Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

TRONG XƯỞNG MỘC CỦA THÁNH GIUSE



                                                                                                         § Lm. Nguyễn ngọc Long
Có lẽ không vị Thánh nào trong Giáo hội được biết đến, được cầu khẩn nhiều như Thánh cả Giuse. Vì ngài là cha nuôi dưỡng Chúa Giêsu ngày xưa trên trần gian, và trên trời bây giờ cũng gần bên cạnh Thiên Chúa nữa.
Và người tín hữu Công giáo thường kêu cầu: Giêsu, Maria, Giuse, xin cứu giúp con! Trong khi vui cũng như khi buồn sầu, đau khổ.
Thánh cả Giuse được Giáo hội Công giáo hoàn vũ nhận là vị Thánh quan thầy bầu cử cho Hội Thánh trên trần gian. Chưa kể nhiều Giáo hội địa phương, nhiều xứ đạo, nhiều hội đoàn, nhiều người nhận ngài là đấng quan thầy bảo trợ riêng nữa.
Ngài là vị thánh được biết đến nhiều. Nhưng lại là người có đời sống âm thầm. Ngay trong Phúc âm khi nói về gia đình Chúa Giêsu cũng chỉ nhắc đến tên Giuse vài lần, với những hoàn cảnh nhiệm vụ khó khăn cùng âm thầm chịu đựng phải thi hành thôi.
Bốn Phúc âm ghi lại những lời Chúa Giêsu rao giảng nước Thiên Chúa, những lời của Đức Mẹ nói chuyện với Thiên Thần, với Chúa Giêsu. Nhưng không có một lời nào của Thánh Giuse với ai cả.
Một vị Thánh âm thầm. Nhưng lại là người có nhiều ảnh hưởng tới đời sống, vâng có lẽ cả trong lãnh vực văn hóa tinh thần của Chúa Giêsu, là con Thiên Chúa ở trần gian.
1. An cư lạc nghiệp
Kinh thánh nói đến Chúa Giêsu là con bác Thợ mộc ( Mt 13,55). Như thế Thánh Giuse làm nghề thợ mộc đóng, sửa giường tủ bàn ghế kiếm tiền nuôi sống gia đình. Chúa Giêsu 30 năm sinh sống ở nhà với cha mẹ trong làng Nadaréth, khi khôn lớn, có thể theo tập tục cách sinh sống ngày xưa, cũng học làm nghề thợ mộc với thánh Giuse. Trong khi học nghề, làm nghề chắc chắn hai người đâu có im lặng mãi. Họ cũng có lúc phải nói chuyện với nhau trong bầu khí cha con, trong bầu khí chỉ vẽ cách làm nghề nghiệp, trong bầu khí hỏi han giải đáp thắc mắc, hay trong bầu khí cùng nhau tìm ra cách thức làm việc sao cho có kết qủa tốt đẹp.
Chuyện nghề nghiệp, chuyện giao tế, chuyện vui buồn trong cuộc sống, trong xã hội, trong đạo giáo chắc chắn là những thông tin họ trao đổi với nhau thường xuyên.
Xưởng mộc của gia đình Giuse không còn chỉ là nơi làm việc kiếm kế sinh nhai. Nhưng còn là một tổ ấm, một trường học về đời sống giữa hai cha con nữa.
2. Lúc học nghề mộc
Lúc còn trẻ mới bắt đầu làm việc với thánh Giuse trong xưởng mộc, chắc chắn Chúa Giêsu đã phải học cách cưa bào gỗ, đục mộng bàn tủ, học cách đánh sơn vẹcni. Học cách đo, cách trừ khấu bào đục đẽo để sao cho mặt bằng phẳng không còn đường lằn trũng lồi, gồ ghề, cùng góc cạnh bằng nhẵn ăn khớp khít với nhau.
Cách thức làm ăn và hình ảnh ngôn ngữ này đã ăn sâu thấm nhập vào tâm khảm của Chúa Giêsu. Nên khi đi rao giảng nước Thiên Chúa, Ngài đã dùng nhiều hình ảnh tương tự, như cái rác nhỏ lợn cợn trong mắt người khác dễ nhận ra hơn cái xà nơi con mắt của chính mình.
