này, người ta rất dễ quên giá trị tinh thần mà Chúa Giê su nhấn mạnh một cách rõ ràng mà dễ hiểu nhất đó là “đồng xu nhỏ của bà già nghèo dâng cúng trong Đền thờ”.
      Sự tốt lành thật sự nằm ở những gì từ bản thân con người: có thật sự như lời nói tốt lành bên ngoài không. Chúa nhận định: do tràn đầy trong lòng mà lời nói được buông ra.
      Con người có hoàn toàn là người tử tế (vuông tròn) thì sẽ “nói cười lịch thiệp vừa lòng người ta”: “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
      Chúng ta không được thấy cậu bé Giê su ở Nazareth ăn nói thế nào. Thánh Kinh chỉ nói vắn gọn một câu; nhưng là một câu có bảo chứng tự trong câu nói vắn gọn đó. Thánh Kinh tả: “Con trẻ Giê su lớn lên càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và dễ mến trước mặt Thiên Chúa và loài người”.
      Điều bảo đảm câu nói vắn gọn gồm những điều chúng ta vừa nói trên, chính là câu “trước mặt Thiên Chúa”. Vì Thiên Chúa thấy rõ mọi tâm can con người, nên khôn và ngoan dễ mến trước mặt Chúa là điều bảo đảm con người đó thật sự tốt lành. “Cây tốt sinh trái tốt”. “Lời miệng nói ra là do đầy tràn trong lòng”.

2/    Em Hùng Dũng cố gắng làm cho chính mình nêu con người tốt! Chứ không phải chỉ để ý tới lời ăn tiếng nói bên ngoài, có khi sẽ đưa đến điều người ta thường mĩa mai là “đãi bôi”, “đầu môi chót lưỡi”. Hoặc tệ hơn nữa rơi vào tính giả hình mà Chúa lên án nặng nề!
      Nói như vậy không có nghĩa là không cần phải: “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Vì rất nhiều khi: “Của cho” không bằng “cách cho”! “Cho” làm sao để người nhận không bị “mặc cảm”, trái lại cảm thấy hãnh diện hoặc vui vẻ!
      Đó cũng là điều nguyên tắc nhắc nhủ: “Nói cười lịch thiệp đẹp lòng người ta”.
      Nghệ thuật làm “MC” (Master of Conference) nhiều khi rất cần cho giao tiếp xã hội. Nhưng Hùng Dũng rất cần nhớ thực hiện lời Chúa dạy: “Nếu không công chính hơn Biệt Phái, thì không được vào Nước Trời!”. “Công chính hơn Biệt Phái” tức là cần để ý nội tâm: thực chất thế nào?


BÀI 6 :


                              Hùng Dũng thảo hiếu mẹ cha,
                         Là anh em bạn thiết tha mọi người .

Ý chính :  Trong nhà là đứa con thảo.
                 Ngoài xã hội là bạn tốt với mọi người .

