Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

BA THIÊN CHỨC : VƯƠNG ĐẾ, TƯ TẾ, NGÔN SỨ

Mỗi lần tham dự nghi thức em bé chịu phép rửa, chúng ta có dịp nhìn lại 3 Thiên Chức mà Chúa đã trao phó khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Tảy – đó là Vương Đế, Tư Tế và Ngôn Sứ.

1. Thiên Chức Vương Đế
Còn nhỏ, tôi chưa hề nghe ai nói về Thiên Chức này.
Ngay cả thời gian ở chủng viện, tôi cũng nghe các cha giáo nói loáng thoáng về Thiên Chức này nhưng bọn chủng sinh chúng tôi có hiểu mô tê gì đâu.
Dường như phần đông hiểu rằng: Thiên chức Vương đế là thiên chức cai quản - có vẻ dành rêng cho hàng giáo phẩm và hàng linh mục là những người có nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên. Hàng ngũ giáo dân đừng có mơ tưởng tới thiên chức cao quý này.
Nhưng từ khi khám phá ra mình là con ruột của Chúa, mắt tôi mới sáng ra và hiểu thấu vấn đề này.
Lúc đầu, tôi hiểu Thiên Chức Vương Đế theo nghĩa dòng dõi vương giả: “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng Tư Tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền”. (1Pr 2:9).
Nói cách khác tôi chính là hoàng tử hoặc Công Chúa con vua cả trời đất.
“Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa”. (1Ga 3:1).
Sau đó, sống trong tâm tình của người con một thời gian, mối thân tình của tôi và Chúa ngày càng sâu đậm hơn.. đến nỗi có những giây phút trong ngày tôi cảm nhận rất rõ chính Chúa đang thực sự sống trong tôi với một niềm xác tín sâu xa, chứ không phải là cảm tính thoáng qua hời hợt trong một vài phút lâng lâng siêu thoát như trước kia. Tôi có thể sờ được tận tay cảm nghiệm của Đức Giêsu:
Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình (Ga 14:10).
Như vậy, theo tôi, Thiên Chức Vương Đế được thể hiện khi tôi sống trong tâm tình của người con yêu dấu của Cha.
Ngon lành hơn nữa, là khi tôi để Chúa hành động trong tôi, làm chủ, làm vua toàn thân tôi – Đây mới là Thiên Chức Vương Đế đúng nghĩa.

2. Thiên Chức Tư Tế
Trước kia, nói tới Tư Tế là tôi nghĩ ngay tới Thiên Chức linh mục, chứ có bao giờ tôi nghĩ mình là Tư Tế đâu. Còn đọc kinh, xem lễ, tôi coi đó là những việc đạo đức của một người giáo dân bình thường phải làm, không làm thì mắc tội trọng. Lâu lâu tham gia dâng bó hoa thiêng liêng như những hy sinh nho nhỏ.
Còn Thiên Chức Tư Tế cứ để cho hàng giám mục, linh mục phụ trách.
Sau này, tôi hiểu rằng: khi tôi nhận ra mình là con Thiên Chúa thì việc đọc kinh, dâng lễ và những hy sinh không còn là bổn phận phải làm mà đó là những cách để biểu lộ tình yêu của tôi với Chúa.
Mà đã gọi là bày tỏ tình yêu thì có cả trăm cách khác nhau, muôn hình muôn vẻ: ngoài đọc kinh, dâng lễ ra, tôi còn dâng cả những việc tốt đẹp như các việc tông đồ, bác ái và đặc biệt là cả những việc mà theo bề ngoài chẳng thánh thiện chút nào như ăn uống, tắm, tiêu, tiểu, thậm chí cả việc vợ chồng yêu nhau trên giường nữa.
Nói cách khác tôi đang thực hiện Thiên Chức Tư Tế khi tôi dâng chính mình qua những việc làm thường ngày để làm lễ tế dâng lên Chúa ngay trong lòng mình. Đây cũng chính là của lể diễn tả tình yêu của tôi trong tâm tình người con yêu dấu của Ngài.
Tới lúc đó, tôi mới hiểu: À thì ra mình cũng là một Tư Tế theo cung cách của Đức Giêsu: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. (Dt 10: 6-7).
Thánh Phao lô cũng đã thấm phong cách Tư Tế Giêsu, nên ngài đã để lại cho ta một kinh nghiệm tuyệt vời : “Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12:1).
Và tôi hiểu rằng: hiến thân mình trọn vẹn chính là những giây phút tôi thực sự sống kết hợp nên một với Chúa - Thực sự - chứ không phải ngoài môi miệng. Ngày xưa, khi còn ở tiểu chủng viện, cha Mattheu Phạm Hảo Kỳ - cha linh hướng nổi tiếng là đạo đức - đã dậy các chủng sinh: trước khi làm việc gì thì hãy thì thầm một lời nguyện tắt :
Cùng với Mẹ Maria và Thần Linh Chúa Kitô, con làm việc này để yêu mến Chúa và cứu rỗi các linh hồn.
Chúng tôi đua nhau thực hiện, nhưng một thời gian sau, chẳng ai bảo ai, tự nhiên chúng tôi ngưng luôn vì dường như chúng tôi cảm thấy đó là những câu thần chú ngoài môi miệng, chứ không phát xuất từ tấm lòng của một người con yêu dấu với Cha của mình.
Kỳ lạ thay, từ khi chúng tôi nhận ra.
Qua 2 Lời Chúa trên, tôi rút ra bài học thú vị: Thiên Chức Tư Tế đích thực chính là hiến dâng thân mình làm của lễ sống động ngay trong cuộc sống giữa phàm trần này, với những việc rất bình thường hàng ngày của mình.

