Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ THIẾU NHI (1)



HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ THIẾU NHI
PHONG TRÀO QUỐC TẾ TÔNG ĐỒ THIẾU NHI

Đây là cuốn sách chúng ta mong đợi từ lâu, cuốn Tân Thủ bản của Hùng Tâm Dũng Chí Thế giới. Nhưng có lẽ cái nhan đề của nó làm cho người đọc bỡ ngỡ, nếu không tiu nghỉu. Lạc đề chăng? Nguyên tác Pháp văn cũng mông lung như thế: “POUR UNE ACTION APOSTOLIQUE DES ENFANTS” [Không thấy có chỗ nào nhắc đến hai tiếng thủ bản cả. Rồi nửa, thay vì “Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí” chúng ta chỉ thấy “Phong trào Quốc tế Tông đồ Thiếu nhi”, không rõ ràng] Vâng.
            Chúng ta thử đề nghị, ai muốn cứ việc gọi “nó” là “Tân Thủ bản Hùng Tâm Dũng Chí Thế giới”, mà không sợ người khác dám cho là vô lý, vì đúng là “nó” đấy, “nó” ra đời để đóng vai chỉ đạo, thay thế cho tất cả những gì đã được viết ra ba mươi năm trước nó, có nhiều điểm hôm nay không còn thích hợp nữa.
            Để tiện việc nghiên cứu về Phong trào, ngoài ba Phụ lục I, II và III theo nguyên bản, chúng ta in thêm:
-       Phụ lục IV: Những tiêu chuẩn Công giáo Tiến hành Tuổi thơ qua Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí.
-       Phụ lục V: Điều lệ Phong trào Quốc tế Tông đồ Thiếu nhi.
Trên đây, mới chỉ là những cương lĩnh căn bản của Phong trào, chung cho cả thế giới, chúng ta còn cần phải có một bản nội quy cho Hùng Tâm Dũng Chí Việt Nam, thích hợp với hoàn cảnh của chúng ta.
Trong khi chờ đợi có đủ thời giờ suy nghĩ, xem xét lại bản nội quy cũ có lẽ đã lỗi thời, tham khảo thêm tài liệu, chúng ta không thể thiếu cuốn: “Ba mươi năm sống Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí” sẽ phát hành trong một ngày không xa.
VĂN PHÒNG HÙNG TÂM DŨNG CHÍ ĐÀ NẴNG.


“Các trẻ em cũng có hoạt động tông đồ riêng của chúng. Tùy khả năng của chúng, chúng là những chứng nhân sống của Đức Kitô giữa bạn bè chúng”.
Cộng đồng Vatican II
Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân
Số 12.

CÙNG BẠN ĐỌC

Bạn lo lắng về trẻ em sống chung quanh bạn và mong muốn làm với chúng đôi việc. Cũng có thể bạn đã bắt đầu rồi…
Bạn là giáo dân, linh mục, tu sĩ, nữ tu sĩ, tập sách này vẫn dành cho bạn.
Bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa sâu xa của cải có thể gọi là việc tông đồ của trẻ em, do chính chúng điều khiển như đã từng làm với ba mươi năm kinh nghiệm, như đang sống hiện nay tại năm mươi quốc gia trên khắp thế giới.
Tập sách này là kết quả cuộc suy nghĩ chung của một nhóm quốc tế đã cố công rút ra từ nhiều thực hiện khác nhau, những yếu tố căn bản đã tạo nên cái cương lĩnh của Phong trào Quốc tế Tông đồ Thiếu nhi (M.I.D.A.D.E.). Có thể nói là nó trình bày cái “tài sản chung” của Phong trào Quốc tế gửi đi cả thế giới. Mỗi nước sẽ dựa vào những yếu tố đó mà thực hiện cái phương thức riêng phong trào của mình, tùy theo tâm trạng, toàn bộ cuộc sống của mình, những nhu cầu của trẻ em, sự sinh hoạt của Giáo Hội …
Cầu mong rằng mấy trang này sẽ giúp bạn và qua bạn những người khác trợ lực cho trẻ em điều hành việc tông đồ vừa sức chúng bên cạnh bè bạn.


