Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

CUỘC GẶP GỠ LỊCH SỬ


Sông Jordan chảy dọc theo biên giới giữa Israel, Bờ Tây và Vương quốc Jordan




SUY NIỆM 
CHÚA NHẬT TN 1B - CHÚA NHẬT CHÚA CHỊU PHÉP RỬA 

Trong các dòng sông nổi tiếng khắp thế giới thì dòng sông Jordan bé nhỏ là dòng sông quen thuộc nhất đối với người Kitô hữu. Chính tại đây Chúa Giêsu đã đến khai mạc sứ vụ công khai bằng cách đón nhận phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả.
Sau 30 năm sống âm thầm, ẩn dật ở Nazareth, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai về Nước Thiên Chúa. Người đến chịu Phép rửa ở sông Jordan.
Như một thân thể của xứ Palestine, góp phần quan trọng trong lịch sử Israel ngay từ những ngày đầu Thiên Chúa chọn dân Do thái. Từ Jordan chuyển từ tiếng Do thái, hayyarden, có nghĩa “chảy xuôi dòng thời gian”. Bắt nguồn từ Syria, do ba phụ lưu hợp thành. Sông dài 300km, rất nhiều chỗ cạn, nhiều chỗ uốn khúc, chảy qua biển hồ Galilê và cuối cùng đổ vào Biển Chết. Lòng sông rất dốc, thượng lưu ở độ cao 45 mét, đến cửa sông là 390 mét với mặt nước biển, lưu vực 93 mét khối/s. Mặc dù là con sông rộng nhất của Palestin, sông Jordan khác với những con sông của nhiều nước ở chỗ: Khúc sông từ Biển Hồ Galilê đến Biển Chết có đến 27 ghềnh thác khó lưu thông, lắm chỗ nước chảy qua tạo thành những thung lũng như đầm lầy, nhiều nơi có thú dữ, cây cối hai bên dòng sông mọc tươi tốt, không có thành phố lớn nào được thành lập dọc theo dòng sông.
Kinh Thánh nói nhiều đến dòng sông này, khởi đầu là việc liên hệ giữa Abraham và ông Lot ở sông Jordan (St 13,10). Giacob từ Kharan trở về đã vượt qua sông Jordan, các chi tộc vượt sông Jordan cách kỳ diệu dưới sự hướng dân của Giosuê (Gs 3,14-17). Con sông là ranh giới vì dân du mục vượt qua sông vào Cannaan để cướp bóc. Người Israel tìm nơi nương náu bên kia tả ngạn sông Jordan (Tl 6,33; 2Sm 17,22) và được xem như sự che chở: “Trong bụi rậm sông Jordan…” (Gr 12:5; 49:19; 50:44) quan Naaman nước Aran nghe lời ngôn sứ Êlisê xuống sông tắm 7 lần nên được khỏi bệnh phong hủi (2V 5,1-19). Ngôn sứ Êdêkiel (chương 47) diễn tả sức sống sung túc của sông Jordan, nước sông chảy đến đâu thì trao ban sự sống đến đó. Với Kinh Thánh Tân ước, sông Jordan là nơi Gioan làm phép thanh tẩy, thống hối và Chúa Giêsu nhận lãnh phép rửa để mở đầu hoạt động công khai.
Đọc Thánh Kinh tôi cứ nghĩ Jordan là một con sông lớn lắm, ai dè khi đi hành hương Đất Thánh, đến nơi đây, đứng tại nơi Chúa chịu phép rửa, tôi thấy nó bé nhỏ như một con kênh giữa miền Tây sông nước.
Nếu đem so sánh với sông Cửu Long mênh mang thuyền qua lại thì dòng nước Jordan nơi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu có thể gọi là con kênh nhỏ. Nếu đặt bên cạnh sông Hồng cuồn cuộn siết chảy thì dòng Jordan chỉ là con lạch. Nếu đứng kề bên sông Hương thơ mộng lững lờ trôi thì Jordan chỉ là con suối nhỏ. Đứng bên bờ này sông Jordan ném hòn đá qua bờ kia, nó có thể đi xa hơn. Tôi đã ném thử hòn đá nhỏ và thấy nó đi xa gấp mấy lần khoảng cách hai bờ sông. Thế mà Chúa Giêsu đã chọn dòng nước bé nhỏ này, không phải như Môisen hay Giôsua giơ tay cho dòng nước rẽ đôi, nhưng để dìm mình xuống dòng nước nhỏ cùng với đoàn người chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả.
Thiên Chúa, Đấng cho Cửu Long giang tuôn chảy tưới mát đồng bằng miền Nam; Đấng cho sông Hồng tuôn nước lũ bồi đắp phù sa cho đồng bằng miền Bắc; Đấng cho Hương giang lững lờ lãng mạng gợi hồn thơ, đã chọn dìm mình vào dòng nước Jordan bé nhỏ.
Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” (Mc1,5) và chịu “phép rửa sám hối để đước ơn tha tội” (Mc 1,4) lại có Chúa Giêsu. Ngài là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối? Ngài là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy? Đây là sự hạ mình sâu thẳm của Đấng Thánh. Dân chúng đến xin Gioan làm phép rửa thì chúng ta hiểu được, vì mọi người đều có tội, nên đã phải thú tội để biểu lộ lòng hoán cải và xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Còn Chúa Giêsu, Người là Đấng vô tội, là Đấng Thánh, vì thế Gioan đã thốt lên: “Chính tôi cần phải được Ngài thanh tẩy cho, thế mà Ngài lại đến với tôi” (Mt 3,14). Gioan bối rối khước từ, bởi lẽ Đấng mà ông không đáng xách dép, Đấng là thẩm phán quyền uy, Đấng ban phép rửa trong Thánh Thần, Đấng ấy lại cúi mình xin ông làm phép rửa, thế nhưng, Người đã trả lời: “Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,17).Gioan đã kêu gọi dân chúng chịu phép rửa “để tỏ lòng sám hối và được ơn tha tội”.Chúa Giêsu là Đấng Thánh, Người không có tội gì để mà sám hối và Người cũng chẳng cần đến ơn tha tội. Vậy, Chúa Giêsu chịu phép rửa là chính bởi vì Người muốn dấn thân nhập cuộc liên đới với nhân loại, Người muốn đi tới cùng, chấp nhận mang vào thân kiếp người tội lỗi cần được thanh tẩy và đổi mới. Thánh Phêrô đã viết trong thư thứ nhất thật sâu sắc “ tội lỗi của chúng ta, Người đã mang lấy vào thân thể mà đưa lên cây thập giá” (1Pr 2,24). Chúa Giêsu không chỉ tha tội, xoá tội mà còn gánh lấy tội nhân loại, đem nó vào thân thể Người để biến đổi, gạn lọc, đổi mới thành hương thơm sắc đẹp. Người đã biến đổi ngay chính trong bản thân mình tất cả tội lỗi của trần gian, làm cho nó trở nên thánh đức.Nói theo Lão Tử, người sống 500 năm trước Chúa Giáng Sinh, thì việc làm của Chúa Giêsu khi chấp nhận dìm mình trong dòng nước sông Jorđan chính là thực hiện lý tưởng “đồng kỳ trần” ( toả kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hoà kỳ quang, đồng kỳ trần; nghĩa là làm bớt chỗ bén nhọn, bỏ phân chia, hoà ánh sáng, đồng bụi bặm. {Đạo đức kinh IV,2; LVI,2}. Ý nói: nếu muốn hoà giải, hoà hợp với người khác thì phải bỏ óc kỳ thị phân chia, giảm bớt những gì là sắc bén nơi mình có thể gây nguy hại cho người khác, hoà cái sáng của mình với cái sáng của tha nhân, và cũng chia sẽ thân phận ‘bụi bặm” với người ta. Nói tóm lại là đừng nghĩ mình hơn người mà xa cách kỳ thị, nhưng phải thấy được cái sáng của người, đồng thời cũng thấy được cái bụi bặm nơi mình (x.Trái chín đầu mùa,trang 133. Lm Thiện Cẩm).Trước sự hạ mình thẳm sâu của Chúa Giêsu, Chúa Cha đã tôn vinh Người bằng việc sai phái Thánh Thần hiện xuống và bằng lời tuyên bố: Đây là con Ta yêu dấu.
Đây là một cuộc gặp gỡ lịch sử Cưụ ước – Tân ước. Biến cố không chỉ loan báo trước cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu mà còn loan báo về sự phục sinh vinh quang của Người. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan là lúc Tân – Cựu ước giao duyên, là lễ bàn giao giữa hai niên đại cũ và mới mà Chúa Giêsu và Gioan là đại biểu. Gioan, ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước gặp gỡ trao đổi bàn giao với Đức Kitô, vị ngôn sứ của thời kỳ mới. Cuộc gặp gỡ này không phải là một cuộc tranh cãi dành ưu thế, nhưng thật thú vị tuyệt vời khi cả hai đại biểu đều khiêm nhường đón nhận nhau trong sứ vụ. Chúa Giêsu từ tốn bước xuống dòng nước Jordan và xin Gioan làm phép rửa cho mình.Gioan hân hạnh xin Chúa Giêsu rửa cho mình vì ông nhìn thấy đây mới chính là nhân vật ban phép rửa trong Thánh Thần như ông đã loan báo. Nơi cuộc gặp gỡ lịch sử này, Thiên Chúa đã xuất hiện và chứng nhận. Lúc ấy các tầng trời mở ra, Thánh Thần đáp xuống như chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha tuyên phán: Con là Con Ta yêu dấu. Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ hiện vào chính lúc lịch sử của hai niên đại mới và cũ chuyển giao. Từ nay Chúa Giêsu sẽ lên đường vào sứ vụ mới với niềm hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp theo thánh ý Chúa Cha.
Cuộc gặp gỡ giữa hai Đấng tại sông Jorđan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo hội chọn làm khởi điểm cho mùa thường niên là mùa phụng vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu. Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần khí và nước, giữa Tân ước và Cựu ước. Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí tích Rửa tội của Chúa Giêsu, chúng ta nhận đước ấn tín của Chúa Thánh Thần, trở nên con cái Thiên Chúa.
Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan là một sự hạ mình sâu thẳm, một sự khiêm nhường cao cả đã làm cho cửa trời mở ra, ân sủng tuôn đổ, ơn cứu độ được trao ban và lan truyền. Mỗi người Kitô hữu qua bí tích rửa tội, được thần linh ngự xuống, được nghe tiếng Chúa Cha vang dội:này là con yêu dấu của Ta,Ta đặt trọn vẹn yêu thương trên con.Tâm hồn mỗi người trở nên Đền Thờ Ba Ngôi Thiên Chúa. Ước mong mỗi tín hữu chúng ta luôn nhớ mình đã được xức dầu, được mặc áo trắng tinh tuyền, được trao nến sáng Phục sinh, được thanh tẩy trong nước và Thánh Thần để sống xứng đáng mỗi ngày với ân huệ đã lãnh nhận.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
(Nguồn:daobinh.com)

Một đoạn sông Jordan  (bề ngang hiện nay nhiều chỗ chỉ còn vài mét)