Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

KHÓA 7 : TINH THẦN ĐOÀN KẾT

TRẦN DUY NHIÊN

KHÓA 7


TINH THẦN ĐOÀN KẾT


Trần Duy Nhiên

I. - Gợi ý


Muốn thành công, người trưởng phải có tinh thần đoàn kết. Có đoàn kết mới phát huy trí lực và ý chí tập thể. Khi các trưởng thiếu đoàn kết thì cả tập thể trở nên lục đục bời vì hai trường hợp có thể xảy ra:
- Một là tập thể sẽ chia làm hai phe để ủng hộ người này chống lại người kia và những gì phe này xây dựng thì phe kia đạp đổ.
- Hai là cả tập thể sẽ coi thường cả nhóm trưởng vì họ không đủ tư cách lãnh đạo.
Giữ tinh thần đoàn kết: đó là vấn đề sống chết. Trong lời nguyện hiến tế, chúa Yêsu đã xem sự hiệp nhất là yếu tố căn bản của các tông đồ, nghĩa là nhóm trưởng mà Ngài để lại trong thế gian. Ngài cầu nguyện: “Xin cho họ hiệp nhất nên một như Cha và Con là một”.
Chúng ta không ngây thơ đến độ tưởng rằng gìn giữ sự đoàn kết giữa các trưởng là một điều dễ dàng, nhất là khi đoàn kết mà vẫn phải thẳng thắn đấu tranh, phê bình.
Các trưởng đều là những người có cá tính và vì vậy họ dễ va chạm nhau. Biết như thế, mỗi người trưởng phải quyết tâm thông cảm người khác, mỗi người phải biết đứng vào chỗ của bạn mình để xem xét vấn đề, chỉ có thế thì lời phê bình góp ý mới thật sự là một phương tiện giúp nhau cùng tiến bộ.
Tuy nhiên, thông cảm không phải là xuề xòa, ba phải, bỏ qua những hạn chế của nhau; nếu thiếu đấu tranh thẳng thắn thì không có một sự đoàn kết thực sự. Sự dối trá luôn luôn làm hỏng tinh thần đoàn kết vì sẽ làm cho các trưởng nghi ngại lẫn nhau. Thế nhưng phải thẳng thắn trong tinh thần yêu thương và cởi mở, nghĩa là không bao giờ lên án người trưởng khác.
Các trưởng của một tập thể đều cùng nhắm một mục tiêu mà phấn đấu, vì vậy, những điều khác biệt phần nhiều là khác biệt về hình thức hơn là về nội dung; chỉ cần nhắc lại cho nhau mục tiêu ấy là mọi chuyện sẽ được giải tỏa dễ dàng.
Đối với các trưởng trong những tổ chức Tin Mừng, thì mục tiêu thật rõ: làm cho hình ảnh Chúa Kitô rõ nét hơn trong lòng mọi người.
Ý thức liên tục như thế, các trưởng sẽ biết đấy tranh thẳng thắn và cởi mở. Có được tinh thần thẳng thắn và cởi mở thì các trưởng sẽ là một khối đoàn kết. Và đoàn kết là sức mạnh.

II. - Câu Hỏi Tự Kiểm.


  1. Bạn có đặt mình vào chỗ người khác dễ dàng không?
  2. Bạn có cố gắng nhìn ưu điểm của những người quanh bạn hơn là những nhược điểm của họ chăng?
  3. Bạn có chấp nhận dễ dàng là người khác có quyền suy nghĩ không giống như bạn không?
  4. Trong những lần tranh luận, bạn có cố gắng tìm hiểu lý lẽ của người đối thoại không?
  5. Bạn có nghĩ rằng khi có một sự bất đồng thì đương nhiên phải có một bên hoàn toàn đúng và một bên hoàn toàn sai không?
  6. Hay ngược lại bạn nghĩ rằng mỗi bên đều có phần lý và có phần cần phải bổ túc?
  7. Khi tranh luận, giọng nói bạn có gắt gỏng không?
  8. Bạn có biết rằng làm cho ai đó đóng cửa miệng thì cũng làm cho họ đóng cửa lòng không?
  9. Khi có một mối bất hòa với một trưởng khác, bạn có nghĩ rằng mình phải là người đi bước trước để giải quyết càng sớm càng tốt không?
  10. Bạn có bao giờ biết ‘xin lỗi’ vì đã từng cố chấp chưa?

III. - Đề Tại Thảo Luận


Tinh thần đoàn kết đòi hỏi mình từ bỏ cá tính hay giúp mình triển nở cá tính?

IV. - Rèn Luyện


Trong tuần này, tìm đến một trưởng mà mình thấy ít thông cảm nhất để trao đổi và đấu tranh trong tinh thần đặt mình vào vị trí của người ấy.

V. - Phương Châm.


Điều Thầy truyền cho anh em là hãy yêu thương nhau. (Gn 15, 17)
                                                                 (tiengnoigiaodan)