ĐỂ DỄ ĐỌC
CHÚNG TÔI YÊU CẦU BẠN LƯU Ý NHỮNG ĐIỂM SAU ĐÂY :

            Phong trào trong thực tế và theo những cơ cấu phong trào của nó thường dành cho các trẻ em công giáo và dự tòng, nhưng nó muốn mở rộng tầm hoạt động đến hết thảy trẻ em không phân biệt.
            Nguyên tắc này nói lên nhiều kinh nghiệm và tìm tòi, được trình bày minh bạch ở phụ lục I : nói về các trẻ em ngoài công giáo và ngoài Ki tô giáo.
            Nếu bạn thấy trong một nước đa số ngoài công giáo, có lẽ nên đọc phụ lục đó trước khi đi xa hơn, điều đó còn giúp bạn đặt đúng chỗ toàn bộ cuốn sách trong cái hoàn cảnh riêng của bạn và suy nghĩ đúng hoạt động của bạn.
            Hiện nay ở phần nhiều các nước, Phong trào đảm trách các trẻ em vào khoảng giữa tuổi xã hội (trung bình vào khoảng 7 – 8 tuổi) và tuổi thiếu niên (khoảng 14 – 15 tuổi). Chúng ta sẽ bàn về những lứa tuổi này.
            Tuy nhiên, ở nhiều nước, các trẻ em cũng được đảm trách từ một hay hai năm trước tuổi tối hiểu nêu ở trên. Kinh nghiệm các nước đó cho thấy rằng đảm nhận chúng ở tuổi ấy có lợi cho các em trong cuộc sống hiện nay của chúng và trong những năm kế tiếp. Nhưng kinh nghiệm chưa phổ thông cho lắm nên chúng ta không thể đề cập trong tập này. Tuy nhiên, chúng ta kêu mời tất cả những ai có thể được hãy tìm òi những thích nghi cần thiết cho các em nhỏ đó.
            Những thực hiện của Phong trào dẫu được thúc đẩy bởi cùng một tinh thần, một lý tưởng, một ý chí, nhưng vẫn có những điểm khác nhau.
            Điều đó cần phải có là vì phải kiêng nể cuộc sống. Vì thế, khi đọc tập này, cũng nên bổ sung thêm những tài liệu được mỗi nước công nhận, để đem lại những xác định và thích nghi hữu ích.
            Ở đâu bạn cũng nên tiếp xúc với các nhóm hữu trách của Phong trào. Nếu bạn không rõ phải liên lạc với ai, xin bạn viết cho Văn phòng Tổng Thư ký Phong trào Quốc tế Tông đồ Thiếu nhi (Secrétariat général du Mouvement international d’Apostolat des Enfants, 8 rue Duguay – Trouin, Paris. VI).


I

AI CÓ QUYỀN GIÁO DỤC

            Giáo dục là một công cuộc chung, Gia đình, Quốc gia, Giáo hội phải tùy địa vị của mình mà tiếp tay vào. Để suy nghỉ về vấn đề này, chúng ta ghi lại đây một văn kiện của Cộng đồng Vatican II và bản tuyên ngôn nhi quyền của L.H.Q.

            I.- CỘNG ĐỒNG VATICAN II: GIÁO DỤC KITÔ GIÁO (3).

GIA ĐÌNH.

“Cha mẹ, vì đã sinh thành con cái, có nghĩa vụ rất nặng nề phải nuôi nấng và, với tư cách đó, họ phải được công nhận như những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu, vai trò giáo dục của cha mẹ quan trọng đến nổi ở trường hợp thiếu phần đóng góp của họ, khó có thể bù dậy được. Thật thế, nghĩa vụ của cha mẹ là tạo bầu không khí gia đình có tình yêu và kính tôn Thiên Chúa cùng người ta linh động, làm sao giúp cho việc giáo dục hoàn bị, bản thân và xã hội cần thiết cho mọi xã hội. Nhưng nhất là trong gia đình kitô hữu, được dồi dào những ân sủng và những đòi hỏi của bí tích hôn nhân, con cái từ tấm bé phải được học hỏi cho phù hợp với đức tin lĩnh nhận khi chịu phép rửa tội, khám phá Thiên Chúa và kính tôn Ngài cũng như yêu mến tha nhân; chính ở đấy chúng làm cuộc thí nghiệm đầu tiên về Giáo hội và cuộc sống đích thực người trong xã hội; chính nhờ gia đình mà dần dần chúng được đưa vào cộng đồng nhân loại và dân Chúa. Mong rằng các cha mẹ cân nhắc cho đúng sự quan yếu của gia đình kitô hữu thật sự trong cuộc sống và sự tiến bộ của chính dân Chúa”.

QUỐC GIA.