Những hình ảnh, ngôn ngữ dễ hiểu cùng uyển chuyển tương tự như vậy, Chúa Giêsu đã dùng nhiều nhan nhản trong các bài giảng dậy của Ngài.
Phải chăng những ngôn ngữ hình ảnh đó, Ngài đã học được nơi Thánh Giuse với nghề thợ mộc cưa đục bào bàn ghế?
3. Câu chuyện về đời sống xã hội
Đọc trong Phúc âm không thấy chi tiết nào nói về thái độ của Thánh Giuse với đời sống chính trị thời đó. Nói rõ hơn gia đình Thánh Giuse là nạn nhân của chính trị lúc đó nhiều hơn: phải về quê quán cũ khai lại tên tuổi nguồn gốc của mình, phải chạy trốn đi tị nạn sang xứ Aicập, sống tha hương bên đó và sau cùng trở về làng quê Nadaréth làm ăn sinh sống.
Có lẽ Thánh Giuse, tuy không có thiện cảm với ách thống trị của đế quốc Roma, như những người đồng hương Do Thái lúc bấy giờ. Nhưng qua kinh nghiệm đau thương sợ hãi, đen tối phải đi trốn sang Aicập, vì bị vua bản xứ Do Thái Herode tìm lùng bắt, Ông cũng phần nào cho quân Roma lúc đó có điểm an tòan bảo đảm hơn!
Và có lẽ thánh Giuse trong xưởng thợ cũng đã có lần trao đổi với Chúa Giêsu về điểm này rồi. Nên sau này khi đi rao giảng về nước Thiên Chúa, Ngài đã nói về thái độ với chính trị: “Hãy trả vua Cesar, những gì thuộc về Cesar..”
4. Cách sống đức tin
Hội Đường - Synagogue” trong làng và đền thờ Giêrusalem là trung tâm nơi thờ phượng kính thờ Thiên Chúa. Hằng tuần, lúc còn nhỏ, Chúa Giêsu đã theo Thánh Giuse đến Hội Đường Synagogue dâng lễ cầu nguyện, nghe đọc Kinh Thánh. Nên khi đi rao giảng nước Thiên Chúa, Ngài đã vào Hội Đường ngày Sabbath, lên bục giảng đọc Lời Chúa và còn cắt nghĩa Lời Chúa nữa. Điều này khiến mọi người kinh ngạc về Ngài.
Cũng khi còn tuổi thanh thiếu niên, gia đình Giuse hằng năm vào dịp lễ Vượt Qua đều tham dự cuộc hành hương lên đền Thánh Chúa. Vào những dịp này Chúa Giêsu đã làm quen với lễ hội hành hương, với không khí cầu nguyện trong đền thánh Đức Chúa Trời, đã nghe và cũng đã nói chuyện với các Thầy cả Tư Tế trong ngoài đền Thờ, đã nhìn thấy cảnh mua bán chung quanh và cả trong đền thờ nữa…
Và trong khi làm việc ở xưởng mộc, chắc chắn cha con cũng đã trao đổi với nhau cảm nghĩ tốt cũng như không tốt của mình về những gì xảy ra nơi đền thờ Giêsusalem rồi. Nên sau này khi đi rao giảng Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã không ngần ngại nói nặng lời với đám thầy cả, với đám người Luật sĩ, và giận dữ xua đuổi con buôn bán ra khỏi đền Thờ.
Ngài hành động như thế nhân danh cha mình là Thiên Chúa và cũng có thể nhân danh cả cha nuôi mình là Thánh Giuse nữa.
5. Tìm hiểu về lịch sử đất nước dân tộc
Trong việc nuôi dưỡng dậy dỗ giáo dục con cái, chắc chắn Thánh Giuse đã kể nhiều cho Chúa Giêsu nghe về lịch đất nước dân tộc Do Thái như thế nào, theo như sử sách Kinh Thánh cựu ước còn ghi chép để lại trong sách Sáng Thế ký, sách Xuất Hành, sách Dân Số, sách Đệ nhị luật,sách Thánh Vịnh, sách các Tiên Tri…

