Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ THIẾU NHI (7)



VI
MỘT VÀI THỰC HIỆN

            Nhờ phong trào, trẻ em đã bắt đầu vào việc trong đời chúng. Ít nhiều bằng chứng cụ thể dưới đây thu nhặt từ nhiều vùng khác nhau trên khắp thế giới cho phép chúng ta quả quyết: trẻ em có khả năng theo đuổi một công cuộc tông đồ vừa tầm vóc chúng.

I.- TẠI PHI CHÂU.
            Đây là một vài sự kiện ghi nhận được từ nhiều nước.

+ TRẺ EM ĐƯỢC CÁI ĐỘNG LỰC CỦA PHONG TRÀO THÚC ĐẨY, CHÚNG TỰ Ý HOẠT ĐỘNG TRONG CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY CỦA CHÚNG.
“… A”O”, CÁC ĐỘI HUÂN CÔNG (theo Chiến dịch Thường niên) đã tập trung được các em thuộc nhiều nhóm trong làng. Đó là nguồn hy vọng lớn lao cho mỗi khu xóm. Chỗ này các em cùng nhau trồng đậu lạc để trả tiền báo “Kisito” (một nguyệt san của Hùng Tâm Dũng Chí Phi châu), chỗ kia các em bán trứng luộc cho hành khách trên xe lửa để chuẩn bị đại hội rất rộn rịp vào dịp lễ Giáng sinh qui tụ hết các đội huân công… Nhóm các em thuộc khu lò gạch, chiều nọ đi học về, thấy lửa cháy sát một căn nhà. Một bà đốt cỏ xung quanh đấy, chẳng may gió to để ngọn lửa tạt vào nhà. Dorothea, một em gái 12 tuổi, nói với chúng bạn: “Lửa bén vào nhà rồi. Nào chúng ta thử kiếm một huân công như Moktar trong “Kisito” ấy mà”. Một em kể tiếp: “Chúng em chạy thật nhanh vào nhà vác thùng ra suối kiếm nước. Chúng em làm rất đàng hoàng, vui vẻ nữa, vì biết Chúa Giê su rất hài lòng về chúng em. Nếu chúng em bỏ qua huân công này, chắc sẽ có chuyện lôi thôi giữa bà đốt cỏ và ông chủ căn nhà nhỏ đó. Chúng em nghĩ rằng làm như thế mình đã ngăn cản được hai người cãi nhau. Bà đó vui mừng, nhưng chúng em còn vui hơn, vì đã là những đội viên huân công thật sự”.

“… TRONG LỚP CHÚNG EM CÓ NHIỀU DŨNG CHÍ và chúng em đã làm sổ Mùa chay chung với nhau, chúng em đã tránh được sự gian lận khi viết”.
“… Em rất bực khi họp hai đứa bạn của em, chúng nó đấu khẩu với nhau hoài; chúng em bàn với những HT khác phải cố tìm cách nào để dàn hòa, chúng em đã tổ chức những trò chơi và đi dạo với nhau, bây giờ hai đứa đã hòa hợp rồi”.

MAI LIÊN, 13 TUỔI: “DỊP LỄ GIÁNG SINH, chúng em đã tổ chức một bữa ăn tập thể để gây tình bạn giữa bọn con gái trong làng. Agatha đem sắn tới, Isave đem bí, Gioanna rau tawa (đặc biệt của Phi Châu), Paulina đem muối và Mai Liên chày để dã. Chúng em nấu nướng với nhau và sau bữa cơm thân mật, ai nấy trở về lòng đầy vui sướng”.

A.S :”… BÁC MÙ TÌM NHÀ MỘT NGƯỜI BẠN… tưởng đã đến gần nhà bạn thì lên tiếng gọi… hai tên vô lại 17 – 18 tuổi trêu chọc bác, dẫn bác đi xa hơn để đánh lừa bác. Giuse và Anton, 8 và 10 tuổi, thấy vậy… Anton liền chạy lại dắt tay bác mù dẫn đến nhà ông bạn. Giuse, 8 tuổi, nói với hai thằng kia: “Nếu là HT, các anh không bao giờ đánh lừa người mù”.

