Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

NGƯỜI PHỤ NỮ NGỌAI TÌNH


SUY NIỆM 
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN C - 12/6/2016 

Câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay xảy ra tại nhà ông Simon, một đạo sĩ Do thái. Vào thời Chúa Giêsu, các nhà của giới giàu có thường được xây quanh một khu sân rộng như một công viên trống trải. Trong sân có vườn cây và giếng nước, vào mùa nóng nực người ta bày ăn tại đó.
 
Mỗi khi có một Rabbi nào đến dự tiệc, thì mọi người được tự do đến nghe những lời giảng dạy. Thói quen đó giải thích sự có mặt của người đàn bà tội lỗi này trong nhà Simon.
 
Khi có khách đến nhà, người ta thường làm ba việc sau đây:
 
- chủ nhà đặt tay lên vai khách và tặng vị khách một cái hôn hòa bình. Đó là dấu hiệu của lòng tôn kính, nhất là trong trường hợp gặp một rabbi danh tiếng.
 
- Đường xá đầy cát bụi, nên khi vào nhà, người ta đổ nước lạnh lên bàn chân để rửa sạch bụi bặm và làm mát chân khách.
 
- Người ta cũng đốt lên một nhúm hương liệu cho thơm, hoặc đổ một giọt dầu hoa hồng lên đầu khách.
 
Phép lịch sự đòi hỏi những điều đó, nhưng trong trường hợp này chủ nhà đã bỏ qua tất cả.
 
Rồi thêm một tập tục nữa, cũng vào thời Chúa Giêsu, khi ăn thực khách không ngồi, nhưng nằm nghiêng quanh bàn tiệc. Họ dựa trên những chiếc gối thấp, chống trên khuỷu tay trái, tay mặt để tự do, hai chân duỗi thẳng về phía sau, bỏ dép ra. Tư thế đó cho phép người đàn bà tội lỗi có thể đứng gần chân Chúa Giêsu.
 
Simon là một đạo sĩ Do thái, một trong những người thuộc nhóm Biệt Phái. Tại sao một người như vậy lại mời Chúa Giêsu tới nhà mình? Rất có thể Simon này là người thích nổi tiếng, với thái độ nửa trọng nửa khinh, ông đã mời Chúa Giêsu đến ăn tiệc trong nhà mình.
 
Chính vì thế ta hiểu tại sao có sự pha trộn vừa có vẻ tôn kính lại vừa bỏ qua phép lịch sự phải giữ. Hẳn Simon là một người có thái độ kẻ cả đối với Chúa Giêsu.
 
Còn người đàn bà trong Tin Mừng là một gái điếm.
 
Dường như cô đã từng đứng lẫn vào đám đông để nghe Chúa giảng, đã gặp Chúa, đã hối cải và được Chúa tha thứ.
 
Theo tập tục của phụ nữ Do thái, một chai nhỏ dầu thơm nguyên chất, quen gọi là bình ngọc, rất đắt tiền thường được đeo trên cổ.
 
Cô chỉ ước ao được đổ bình dầu thơm đó lên chân Chúa, vì đó là tất cả những gì cô có để dâng cho Ngài.
 
Cô đến để xức dầu thơm lên chân Chúa, cô quá cảm động, nước mắt đổ ra chảy xuống chân Ngài. Cô vội vàng tháo tóc ra lau khô rồi đổ chai dầu thơm lên.
 
Một phụ nữ Do Thái xõa tóc nơi công cộng là đã phạm một lỗi lớn về phẩm hạnh. Người đàn bà này tỏ ra quên hẳn mọi người có mặt chỉ còn thấy một mình Chúa Giêsu thôi.
 
Đối với cô không còn cách nào hơn để biểu lộ lòng biết ơn và sự hy sinh nhiệt thành của mình.[1]
 
Cử chỉ này làm chúng ta liên tưởng đến cái hôn ở vườn Cây Dầu.
 
