Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

ĐỂ HIỂU VÀ SỐNG 12 NGUYÊN TẮC PT HÙNG TÂM DŨNG CHÍ


                              Lm Anton Trần văn Trường


ĐỂ HIỂU VÀ SỐNG 12 NGUYÊN TẮC
PT HÙNG TÂM DŨNG CHÍ

Lm  Antôn Trần văn Trường
Cố vấn Liên đoàn Hùng Dũng Thánh Linh Giáo phận Đà Nẵng 


BÀI 1:

                                  Hùng Dũng mọi lúc mọi nơi,
                            Là người công giáo sống đời nết na .

Ý chính : Vì ý thức là người Công giáo, nên phải sống nết na cho ra người Công giáo .
Hai ý lực :  1- Ý thức mình là người Công giáo
                  2- Sống nết na .

1/ Ý thức mình là người Công giáo (Kitô hữu)

Chữ “ Công giáo “ nhấn mạnh với phương diện xã hội : Một tôn giáo chung cho cho mọi người,  sẵn sàng chờ đón mọi người. Chứ không phải là một “bè kín, bè nhiệm “ !
Chữ “Kito hữu” nói lên bản chất người Công giáo, hay Kito giáo .
Nguyên tắc thứ nhất trên là một nguyên tắc sống tổng quát cả đời sống em HT, DC . Em là thành phần của Giáo hội do Chúa Kitô  lập. Nên em phải sống thế nào “ cho xứng đáng với danh hiệu đó “. (Lời nguyện trong Thánh lễ tuần 15 Thường niên ) .
Đức Thánh Cha Leo I trong bài giảng đêm Giáng sinh đã kêu gọi : “ Hỡi những người Kito hữu, hãy ý thức danh nghĩa của mình “ .

2/ Sống đời nết na .

Chữ “ nết na “ trong kiểu nói thường ngày có nghĩa ngược lại với : “ lố lăng”, “ lăng loàn”, “ chơi bời”, ….
Nếu tra tự điển Pháp ngữ thì chữ “Modestie” là “nết na” và còn có nghĩa là “khiêm tốn”, “ khiêm nhu”, “giản dị” .
Chữ “ Modestie” bởi chữ La tinh là “Modestia” và chữ “Modestia” thì được Thánh Phaolo dùng trong thư gửi Giáo đoàn Philip, đoạn văn chúng ta đọc trong Mùa Vọng Lễ Giáng sinh (Chúa Nhật III Năm C), trong một bối cảnh tuyệt vời: Chúa gần đến rồi, anh em phải ăn ở thế nào để “ Modestia” của anh em mọi người đều nhận ra ! ….
Thiết tưởng chữ “nết na” trong nguyên tắc thứ nhất của Hùng Dũng trên phải là chữ “Modestia” của Thánh Phaolo đoạn vừa nhắc tới. Và cũng là dư âm của ý tứ Chúa Giêsu khi Ngài nói với chúng ta: “ Hãy học cùng Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng “ .
Con người  “nết na”  đúng là một con người “hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng” . Vì có như thế, con người mới không ăn nói huyên hoang, ăn mặc diêm dúa, háo danh, háo thắng, đua đòi, háo sắc,…. chạy theo dư luận, sống bèo bọt! …. Tất cả những thứ mà giới trẻ ngày nay đang là nạn nhân, dưới danh nghĩa là “chịu chơi”. “hot”, “mác”, ….
Kết quả chỉ là “phù phiếm”! … là “văn minh sự chết “ !... Ngược với “văn minh sự sống” mà Giáo hội đang kêu gọi chúng ta xây dựng .



BÀI 2:

Hùng Dũng ngay thẳng thật thà,
Luyện lòng trong trắng nõn nà tốt tươi .

Ý chính : Nguyên tắc này cũng giống điều Chúa Giesu khen Nathanael : “Đây là người Israel chân chính, trong ông không có gì là gian dối “ . (Ga 1, 47).