+ VIỆC TRẺ EM THAM GIA SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG CỦA PHONG TRÀO GIÚP CÁC EM “THUẬT LẠI” VIỆC CÁC EM LÀM VỚI CHÚNG BẠN ĐỂ KHÁM PHÁ GIÁ TRỊ HÀNH VI CỦA CÁC EM VÀ SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC KI TÔ, VÀ GIÚP CÁC EM TRỞ NÊN NHỮNG “CHỨNG NHÂN” HƠN NỮA NƠI CÁC EM SỐNG.
BRIGITTA, MỘT EM GÁI 13 TUỔI: “NHỜ NHỮNG CUỘC ĐIỀU TRA CỦA CHÚNG EM, chúng em biết được nhiều đứa mới trong bọn con gái. Chúng em đã tiếp xúc được gần 400 đứa nhờ việc điều tra đó. Đến buổi họp cộng đồng, chúng em ghi tên những đứa mới mà chúng em viết vào một tấm biển, vẽ một ái gạch nối các tên với nhau. Rồi mỗi khi chúng em giúp đỡ hay làm vui cho một người nào, chúng em dán một hình chữ nhật mầu vào tấm biển. Bây giờ chúng em có nhiều bạn…”.

“… LUCA THẬT LÀ THẰNG BẨN NHẤT TRƯỜNG. Blasiô, bạn học cùng lớp với nó, một chiều kia hỏi nó: “Sao bẩn thế, bồ? – “Tao không có xà bông, mà cũng cóc ai cho tao”! “Tao bỏ lễ Chúa nhật, chỉ vì tao chẳng có cái gì sạch cả, tao chỉ có mỗi một cái áo sơ mi rất bẩn, nên tao không thể giặt được”! Đến buổi họp HT, Blasiô nói về Luca. Các em quyết định làm một cái gì. “Nếu mai chúng mình ra sớm, sẽ nhặt được ít trái lê rụng, chúng mình đem bán lấy tiền mua xà bông”. Thế là sáng sớm hôm sau, người ta đã thấy những em trai với những trái lê, chúng đem bán ngay lấy tiền, rồi đi mua một bánh xà bông lớn cho Luca. Tuần sau, Luca xin đi họp với HT. Mới rồi, nó đã làm như chúng em, cũng mua được một bánh xà bông nhỏ”.

A.Y. :”… HAI CÔ BẠN GIẬN NHAU… Đến buổi họp DC, ai nấy đều cảm thấy khó thở. Các em không biết phải làm thế nào để dàn hòa D. và L., sau cùng hai em đã ôm lấy nhau khiến cả bọn vui mừng khôn tả. Nhưng một em có ý kiến: “Hôn vào má không đủ, mấy bồ đã làm thế một lần rồi và mấy bồ lại bất đồng ý kiến với nhau… phải tha thứ thật trong lòng mới được…”.

GIACOBÊ  : “NHỜ CÁC CÔNG TRƯỜNG, CHÚNG EM THAM GIA vào việc phát triển quê hương chúng em, điều đó khiến chúng em can đảm gia nhập chiến dịch “Kiến thiết Quốc gia”. Khi đến họp, chúng em mới thấy rằng, làm như thế là chúng em hoàn tất công trình của Chúa trên trái đất”.

I.              TẠI PHÁP QUỐC

Hôm đó là buổi họp đầu tiên của DC 8-10 tuổi sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh .
Chị Ane hữu trách , thấy em Ginetta tới, đôi mắt long lanh, nét mặt vui tươi hớn hở . Em bê một gói lớn, những bộ mặt quen thuộc trong khu phố cùng đi với em , chị Ane có thể quan sát thấy thêm hai bộ mặt mới .
“ Chị biết không chứ, Ginetta nói, trong kỳ nghỉ, chúng em đã làm kịch,chúng em thích tổ chức lễ “.
Một câu vắn tắt, nhưng đã là nguồn gốc một cuộc lễ qui tụ được số đông         trẻ em
GINETTA VÀ CHÚNG BẠN

