Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

KHÓA 2 : LÀM CHỦ BẢN THÂN

TRẦN DUY NHIÊN

KHOÁ 2

                                                                                                                 

LÀM CHỦ BẢN THÂN



I. Gợi ý.

Một trưởng muốn người khác tuân phục mình thì trước hết người đó phải có khả năng bắt mình tuân phục chính mình; nói cách khác: người ấy phải biết làm chủ bản thân. Thiếu tự chủ, không ai có thể làm chủ được sự vật chứ đừng nói đến làm chủ con người. Người thủ lãnh đặc biệt phải biết làm chủ miệng lưỡi, làm chủ thần kinh, làm chủ trái tim mình.

Người thủ lãnh đúng nghĩa làm chủ miệng lưỡi mình. 

Họ thường ít nói, không phải vì không biết ăn nói, nhưng vì họ tránh nói những điều thừa hoặc vô ích. Họ không cần phải kể lể cho mọi người những việc mình làm hay tâm tư tình cảm của mình. Họ hiểu rằng phải nghe nhiều và nói ít để hành động hữu hiệu. Người khéo nói có thể tạo một ảo tưởng nào đó, nhưng khi thực hiện không bằng điều mình nói, người đó sẽ bị xét đoán nghiêm khắc. Không có gì nguy hiểm cho người thủ lãnh bằng nói để mà nói: điều này thể hiện một sự thiếu tự chủ. Một người trưởng như thế không sớm thì chầy sẽ bị những thành viên trong nhóm coi thường.

Người thủ lãnh đúng nghĩa làm chủ chủ hệ thống thần kinh của mình. 

Là người đi đầu, nên trong giờ phút khó khăn nhất, các thành viên trong nhóm nhìn vào người trưởng, nhìn vào cơ bắp trên gương mặt người thủ lãnh, để nhận định tình hình. Chỉ cần một thoáng do dự, một mảy may sợi hãi là cả tập thể nản chí, buông xuôi, đầu hàng. Sự trầm tĩnh của người trưởng là nơi an toàn cho mọi bước đi của nhóm. Muốn giữ được thần kinh vững chắc, người trưởng không có quyền để cho công việc chôn vùi mình. Một căn bệnh thường thấy nơi người trưởng là có cảm giác mình còn có quá nhiều việc phải làm. Hình như đó là một căn bệnh tưởng hơn là một căn bệnh thật sự. Thực ra, điều là cho ta uể oải và bực dọc không phải là những việc ta làm mà là những việc ta không thể làm được vì thiếu tiên liệu và thiếu tổ chức.

Người trưởng phải biết sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên: việc nào quan trọng, việc nào ít quan trọng, việc nào làm trước, việc nào làm sau. Dành một số thời gian (bắt buộc!) để suy nghĩ trong yên lặng mà không ai có quyền quấy rầy. Phương cách bình tâm hay nhất là đặt mình trong trạng thái suy niệm và cầu nguyện. Nhưng dù dùng phương cách nào thì yêu cầu là luôn để đầu óc minh mẫn và tâm hồn bình thản.

Người thủ lãnh đúng nghĩa làm chủ trái tim mình. 

Dĩ nhiên, người trưởng phải độ lượng, khả ái, thông cảm, nhưng không bao giờ có quyền để cho thiện cảm hoặc ác cảm dẫn dắt. Không bao giờ để tình cảm lên tiếng trước khi lý trí ngỏ lời; nếu không người ấy sẽ phải cải chính, phải phân trần, từ đó, sẽ bị mọi người coi thường và uy tính cũng mất theo.

Tóm lại, người trưởng muốn trở thành một thủ lãnh đích thực thì phải biến mình thành ông chủ chân chính, nghĩa là làm chủ được bản thân mình. 

I. - Câu Hỏi Tự Kiểm:


  • 1. Bạn có phải là người mà các hữu trách tin cậy trao đổi khi thiết lập kế hoạch không?
  • 2. Buổi sáng bạn có dậy đúng giờ đã định và ra khỏi giường ngay không?
  • 3. Bạn có khả năng ngồi nghe một người khác quan điểm phát biểu trong vòng 10 phút mà không ngắt lời không?
  • 4. Bạn có khả năng tỏ ra bình tĩnh khi bực tức, tỏ ra khả ái khi bất bình đối với cộng sự viên của mình không?
  • 5. Bạn có hay than van kể lể không?
  • 6. Bạn có bao giờ từ chối hoặc hoãn lại một thú vui chính đáng (không xem một cuốn phim, đọc trễ một lá thư đang mong...) để làm chủ ý chí, tình cảm mình không?
  • 7. Khi bạn đang làm một việc gì thích thú, bạn có thể ngưng ngay mà không bực bội không?
  • 8. Bạn có tìm được cho mình ít ra là một cách thức để tự chủ trong những trường hợp căng thẳng không?
  • 10. Bạn có dành thì giờ để im lặng, suy tư, cầu nguyện một cách đều đặn không?

III. - Đề tài thảo luận.


  • 1. Tự chủ có thật sự cần thiết cho người lãnh đạo không? Tại sao?
  • 2. Bạn nghĩ rằng mình phải làm gì để có thể phát triển phẩm chất ‘tự chủ’?

IV. - Rèn luyện.


  • Mỗi sáng dự định một vài việc hãm mình’ trong ngày để bắt thân thể mình quen phục tòng ý chí. (Ví dụ: không nói một tiếng nào trong một buổi sáng, nếu không ai hỏi; mỉm cười liên tục trong một giờ; nhịn một bữa ăn....)
  • Tìm ra và tập thành thói quen một hai biện pháp để tự chủ khi mọi việc căng thẳng hoặc khi mình bối rối. (Ví dụ: im lặng thở thật sâu; chuyển bực bội vào cơ bắp; gợi trong đầu mình một hình ảnh, một kỷ niệm; đọc một câu châm ngôn...)

V. - Phương châm


Ai muốn làm đầu thì hãy ở cuối hết mọi người, và làm tôi tớ mọi người. (Mc 9,34


                                                                                         (tiengnoigiaodan)