1/ Điều mà tất cả các nhà xã hội chân chính, những nhà giáo dục chính thống lo ngại nhất hiện nay cho con người Việt Nam là sự gian dối lan tràn và trở thành nếp sống bình thường được phản ảnh trong những câu sau :
“ Thẳng thắn, thật thà thì thua thiệt
  Lật lọng, lắt léo lại leo lên “.
Hay câu :
“Sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng
Đường đi không trúng , nay đúng mai sai
Lý luận thiên tài, làm sai nói đúng “ .
“Bệnh thành tích” đưa đến đủ thứ giả dối, làm một đàng, khai báo một nẻo ! Từ kinh tế đến xã hội, giáo dục: làm ít khai nhiều, làm sai khai đúng, làm dở khai làm hay ! Bằng Tiến sĩ Việt Nam nhiều vào bậc nhất thế giới !.... chương trình giáo dục, sách giáo khoa làm đi làm lại chả biết bao nhiêu lần rồi mà ngày nay vẫn còn là vấn đề số một. Chỉ vì sự thật vẫn còn là điều cấm kỵ và lật lọng, lắt léo vẫn là nguyên tắc sống .

2/ Chúa dạy chúng ta : Đơn sơ như chim bồ câu. Khôn ngoan như con rắn “. ( Mt 10, 16 ).
Nguyên tắc thứ hai của Hùng Dũng trên là: “Đơn sơ như chim bồ câu “! Loài chim hiền lành, gặp nguy hiểm thì bay trốn đi, chả làm hại gì. Các dân tộc đều coi như biểu tượng của hòa bình. Hình ảnh khác Chúa dùng để nói lên cũng một điều đó là trẻ con; và Chúa hứa Nước Trời cho những ai giống trẻ con (Mc 10,15). Thánh Phaolo quảng diễn: ” Về đàng dữ, phải sống như trẻ nhỏ “ (I Cor 14 , 20 ) .
Đôi mắt chim bồ câu cũng như đôi mắt trẻ em luôn trong sáng. Những người sống ngay thẳng, thật thà, yêu thương mọi người, không căm thù, ghen ghét, âm mưu ám hại hay lừa dối, phản bội …. cũng thế . Họ nhìn thẳng vào mắt người đối diện và tạo mối chân tình tin tưởng ! Ngược lại, người ăn gian nói dối, lừa thầy phản bạn, hay âm mưu hại người…. thì không thế. Họ không dám nhìn thẳng ai, họ quay đi chỗ khác: Vì con mắt là cửa sổ tâm hồn! Người khác sẽ thấy tâm hồn đen tối, gớm ghiếc của họ!... Họ thường đeo kính râm! Càng râm càng tốt! Để người ta khỏi thấy !
Vế thứ hai của nguyên tắc trên “ Luyện lòng trong trắng nõn nà tốt tươi “, chính là thế .



BÀI 3:          

Hùng Dũng vui vẻ tươi cười
Dù khi nguy khó vẫn cười vui luôn

Ý chính: Vui tươi theo Kitô giáo là gì để đến nổi trở thành một nguyên tắc sống?

1/   Ngày nay người ta nói nhiều sự vui vẻ liên quan đến sức khỏe! Người có bệnh nếu biết sống vui sẽ chóng khỏi bệnh. Người khỏe mạnh mà vui vẻ sẽ ít mắc bệnh. Ngày nay có nhiều bệnh trực tiếp liên quan tới sự thiếu vui vẻ, như bệnh trầm cảm, bệnh stress…
      Vì thế người ta đã lập thành những câu lạc bộ “cười”: Mọi người đều cười và cố gắng làm cho người khác cười! Càng cười to, cười nhiều càng tốt! Người biết kể chuyện làm cho người nghe cười hả hê, thoải mái sẽ là quán quân!
      Cười sẽ làm cho máu lưu thông trong huyết quản, chuyên chở nhanh những cặn bã trong cơ thể! Nhất là trong tâm trí không còn những u uất, trầm cảm, vị kỷ …
      Tuy nhiên có những người bản tính không thích cười. Không phải vì họ buồn hay bị trầm cảm! Họ là hạng người nếu vui chỉ cười tủm tỉm thôi!... Họ là người suy nghĩ nhiều hơn nói!.
      Vì thế để chửa bệnh hay để vui sống, họ tập Yoga hay tập thiền. Phật giáo có ưu điểm và được tìm tới!...

