Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

NHỮNG NGHI NGỜ CỦA BÀ LÃO


SUY NIỆM 
CHÚA NHẬT 20 MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM A

            Một bé gái 6 tuổi đến ăn tại nhà một người bạn. Khi mọi người ngồi vào bàn, cô bé cúi đầu chờ đợi mọi người đọc kinh ăn cơm. Chẳng thấy ai đọc kinh hết, cô bé thẹn thùng nói: "Cả nhà giống con chó nhà cháu qúa, cứ ngồi xuống là ăn!".
          Dân Do Thái cũng nghĩ như thế đối với đám dân ngoại. Theo họ, dân ngoại xét về mặt thiêng liêng cũng giống như loài chó vì họ hoàn toàn thiếu nhạy cảm đối với Thiên Chúa. Ðiều này dẫn chúng ta đến chủ điểm quan trọng của bài Phúc Âm hôm nay.
           Các học giả nhận xét là từ ngữ Hy Lạp mà Chúa Giêsu nói về "lũ chó" trong câu "không nên ném thức ăn cho lũ chó" là một hình thức giảm thiểu. Nó ám chỉ lũ chó cưng nuôi trong nhà, chứ không phải những con chó rông ngoài đường. Chúa Giêsu dùng từ ngữ ấy một cách thân ái. Câu đáp lại của người phụ nữ cho thấy rõ điều ấy. có lẽ bà ta vừa mỉm cười vừa nói:
"Những lũ chó cũng được ăn vụn bánh rơi xuống nền nhà chứ!".
         Nói cách khác, bà ta đang nói với Chúa Giêsu: "Con biết Ngài hiện đang dành ưu tiên cho dân Israel, tuy nhiên trong khi Ngài thiết đãi họ, Ngài lại không thể đẩy cho con chút ít bánh vụn giống như đám nhóc quăng bánh xuống cho lũ chó cưng khi bố mẹ chúng không nhìn thấy sao?".
         Chúa Giêsu liền trả lời cho bà ta:"Bà là người phụ nữ giàu lòng tin! điều bà mong muốn sẽ được trao ban cho bà".
          Thật đẹp biết bao nếu Chúa Giêsu cũng nói như thế về anh chị em.
Ðiều này gợi lên một vấn nạn: Tại sao một số người có đức tin mạnh mẽ đang khi số khác đức tin lại yếu kém? Tại sao lại thấy đó là điều khó khăn? Và điều đó dẫn đến một vấn nạn còn khó khăn hơn: Nếu đức tin chúng ta yếu kém thì liệu chúng ta có thể làm gì để củng cố? Chúng ta hãy xét vắn tắt từng vấn nạn nêu trên.
          Trước hết, tại sao có những người đức tin yếu kém và có những người đức tin mạnh mẽ? Ðiều này cũng giống hệt như hỏi tại sao có người yếu nhược còn có người lại khoẻ mạnh?
           Một số người có sức khỏe yếu kém là do cha mẹ họ. Họ thừa hưởng một thân xác eo sèo. Nhưng cũng có những người sức khoẻ yếu kém vì họ chẳng biết chăm sóc sức khoẻ cho chính mình.
          Ðiều đúng cho sức khoẻ thể lý thế nào thì cũng đúng cho sức khoẻ tâm linh đức tin của chúng ta như thế. Một số người đức tin yếu kém là do bởi cha mẹ họ. Sức khoẻ tâm linh được di truyền cũng tương tự sức khoẻ thể lý. Nếu bố mẹ lạnh nhạt với đức tin của mình thì điều này cũng thường tác động lên đám con cái họ. Mặt khác, đức tin chúng ta yếu kém cũng có thể là do chúng ta không chăm sóc đến nó.
         Ðiều này dẫn chúng ta đến vấn nạn thứ hai. Nếu đức tin chúng ta yếu kém bất kể vì lý do gì, chúng ta có thể làm gì để củng cố nó lại? Ðức tin có thể được so sánh với một bắp thịt. Nếu chúng ta không chịu luyện tập, bắp thịt ấy sẽ từ từ yếu đi. Mặt khác, qúi bạn càng luyện tập, bắp thịt ấy càng mạnh mẽ lên. đức tin của chúng ta tương tự như thế. Nó cũng cần phải được tập luyện.
          Có nhiều phương cách luyện tập đức tin. Chúng ta có thể học hỏi và bàn luận về Phúc Âm như hiện chúng ta đang làm. Chúng ta có thể tham dự thánh lễ mà ít phút nữa chúng ta sẽ cử hành một cách chăm chú hơn. Chúng ta có thể tập cầu nguyện mỗi ngày để việc cầu nguyện trở thành thói quen.
          Tuy nhiên, còn một phương cách luyện tập đức tin chúng ta xem ra cực kỳ hữu hiệu. Cách này đáng được lưu tâm đặc biệt. Dostoevski có bàn đến nó trong tác phẩm của ông nhan đề: "Anh em nhà Karamazốp" (The Brothers Karamazov). Trong tác phẩm này, tác giả đề cập đến một bà lão nọ, sức khoẻ thiêng liêng của bà đã suy thoái mau chóng theo sức khoẻ thể lý. Ngày nọ bà ta bàn luận vấn đề của mình với vị linh mục già tên là Zossima. Bà kể cho ngài nghe về đức tin yếu kém của bà những nỗi ngờ vực vừa phát sinh, chẳng hạn như: Thiên Chúa có thực sự quan tâm đến vạn vật không? Có đời sống sau lúc chết không?