         Để dễ dàng khám phá khu phố của Ginetta và cái “băng” của em , chúng ta nên lưu ý về một vài chi tiết : đây là một xóm lao động, có những chung cư lớn, trong một thành phố 100.000 dân . Chung quanh những ngôi nhà có một vài thảm cỏ xanh, nhưng cấm trẻ em không được bước chân vào . Ở trung tâm những ngôi nhà có một công viên để chơi, nhưng trẻ em thuộc phố Cầu, lại ưng chơi trên vỉa hè và trên đường phố cho có vẻ tự do hơn . Mùa đông, chúng tụm nhau ở những ô cầu thang. Tuy nhiên, chỗ ở chật hẹp, mà các gia đình lại thường đông. Việc coi sóc mấy em nhỏ cũng thường được trao phó cho những em lớn trong gia đình . Có những em như Christia chẳng hạn, phải coi nhà từ 6 giờ sáng, vì bố mẹ đều đi làm cả . Sau hết, các em gái đều phải giúp mẹ khá bộn những công việc hằng ngày và muốn đi chơi sớm hơn, thường phải rủ nhiều bè bạn đến rửa bát dĩa giúp .
         Điều đáng tiếc thường xảy ra là bố mẹ phải làm việc lâu giờ và vất vả, mà vô tuyến truyền hình lại chiếm một chỗ khá lớn, nên việc trao đổi trong gia đình không nhiều nhặc cho lắm .
        Chúng ta có thể đoán ngay không chút do dự rằng trẻ em trong phố quen biết nhau rất nhiều .Trường học, giờ chơi, những lúc bố mẹ sai phái càng giúp chúng đào sâu những mối liên lạc đó . Hội quán mấy em gái thường đến họp cộng đồng nằm ngay cạnh nhà thờ bên ngoài trú khu .Giá mà những buổi họp cộng đồng được tổ chức ngay trong khu phố có hay hơn không . Nó giúp trẻ em được ở gần nhà, giúp khám phá khu phố của chúng cũng như hòa mình với chúng bạn dễ dàng hơn .

NHỮNG GÌ THÚC ĐẨY CÁC EM NHẬP CUỘC

        Chúng ta đã hiểu rõ hoàn cảnh của khu phố các em, bây giờ cgu1ng ta thử xem ý tưởng về cuộc lễ nẩy nở trong đầu óc Ginetta và bạn bè em ra sao . Vào dịp cuối năm, tờ báo của các em gợi ý cho DC họp nhau trong một buổi canh thức Giáng sinh . Buổi họp là dịp gặp gỡ nhau ăn quà . Các em trong cộng đồng, với những ý tưởng của tờ báo và những khuyến khích của chị Ane, đã làm ở nhà nào là đèn , nào là hoa dây. Martina, một em trong bọn, nhờ mẹ em giúp đỡ , đã làm được những thiên thần nho nhỏ coi rất ngộ . Nhưng nhất là cuộc lễ cho phép gặp nhau thật đông trong vui tươi cùng với lời ca điệu múa . Ginetta và nhiều em khác trở về đầu óc đầy những ý tưởng . Trong kỳ nghỉ, các em gặp nhau luôn và các giờ rảnh rỗi đều được linh động bằng những trò chơi, những ý tưởng của tờ Fripounet (1) và vô tuyến truyền hình xác  định những dự án của các em . Các em nẩy ra ý thích diễn kịch là thế .
(1)  Fripounet là một tờ tuần báo có nhiều tranh ảnh của các thiếu nhi nam nữ 8-11 tuổi, viết theo tinh thần và khoa sư phạm của Phong trào . Tờ báo đề nghị với các em những hoạt động của chiến dịch thường niên

TRONG CỘNG ĐỒNG

         Chúng ta hãy trở lại buổi họp cộng đồng, Ginetta và mấy đứa bạn  bận những chiếc áo dự định cho các vai và cả đội DC dự một buổi trình diễn vở kịch “ Cô bé Maria” . Vở kịch chưa được thuộc mấy, nhưng chị hữu trách cứ khuyến khích các em dượt lại trong tuần . Điều quan trọng nhất là cái dự định ấy làm cho cả cộng đồng hăng say . “ Cuộc lễ à , hay” ! “Chúng em cũng thích làm cái gì “,một vài em nói như thế .  “ Hay mình tập lại vũ điệu Tô cách lan “ .  Annich đề nghị ? Còn Martina thì có một cuốn sách về Nàng Bạch Tuyết, em cho rằng để chia xẻ cái em khám phá với chúng bạn, trình diễn về các chú lùn là lý tưởng nhất .
        Chúng ta đoán biết vai trò to lớn của chị Ane  để nâng đỡ và khích lệ các dự án vừ tung ra đó . Cần phải lưu ý đến tài năng của mỗi em và cùng nhau xét xem còn những bạn nào khác mà quên chưa mời đến dự không .
SUY TƯ CỦA NHỮNG NGƯỜI HỮU TRÁCH
         Chắc hẳn, việc sửa soạn buổi lễ không thực hiện trong một vài phiên họp . Trong Hội đồng Hữu trách, chị Ane trình bầy kế hoạch cuộc lễ trước mặt toàn thể nhóm Hữu trách . Đây là dịp để suy nghĩ về thái độ của Ginetta, đem đối chiếu hoạt động của em với tất cả những gì người ta  biết về em và chúng bạn . Cảm tưởng đó rất xác thực nhờ có chị nữ tu cố vấn phụ trách việc dạy giáo lý trẻ em đường Cầu có thể bổ túc những điều chị Ane quả quyết . Cha tuyên úy Phong trào cũng giúp đào sâu các phong phú mà  một việc làm như thế cho chúng ta thoáng thấy . Cả nhóm Hữu trách khám phá thấy rằng nhờ một sự kiện tầm thường  đó mà khắp khu phố xung quanh chung cư cũng cảm thụ nhiều hay ít về cuộc lễ . Mục tiêu của Chiến Dịch Thường Niên trong tam cá nguyệt là giúp trẻ em hành động với tư cách con cái Chúa, sống trung thực với con người của mình nhiều hơn nữa . Thật thế, Ginetta và chúng bạn nhờ hiểu biết những khả năng bản thân và hổ tương của mình và quyết định một hành động chung, đã đạt được tới chỗ đó . Trong việc chọn vở kịch, phân chia các vai, tập dượt, y phục, ý kiến của mỗi em đã được tôn trọng . Điều đáng chú ý nhất là  Henrietta, mặc dầu em gặp phải những khó khăn khi giữ vai tuồng của mình, đã được các em khác đồng ý và khích lệ .
          Hoạt động được cùng nhau thực hiện, sự chú trọng đến từng em, những cố gắng để đi đến cùng, là phương thức các em tham gia vào công cuộc xây dựng Nước Chúa .

