Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG


Trong cuốn Nhật Ký về Lòng Thương Xót của Thánh Nữ Faustina Kowalska, Chúa Giêsu nói với Thánh Nữ về nhân đức khiêm nhường:  “Con hãy đem đến Ta các tâm hồn hiền hòa, khiêm tốn và những tâm hồn trẻ thơ.  Hãy nhận chìm họ vào đại dương Thương Xót của Ta.  Những tâm, hồn này giống Trái Tim hơn hết.  Họ tăng nghị lực cho Ta để Ta bước vào cơn hấp hối đau thương.  Ta thấy họ như những Thiên Thần trần thế, chầu chực quanh các bàn thờ của Ta.  Ta đổ tràn trên họ những giòng thác lũ ân sủng.  Duy chỉ những tâm hồn khiêm nhường mới có khả năng đón nhận ân huệ của Ta.  Ta đặc biệt tín nhiệm nơi những tâm hồn đó.”

Thánh Augustino đề cập đến nhân đức thiết   yếu để được kết hợp chặt chẽ với Chúa Thánh Thần, và được tràn đầy quyền năng   của Ngài, để được đốt lên ngọn lửa và tình yêu của Ngài.  Nhân đức đó là:  Khiêm nhường.

Nhân đức khiêm nhường là một nhân đức đặc biệt cao quí nhưng thường bị hiểu lầm.

Trong Thánh Kinh có ba nhân vật được gọi là khiêm nhường: 

      1-  Môisen:  là một người rất khiêm nhường, Người khiêm nhường hơn bất cứ một người nào trên trái đất theo sự diễn tả trong Ds 12,3.  Bởi vậy Chúa đã dùng Người để dẫn dắt dân của Ngài.

     2- Đức Trinh Nữ Maria:  “Người tôi tớ khiêm nhường thẳm sâu của Chúa’ bởi vì Mẹ khiêm nhường tột đỉnh nên Thiên Chúa đã làm những sự trọng đại nơi Mẹ, và nhờ đó hết mọi thế hệ đều khen Mẹ là Người có phước. (Lc 1,48-49).

    3- Chúa Giêsu:  “Người hạ mình vâng lời cho đến chết, chết trên thập tự.  Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.  Như trong Phúc Âm Pl 2, 2-8 ca ngợi:  “ Như vậy khi vừa nghe Danh Thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ muôn vật phải bái quì”.

Vậy Khiêm Nhường là gì? 

‘Khiêm Nhường’ là sống trong sự thật, đơn sơ, nhìn nhận mình tầm thường, thấp kém, hư vô, dễ phục, dễ bảo.

1.  Sự thật hiển nhiên:  Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên tôi, bởi vậy, tôi là một thụ tạo của Chúa thì phải luôn luôn mang ơn Ngài là thờ phượng Ngài, cám ơn Ngài với niềm vui về tất cả mọi thứ Ngài ban và trong mọi tình huống, đó là bí mật của hạnh phúc như Thánh Phaolồ nhắc nhở trong 1Tx 5,16-18.  Đối với người Công Giáo hành động tạ ơn cao cả nhất là Thánh lễ mà tôi tham dự mỗi ngày với sự thành kính và biết ơn.
Nhân đức khiêm nhường là một nhân đức cao cả nhất chống lại với ‘sự kiêu ngạo’.  Kiêu ngạo là tự cho mình là trung tâm của vũ trụ, đây là một hành động cản trở chúng ta đến với Chúa Thánh Thần.

2.  Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên vũ trụ, và nếu như tôi so sánh với Thiên Chúa, tôi chỉ là một giọt nước trong biển cả, như vậy tôi phải chúc tụng Chúa vì sự cao sang của Ngài, trong khi tôi chẳng là gì.  Bởi đó, tôi hân hoan trong mọi qui luật và điều răn của Ngài.  Chỉ như vậy tôi mới có được một cuộc sống an lành:  Những điều răn của Ngài giống như những luật lệ đi đường, nếu tôi không tuân theo luật lệ, vượt đèn đỏ, tôi sẽ tự gây phiền phức cho mình hay cho người khác.  Lái xe trên đoạn đường dành riêng cho người đi bộ hay ngoài con đường chỉ định là tự đâm đầu vào vách đá.
Tánh tự đắc trái ngược với nhân đức khiêm nhường, như vậy là tôi đã cướp đi sự vinh quang của Chúa vì Thiên Chúa đầy sự vinh quang, huy hoàng, vinh dự…Nếu tôi vinh danh Ngài, chúc tụng Ngài, tôi lãnh nhận được sự huy hoàng, vinh quang của Ngài, bởi vì tất cả những gì tôi có đều bởi Thiên Chúa ban cho.

