Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

NGÀY THÁNH MẪU CARTHAGE - USA LẦN THỨ 36


     
Đại hội Thánh Mẫu (tên chính thức là Ngày Thánh Mẫu) là đại hội chính của người  Mỹ gốc Việt theo Công giáo tổ chức vào mùa hè từ năm 1978 tại Dòng Đồng Công ở CarthageMissouri , USA .


       

             Hoàng Hôn, một cựu huynh trưởng Hùng Tâm Dũng Chí  đã tham dự Đại Hội Thánh Mẫu tại Carthage, thuộc tiểu bang Missouri , xin gửi đến bạn đọc một số hình ảnh và cảm nghĩ về ngày Đại Hội Thánh Mẫu của những người Việt tại Mỹ , được tổ chức hàng năm tại Missouri do các thày dòng Đức Mẹ đồng Công tổ chức .
            Từ sáng tinh mơ ngày thứ năm 8/8/2013  thành phố Carthage đã tưng bừng đón tiếp những đoàn xe nối đuôi nhau từ khắp mọi tiểu bang của Hoa kỳ , về tham dự ĐHTM . Thời tiết thật đẹp, khí hậu mát mẻ, tuy đang giữa mùa hè , thường thì trên 100 độ F , thế mà trong những ngày Đại Hội  khí hậu đột nhiên xuống 85,86 độ ,vì một cơn  mưa Hồng Ân rất lớn đổ xuống trước ngày ĐH , nên khí hậu mát mẻ vô cùng , thật tuyệt vời, đúng là phép lạ Đức Mẹ ban cho con cái của Mẹ .
           Năm nay Giáo hội  cử hành Năm Đức Tin nên  chủ đề của Đại Hội là : “ PHÚC CHO BÀ LÀ KẺ ĐÃ TIN “ (Luca 1;15) và kỷ niệm 25 năm  các Thánh Tử Đạo Việt Nam được Tôn Phong Hiển Thánh ; mừng kỷ niệm  60 Năm Thành Lập Dòng Đức Mẹ Đồng Công .
          Đại Hội năm nay  khoảng 70.000 người từ 52 tiểu bang của Hoa kỳ về tham dự, và có cả những người từ những nước khác như  Canada , Úc , Ý …. là những người quen mà HH đã gặp   . Họ tham dự ĐH với một tâm tình đây là một cuộc hành hương kính Đức Mẹ , và cũng là dịp để các người Việt Nam tha hương quy tụ về dưới chân Mẹ , để cùng nhau tha thiết nài xin Mẹ ban cho đất nước VN  được an bình thịnh vượng , mọi người yêu thương nhau , cho hòa bình thế giới , và nhất là để được Mẹ Chúc Lành  cho cuộc sống hàng ngày  nơi đất khách quê người này …
          HH gặp được  nhiều cựu HTR HTDC , sau bao năm xa cách , giờ gặp lại nhau ,tay bắt mặt mừng …. niềm vui chan hòa,  mừng khôn xiết .
          Đại Hội Thánh Mẫu bế mạc vào Chúa nhật ngày 11/8/2013 , sau cuộc cung nghinh Thánh Tượng  Mẹ Fatima vào chiều thứ bảy thật long trọng .
          Những Thánh lễ thật sốt sắng  và các buổi hội thảo  của các Cha giảng thuyết  đã để lại trong lòng mọi người  những ấn tượng tuyệt vời  khó phai …


                                                                             Nguyễn  thị Hoàng Hôn  (USA)




(Từ trái qua ) Trưởng  Mai Nương , Ngọc Lan , chị Loan Ánh Linh (mới qua Mỹ ), chị Nga (Liên đoàn trưởng HTDC An Hòa, ĐN  thời 1965-1967?) trưởng Loan (nhỏ), trưởng Ban 
















VÀI HÌNH ẢNH NGÀY THÁNH MẪU  CARTHAGE LẦN THỨ 34


(Ảnh của dongcong.net)




(ảnh  dongcong.net)

GIÁO DỤC GIỚI TÍNH TRẺ EM Ở MỸ





Sáu năm trước, một bà mẹ người Hoa đem đứa con trai vừa tròn 9 tuổi của mình đến nước Mỹ định cư tại New York. Đây là một thành phố đầy rẫy màu sắc tình ái nhục dục. Chưa cần nói phố 42 khu Manhattan có cả một khu phố đèn đỏ nổi tiếng bất hảo, mà riêng chuyện đứa trẻ ngày ngày đến trường phải đi qua một loạt cửa hiệu bán đồ chơi tình dục (sextoy) đã đủ làm cho bà mẹ ấy hết sức lo lắng. Trong hoàn cảnh như vậy, cháu bé 9 tuổi kia khi lớn lên trên đất Mỹ đã nhận được sự giáo dục giới tính ra sao ? Hãy nghe chính bà mẹ kể lại.
Cấp tiểu học: Nhận thức chính mình

Một hôm con trai tôi đi học về. Như thường lệ, tôi mở vòi nước vào đầy bồn tắm để chuẩn bị tắm cho cháu. Chẳng ngờ cháu lại nói: “Mẹ ơi, từ nay trở đi không cần mẹ tắm cho con nữa đâu!”.
“Sao thế?” – tôi cười hỏi lại. “Giáo viên môn sinh lý bảo, vì con là nam giới nên con không được tùy tiện để cho mẹ nhìn thấy cái penis của mình!”