THỨC TỈNH NHỮNG NGƯỜI KHÁC

           Điều rất quan hệ đối với nhóm hữu trách có lẽ là con số trẻ em càng đông càng hay chú ý đến cuộc lễ . Điều đó đòi những người Hữu trách , trong những giao tế hằng ngày,lưu tâm hỏi han trẻ em hoặc trao đổi với các cha mẹ, giáo chức và những người lớn khác ở gần khối thiếu nhi . Họ cũng đã tổ chức một buổi họp mời tất cả những người đó tham dự . Đấy là cơ hội để chia xẻ những phong phú mà trẻ em đưa lại cho chúng ta . Nhóm Hữu trách cũng yêu cầu những người lớn đó nâng đỡ trẻ em trong việc chuẩn bị cuộc lễ .

KHÁM PHÁ GIÁ TRỊ CỦA VIỆC LÀM .

          Trong Hội Đồng Hữu Trách, chúng ta đã suy nghĩ về cách tìm hiểu cuộc sống các phe nhóm tự nhiên trong cộng đồng, một điểm tối quan hệ . Sự linh hoạt trong buổi họp chưa hẳn đã luôn luôn giúp phát biểu một cách sâu xa về cuộc sống mỗi em . Lúc hội họp với chị Ane, các em đều muốn kể, muốn khoe những cái các em đã làm trong tuần . Nhưng buổi họp cộng đồng không được dừng lại ở đáy, nó còn phải giúp các em khám phá giá trị của việc các em làm và đào sâu nữa . Chẳng may những  tờ báo của các cộng đồng, đề nghị một kỹ thuật, tán trợ một phát biểu và qua nó, sự suy nghĩ, đã không được phổ biến sâu rộng . Chính vì thế mà chị Ane phải giới thiệu vói các em một kỹ thuật khác thích hợp với hoàn cảnh hiện tại . Cộng đồng làm những nhóm cờ nhỏ, mỗi nhóm có mầu sắc khác nhau tùy theo số những người tham dự một hoạt động lựa chọn . Nhờ đấy,  chị Ane nhận thấy Sylvia , thường bị bỏ rơi, tham gia vào nhóm hát . Nhờ những câu hỏi khéo léo của chị, các em khám phá ra rằng mời Sylvia tham dự là điều thật hay . Được các em khuyến khích, Sylvia vui hơn . Cái vui cũng như cái tài hát của em đã kích thích cả bọn . Ồ , những lá cờ đó, với những dấu nhạc tượng trưng hết thảy chúng bạn, đã được làm một cách cẩn thận và ân cần biết bao .
          Còn câu chuyện Nàng Bạch Tuyết , không dễ mấy đâu . Vai chính được cả bọn của Martina tranh nhau . Chắc chắn không thể làm được những lá cờ xinh xinh nếu cả đội bất đồng ý kiến, vì những lá cờ đó trước hết tiêu biểu cho cái vui chia xẻ trong một thực hiện chung .
          Các em trong cộng đồng cũng muốn làm một lá cờ cho bà Laurenso, vì lẽ bà đã nhận dạy các em một vũ điệu theo bản nhạc của các em lựa chọn .