2/    Niềm vui trong Kitô giáo vừa sâu xa vừa tích cực hơn rất nhiều!
      Từ khởi đầu cho tới tận cùng, Kitô giáo ngập chìm trong niềm vui!
      Thiên thần Gabriel mời gọi Trinh nữ Maria “Hãy vui lên!” (trong Kinh chúng ta đọc là “Kính mừng Maria”)… Thiên thần báo tin cho mục đồng: “Ta báo cho các ngươi và toàn dân một niềm vui vĩ đại”… Khởi đầu rao giảng Tin Mừng Đức Ki tô làm một phép lạ độc đáo: “Cho 600 lít rượu ngon trong một tiệc cưới!” Ăn tiệc đã vui! Tiệc lại là tiệc cưới! Ăn vui! Tình còn vui hơn!...Các tiên tri đã loan báo niềm vui ngày Thiên Chúa cứu chuộc Dân Ngài như một bữa tiệc, hay như niềm vui Tân Hôn. Chúa Giê su đã nhập 2 hình ảnh lại thành: “Tiệc cưới!” để loan báo cho Dân Chúa: lời hứa cứu chuộc đã đến và đang đến!...Khi giảng dạy Dân Chúa, Đức Kitô tạo bao niềm vui qua các Phép lạ, và bằng những hình ảnh (dụ ngôn) và lời hứa gây nên cả một đời sống đầy tương lai tươi sáng! Để cuối cùng kết thúc bằng một đời sống vượt mọi thứ mơ ước và tràn đầy niềm vui bất tận và hoàn hảo đó là: Đời sống Phục sinh trên nhà Cha trên trời!
      Đời sống Kitô giáo do Tin Mừng Kitô giáo tạo nên không thể không:
Hùng Dũng vui vẻ tươi cười
Dù khi nguy khó vẫn cười vui luôn!
      Vì biết và chắc chắn rằng: sau Thánh Giá sẽ là Phục Sinh!




BÀI 4:


Hùng Dũng sạch sẽ luôn luôn
Tính tình cẩn thận ghi lòng sắt son.


1/    Sạch sẽ, cẩn thận là điều quan trọng của nhà binh! Nhìn xem chăn gối trên giường quân nhân nhập ngũ sẽ rõ: thật vuông góc, ngay ngắn, thẳng tắp!...
      Chính điều đó tạo nên tinh thần kỷ luật nhà binh.
      Về phương diện luyện tập tính tình con người một cách có hiệu quả, phải nói “kỷ luật nhà binh” là hiệu nghiệm số một! Cha mẹ thương con thật, nhất là trong trường hợp đứa con quá được nuông chìu, không biết chịu thương chịu khó, hay tệ hơn nữa là gần như vô kỷ luật, sống buông thả, ngang ngược,… thì tốt nhất có lẽ là để con đi nghĩa vụ quân sự đầy đủ (đừng xin luật trừ gì) là giải pháp tốt nhất!
      Thường tình, từ nhỏ phải căn dặn cho con ghi lòng tạc dạ và đem ra thực hành nguyên tắc xử sự căn bản rằng: “Điều gì đáng làm thì cũng đáng làm thật cẩn thận!”. Không được làm lấy có lấy xong!
      Về vấn đề sạch sẽ, thì cần phải ghi nhớ một thực tế: con người bề ngoài nhớp nhúa, dơ bẩn, hôi hám, thì tâm hồn họ khó mà trong sạch, sáng sủa, ngay thẳng! Và như vậy, thì cũng khó mà tin tưởng!... Luật về sự cấm kỵ vật dơ trong Cựu Ước cũng không ngoài thực tế này!

2/    Nguyên tắc:
Hùng dũng sạch sẽ luôn luôn
Tính tình cẩn thận ghi lòng sắt son.
      Không phải là kiểu “sạch sẽ, cẩn thận” để cấp trên đi kiểm tra kiểu nhà binh. Nhưng là tự mình muốn và làm điều đó. Có kiểm tra, là tự kiểm tra để thăng tiến. Lý do vì đã thấy được sự sạch sẽ và cẩn thận tạo nên một tâm hồn trong trắng đáng yêu quý và đáng mơ ước như thế nào!
      Sạch sẽ không chỉ vật chất, nhưng còn và hơn nữa, là tinh thần: sạch các vết nhơ tội lỗi, đánh bại nết xấu!
      Có lỗi với ai, mà không nhận ra và đi xin lỗi ngay, thì tâm hồn đâu có sạch sẽ! Cố chấp nằm lì trong điều mà mình thấy là sai trái, thì dần dần tâm hồn đó cũng như bầy heo nằm trên đống phân bùn!
      Và như Chúa Giê su nói: Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong những việc lớn!” và ngược lại. Thế là từ những bất trung nhỏ, sẽ dễ dàng tiến vào những điều lớn hơn. Và dần trở thành một gánh nặng, cho xã hội, cho những người cùng sống chung!
      Việc xưng tội thường xuyên sẽ giúp chúng ta giữ được tâm hồn trong trắng và nhạy cảm với những gì có liên quan tới tội lỗi.



                                                                                                                (còn tiếp)