Trời ơi, thằng nhóc học được ở đâu thứ lý luận kỳ quặc như vậy nhỉ! Tôi vừa bực mình vừa buồn cười: “Vũ này, con còn bé, mẹ tắm cho con là chuyện rất bình thường thôi mà.” Nói đoạn tôi vừa vỗ về vừa định giúp cháu cởi quần lót. Ai ngờ cháu gạt tay tôi ra và hét to: “Mẹ đừng chạm vào người con, con cũng có cái riêng tư của mình chứ!”
Thấy thái độ cháu rất nghiêm chỉnh, tôi đành thôi, trong bụng thầm trách các thầy cô giáo ở trường cháu đã “bé xé ra to” cái chuyện vớ vẩn này.
Tối hôm ấy tôi lựa lời hỏi Vũ xem giáo viên môn sinh lý đã nói gì trên lớp. Câu trả lời của cháu làm tôi há hốc miệng kinh ngạc.
Thì ra giáo viên đã cho học sinh cả lớp xem các tranh vẽ đàn ông đàn bà khỏa thân để chúng hiểu được sự khác biệt rõ rệt nhất về sinh lý giữa nam với nữ là ở bộ phận sinh dục. Thằng bé nhìn tôi đàng hoàng nói: “Thầy giáo nói rồi, penis của con trai và vulva của con gái đều thuộc vào những thứ riêng tư kín đáo của một người, không được để bất cứ ai nhìn thấy hoặc sờ vào, trừ thầy thuốc.”
Khi nói câu ấy, vẻ mặt cháu tỉnh bơ hoàn toàn không ngượng nghịu chút nào. Điều khiến tôi không ngờ tới là chẳng những cháu đã biết các kiến thức sinh lý như sự trưởng thành phát dục của cơ thể, quá trình phụ nữ mang thai và sinh đẻ, mà thằng bé chưa đầy 10 tuổi này thậm chí còn chuyển đề tài, nói về sự quý giá của sinh mệnh và tính chất quan trọng của tình bạn nam nữ.
Xem ra giáo dục vỡ lòng về giới tính người Mỹ dạy cho trẻ em còn lồng ghép cả nội dung giáo dục tính người: Biết quý trọng mạng sống và yêu quý người khác giới.
Cấp trung học cơ sở: Trực diện và hướng dẫn
Một hôm, cháu Vũ mang về một bản thông báo của nhà trường cho biết cuối tuần này ở trường có một buổi lên lớp về kiến thức giới và tình dục, nội dung gồm việc tránh thai và đề phòng bệnh đường sinh dục.
Bản thông báo ghi rõ: Nếu phụ huynh không đồng ý cho con em mình dự buổi học này thì phải ký tên vào một giấy trả lời nhà trường, sau này nếu trẻ xảy ra các hiện tượng như phá thai, mắc bệnh AIDS... thì phụ huynh không được trách nhà trường chưa dạy các em biết việc đó. Cuối bản thông báo viết, nhà trường hoan nghênh phụ huynh tới bàng thính giờ dạy về giới tính và tình dục.
Do lâu nay đã muốn đến trường con mình học để “trinh sát” tình hình nên dĩ nhiên tôi không bỏ lỡ dịp này.
Tôi đến trường, mang theo tâm trạng cho rằng giờ học kiến thức về sex chắc hẳn sẽ có không khí nghiêm trang và gò bó, ai ngờ thực tế lại không thế. Giờ học bắt đầu, cô giáo trẻ và xinh đẹp lấy phấn viết lên bảng chữ “SEX” to đùng. Sau đó cô mỉm cười nói với toàn thể học sinh: “Bây giờ cô hỏi các em nhé, khi nhìn thấy chữ SEX này các em nghĩ tới chuyện gì nào?”
Tôi thật chẳng ngờ giáo viên lại đi hỏi lũ con nít một vấn đề vớ vẩn như thế.

