Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

HIỂU THẾ NÀO VỀ ĂN CHAY?

Nên hiểu thế nào về " Ăn chay kiêng thịt "PDF.InEmail
Viết bởi Không tên   

             Trong những ngày này, người Công giáo đang sống trong những ngày gọi là "Mùa Chay". Mùa Chay kéo dài 40 ngày, bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro. Mùa Chay là mùa hy sinh hãm mình, thanh tẩy tâm hồn, canh tân đời sống để chuẩn bị tâm hồn kỷ niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô và mừng Đại Lễ Phục Sinh.
             Chữ "CHAY" nơi đây hiểu theo một nghĩa hơi khác với ý niệm "CHAY" của một số tôn giáo khác. Như bên Phật giáo, chữ "CHAY" có nghĩa là "không ăn thịt", chỉ ăn rau, hoa trái. "Chay trường" là kiêng ăn thịt suốt đời, hoặc trong một thời gian lâu dài; hoặc ăn chay theo ngày như 'mùng một và ngày rằm". Vì thế có danh từ "ĂN CHAY" và "ĂN MẶN". Có những trường phái hoặc những người chủ trương "ăn chay" (vegetarian) để chữa bịnh, hoặc để tu luyện, như những tu sĩ nam nữ trong các dòng khổ tu Công giáo, như "Châu Sơn", "Phước Sơn", dòng tu Camêlô.v.v…
           Chữ "chay" bên Công giáo hiểu là "ăn ít đi", ngày ăn chay là ngày chỉ ăn một bữa chính và một bữa ăn nhẹ, và không ăn "vặt" giữa các bữa ăn, trừ những vị đã già nua, hoặc những người bệnh tật. Còn "kiêng thịt" mới là ngày không ăn thịt. Ngày xưa, người Công giáo không ăn thịt ngày Thứ Sáu suốt năm để kỷ niệm ngày Chúa Giêsu chịu chết trên Thập tự giá để chuộc tội nhân loại. Bây giờ chỉ còn "Kiêng thịt ngày Thứ sáu trong Mùa Chay". Tuy nhiên nhiều người vẫn kiêng thịt ngày Thứ Sáu quanh năm, có người kiêng thịt ngày Thứ Sáu và ngày Thứ Tư trong tuần.
           Trong Mùa Chay, người Công giáo chỉ buộc vừa ăn chay (chỉ buộc những người từ 18 tuổi đến 59 tuổi), vừa kiêng thịt (chỉ buộc những người từ 14 tuổi trở lên), trong hai ngày là ngày "Thứ Tư Lễ Tro" (ngày mở đầu Mùa Chay Thánh) và ngày "Thứ Sáu Tuần Thánh" (ngày đặc biệt kỷ niệm của cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu). Những người đau ốm hoặc quá già nua tuổi tác thì không phải giữ những lề luật trên đây.

           Như vậy so với các tôn giáo bạn, thì lề luật "ăn chay", "kiêng thịt" của Giáo hội Công giáo rất là nhẹ nhàng. Lý do, vì Giáo hội coi các lề luật, kể cả đi dâng lễ ngày Chúa Nhật, chỉ là những "hướng dẫn cụ thể" để mọi người tùy theo hoàn cảnh, tuổi tác tự làm lấy những công việc đó một cách tự nguyện do đức tin chân thành và lòng yêu mến Chúa, chứ không chỉ làm vì sợ tội, sợ hình phạt. Giống như những người con hy sinh thời giờ đến thăm cha mẹ, hoặc giữ những lời chỉ bảo của cha mẹ, vì lòng hiếu thảo, yêu mến cha mẹ, chứ không chỉ vì sợ cha mẹ la mắng, hoặc cha mẹ ghét bỏ. Đó là thái độ "sống đạo trưởng thành", với tấm lòng, với tình yêu thương, chứ không phải chỉ vì sợ tội. Thiên Chúa luôn luôn tôn trọng tự do của con người. Hơn nữa, Mùa Chay không phải chỉ gồm có ăn chay, kiêng thịt, mà quan trọng ở chỗ "hy sinh hãm mình", tập luyện ý chí để tự kiểm soát con người của mình (self-control) không bị "danh, lợi, thú" điều khiển cuộc đời của mình.
           Như vậy Mùa Chay là thời gian đặc biệt để mọi người tự thanh luyện con người của mình, làm mới lại con người của mình. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần giúp đỡ để canh tân đời sống. Thực ra đó là những điều mỗi người chúng ta đều phải làm hàng ngày để cải thiện con người của mình, để mỗi ngày trở nên tốt hơn, mới hơn (tân nhật tân); hôm nay phải cố gắng để "mới hơn hôm qua". Đó là một cuộc hành trình đức tin để tiến lên gần Thiên Chúa là Đấng Chân Thiện Mỹ… Mỗi ngày chúng ta tiến gần cái chết hơn, đến gần nấm mồ của chúng ta hơn, và cũng là tiến gần đến với Chúa hơn. Con đường sống đạo là con đường đi lên, vươn lên mãi mãi.
            Một cách cụ thể, trong Mùa Chay, mỗi người thường được nhắc nhở phải cầu nguyện nhiều hơn, ăn chay hãm mình nhiều hơn; nhưng phải đưa đến hiệu quả là "sống bác ái, vị tha" hơn, qua các công việc từ thiện, giúp đỡ những người nghèo khó trên thế giới, thường được gọi là "làm phúc, bố thí". Danh từ "bố thí" bây giờ không còn được dùng; vì làm việc từ thiện là một "chia sẻ" trong tình nhân loại, chứ không phải là việc "bố thí" ban phát của người giàu cho người nghèo.
           Thật vậy, thánh Phao-lô nói: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có tình yêu, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3).