3.  Tất cả mọi thứ, tất cả mọi người xung quanh tôi đều là những tạo vật đáng yêu của Thiên Chúa, như vậy tôi phải kính trọng và yêu thương, và vui mừng với tất cả những gì Thiên Chúa ban cho như:  Thân quyến, láng giềng, tha nhân cũng như loài vật, cây cối thiên nhiên, sông ngòi, núi non, biển cả..v..v. Đây là một thế giới đẹp vô song khi tôi sống trong sự thật và khiêm nhường.  Thiên Chúa ban cho tôi rất nhiều thứ qua các tạo vật.  Tự bản thân tôi không thể làm nổi một chiếc ghế, một cái nhà, một cái đồng hồ, ngay cả một ly càfé.  Có những người khác làm những chuyện đó:  người thì làm cái ly, người thì làm cái muỗm, kẻ thì sản xuất đường.v..v.. Trong sự thật, và trong công bằng tôi phải làm lại những gì tốt cho anh em tôi.…Tôi phải cám ơn họ đã làm ra những chuyện đó cho tôi được hưởng.  Một trái tim khiêm nhường không thể có tánh tham lam, hận thù, tức giận.

4.  Riêng bản thân tôi chỉ là một thụ tạo của Thiên Chúa, Ngài đã tạo nên tôi thật hoàn hảo để tôi làm những điều tôi phải làm.  Nếu bạn có thể tạo được một bản thể một đứa con nít, bạn có thể lựa cho nó một cặp mắt thật đẹp, một trái tim, đôi bàn tay tuyệt đẹp.  Thiên Chúa là cha của bạn, Người là đấng tạo dựng nên bạn, và giống như môt người cha tốt lành, Ngài sẽ cho bạn những gì là tốt nhất, hoàn hảo nhất.  Như vậy thì trong trái tim tôi không có chỗ cho ghen tỵ, tham lam, bởi vì trong mọi sự tôi đều lệ thuộc nơi Ngài.

Thiên  Chúa ban cho tôi quá nhiều ơn sủng, tôi phải biết dùng nó cho sự vinh danh Ngài và phục vụ những thụ tạo của Ngài:  Nếu tôi hát hay, điều đó không được khiêm nhường khi tôi nói mình hát dở.  Khiêm  nhường là dùng giọng hát đó với niềm vui để phục vụ kẻ khác, không phải cho sự ích kỷ của tôi, nhưng để cảm tạ Chúa vì tất cả những ơn huệ Ngài ban cho tôi.  Có một loại khiêm nhường giả tạo lầm lẫn, nghĩa là nhắm vào mình, gầy dựng vinh quang cho mình thay vì cho Chúa.  Trong một trái tim khiêm nhường không có sự ích kỷ.

Nhân đức cao quí nhất mà Chúa Giêsu muốn tôi bắt chước  là sự khiêm nhường của Ngài:  “Hãy học nơi Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường.” (Mt 11,29.  Tôi học hỏi những gì?  Muốn làm những phép lạ ư?  Chữa lành người bịnh ư? Trừ quỉ ư?…Không phải vậy, Ngài làm cho nhân đức khiêm nhường có tính cách đặc thù để tôi bắt chước.  Đây cũng là nền tảng linh thiêng của Ngài và đặc tính của trái tim con người.  Nhân đức khiêm nhường là biểu tượng và dấu ấn của Ngài vì Ngài luôn luôn làm theo Thánh Ý Chúa Cha, Ngài lệ thuộc tất cả vào Cha Ngài. Ngài chịu sỉ nhục để hạ mình xuống làm người.  Là một con người, Ngài khiêm nhường thẳm sâu chịu chết trên thánh Giá, luôn luôn thực thi Thánh Ý Chúa Cha, đó là điều khiêm nhường hoàn hảo nhất.  Ngài khiêm nhường tuyệt đối trong mọi sự.

Chúng ta phải khiêm nhường như Chúa Giêsu thật sự khiêm nhường, nhưng vì chúng ta là những con người tội lỗi không hoàn hảo, tất cả mọi việc chúng ta làm đều dính trong tội lỗi, đây là nguyên do làm cho chúng ta không thể tự hào.  Nhưng một trái tim khiêm nhường luôn luôn lệ thuộc vào Thiên Chúa và Lòng Thương Xót của Ngài.

Khiêm nhường là lệ thuộc vào Thiên Chúa, vào ơn sủng của Ngài, sống theo sự dẫn dắt của Ngài, giống như Chúa Giêsu, mà không dựa vào bản thân chúng ta nhưng kết hợp với quyền năng và Lòng Thương Xót của ngài.