1/ Một cuốn phim nhiều tập được chiếu trên truyền hình có nhan đề độc đáo : “ Thứ ba học trò” (theo câu : “Nhất qủi, nhì ma, thứ ba học trò “ . Tả môt lớp học quậy phá đến nỗi gần như không thể trị nổi …. Nhiều thấy cô đủ cỡ đã phải đầu hàng …. Cuối cùng một ông thầy trẻ được phái tới …. Và đã thuần hóa được lớp học …
Khởi đầu cho việc thành công là một yếu tố ngoài sự tính toán với cả thầy lẫn trò . Đó là lòng hiếu thảo của thầy, con một đối với người mẹ góa chồng đau yếu .
Chứng kiến tận mắt ông thầy giáo trẻ của mình đang dẫn người mẹ đau yếu đi, làm những công việc nội trợ hàng ngày của người mẹ góa con côi …. Cô học trò đại diện lớp đi dò xét tận gia đình, để có yếu tố quậy phá ông thầy tận gốc!...đã phải mềm lòng, để rồi trở thành người đứng ra bênh vực ông thầy trước cả lớp đang háo hức quậy phá.
Nếu tất cả các em Hùng Dũng sống hiếu thảo, tưởng xã hội đang đánh mất rất nhanh những giá trị tinh thần về gia đình, sẽ có dịp sớm thức tỉnh để dừng lại trên đà tuột dốc đến băng hoại !
“Là anh em bạn thiết tha mọi người” . Trong một xã hội mà đồng tiền “ là Tiên là Phật, là sức bật lò xo, là thước đo lòng người,…. là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý ! ”, thì  tình bạn chân thành quả là qúi hiếm .
2/ Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta một tầm nhio2n bao quát và sâu sắc hơn nhiều! Đó là viễn tưởng một gia đình Cha trên Trời, trong đó mọi người là anh em còn “thật sự” hơn anh em trong một gia đình trần thế  “Anh em chỉ có một Cha trên Trời, còn tất cả đều là anh em với nhau “ .
“ Anh em với nhau” mãi mãi, không bao giờ bị xa cách , chia lìa vì tội lỗi hay vì sự chết ! Vì Chúa Kitô đấng giúp cho mọi con cái Cha trên Trời chiến thắng vinh hiển mọi tội lỗi và sự chết .
Hùng Dũng không chỉ có cố gắng để làm con thảo trong gia đình trần thế , làm bạn tốt với mọi người ở đời này, mà còn cố gắng cùng với Chúa Kito mở mang nước Chúa, thực hiện cho bằng được Gia Đình Cha trên Trời . Ở đó mọi người sẽ không chỉ là bạn mà còn là Anh Em thật sự với nhau, con một Cha là nguồn gốc mọi tình phụ tử và mẫu tử ở trần thế .



BÀI 7 :


                                 Hùng Dũng mau mắn vâng lời
                                Tuân theo triệt để ý lời cấp trên . 

Ý chính : Vâng lời đích thực là gì ?

1/ Một điều thiếu sót trong nền giáo dục hiện nay là một khái niệm đúng đắn về sự vâng lời .
Thiếu sót nơi chính người huấn luyện, đấy mới chính là điều quan trọng . Họ coi vâng lời là ấu trĩ, là ngược với phát triển nhân cách, cản trở bước tiến tới trưởng thành …thế là phát sinh ra cả một nền giáo dục năng động (méthode active), sáng tạo . Để giúp năng động và sáng tạo, người ta đề cao đến như o bế giới trẻ, “tôn thờ” giới trẻ . Rút cục, giới trẻ không còn biết phục tùng, vâng lời nữa . Chúng ta đang chứng kiến cảnh con cái chống đối tìm cách thoát ly cha mẹ, gia đình đang tuổi rất còn non dại, và thế là rơi vào sa đọa đủ loại (cảnh giới trẻ phạm pháp, phá phách trong xã hội, đến nỗi cả xã hội đảo điên lên vì giới trẻ . Ngày nay với phương tiện truyền thông dễ dàng, mở rộng… Không biết những cảnh tượng gì nữa sẽ xẩy ra : tin tặc do những con người trẻ vô gia đình, vô chính phủ, vô luật pháp, vô tôn giáo…. sẽ tấn công mọi thứ tổ chức, trật tự, pháp luật, luân lý ….

2/ Giáo dục chân chính là hướng dẫn sự phát triển (Education, direction de croisance) : phát triển từ từ để tiến tới sự hoàn hảo của mỗi người .
Như thế, tức là phải thấy và chấp nhận những giai đoạn chưa hoàn hảo và có thể hoàn hảo hơn của chính mình .
Con người phải qua nhiều giai đoạn bất toàn trước khi tới giai đoạn hoàn toàn ( dĩ nhiên là tương đối ) . Giới trẻ từ thiếu ấu nhi, thiếu niên, thanh niên …. Là những giai đoạn chưa hoàn toàn, nên cần phải thấy những giới hạn của mình .
Nhìn thấy và chấp nhận những giới hạn đó, phát sinh ra sự khiêm tốn, và tiếp theo là đức vâng lời ?
Khiêm tốn vâng lời là muốn sống theo sự thật về chính mình . Chứ đâu có phải do đè nén, áp lực từ bên ngoài .
Sở dĩ có sự hiểu sai về vâng lời là vì có những người không vì sự thật, có khi sống sai sự thật, mà bắt người khác phải theo ý mình như trong chế độ độc tài ác nghiệt . Trong trường hợp này sự không vâng lời lại được đề cao, nếu muốn phát triển con người  thực sự .
Trở lại, sự vâng lời chân chính phải là phát xuất từ sự mong muốn phát triển của chính mình . Khi nhận thấy một người muốn giúp đỡ mình và có khả năng để giúp đỡ, lúc đó việc vâng lời trở thành thiết yếu : vâng lời bác sĩ chữa bệnh cho mình, vâng lời thầy cô chân chính ( nói  “ chân chính “ vì ngày nay có nhiều thứ lạm dụng thiếu sót trong giáo dục ) và nhất là vâng lời cha mẹ đấng sinh thành dưỡng dục đúng đắn ( nói “đúng đắn” vì ngày nay có đủ thứ loạn ly trong gia đình) .