3. Thiên Chức Ngôn Sứ
Đây là từ rất mới đối với tôi. Trước kia tôi nghe nói tới Tiên tri, mà làm Tiên Tri - biết trước - thì quá khó. Sau này người ta thay từ Tiên Tri bằng từ Ngôn Sứ để chỉ những người đi Loan báo Tin Mừng.
Hiện nay, những anh chị em trong cộng đoàn mà tôi quen biết, thường hiểu Loan báo Tin Mừng là dấn thân, là ra khơi. Tức là ra khỏi nhà để loan báo cho người khác những gì mình đã học hỏi - nghĩa là gần như chủ yếu dùng lời nói mà ít quan tâm tới kinh nghiệm sống đạo thực hành.
Riêng tôi, tôi cho rằng: Loan báo Tin Mừng bằng Lời Chúa và chia sẻ chính kinh nghiệm sống đạo của mình. Và điều kiện quan trọng của công cuộc Loan báo Tin Mừng đó là đọc, nghe và sống Lời Chúa như lời khuyên nổi tiếng:
Hãy tin lời mình đọc; Hãy sống điều mình tin và Hãy rao giảng điều mình sống.
Tóm lại, Thiên Chức căn bản và nền tảng chính là Thiên Chức Vương Đế một khi sống trong tâm tình con yêu dấu của Chúa với sự kết hợp nên một với Ngài thì ngay lúc đó tôi cũng đang thực hiện Thiên Chức Tư Tế và Ngôn Sứ.
Nói theo kiểu hiện đại đây là “Thiên chức ba trong một”.
Khi tôi ý thức mình là con yêu dấu của Chúa thì chính giây phút đó hàm ẩn Thiên Chức Tư Tế và Ngôn Sứ.
Khi tôi hiến dâng thân mình, việc làm thì chính giây phút đó hàm ẩn Thiên Chức Vương Đế và Ngôn Sứ.
Đặc biệt là khi tôi Loan Báo Tin Mừng thì chính giây phút đó hàm ẩn Thiên Chức Vương Đế và Tư Tế.
Tôi xin đưa ra một dẫn chứng nho nhỏ ngay trong gia đình tôi.
Đã lâu rồi, lúc con tôi học bài giáo lý về 3 chức năng Vương Đế, Tư Tế, Ngôn Sứ. Sau khi nghe giáo lý viên giải thích mà vẫn còn chưa hiểu, nó về nhà hỏi tôi. Tôi giải thích vắn tắt như sau.
Giả sử khi con học bài con tâm sự với Chúa: Chúa ơi, cùng với Chúa con học bài đây. Thì con đã thực hiện chức năng Vương Đế, vì con đang học bài trong Chúa và cùng với Chúa trong tâm tình con thảo.
Và cũng trước khi học, con thì thầm: Chúa ơi con dâng giờ học này lên Chúa để tỏ lòng con yêu mến Chúa. Thì con đã thực hiện chức năng Tư Tế rồi còn gì.
Nếu bất ngờ có ai đó, đặc biệt là những học sinh lười biếng trông thấy con học hành chăm chỉ như thế, sẽ cảm thấy cần phải bắt chước gương tốt này mà cố gắng bớt ham chơi để học hành chăm chỉ hơn một chút, thì con đã đương nhiên thực hiện chức năng Ngôn Sứ rồi đó.
Nghe tôi giải thích, nó gật gù ra vẻ ta đây hiểu, nhưng để thực hiện và cảm nhận thực sự thì đòi hỏi thời gian rất dài. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn cho nó nắm được chút nào hay chút ấy 
(Nguồn : honnho.org)

còn hơn là không hiểu gì cả như bố nó ngày xưa thì thiệt thòi quá.