Cái hôn của Giuđa.
 
- Giuđa đi tìm Chúa, khi gặp, ông bước tới ôm Ngài, và hôn mặt Ngài(Lc 22,47). Cái hôn của ông có vẻ vừa hợp tình vừa hợp lý. Người ngoài dù lạ dù quen, dù nam hay nữ, không ai đã chê trách cái hôn đó.
 
- Còn ở đây, Mađalêna cũng đi đi tìm Chúa. Khi gặp, cô quỳ xuống, khóc ướt chân Chúa. Cô lấy tóc lau, và "không ngừng hôn chân Ngài" (Lc 7,45).
 
Nhưng cái hôn của cô có vẻ không được thích hợp.
 
Chả thế mà ông Simon đã lẩm bẩm này nọ trong bụng và đâm nghi ngờ Chúa. (Lc 7,39).
 
- Ngay trong thời buổi tự do này, nếu câu chuyện đó xảy ra bất cứ nơi nào trên trái đất, nhất là ở nước chúng ta, thì chắc chắn người ta sẽ không để cô yên và chính Chúa cũng sẽ bị kết án tơi bời.
 
- Người ta thì thế. Còn Chúa thì sao?
 
- Chúa đã trách cái hôn của Giuđa và đã bênh cái hôn của Mađalêna.
 
- Chúa thấy rõ tâm tư thầm kín của từng người.
 
Giuđa hôn Chúa, nhưng để nộp Người. Còn Mađalêna hôn Chúa, để xin ơn làm lại cuộc đời.
 
- Cái hôn của Giuđa chỉ tốt ở bề ngoài vì hợp phong tục, đúng luật xã giao và tình nghĩa. Nhưng ý hướng bên trong thì quá xấu.
 
- Cái hôn của Mađalêna thì bề ngoài không được thích hợp vì những lý do dễ hiểu, nhưng bên trong đầy những ý hướng tốt đẹp. [2]
 
Vì cô biết rằng mình đã hoang phí vẻ diễm lệ, đã tiêu hao tình yêu cho những kẻ bất xứng. Trót lầm lỡ, cô đau xót vì đã mua lấy một kinh nghiệm bằng cả cuộc đời và thú nhận rằng mình đã bị tước đoạt rồi bị bỏ rơi, y như một ly nước đầy được để qua một bên sau khi đã cạn. 
 
Cô đã bán rẻ thân xác, đã lao vào mình vào những cuộc vui, nhưng thật may mắn cô đã gặp được Chúa Giêsu.
 
Từ đó, cô phát hiện ra còn có một tình yêu khác, tình yêu đó không thể ban phát bừa bãi. Lòng tin nơi cô khơi dậy và qui hướng những khả năng yêu thương của cô vào một hướng khác, rất khác. Rồi chẳng còn e dè gì nữa cô lại gần Đức Giêsu, suốt bữa tiệc, trước mặt các khách dự tiệc, cô phủ phục dưới chân Chúa, như thể hạ nhục cái tính tự cao tự đại để rồi được trầm mình trong tình yêu thương của Chúa Giêsu.
 
Câu chuyện những cái hôn trên đây dạy chúng ta phải biết dè dặt, cân nhắc khi đánh giá tha nhân.
 
Nếu chúng ta thấy một người có hành động và thái độ xem ra không thích hợp với thói quen xã hội và tôn giáo, thì chúng ta đừng vội nghi ngờ họ.
 
Họ không được xã hội đồng ý, nhưng trước mặt Chúa, chưa chắc họ đã thua ai. Rất có thể họ đã đẹp lòng Chúa hơn chúng ta. Chúa đã chẳng bênh Mađalêna và trách ông Simon là gì.
 
Kẻ khinh người khác là tội lỗi đã bị Chúa đặt dưới kẻ chính họ đã khinh. Amen.
 
Lm. Giuse Đỗ Văn Thuỵ


(Nguồn :https://giaophanphucuong.org)