Clip sex và chiếc áo chật

Một em trai tóc xoăn phát biểu đầu tiên: “Sex khiến em nghĩ đến chuyện di tinh ạ.” Lập tức trong lớp có tiếng cười rì rầm.
Một em gái hơi có vẻ ngượng ngập nhỏ nhẹ nói: “Sex khiến em nghĩ tới chuyện mang thai ạ.” Mấy bạn khác bụm miệng cười.
Một học sinh gốc châu Á tóc đen bất ngờ thốt lên một câu: “Thưa cô, sex khiến em nghĩ đến chuyện làm tình ạ!”.
Lũ trẻ bỗng nhốn nháo, rì rầm xì xào, nhiều em gái đỏ mặt.
Lúc ấy một em trai da đen thân hình cường tráng nói với giọng ồm ồm: “Sex khiến em nghĩ tới người đàn bà không mặc quần áo gì cả ạ ...” Câu nói vừa dứt, các học sinh khác cười toáng lên, có mấy em ném bút và vở về phía bạn ấy. Lớp học như nổ tung, lũ trẻ cười ha hả khoái chí lắm.
Các em học sinh tiếp tục thoải mái phát biểu. Lũ trẻ có sức tưởng tượng thật là phong phú. Cô giáo liên tiếp viết lên bảng những từ: “Làm tình, dáng điệu, phá thai, hôn, gợi dục ...” Một số từ ngữ bình thường ngay cả người lớn cũng khó nói ra miệng, thế mà lũ trẻ lại nói thoải mái, hoàn toàn không thấy có ý nghĩa xấu hổ, tục tĩu.
Sau khi cả lớp yên tĩnh trở lại, cô giáo nhìn lên tấm bảng đen đầy chữ rồi chau mày nói: “Các em phát biểu nhiều thế mà vẫn còn sót mất một từ có vô vàn mối quan hệ chằng chịt với sex ...”
Lũ trẻ thì thầm rì rầm bàn tán với nhau, suy nghĩ, phỏng đoán. Lát sau, cô giáo lẳng lặng quay người, ấn mạnh viên phấn lên bảng, viết nắn nót từ “LOVE”!
Lớp học bỗng dưng im phăng phắc.
“Tình yêu!”, cô giáo nói với giọng chan chứa xúc cảm, “Tình yêu – đó là tình cảm thuần khiết thiêng liêng nhất, cao cả nhất giữa hai giới tính. Sex không có tình yêu thì chỉ là cái xác không hồn! Người ta có khi bàn tán om xòm về nhục cảm, khoái cảm nhưng lại bỏ quên mất một điều: Sex cần phải có tiền đề là Yêu. Trong đời sống, những hiện tượng như có thai ở tuổi vị thành niên, phá thai, mắc bệnh đường sinh dục ... thông thường là do các hành vi tình dục vô trách nhiệm gây ra ...”
Lời cô giáo nói tràn đầy sức truyền cảm. Lũ trẻ vừa nãy cười sặc sụa bây giờ đều trở nên nghiêm chỉnh, trang trọng.
Tiếp đó cô giáo nói cho các em học sinh biết, quan hệ tình dục không có gì là đê tiện hèn hạ, cũng chẳng có tính phạm tội; nó là mối quan hệ tự nhiên, đẹp đẽ; nhưng học sinh trung học nếu quá sớm bước vào đời sống tình dục thì sẽ không có lợi cho sức khỏe và việc học hành; để xảy ra mang thai ngoài ý muốn và phá thai là điều vô cùng đau khổ.
Sau cùng, cô giáo chiếu lên màn hình một đĩa CD giới thiệu các phương pháp tránh thai. Lũ trẻ đón xem với thái độ đặc biệt nghiêm chỉnh. Trông bộ dạng chăm chú của các em cứ tưởng chúng đang xem một đồ thị ba chiều trong toán học.
Sau giờ học, tôi gặp thầy giáo chủ nhiệm lớp con tôi để trao đổi ý kiến. Khi tôi hỏi cháu Vũ có chơi thân với bạn gái nào trong lớp hay không, thầy chủ nhiệm có chút ngạc nhiên:
“Rất xin lỗi thưa bà, tôi chưa bao giờ hỏi học sinh những chuyện riêng tư của chúng. Con bà rất xuất sắc, nếu có em gái nào yêu nó thì cũng là chuyện rất bình thường thôi ạ.”
Tôi vội giải thích là tôi lo ngại cháu yêu đương quá sớm sẽ ảnh hưởng tới việc học tập. Thầy chủ nhiệm nói liền mấy câu “No” “No”... rồi hùng hồn giảng giải: “Tình yêu sẽ làm trẻ em trở nên thông minh hơn, tự tin hơn. Trách nhiệm của phụ huynh học sinh chỉ là ở chỗ hướng dẫn cho con mình khi say sưa yêu đương phải biết cách tránh thai !”
Cấp trung học phổ thông: Thông cảm và tin nhau
Chẳng bao lâu cháu Vũ nhà tôi đã lên lớp 9. Khi thấy cháu bắt đầu mọc ria mép, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng ở chỗ đặc trưng thứ hai về giới tính của cháu phát triển lành mạnh, mới tròn 15 tuổi cháu đã cao 1,7 mét. Lo ở chỗ văn hóa tình dục của xã hội phương Tây có tác dụng chất xúc tác đối với lũ trẻ đang ở tuổi dậy thì– nghe nói ở Mỹ hằng năm có hơn 1 triệu em gái mang thai; hiện tượng quan hệ tình dục trước hôn nhân trong nam nữ thiếu niên đã trở thành vấn nạn của xã hội.