Có lẽ Thánh Giuse, cũng như bao người cha khác thời đó, nhấn mạnh nhiều đến lịch sử thời dân Do Thái sống cảnh nô lệ bên Aicập, rồi cuộc trở về quê hương đất hứa do Maisen cùng Giosua theo ý muốn của Thiên Chúa lãnh đạo để cứu dân Do Thái. Thánh cả đã dùng tên Giêsu của con mình cắt nghĩa để làm sáng tỏ hành động của Thiên Chúa: Thiên Chúa cứu độ!
Lịch sử ngày xưa còn ghi lại, ông Giuse con của Tổ phụ Giacóp đã cứu dân Do Thái khỏi bị chết đói thế nào đã ghi sâu đậm trong tâm trí Chúa Giêsu. Và bây giờ chính Ngài cũng đang được Thánh Giuse, cha nuôi Ngài săn sóc cho ăn mặc no đủ không bị đói khát thiếu thốn.
6. Đời sống làm việc cùng cầu nguyện


Hãng xưởng nào cũng cần có người đặt làm mua hàng. Hãng xưởng nào cũng có thời kỳ lên xuống. Xưởng mộc của Thánh Giuse, có lẽ cũng có thời kỳ ế ẩm ít hay không có người đặt mua làm hàng. Những lúc như thế nền kinh tế trong gia đình lâm vào tình trạng lung túng, phai lo nghĩ nhiều.
Và những lúc lâm vào hoàn cảnh như thế, niềm tin tôn giáo giúp nâng đỡ tinh thần con người rất nhiều. Những lúc gặp khó khăn lúng túng, lại là lúc thúc bách hay dậy con người biết cầu nguyện đặt niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa nhiều hơn: Chúa là mục tử. Ngài lo chăn dắt đời con!
Lời cầu nguyện này không phải chỉ là lời cầu nguyện của hàng tư tế linh mục trong đền thờ. Nhưng cho toàn dân Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Khi còn thơ bé, cũng như bao trẻ em khác xưa nay, Chúa Giêsu cũng đã học đọc kinh cầu nguyện ngay từ lúc còn ngồi trong lòng mẹ Maria, rồi trên tay bồng ẵm của Thánh Giuse. Và trong xưởng mộc, có lẽ hai cha con cũng đã cùng nhau cầu nguyện thường xuyên, nhất là những lúc gặp hoàn cảnh khó khăn.
Vì thế, cách sống cầu nguyện đã ăn sâu vào đời sống của Chúa Giêsu. Trong vườn cây Dầu trước lúc bị bắt, Ngài đã cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Và trên thánh giá lúc hấp hối Chúa Giêsu đã cầu khẩn cùng Thiên Chúa: Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa đành bỏ rơi con?
7. Câu chuyện nhận xét về hoàn cảnh đời sống
Đã có những cuộc khảo nghiệm điều tra về đời sống xã hội đất nước Do Thái thời thánh Giuse và Chúa Giêsu.
Cuộc điều tra khảo nghiệm đưa ra kết qủa: Một phần tư tới một nửa tài nguyên, hàng hóa nằm trong tay triều đình vua chúa. Rồi đến các quan chức, các thương gia giầu có và binh sĩ chia phần. Phần còn lại không đầy 10% thuộc về đại đa số dân chúng trong nước.
Như thế, những người dân lao động, những người buôn bán nhỏ lẻ tẻ thuộc vào hàng ngũ thành phần bên dưới của nấc thang xã hội, trong đó có gia đình Thánh Giuse.
Đã xem thấy tận mắt, đã nghe biết về thực trạng đó qua những cuộc nói chuyện trao đổi với Thánh Giuse trong xưởng mộc, cùng sống trải qua trong chính gia đình mình. Nên sau này Chúa Giêsu trong bài giảng tám mối Phúc Thật trên núi đã hướng về người nghèo, người bé nhỏ không có quyền hành của cải, người sống “tay làm hàm nhai”, trong đó có gia đình thánh Giuse.
Những hình ảnh, những thực trạng đó nổi bật rõ nét: người kiến tạo hòa bình, người có lòng nhân từ thương xót, người đói khát sự công chính của Thiên Chúa, người không ức hiếp người khác là những người công chính được Thiên Chúa chúc phúc.
Kinh Thánh nói về Giuse, người cha nuôi của Chúa Giêsu: “Ông Giuse, là người công chính” (Mt 1,19).
Và Chúa Giêsu khi rao giảng nước Thiên Chúa đã luôn luôn nhắn nhủ, kéo con người sống sao trở nên người công chính.
Thánh Giuse, một người công chính sống âm thầm, nhưng lại gây nhiều ảnh hưởng đạo đức tốt lành trong đời sống đức tin hôm qua, hôm nay cùng ngày mai.


(Nguồn : tinmung.net)