“Nhiệm vụ ban phát giáo dục trước hết thuộc về gia đình, đòi tất cả xã hội phải trợ lực. Ngoài những quyền lợi của cha mẹ và những nhà giáo dục mà họ trao phó một phần chức vụ của họ, các trách nhiệm và quyền lợi rõ rệt thuộc về xã hội công dân, với tư cách xã hội có quyền tổ chức những gì cần thiết cho công ích thế trần. Trog các chức vụ khác, xã hội có trách nhiệm tăng triển giáo dục giới trẻ bằng nhiều phương cách, xã hội đảm bảo những nghĩa vụ cũng như những quyền lợi cha mẹ và những người khác đang đóng một vai trò trong việc giáo dục; xã hội giúp đỡ họ trong mục tiêu đó. Theo nguyên tắc bổ trợ, ở trường hợp cha mẹ khiếm khuyết hoặc những nhóm khác thiếu sáng kiến, chính xã hội công dân phải lưu tâm đến nguyện vọng của cha mẹ mà bảo lĩnh việc giáo dục. Ngoài ra, tùy công ích đòi hỏi, xã hội lập những trường và chế độ giáo dục thích hợp”.

GIÁO HỘI.

“Sau cùng, những phận sự giáo dục thuộc về Giáo hội với tư cách hoàn toàn riêng biệt; không những vì với tư cách xã hội cũng là của nhân loại rồi phải nhận Giáo hội có quyền trong lĩnh vực Giáo dục, nhưng nhất là vì Giáo hội có chức vụ loan báo cho loài người con đường cứu độ, chuyền thông cho các tín hữu sự sống Đức Kitô và giúp họ chuyên tâm đạt tới sự triển nở trọn vẹn sự sống Đức Kitô đó. Đối với con cái mình, bắt buộc Giáo hội như một bà mẹ phải đảm nhận việc giáo dục sẽ gợi lên trong suốt đời chúng tinh thần Đức Kitô; đồng thời Giáo hội tình nguyện làm việc cùng với hết thảy mọi người để thăng triển con người trong sự toàn hảo của nó, cũng như để đảm bảo lợi ích của xã hội trần thế và kiến tạo một thế giới luôn luôn người hơn”.

            II.- BẢN TUYÊN NGÔN NHI QUYỀN CỦA TỔ CHỨC LIÊN HIỆP QUỐC.

            Trong buổi họp đại hội đồng ngày 20 tháng 11 năm 1959, Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận và công bố bản tuyên ngôn sau đây:

LỚI MỞ ĐẦU.

            Xét rằng theo Hiến chương, các dân tộc trong Liên Hiệp Quốc đã công bố lại lòng tin của mình vào các quyền căn bản của con người và vào chức vị cùng giá trị của con người, và đã tuyên bố quyết tâm tán trợ sự tiến bộ xã hội và tạo lập những điều kiện sinh hoạt tốt hơn trong tự do to lớn hơn.
            Xét rằng trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Liên Hiệp Quốc đã công bố rằng mỗi người có thể dự vào các quyền lợi và các sự tự do đã được nêu ra trong đó không có gì phân biệt, nhất là về chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, ý kiến chính trị hay mọi ý kiến khác, nguồn gốc Quốc gia hay xã hội, thân phận, dòng dõi hay mọi cảnh ngộ khác.
            Xét rằng đứa trẻ, vì lẽ nó còn thiếu sự già dặn về thể lý cũng như trí tuệ, cần được che chở cách riêng và săn sóc đặc biệt, nhất là được pháp luật che chở thích đáng trước cũng như sau khi nó sinh ra.
Xét rằng sự cần thiết phải che chở đặc biệt đó đã được nêu ra trong bản Tuyên ngôn Genève năm 1924 về quyền lợi đứa trẻ và đã được công nhận trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, cũng như trong những qui chế các cơ cấu chuyên biệt và các Tổ chức Quốc tế chú tâm đến sự an lạc của tuổi thơ.
Xét rằng nhân loại phải dành cho đứa trẻ cái gì toàn hảo nhất của mình.
Đại Hội đồng,
Công bố bản Tuyên ngôn Nhi quyền hiện hữu để đứa trẻ được hưởng thụ một tuổi thơ hạnh phúc và những quyền lợi cùng những sự tự do nêu ra trong đó có lợi ích cho nó cũng như cho xã hội. Đại Hội đồng mời gọi các cha mẹ, nam nhân cũng như nữ giới với tư cách cá nhân, cũng như các tổ chức tình nguyện, các chính quyền địa phương và các chính phủ các nước công nhận các quyền này và nổ lực cam kết tôn trọng bằng phương sách pháp định và những thừa nhận khác dần dần đem áp dụng những nguyên tắc sau đây:

NGUYÊN TẮC 1..

            Đứa trẻ được hưởng các quyền nêu ra trong Bản Tuyên ngôn hiện hữu. Các quyền này phải được thừa nhận đối với các trẻ em không ngoại trừ cũng không phân biệt hay kỳ thị vì chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, ý kiến chính trị hay ý kiến khác, nguồn gốc Quốc gia hay xã hội, thân phận, dòng dõi hay mọi cảnh ngộ khác, mà bản Tuyên ngôn được áp dụng cho chính đứa trẻ hay cho gia đình nó.