Đúng vào lúc tôi đang lo lắng về việc liệu cháu Vũ nhà tôi có thể bình yên vượt qua thời kỳ rạo rực của tuổi thanh xuân hay không thì bỗng nhiên có tin: Theo đề án của Sở Giáo dục thành phố New York, các trường trung học công sẽ phát miễn phí bao cao su cho học sinh trung học phổ thông!
Nhiều phụ huynh người gốc Hoa rất bất mãn với đề án này. Theo tôi nghĩ, cách làm ấy chẳng khác gì sự ngầm ra hiệu hoặc dung túng cho lũ trẻ ăn vụng trái cấm.
Tôi cuống cuồng đến ngay nơi con mình học, yêu cầu nhà trường đưa ra lời giải thích biện pháp bậy bạ cung cấp bao cao su cho trẻ em.
Một giáo viên tư vấn tâm lý phụ trách công tác học sinh tiếp tôi. Xem ra bà giáo này rất hiểu nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc, nói năng có tình có lý đâu ra đấy: “Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều phụ huynh học sinh người gốc Hoa, nói chung họ cai quản dạy bảo con cái quá nghiêm ngặt. Việc họ khăng khăng cấm đoán tình dục là không khôn ngoan và nguy hiểm".
Hình như phát hiện thấy tôi có chút ngạc nhiên nên bà giáo tiếp tục giải thích: “Sau khi bước sang thời kỳ dậy thì, lượng hooc-môn trong cơ thể lũ trẻ tiết ra tăng mạnh, chức năng tình dục phát triển nhanh, cộng thêm vô số tác dụng kích thích tình dục từ bên ngoài, chúng sẽ càng mạnh mẽ yêu cầu giải tỏa được hưng phấn tình dục và căng thẳng tình dục của mình; nhưng lũ trẻ lại không có điều kiện sống như người lớn, do đó nhu cầu tình dục của chúng bị ức chế, vì thế sinh ra tâm lý lo lắng bồn chồn của thời kỳ dậy thì. Xin hỏi, ai có thể bảo đảm con cái mình sẽ không vì một phút rung động nhất thời mà có hành động mất kiềm chế?”
Ngừng một lát, bà nói tiếp: “Chẳng phải người Trung Quốc các vị có câu thành ngữ phòng bệnh hơn chữa bệnh đó sao? Nhà trường cung cấp bao cao su cho các em học sinh chính là nhằm ngăn chặn hậu họa đấy, thưa bà. Bản thân bao cao su không thể làm tăng hoạt động tình dục của học sinh song lại có thể giảm bớt một cách hữu hiệu hiện tượng các em gái mang thai và sự lây lan các bệnh tình dục. Xin bà thử nói xem, chả lẽ như thế lại không tốt hay sao?”
Cuộc trao đổi ý kiến với giáo viên tư vấn tâm lý khiến tôi xúc động hồi lâu, tôi không thể không thừa nhận việc nhà trường cung cấp bao cao su thoạt xem có vẻ bậy bạ song thực ra lại tràn đầy tính người, thể hiện sự quan tâm, yêu thương của xã hội đối với lớp con trẻ.
Ít lâu sau, một lần vào ngày nghỉ cuối tuần, tôi và cháu Vũ cùng xem truyền hình. Bỗng dưng trên màn hình xuất hiện pha đặc tả cảnh hôn hít và ân ái khá lâu.
Tôi bất giác chột dạ định chuyển sang kênh khác nhưng lúc ấy bộ điều khiển từ xa lại đang ở trong tay cháu. Trước cảnh hoan lạc kéo dài của đôi trai gái, tôi phát ngốt lên, đứng ngồi không yên. Liếc sang con trai thì thấy ngược lại cháu vẫn ngồi ngay ngắn, mắt không rời khỏi màn hình, chẳng hề có chút lúng túng nào sất. Nhìn bộ dạng cháu khoái chí chăm chú dán mắt vào chiếc ti-vi, tôi nghĩ bụng: “Thằng nhóc này quá chín muồi rồi đấy, xem những cảnh tình ái hot thế mà vẫn cứ điềm nhiên như không".
“Mẹ ơi, mẹ đừng nhìn con bằng ánh mắt như thế được không? Con trai mẹ chẳng có ý nghĩ gì bậy bạ đâu ạ!” – bất ngờ thằng nhóc chọc tôi một câu.
Thấy con chủ động gợi chuyện, tôi vội nắm lấy cơ hội: “Vũ này, mẹ hỏi con nhé, con đã có bạn gái chưa đấy?” Cháu thản nhiên đáp: “Có chứ ạ, quan hệ giữa con và cô ấy còn trên cả mức bình thường nữa kia!”
Trống ngực tôi bất giác đập thình thịch. Thấy bộ dạng căng thẳng hồi hộp của tôi, nó đắc ý liếc tôi một cái rồi nói với giọng bông đùa: “Xin mẹ chớ có căng thẳng thế, con trêu mẹ tí thôi mà!”
Nói đoạn cháu đứng dậy tắt cái ti-vi rồi bất ngờ hỏi: “Mẹ ơi, mẹ xem con có sức hấp dẫn của một trang nam nhi không nào?”
Nhìn con mình đẹp trai ngời ngời, tôi cố ý chỉ cười không nói gì. Bỗng dưng cháu thốt ra một câu làm tôi vô cùng sững sờ:
“Con chờ bao giờ lên đại học xong xuôi thì sẽ kiếm một cô bạn thông minh gợi cảm làm người yêu của mình. Chắc chắn cô gái ấy sẽ xuất hiện trong đời con. Vì cô ấy, bây giờ con dốc sức lao vào việc học tập, không bận tâm gì đến chuyện yêu đương. Xin bảo đảm với mẹ sau đây hai năm nữa con nhất định sẽ thi đỗ vào một trường đại học hàng đầu của nước Mỹ!”
Bất giác tôi trợn tròn mắt, thì ra con trai mình đã chín chắn hơn mình tưởng tượng rất nhiều. Trong bối cảnh nền văn hóa sex của nước Mỹ, trải qua bài học vỡ lòng về giới tính và sự giáo dục giới tính ở tuổi dậy thì, con trai tôi bây giờ đã đủ khả năng có thái độ thản nhiên như không đối với vấn đề tình dục.
Sex trong lòng con tôi là một điều tự nhiên và tươi đẹp, không có chút gì thần bí và xấu hổ. Trong xã hội phương Tây đầy rẫy những quyến rũ tình ái nhục dục, con trai tôi lĩnh hội vấn đề sex bằng một trái tim bình thường, dùng ý thức giới tính lành mạnh chín muồi để kiềm chế được mọi nỗi rạo rực sinh lý ở tuổi dậy thì.
                                                                                                  (giaoducvietnam.net)

