Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

KHÓA 5 : TINH THẦN TỔ CHỨC KỶ LUẬT

TRẦN DUY NHIÊN

KHOÁ 5


TINH THẦN TỔ CHỨC KỶ LUẬT


I. Gợi ý


Một người trưởng không hành động một mình. Người trưởng làm việc với một tổ chức. Người ấy phải biết phục tùng cấp trên, ít nhất là để nêu gương cho những người trong quyền điều động của mình.

Trong các tổ chức tự nguyện, cấp trên thường nói năng nhẹ nhàng, giải quyết mọi việc trong tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm. Vì thế, trưởng nào tự giác chưa cao và tinh thần trách nhiệm chưa vững thì sẽ thi hành mệnh lệnh một cách chiếu lệ. Từ đó xảy ra một bầu không khí chậm chạp, uể oải. Không khí này rất tai hại cho quyền lợi tập thể, nhất là trong trường hợp người trưởng đòi hỏi mọi người một quyết tâm cao để khắc phục một khó khăn nào đó. Nếu tư cách đạo đức và khả năng của cấp trên sáng ngời khiến ta khâm phục, người trưởng sẽ vâng lệnh một cách thoải mái: đó là điều hay nhất. Nhưng cũng có trường hợp người cấp trên không hội đủ các đức tính làm ta khâm phục, thì sự vâng lời cấp trên vẫn là điều không thể thiếu được để cho tập thể thăng tiến.

Cố nhiên, tinh thần dân chủ đòi hỏi ta có bổn phận trình bày mọi khía cạnh của vấn đề để cấp trên có cái nhìn rõ ràng và chính xác trước khi quyết định.

Nhưng khi quyết định đã được ban hành, dù cho quyết định ấy đi trái với ý kiến của mình, người trưởng phải thi hành một cách đúng mức, không bực bội, không phàn nàn.

Mọi hành vi hay lời nói làm giảm uy tín của cấp trên đều làm giảm uy tín của người trưởng; đồng thơi làm giảm sức bật của tập thể mình chịu trách nhiệm.

Sự vâng phục không làm giảm giá trị của bản thân nhưng giúp cho mọi người thấy chỗ đứng của mình. Khi người trưởng thi hành tốt một mệnh lệnh ban ra thì, dưới một khía cạnh nào đó, người ấy đã đồng hàng với người ra lệnh.

II. - Câu Hỏi Tự Kiểm


1. Qua các cấp lãnh đạo, bạn có biết nhìn vào nhiệm vụ chứ không nhìn vào con người của họ không?

2. Bạn có chống lại xu hướng chỉ trích cấp trên không?

3. Bạn có đem một hai nhược điểm của cấp trên để làm đề tài vui cười không?

4. Bạn có coi cấp trên như một người mà mình không nên gây chuyện để tránh phiền phức hay một người giúp đỡ mình làm tốt nhiệm vụ?

5. Bạn có thấy rằng nghi ngờ cấp trên làm mất niềm vui phục vụ và phê bình cấp trên làm nhóm mình mất tin tưởng và nhiệt huyết không?

6. Bạn có nghĩ rằng cấp trên bạn cũng lo lắng đến tập thể nhỏ của bạn bằng bạn không?

7. Bạn có hiểu rằng vâng phục cấp trên là một cách làm tăng uy tín đối với nhóm mình không?

8. Bạn có thể thoải mái thi hành đúng đắn một mệnh lệnh trái với sở thích và quan niệm của mình không?

9. Khi truyền một lệnh, bạn truyền như một cái máy hay đặt mình vào vị trí người ban lệnh?

10. Bạn có biết rằng thiếu tinh thần tổ chức kỷ luật thường là biểu hiện của người thiếu sức mạnh tinh thần không?

III. Đề Tài Thảo Luận


“Nghệ thuật lãnh đạo là nghệ thuật vâng lời: Ai không biết tuân lệnh, sẽ không biết ra lệnh”. Hãy phân tích và bình luận tư tưởng ấy.

IV. - Rèn Luyện


- Trong một tuần, cố gắng không phê bình chỉ trích cấp trên 
(dù lời phê bình có cơ sở)

- Tập vâng lời một cách nhanh nhẹn và vui tươi trong mọi trường hợp.

V. - Phương Châm.


Ngài vốn là Thiên Chúa, nhưng đã không nghĩ phải giành cho được chức vụ đồng hàng cùng Thiên Chúa, Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá. (Pl 2, 6-8).
                                                                     (tiengnoigiaodan)