           Theo tinh thần câu Kinh Thánh này, nếu tôi ăn chay, hãm mình, thậm chí làm ân làm phúc, bố thí cho người khác, không phải vì tình yêu thương, mà vì một động lực nào khác, như để được tiếng khen là ngoan đạo, hay chỉ để chu toàn luật Giáo Hội một cách nô lệ, sợ sệt (nghĩa là một cách miễn cưỡng, không làm thì sợ bị Chúa phạt), để không bị ai chê mình là khô đạo, là thiếu đạo đức, v.v… thì việc ăn chay đó chẳng mấy đẹp lòng Thiên Chúa, chẳng có giá trị lắm trước Thiên Chúa.

           Thật vậy, nhiều Kitô hữu ăn chay chỉ vì luật buộc, nên việc ăn chay của họ chỉ hoàn toàn là hình thức. Ngày thứ ba trước đó và thứ năm sau đó, họ ăn cho thật nhiều, thật ngon, thật bổ, để bù cho việc nhịn ăn ngày thứ tư. Vì thế, thứ ba đó gọi là «thứ ba béo» (mardi gras). Việc ăn bù trước và sau thứ tư lễ tro khiến cho lượng thực phẩm và chất bổ ăn trong ba ngày đó còn cao hơn ba ngày bình thường khác cộng lại.

          Nếu ăn chay chỉ vì luật Giáo Hội buộc phải ăn chay, thì như thế là ăn chay vì lề luật chứ không phải vì tình yêu. Điều đó không làm cho ta nên công chính trước mặt Thiên Chúa chút nào. Thánh Phao-lô viết: «Anh em mà tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Kitô và mất hết ân sủng» (Gl 5,4). Nếu ăn chay chỉ vì Giáo Hội buộc phải ăn chay, thì ta sẽ chỉ ăn chay một cách hình thức, lấy lệ, không có nội dung tinh thần. Việc đi dâng lễ các ngày Chúa Nhật cũng vậy: nếu chỉ đi lễ để khỏi lỗi luật Giáo Hội, để khỏi mắc tội trọng, chứ chẳng phải đi vì yêu mến Thiên Chúa, thì giá trị việc đi lễ ấy trước mặt Thiên Chúa thật là ít!
         Ăn chay, theo nghĩa đen, chính là tự nguyện nhịn ăn hoàn toàn hay ăn ít hơn bình thường. Ăn chay, theo nghĩa rộng hơn, không chỉ là tự nguyện nhịn ăn, mà còn là tự nguyện nhịn tiêu xài ăn mặc, chấp nhận sống kham khổ hơn, thiếu thốn hơn. Như thế việc ăn chay sẽ khiến ta dư ra một chút tiền hay chút thức ăn. Chút tiền hay thức ăn dư ra ấy nên dùng làm gì? Nếu ta lại cất tiền hay thức ăn ấy vào tủ để mai mốt đem ra dùng, thì việc ăn chay ấy có ích lợi cho ai đâu! Ăn chay như thế thì chẳng phải vì yêu thương chút nào! Ăn chay như thế có khác nào một hành vi tiết kiệm hay hà tiện? Số tiền hay thức ăn tiết kiệm được do ăn chay cần được dành để lo việc Chúa, việc Giáo Hội (như truyền giáo, nâng đỡ đời sống các giáo lý viên, những người tình nguyện không công phục vụ nhà thờ…), để xây dựng xã hội (lập các bệnh viện, trường học, cơ sở từ thiện…) hay cho việc giúp đỡ tha nhân (những người nghèo khổ, bệnh tật, tàn tật…). Có như thế, việc ăn chay mới có ý nghĩa bác ái, yêu thương, và nhờ vậy trở nên giá trị hơn trước Thiên Chúa.

            Thiết tưởng trong thời đại chúng ta – con người trở nên rất gần nhau nhờ những phương tiện giao thông và truyền thông hết sức tân tiến – việc ăn chay phải mang chiều kích xã hội và Giáo Hội hơn bao giờ hết.
            Nói cách khác, việc ăn chay phải nhằm xây dựng Nước Trời ở trần gian này, nghĩa là phải biến việc ăn chay thành một phong cách sống nhằm xây dựng xã hội hay Giáo Hội ngày càng tốt đẹp hơn, càng có nhiều công lý và tình thương hơn.
                                                                                                          (Nguồn : vinhduc.org)