NGUYÊN TẮC 2.

            Đứa trẻ được hưởng sự che chở đặc biệt và được thừa nhận những khả năng và những sự dễ dàng bởi hiệu lực pháp luật hay bởi những phương thức khác, để đủ sức triển nở một cách an toàn và bình thường trên bình diện thể lý, trí tuệ, luận lý,tâm linh và xã hội, trong những điều kiện của tự do và phẩm giá. Trong việc thừa nhận những luật lệ về mục đích này, lợi ích thượng đẳng của đứa trẻ phải là lý do quyết định.

NGUYÊN TẮC 3.

            Đứa trẻ từ khi sinh ra được quyền có một tên và một quốc tịch.

NGUYÊN TẮC 4.

            Đứa trẻ được hưởng an ninh xã hội. Nó được quyền lớn lên và triển nở an toàn; cho được thế, nó cũng như mẹ nó, phải được giúp đỡ và bênh vực cách riêng, nhất là được săn sóc tương xứng trước và sau khi sinh. Đứa trẻ được quyền có của ăn, nhà ở, giải trí và những săn sóc thuốc men tương xứng.

NGUYÊN TẮC 5.

            Đứa trẻ bị thua thiệt về thể lý, tinh thần hay xã hội được điều trị, giáo dục và săn sóc cách riêng mà tình trạng hay cảnh ngộ nó cần đến.

NGUYÊN TẮC 6

            Để nhân cách của nó nảy nở điều hòa, đứa trẻ cần được yêu thương và hiểu biết. Nó phải lớn lên dưới sự coi sóc và trách nhiệm của cha mẹ nó bao nhiêu có thể và, trong bầu khí thân ái và an toàn tinh thần lẫn vật chất về mọi mặt; đứa trẻ còn nhỏ tuổi trừ những trường hợp bất thường không được xa cách mẹ nó. Xã hội và công quyền có bổn phận phải săn sóc cách riêng những trẻ em vô gia đình hay những em không đủ phương tiện sống. Ước mong rằng những gia đình đông đúc nhận được rợ cấp của Quốc gia hay những trợ cấp khác để nuôi nấng con cái.

NGUYÊN TẮT 7.

            Đứa trẻ được giáo dục miễn phí và bắt buộc ít ra ở trình độ sơ đẳng. Nó được hưởng một nền giáo dục góp phần vào học vấn tổng quát của nó và giúp nó trong những điều kiện bình đẳng cơ hội phát triển những t2i năng, trí phán đoán riêng và tinh thần trách nhiệm về luân lý và xã hội của nó và trở nên một phần tử hữu ích cho xã hội.
            Lợi ích thượng đẳng của đứa trẻ là kim chỉ nam cho những ai có trách nhiệm giáo dục và định hướng cho nó; trách nhiệm ấy trước hết bó buộc cha mẹ nó.
            Đứa trẻ được mọi dễ dàng tham dự các trò chơi và những hoạt động giải trí, qui hướng về những mục đích giáo dục; xã hội và công quyền phải nổ lực tán trợ việc thụ hưởng quyền lợi này.

NGUYÊN TẮC 8.

            Bất luận ở hoàn cảnh nào, đứa trẻ là kẻ đầu tiên được nhận lĩnh sự bảo vệ và cứu trợ.

NGUYÊN TẮC 9.

            Đứa trẻ được bảo vệ khỏi mọi hình thức bỏ liều, tàn nhẫn và lợi dụng. Không được buôn bán trẻ dưới bất cứ hình thức nào.
            Đứa trẻ không được nhận làm việc trước khi tới tuổi tối thiểu thích hợp; không được ép buộc hay cho phép nó làm công việc hại đến sức khỏe hay việc giáo dục nó hoặc cản trở sự triển nở thể lý, tinh thần hay luân lý của nó.

NGUYÊN TẮC 10.

            Đứa trẻ được bảo vệ tránh khỏi những tập quán có thể thúc đẩy đến kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo hay bất luận hình thức kỳ thị nào khác. Nó được nuôi nấng trong tinh thần hiểu biết, khoan dung, thân hữu giữa các dân tộc, hòa bình và huynh đệ đại đồng và trong nhận thức rằng bổn phận của nó là đem nghị lực và tài cán phục vụ cho đồng loại.

            Vai trò một phong trào thiếu nhi trong viễn tượng ấy ra sao? Cảm nghĩ tiếp theo đây sẽ làm sáng tỏ điều đó.
                                                                                                                    (còn tiếp)