BÀI 8 :

                               Hùng Dũng chu đáo vẹn toàn ,
                      Thực hành mọi việc toại nguyền ước mong .

Ý chính : Mọi công việc giao cho, đều làm tươm tất .

1/ Bài 8 này cũng tương quan với bài 4 trên cũng giống như giới răn thứ 5, 6 tương quan với giới răn thứ 9, 10 . Một đàng nhấn mạnh tới việc làm bên ngoài . Một đàng nhấn mạnh tới những việc làm bên trong .
Bài 8 này nói về việc làm bên ngoài . Mọi công việc ( bất kể công việc gì ) giao cho Hùng Dũng đều phải được thực hiện đầy đủ như ý người giao .
Chúng ta nhắc lại nguyên tắc làm việc nói tới trong bài 4 trên : “ Việc gì đáng làm , thì cũng đáng làm thật tử tế ! “ . Bất cứ  “ việc gì đáng làm “, vì có những việc không đáng làm > Có khi không đáng bận tâm nữa ! Còn những việc gì thấy đáng làm, thì cũng đáng làm tử tế đàng hoàng ! Thấy căn phòng rác rưởi dơ bẩn đáng cần cầm cái chổi để quét thì cần nhớ kỹ đã quét là phải quét cho thật sạch ! Chứ không thể quét như người ta nói : một nhát đến tai, hai nhát đến gáy ! Quét quơ quơ vài ba cái để gọi là quét !
Vấn đề ở đây là : Việc gì gọi là đáng làm ? Và ngược lại : Việc gì là việc không đáng làm ? Việc không đáng làm như trời sắp mưa đến nơi, mà còn cất công đi gánh nước tưới cây làm gì ? !
Tuy nhiên có những việc không thấy rõ là đáng làm hay không đáng làm ? Có khi còn phải đi hỏi cố vấn, quân sư ….Nhưng thường tình biết bao việc phải làm hằng ngày chẳng cần phải cân nhắc nữa ! Đặc biệt là việc bổn phận! Và nếu thật sự là bổn phận thì một nguyên tắc khác còn cấp bách hơn . Đó là : “ Hãy làm việc phải làm! Bất chấp việc gì sẽ xẩy ra !”
Ở đây nhấn mạnh đến “việc phải làm “đó thì cũng phải làm cho chu đáo ! Và đừng có phân biệt đối xử : việc hơn việc kém, việc trọng việc hèn, việc danh trọng, việc khinh khi … Đã là “việc phải làm” thì đều đáng làm chu đáo .

2/ Đối với Hùng Dũng cũng như mọi Kito hữu, còn một thứ việc chúng ta cần đặc biệt lưu ý để làm cẩn thận chu đáo hơn nữa ! Đó là việc Thiên Chúa giao phó, hoặc việc ta phải làm đối với Thiên Chúa ! Ta nghĩ đến những việc nhỏ như làm dấu Thánh Giá đọc kinh trước và sau khi ăn, kinh sáng tối …. Cho đến việc dự Thánh lễ, dạy giáo lý , hội đoàn, công tác giáo xứ, thi hành sứ vụ của ơn gọi ….
Bao lần chúng ta làm dấu Thánh Giá như đuổi ruồi! Đọc kinh trước sau bữa ăn chỉ vì thói quen, chẳng ý tứ gì! Đi lễ để gọi là “ Giữ Ngày Chủ Nhật “ ! Lo ra, chia trí đủ thứ ! Đứng ngoài sân nhà thờ cho mát  v…v….

                                                                                                                  (còn tiếp)