5.  Bản tánh tự nhiên của con người ngang ngạnh, ít muốn lệ thuộc ai, đó là đệ tử của Lucife:  Hắn tin tưởng rằng mình có khả năng làm mọi chuyện, hắn tự vẽ chương trình cho riêng hắn, tự làm theo ý hắn trước khi hỏi và đi theo sự hướng dẫn của Chúa.  Hắn tin chắc hắn có đủ bản lãnh thay vì lệ thuộc vào Chúa.  Đây là điều sai lầm.  Sự thật là chúng ta được hiện hữu, như vậy những hành động của chúng ta phải ảnh hưởng của những ơn sủng Chúa ban cho, ngay cả Lucifer cũng vậy.  Đừng bao giờ có tư tưởng chúng ta có thể tiến bộ được cho đến khi nhìn lại con người thật của chúng ta bởi vì bất cứ tội lỗi nào cũng làm cho chúng ta giống như Luxifer, phải luôn nhìn nhận chúng ta đều là những con người tội lỗi yếu hèn.

           1- Kiêu ngạo là ở trong tư thế bất hạnh, giống như Lucifer, nó làm cho chúng ta tồi tệ, xấu xa, và như vậy ơn Chúa Thánh Thần không thể tới.  Nhưng Chúa Thánh Thần nâng cao tâm hồn khiêm nhượng qua ơn sủng.  Khiêm nhường là suối nước sự sống mà con đường của nó là suối quyền năng chảy vô cuộc sống vĩnh hằng, ‘Những ai kiêu ngạo sẽ bị hạ xuống, và những ai khiêm nhường sẽ được nhấc lên. (Lc 14,11).

           2- Trong chương Lc 18, mọi người ai cũng đều phản đối bọn Pharisiêu và nâng cao đức tánh khiêm nhường của người thu thuế trong dụ ngôn đó.  Chúng ta nên giống như người con hoang đàng trong Lc 15, anh ta tự mình tiến đến với người Cha, tự hạ mình, phàn nàn chính bản thân mình vì những hành vi xấu.  Chính qua sự khiêm nhường đó đã đánh động được người Cha ôm lấy anh ta và làm một bữa tiệc thật linh đình thiết đãi đứa con.  Hãy nhìn qua Môisen:  Người đã sống 40 năm nhẫn nhục với con của Pharaon. Nhưng rồi 40 năm nữa Người đã học hỏi được sự khiêm nhường là chăn nuôi đàn cừu cho người cha vợ.  Và sau khi đã đủ khiêm nhường Chúa lại dùng Người cho 40 năm nữa để dẫn dắt dân của Ngài, bởi vì Môisen là người khiêm nhường nhất trong thiên hạ (Ds 12,3).

          3- Cuối cùng, hãy nhìn lên Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, ‘Người tôi tớ khiêm nhường của Chúa’ Lc 1,48:  Bởi vì Mẹ vô cùng khiêm nhường nên Chúa đã chọn Mẹ để làm Mẹ Chúa Giêsu qua quyền năng Chúa Thánh Thần.  Bởi vì khiêm nhường nên Mẹ đã làm Mẹ Thiên Chúa và làm bạn trung thành của Chúa Thánh Thần.  Trong Thánh Kinh diễn tả về Mẹ:  “Tất cả mọi thế hệ sẽ khen tôi là người có phúc.’ (Ps 45,18; Lc 1,49)  Lời Tiên Tri trong Thánh Kinh đã làm cho sự vui mừng tràn đầy về Mẹ trong 2000 năm nay:  Đức Mẹ là người đã có bao thơ vịnh, tranh ảnh, vương cung thánh đường dâng hiến cho Mẹ, Mẹ được chúc tụng qua những đường nét nghệ thuật thi phú.   Trong từng giây từng phút suốt 2000 năm nay khắp nơi trên thế giới ở đâu cũng có những lời ca tụng Mẹ với câu:  ‘Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà, gồm phúc lạ’ (Lc 1,42).

Chúng ta nên suy niệm những lời khiêm nhường của Mẹ trong bài Ngợi khen Chúa:  ‘Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.  Chúa hạ bệ những ai quyền thế.  Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.’

Hãy cầu nguyện với Mẹ:

Lạy Chúa, xin cứu con khỏi mọi ý muốn: được quí trọng, được thương yêu, được ca ngợi, được tán dương, được vinh quang, được chúc tụng, được yêu chuộng, được chú ý, được chấp nhận.  Và nếu con có bao giờ được vinh quang, được ca ngợi, được yêu thương thì xin dâng tất cả những thứ đó cho Chúa và Mẹ, bởi vì những thứ đó hoàn toàn thuộc về Chúa.
 
Quỳnh Hương  (Dịch theo bài Humility/Sưu tầm)