GIÁO DỤC Ý THỨC CẠNH TRANH SINH TỒN CHO TRẺ Ở THỤY ĐIỂN


Hôm đầu tiên đưa Viên Viên đến nhà trẻ, tôi phấn khởi lắm, vì đây là nhà trẻ của Giáo hội, trang bị rất tốt và chất lượng thầy cô giáo khá cao. Thế nhưng tối hôm ấy khi đón cháu về, thấy nó không vui, tôi hỏi tại sao thì cháu oà khóc nói: “Chẳng có bạn nào nói chuyện với con, chẳng ai chơi với con cả.”
Giáo dục ý thức cạnh tranh sinh tồn ở Thụy Điển...

Những điều mắt thấy tai nghe


Bắt nạt kẻ khác là một ưu thế

Thủ đô Stockholm (Thụy Điển)
Năm 2000, khi con gái chúng tôi là Viên Viên mới 5 tuổi, tôi theo chồng sang Stockholm (Thụy Điển) sinh sống. Chồng tôi làm giám đốc kỹ thuật một công ty phần mềm Thụy Điển, tôi cũng không chịu ngồi nhà, xin làm hướng dẫn viên du lịch cho một công ty du lịch. Hai chúng tôi đều hưởng lương rất cao, có thể liệt vào hàng khá giả trong số người Hoa ra nước ngoài kiếm kế sinh nhai. Lẽ ra như thế chúng tôi có thể sống vui vẻ, thế nhưng ngày nào tôi cũng âu sầu ảo não về chuyện học hành của con bé.
Hôm đầu tiên đưa Viên Viên đến nhà trẻ, tôi phấn khởi lắm, vì đây là nhà trẻ của Giáo hội, trang bị rất tốt và chất lượng thầy cô giáo khá cao. Thế nhưng tối hôm ấy khi đón cháu về, thấy nó không vui, tôi hỏi tại sao thì cháu oà khóc nói: “Chẳng có bạn nào nói chuyện với con, chẳng ai chơi với con cả.” Hôm sau tôi đến đón cháu sớm hơn, đứng ngoài sân kín đáo quan sát lũ trẻ thì thấy Viên Viên thui thủi một mình một xó nhìn các bạn khác đang lần lượt chơi đu. Cô giáo đứng ngay cạnh thản nhiên không nói gì. Tôi thật thất vọng.

Khi về nhà, Viên Viên kể, cô giáo có nhắc các bạn chơi với con nhưng chẳng ai nghe, có hai bạn trai còn đẩy ngã con nữa, thế mà cô cũng không nói gì cả. Tôi phát ngán cái nhà trẻ này quá, bèn đi liên hệ xin cho cháu vào nhà trẻ khác. Thế nhưng ở Thụy Điển do phúc lợi xã hội cực tốt nên chẳng mấy ai gửi con vào nhà trẻ, Vì thế số lượng nhà trẻ rất ít, nhà trẻ gần thì lại càng không tìm đâu ra.