KẾT LUẬN

Và cuộc lễ đã diễn ra ….. Chắc các bạn cũng đoán biết còn rất nhiều việc phải làm và nhiều lúc bực bội, tưởng không bao giờ tới đích . Nhưng, đó là một dịp cho chúng ta , những người Hữu trách, thấy rõ hơn rằng trẻ em có khả năng làm được những chuyện to lớn và còn nhiều cái chúng ta phải làm để luôn luôn giúp các em hay hơn .

II.            TẠI CHÂU MỸ LA TINH

  • SINH HOẠT PHONG TRÀO GIÚP TRẺ EM ĐỂ Ý ĐẾN NGƯỜI KHÁC
            “ Những em gái 10-15 tuổi thuộc một khu phố lao động đi cắm trại tám ngày     liền trên bãi biển cùng với hai chị hữu trách và hai nữ tu . Chương trìn trại căn cứ vào tình bạn .
           Những em lớn, lĩnh trách nhiệm về những em nhỏ một cách rất cẩn thận . Các em bỏ thời giờ để giúp những em không biết bơi lợi dụng những buổi được chơi gần nước .
          Một hôm các em gặp những em gái cùng tuổi thuộc một trường dòng  . Các em này hơi buồn vì phải giữ kỷ luật chặt chẽ .
         Các em DC trong trại  nhận thấy tình cảnh  và hiểu điều đó không đúng . Các em liền  dạy các em kia trò chơi, cho chúng ít kẹo bánh  và chúng lại vui vẻ .
        Các em bên trường đã cám ơn các em DC  bên trại về tình thân hữu của các em và để đáp lại, đã mời các em DC tới lưu xá của các em “ .
         “ ……. Trong một khu phố nghèo thuộc …. Có một đoàn DC  . Ngày kia, có một em nói rằng em có biết một bà già, nghèo hơn các em nhiều lắm và bà cần được giúp đỡ . Đến buổi họp các em đồng ý mỗi em sẽ cho bà cái gì và trong buổi họp tới, các em đã thu lượm tất cả những gì các em có thể đem đến cho bà “.

  • TRẺ EM LÀM CHỨNG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỦA CÁC EM
      “…..Một đội con trai (13- 15 tuổi) thuộc khu phố bình dân ở …. Đã có sáng kiến, xin anh Hữu trách đưa về vùng quê, đến một làng có những người muốn biết về Phong trào . Anh Hữu trách cùng với một thanh niên khác vào trong làng đó thăm các gia đình muốn đón tiếp các em HT và chuẩn bị chỗ ở . Thế rồi, các em đến các gia đình, sống với họ trong hai ngày, cùng chia xẻ với họ trong bữa ăn cũng như trong tất cả cuộc sống của họ và đem đến cho họ một niềm vui với cử chỉ những trẻ em Ki tô hữu .
       Các em tổ chức những trò chơi và một buổi lửa trại mà ai nấy đều đến tham dự . Sáng Chúa nhật các em cùng đi tham dự thánh lễ . Người ta nhận thấy rằng theo thói quen trước kia rất ít người đi lễ, nhưng ngày hôm đó các gia đình có HT đến thăm cũng như các người quen thân của họ đều có mặt .
        Các em HT trở về rất hài lòng vì đã đem đến cho họ một niềm vui . Họ cũng quyết định giữ mối liên lạc với các em và sẽ mời các em tới nhà họ  vào các dịp khác .”

         MỘT VÀI BẰNG CHỨNG ĐÓ không có ý coi là những tấm gương cần bắt chước hay những mô phạm  cho sinh hoạt Phong trào , mà chỉ là để minh chứng rằng, trẻ em có thể làm khi người ta tin tưởng vào những khả năng của chúng  và nâng đỡ chúng trong những sáng kiến của chúng .
         Nó cũng minh chứng rằng, những điều Phong trào thực hiện được, rất khác nhau tùy theo hoàn cảnh của cuộc sống . Những câu trả lời được đem ra cần phải phù hợp với những phức tạp của những hoàn cảnh . Nhưng đồng thời nó cũng cho chúng ta thấy cái linh khí chung đem lại sức sống cho tất cả những bằng chứng ấy và biểu lộ sự thuần nhất sâu xa của chúng .
          Mong rằng một vài bằng chứng này giúp ai nấy nhận thấy, từ những căn bản chung sẽ được trình bày ở những chương sau, tất cả cần được suy nghĩ kỹ càng và thích nghi, để có thể đi sát với cuộc sống và sứ mạng của Phong trào .

                                                                                                                    (còn tiếp)