          Linh mục Zossima thông cảm lắng nghe bà và nói: "Chẳng có cách nào minh chứng rõ ràng những điều này, nhưng bà vẫn có thể tin tưởng những điều ấy vững chắc hơn". Bà ta ngạc nhiên: "Bằng cách nào?" vị linh mục già đáp: "Bằng tình yêu. Hãy cố gắng yêu láng giềng của bà thật tình. Càng yêu thương, bà sẽ càng chắc chắn hơn về sự hiện hữu của Chúa và đời sống tương lai sau khi chết. Càng yêu mến đức tin bà sẽ càng lớn lên và các nỗi ngờ vực sẽ tiêu tan. Ðây là điều chắn chắn từng được thử nghiệm và nó đã có kết quả".
           Linh mục Zossima nói thật chí lý. Ngài cho ta thấy điểm quan trọng là: tình yêu và đức tin đi đôi với nhau không khác gì hai đường rầy xe lửa. Tìm được cái này tức là tìm thấy cái kia. Ðức tin và tình yêu liên kết với nhau như xác với hồn. Albert Schweitzer, vị bác sĩ thừa sai vĩ đại cũng cùng quan điểm như trên trong cuốn sách của ông nhan đề Reverence For Life (Kính trọng cuộc sống ). Ông bàn đến một vài điều đem lại kết quả này như sau:
          "Bạn có muốn tin vào Chúa Giêsu không? Bạn có thực sự muốn tin Ngài không? Như thế bạn phải làm một điều gì đó cho Ngài. Trong thời buổi đầy ngờ vực này thì không có cách nào khác đâu. Nếu vì Ngài mà các bạn cho kẻ khác cái gì đó để ăn, để uống hoặc để mặc, những nghĩa cử này Chúa Giêsu đã hứa chúc phúc như là làm cho chính Ngài, thì lúc đó quí bạn sẽ thấy rằng mình đã thực sự làm điều ấy cho Ngài. Chúa Giêsu sẽ mặc khải chính Ngài cho quí bạn như thể Ngài là một người vẫn còn sống".
         Và điều này dẫn chúng ta trở lại với người phụ nữ trong bài Phúc Âm. Bà đến với Chúa Giêsu là vì kẻ khác chớ không vì chính bà, bà đã đến vì tình yêu, đã đến với tư cách một người mẹ đầy lòng yêu thương, tin tưởng.
          Tôi xin nêu lên một gợi ý. Tôi tin rằng mỗi bài Phúc Âm khi được đọc trong thánh lễ đều mang theo một ân sủng đặc biệt. Nếu quí bạn là một bậc cha mẹ cảm thấy cần củng cố đức tin của mình thì hãy bắt chứơc người phụ nữ trên. Ngay tuần này, các bạn hãy bắt đầu đến với Chúa Giêsu mỗi ngày đều đặn để kêu cầu Ngài chúc phúc cho con cái quí bạn. Nếu quí bạn là một thanh niên cảm thấy cần củng cố đức tin của mình thì hãy làm điều Dostoevski và Schweitzer đã nói. Hãy bắt đầu cư xử một cách yêu thương đối với bố mẹ và anh chị em của mình.
          Và tôi xin chia sẻ thêm một tư tưởng nữa về vấn đề đức tin. Bất cứ ai dù khoẻ mạnh đến đâu cũng phải trải qua những khó chịu bởi vì cuộc sống con người vốn là như thế. Chẳng hạn, vào ngày buồn sầu trong cuộc sống khi gặp phải cảm nghiệm chua chát, chúng ta thường gây gỗ với mọi người và mọi vật, chúng ta nguyền rủa kẻ thù và than phiền về bạn bè của mình. Còn vào ngày hưng phấn trong cuộc sống. Khi chúng ta cảm nghiệm được điều gì hoan hỉ, tự dưng chúng ta cảm thấy yêu mến mọi người và mọi sự. Chúng ta tha thứ cho kẻ thù và thích tỏ tình thân thiện bè bạn.
        Ðức tin cũng rất giống như thế. Có ngày rất tươi sáng và rất phấn khích, có ngày ảm đạm, sầu thảm. Khi gặp phải một ngày "tồi tệ" của đức tin quí bạn hãy ghi nhớ câu chuyện có thực sau đây. Nó sẽ giúp bạn chịu đựng ngày ấy và giữ vững niềm tin của mình.
      Sau thế chiến thứ hai ít lâu, có một số công nhân lo dọn dẹp sạch sẽ tàn tích của một ngôi nhà bị bom ở Cologne (nước Ðức). Họ thấy trên một bức tường nhỏ trong nhà, có một bản ghi chú đầy cảm động, hình như một người Do Thái trên đường trốn bọn Quốc Xã đã viết lên đó. Anh ta dùng tầng hầm của căn nhà để trốn bọn Quốc Xã. Sau đây là bản ghi chú đó:

"Tôi tin vào mặt trời ngay cả lúc nó không chiếu sáng.
Tôi tin vào tình yêu ngay cả lúc tôi không cảm thấy nó.
Tôi tin vào Thiên Chúa ngay cả khi Ngài yên lặng
"..

Lm Mark Link, SJ August 15, 2014

( NGUỒN :DONGCONG.NET)