Điều làm tôi bực mình nhất là cô giáo rõ ràng nhìn thấy lũ trẻ bắt nạt nhau mà chẳng bao giờ can thiệp cả. Một hôm, Viên Viên bị một bạn trai cắn, trên vai còn hằn rõ vết tím bầm hai hàm răng thằng bé kia. Tôi tức quá liền đến gặp cô giáo thì cô ấy tỉnh bơ nói: “Trẻ em đánh nhau tuy là có lỗi, song có thể tha thứ; thế nhưng có ai ngăn cản con bà đánh lại các bạn đâu ?” Tôi suýt phát điên lên vì thứ lý luận kỳ quặc ấy ! Đó chẳng phải là lôgic của bọn kẻ cướp đấy ư ? Tôi chờ cho tới khi bà mẹ thằng bé kia đến đón con thì nói chuyện để bà ấy dạy con không nên bắt nạt Viên Viên. Ai ngờ bà béo ấy tỏ ý khó chịu nói: “Thế con bà không có răng à ? Sao cháu nó không biết cắn lại con tôi nhỉ ?” Tôi thật khóc dở mếu dở trước câu trả lời ấy.

Thầy cô giáo không quan tâm đến việc trẻ em bắt nạt nhau, coi thế là khuyến khích cạnh tranh. Đứa trẻ đi bắt nạt bạn sẽ trải nghiệm được ưu thế do nó có thực lực, còn đứa trẻ bị bắt nạt sẽ phải cố gắng nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Thật là một mớ lý luận kỳ quái, nhưng thực tế đúng là như vậy. 
Một hôm chồng tôi mời một anh bạn đến chơi để trao đổi về chuyện trên. Anh ấy trước cũng học ở Đại học Bắc Kinh, là tiến sĩ xã hội học, thông thái uyên bác, đã công tác ở Thụy Điển mười mấy năm nay. Anh giải thích: ở nước này, khi trẻ em bị bạn bắt nạt, phụ huynh không được khiếu nại với thầy cô giáo, cũng không được nói gì với phụ huynh đứa trẻ bắt nạt. Tại Trung Quốc, bắt nạt người là sai trái phải bị chê trách, còn ở đây thì lại là một kiểu thể hiện ưu thế, bị bắt nạt là thể hiện mình kém năng lực. Lôgic khác nhau nên cách đánh giá cũng khác nhau !

Thầy cô giáo không quan tâm đến việc trẻ em bắt nạt nhau, coi thế là khuyến khích cạnh tranh. Đứa trẻ đi bắt nạt bạn sẽ trải nghiệm được ưu thế do nó có thực lực, còn đứa trẻ bị bắt nạt sẽ phải cố gắng nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Thật là một mớ lý luận kỳ quái, nhưng thực tế đúng là như vậy.

Không cạnh tranh thắng thì không được ăn

Xem ra có chuyển nhà trẻ cũng vô ích. Hồi ấy đang là mùa ít khách du lịch, công ty tôi không có lãi nên tôi bị mất việc. Thế là tôi ở nhà trông con, không cho cháu đi nhà trẻ nữa.

Nhà tôi trọ ở vùng ngoại ô vắng vẻ giữa rừng, đánh xe đi 15 phút cũng chẳng gặp ai cả. Thật tội nghiệp cho Viên Viên mới 5 tuổi mà phải ở nhà một mình, không có bạn cùng tuổi thì có gì mà chơi. Chẳng có nơi nào học đàn pi-a-nô, học vẽ, học nhảy múa. Chỉ vì người lớn muốn ra nước ngoài kiếm sống mà lũ trẻ khổ thế đấy. Tôi thường cằn nhằn oán trách chồng về việc này.

Sáu tháng sau, chồng tôi chuyển đến làm việc ở một chi nhánh của công ty đóng tại thành phố Lulea miền bắc Thụy Điển. Tại đây tôi tìm được việc đánh máy thuê, bèn gửi con bé vào nhà trẻ.

Ngày đầu tiên từ nhà trẻ về, mắt cháu đỏ hoe. Tôi tưởng là cháu bị ai đánh nhưng không phải. Thì ra chiều nay nhà trẻ chia táo cho lũ trẻ, nhưng cô giáo không chia đều mà yêu cầu các cháu phải giải câu đố, ai giải được thì được chia một quả táo.

Trời ơi, Viên Viên mới học bập bẹ được dăm câu nói tiếng Thụy Điển thường dùng đơn giản thì sao mà giải được câu đố chứ. Thế là dĩ nhiên cháu không được ăn táo. Ở Bắc Âu, được ăn táo là sướng lắm. Táo bán ngoài hiệu đã ít chủng loại mà giá lại đắt kinh khủng, nói chung tầng lớp làm công ăn lương khó mà mua được táo tươi ngon. Nhà tôi cũng chỉ thỉnh thoảng mua được ít táo quá mùa, một tuần được ăn vài quả táo chưa chín hẳn đã là khá lắm. Viên Viên giận dỗi khóc thút thít. Tôi an ủi: “Ta không ăn táo nhà trẻ nữa, mẹ mua cho con ăn vậy.”

Tuy được ăn táo ở nhà, nhưng tâm lý Viên Viên vẫn không thể nào chịu được chuyện bất công như vậy ở nhà trẻ. Một đứa bé 5 tuổi thấy bạn bè ngồi cạnh mình đều được ăn táo cả còn mình thì phải chờ về nhà mới được ăn, như thế tâm trạng nó sẽ ra sao ? Tôi thật chỉ muốn gặp ngay cô giáo trao đổi chuyện ấy, nhưng nhớ tới bài học lần trước nên đành thôi mà chỉ khuyên cháu chịu đựng vậy, chờ sau này khi mẹ con mình đều giỏi tiếng Thụy Điển rồi thì con sẽ được ăn táo thoải mái.

Lý lẽ thì đơn giản thế, nhưng thực tại lại thật khó hiểu. Một hôm tôi về sớm đón cháu, thấy cô giáo đang chia dưa hấu cho lũ trẻ. Cảnh tượng ấy tôi thật khó mà quên được: mười mấy cháu nhỏ ngồi quanh dãy bàn dài, trước mỗi cháu bày một cái đĩa trên đựng một hai miếng dưa. Lũ trẻ đang khoái chí gặm dưa, còn cái đĩa trước mặt Viên Viên thì trống huếch chẳng có gì cả. Cháu cúi đầu ngồi yên lặng không động đậy, cứ như kẻ phạm tội đang bị xử án. Cách làm của cô giáo như vậy có quá đáng không đây ? Như thế thì còn gì là cạnh tranh nữa, rõ ràng là phân biệt đối xử.

Lúc Viên Viên ngẩng đầu lên trông thấy tôi đứng ngoài cửa kính, cháu oà khóc. Tôi bực tức mở toang cửa xộc vào, mặt tái đi, đến đứng trân trân trước mặt cô giáo, vì tức giận mà tôi không nói được gì, hai tay run bần bật. Có lẽ cô giáo cũng hiểu là làm thế quá đáng thật, nếu tôi kiện cô có hành vi phân biệt chủng tộc thì cô ấy khó mà thoát tội. Cô giáo đứng dậy xin lỗi tôi mấy lần liền, thanh minh cô không có ý phân biệt đối xử với bất cứ cháu nào mà chỉ muốn trau dồi cho chúng ý thức cạnh tranh, như vậy sẽ rất có lợi cho sự trưởng thành của lũ trẻ. Tôi tức giận quát to: “Tôi không muốn để con mình tham gia kiểu cạnh tranh bẩn thỉu này !” rồi xông đến kéo Viên Viên về nhà.

Vịt con xấu xí biến thành thiên nga

Hiểu rằng nếu cứ thế mãi thì sự phát triển tâm lý của Viên Viên sẽ bị tổn thương không thể nào cứu được, tôi bèn dứt khoát bỏ công việc có thu nhập cao mình đang làm, thuyết phục chồng dọn nhà vào khu trung tâm thành phố. Tuy ở đây tiền thuê nhà đắt gấp đôi, nhưng có nhiều trẻ em để Viên Viên tiếp xúc. Ngày ngày tôi dẫn cháu đến vườn hoa khu phố, tại đây có không ít các bà nội trợ đưa con đến chơi. Nhờ thế, tôi kết bạn được với mấy bà người Thuỵ Điển tốt bụng, chúng tôi trò chuyện rất vui bằng tiếng Anh. Biết tôi có học vị tiến sĩ, lại đến từ một nước phương Đông, họ trò chuyện với tôi đủ mọi chuyện trên đời. Điều quan trọng nhất là Viên Viên có dịp hoà nhập với lũ trẻ con của họ, ngày nào cháu cũng được vui chơi nô đùa thoả thích, vì thế tôi cũng mừng lắm.

Để tăng khả năng cạnh tranh của Viên Viên, tôi mua trọn một bộ sách giáo khoa tiểu học Thụy Điển. Giở ra xem, trời ơi, chương trình 6 năm tiểu học còn ít hơn chương trình lớp 1 ở Trung Quốc. Tôi còn nhắn mẹ tôi gửi từ nhà sang một bộ sách giáo khoa tiểu học của Trung Quốc, ngày nào tôi cũng ở nhà dạy Viên Viên học theo bộ sách này.

Năm Viên Viên 6 tuổi, cháu vào tiểu học. Hôm khai giảng, tôi mua cho cháu một chiếc cặp sách đẹp nhất, mặc cho cháu bộ quần áo bò rất đắt tiền. Thế nhưng khi đến trường, tôi thấy các trẻ em khác đều mang theo một chiếc ống lớn màu sắc sặc sỡ. Lễ Khai giảng ở đây rất đặc biệt. Vì lớp học rộng mà mỗi lớp chỉ có 15 học sinh nên tất cả phụ huynh đều cùng con em mình vào lớp ngồi bên nhau. Thầy giáo điểm danh, đến tên ai thì học sinh đó lên đứng trên bục giảng. Tất cả lũ trẻ đều cầm những chiếc ống mầu to đẹp, em nào cũng đắc ý lắm. Chỉ có một mình Viên Viên chẳng cầm gì cả, trông thật không ăn nhập. Có mấy cháu trai liếc nhìn Viên Viên ồ lên cười giễu cợt: “Các cậu xem kìa, bạn ấy không có ống màu !” Thầy giáo vội bước tới dặn các em không được chê cười bạn, nhưng lũ trẻ vẫn cứ nhìn Viên Viên như nhìn một người ngoài hành tinh. Tôi thật sự lo con gái mình không chịu đựng nổi tình trạng ấy. May sao lần này thì Viên Viên nói to: “Nhưng mà tớ có cặp sách đẹp nhất đây này !” Nói rồi cháu tháo chiếc cặp đeo sau lưng xuống, giơ cao lên đầu. Tất cả các phụ huynh đều thấy đây đúng là chiếc cặp sách đẹp nhất và đắt tiền nhất lớp. Nhìn thấy con ứng xử như thế, tôi vững dạ hẳn lên. Lần này Viên Viên thắng to rồi, một điềm tốt đây !

Ngay từ những ngày học đầu tiên, Viên Viên đã tỏ ra giỏi nhất lớp. Trong khi các bạn khác còn chưa đếm được từ 1 đến 10 thì Viên Viên đã biết làm 4 phép tính. Trong khi nhiều bạn bắt đầu học từ chữ cái abc đầu tiên thì Viên Viên đã có thể đọc thơ lưu loát bằng tiếng Thụy Điển. Cô giáo phụ trách lớp là Ma-rin rất mến Viên Viên, trước đây cô đã từng theo chồng sang Trung Quốc mấy tháng khi chồng làm việc ở Công ty Hoá dầu Liêu Ninh. Giờ lên lớp, khi có vấn đề nào các em khác không trả lời được, cô đều gọi Viên Viên trả lời thay.

Hồi ở Trung Quốc, Viên Viên đã học qua lớp hội hoạ nên cháu có thể vẽ được đủ thứ người, vật, cảnh, trong khi nhiều bạn ở đây còn chưa biết cầm bút vẽ. Bức tranh nào của cháu cũng được thầy giáo mỹ thuật lấy làm mẫu để giảng cho các học sinh khác, sau đó đem treo trong phòng dạy vẽ của nhà trường.

Lòng tự tin của Viên Viên được phát huy, cháu trở nên cởi mở, hoạt bát, được chọn là đại diện duy nhất của khối lớp 1, thường thay mặt khối phản ánh ý kiến của học sinh đối với nhà trường. Cô Ma-rin rất vui, gọi điện thoại cho tôi khen: “Con gái bà rất xuất sắc, rất đáng yêu !”

Hai năm Viên Viên lớn lên ở Thụy Điển, tôi càng nhận thức rõ sự khác biệt về quan niệm giữa phương Đông với phương Tây. Tại đây, người ta chú trọng cạnh tranh, dùng thực lực để chứng minh tất cả. Khi còn ở nhà trẻ, vì không có thực lực nên Viên Viên bị thiệt nhiều quyền lợi; nhưng khi lên tiểu học, vì có thực lực mạnh nên cháu được hưởng mọi thứ xứng đáng được.

Trong kỳ thi trước lễ Giáng Sinh, Viên Viên là học sinh duy nhất trong trường đạt điểm tối đa tất cả các môn. Hôm họp phụ huynh sau kỳ thi, cô Ma-rin phát biểu khen ngợi Viên Viên và ngỏ ý mong các vị phụ huynh dạy con mình noi gương Viên Viên. Tôi thấy các phụ huynh nhao nhao trao đổi bàn tán với nhau. Thấy thế, cô Ma-rin gọi Viên Viên lên bục, và nói: “Xin quý vị nói tên bất kỳ một bài thơ nhi đồng nổi tiếng nào, cô bé này sẽ lập tức đọc bài thơ đó cho quý vị nghe.” Có hai phụ huynh ra hai đề, Viên Viên đọc thuộc lòng ngay hai bài thơ đó với giọng trong trẻo lưu loát. Cô Ma-rin lại đề nghị các phụ huynh ra đề toán phép nhân số có 2 con số, Viên Viên cũng trả lời đúng tất. Mọi người tán thưởng vỗ tay nhiệt liệt.

Hai năm Viên Viên lớn lên ở Thụy Điển, tôi càng nhận thức rõ sự khác biệt về quan niệm giữa phương Đông với phương Tây. Tại đây, người ta chú trọng cạnh tranh, dùng thực lực để chứng minh tất cả. Khi còn ở nhà trẻ, vì không có thực lực nên Viên Viên bị thiệt nhiều quyền lợi; nhưng khi lên tiểu học, vì có thực lực mạnh nên cháu được hưởng mọi thứ xứng đáng được. /.

Huy Đường, theo tạp chí Tri Âm (Trung Quốc) 
                                                                               ((www.vncold.vn)