Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

NHỮNG KHÓA HỌC VỀ NGƯỜI HỮU TRÁCH (5)






THƯƠNG MẾN TRẺ .

         Theo kinh nghiệm chúng ta biết trẻ ưa thích những ai thương mến chúng. Thế nên thương trẻ, và làm cho trẻ mến thương ta là một bí quyết thành công của giáo dục .
         Trong giọng nói, trong cử chỉ, cũng như trong mọi hành động và cách ăn ở ta phải làm thế nào cho trẻ thấy được chân lý căn bản nầy .
          Chúng ta là những người của tình yêu Thiên Chúa . Ta không nên đối xử cách lạnh nhạt với trẻ, chúng sẽ lần lần tránh xa, nếu ta ngạo nghễ chúng, chúng sẽ thù oán ta . Nếu ta cư xử với chúng độc ác, chúng sẽ dấy loạn ta.

CÓ CÔNG MÀI SẮT

          Nhà giáo dục phải bền tâm, kiên nhẫn, tiến tới từ từ mà vững chắc , hiệu quả và bền đỗ hơn là hoạt động ồ ạt, trong một thời gian ngắn rồi kiệt sức, bỏ cuộc .
          Việc đào luyện là một công trình của kiên nhẫn, bền chí, kiên gan. Ta không nên ngã lòng, nản chí, ngay từ lúc đầu . Vì lúc đầu bao giờ cũng khó khăn trở ngại, vượt khỏi những khó khăn trở ngại đó rồi, ta mới có thể tiếp tục được công trình giáo hóa của ta và ta mới hy vọng thành công .
          Nhà văn hào Pháp La Fontaine , đã tuyên bố :” Kiên tâm nhẫn nại có thể làm được việc hơn sức mạnh cuồng nhiệt “ , và tục ngữ ta có câu :” Có công mài sắt có ngày nên kim “ .

Ý CHÍ SẮT ĐÁ

        Bất cứ một kết quả nào dù nhỏ hay lớn cũng đòi hỏi ta phải cương quyết, phải mạnh mẽ, phải dẻo dai.
        Đối với việc giáo dục trẻ em, chân lý đó càng rõ rệt và khẩn thiết hơn nữa . Trẻ cần nương tựa vào những người mạnh, làm việc gì phải dứt khoát, phải bền bỉ, phải bảo đảm, phải chắc chắn . Nghiên cứu , suy xét kỹ lưỡng .
        Ta có ý chí mạnh mẽ chừng nào ta cũng dễ thu hoạch được kết quả mà ta phải tốn ít công, ít thời giờ hơn .
         Ta đừng bao giờ nói :”Ta sẽ làm việc này nếu có thể được, nếu thời gian cho phép, nếu không có gì trở ngại, ta sẽ làm việc kia .”
         Nhưng luôn luôn nói : Ta nhất định làm việc nầy và bắt tay làm liền .
Muốn tập được thói quen tốt đó, ta đừng khi nào quyết định điều gì một cách vội vã, cẩu thả mà không suy nghĩ trước .
         Ta phải đắn đo, chọn lựa suy xét, chuẩn bị đầy đủ rồi quyết làm một công việc gì dù lớn hay nhỏ và làm cho bằng được . Suy xét ,chọn lựa xong và quyết định, đó là ba việc phải làm trước khi bắt tay làm công việc nào .

ĐIỀM TĨNH .

         Mọi việc gì xẩy ra một cách đột ngột, hay bình thường, ta luôn luôn điềm tĩnh, không nên hoảng hốt, cuống quít, áy náy, lo âu, bồn chồn . Làm như thế gây ảnh hưởng rất lớn , ta chẳng giải quyết được việc gì mà còn thất bại nữa .

         Giả sử ta đi lạc vào rừng sâu với toán trẻ . Nếu ta sợ hãi mất bình tĩnh ta không thể nào tìm đường ra được, vì khi tâm trí bị sợ sệt, ám ảnh, gương mặt lộ vẻ bối rối, ta sẽ làm cớ cho ta rối trí và các trẻ cuống quít lên. Chúng sẽ hoảng hốt kêu khóc gào thét làm ta không còn định hướng, định tâm mà tìm lối ra .
         Trái lại trong trường hợp đó, ta biết trấn tĩnh tâm thần, điềm tĩnh coi nh7 không có việc gì, thì trẻ sẽ an tâm vững dạ, và ta có thể bình tĩnh mà tìm lối thoát .
         Không bao giờ nên tỏ vẻ bối rối lo âu trên gương mặt, và nhất là chẳng khi nào nên thốt ra những lời làm cho trẻ biết ta lo âu bối rối . Làm như thế ta vô tình hoặc cố ý làm cớ cho trẻ không những mất bình tĩnh  mà còn bất kính nể và tín nhiệm ta .
         Đừng bao giờ nói : Quá sức rồi, ta chịu không nổi nữa hoặc nói nguy quá, tôi lo quá , vì dần dần nó sẽ trở thành thói quen và đến thời gian ta luôn miệng nói như thế .Thói quen đó sẽ làm mất tự tin, và lần lần nó sẽ làm cho ta bực nhọc cẩu thả .
         Muốn tập sống điềm đạm, bình tĩnh ta cần phải biết giữ gìn sức lực và làm việc một cách điều độ, chừng mực luôn . Đừng mỗi chút mỗi rầy, mỗi chút mỗi la, mỗi chút mỗi can thiệp, như thế là làm giảm uy quyền, tiêu hao sức lực và làm cớ cho trẻ đâm ra chán nản .
        Ta hãy nhớ lời khuyên của Đại tướng Foch : Đừng bao giờ cho những việc tầm thường là nghiêm trọng , hãy làm những việc nghiêm trọng thành đơn giản .

LẠC QUAN VÀ VUI VẺ .

         Muốn gây ảnh hưởng sâu xa nơi trẻ, nhà giáo dục phải luôn luôn lạc quan và vui vẻ .        Ta hãy làm cho trẻ mến thích các việc chúng sẽ làm bằng những lời lẽ ý nhị như : chúng ta rất thích đi hội họp ….. Chúng ta hãy làm vui mà làm việc ấy . Đồng thời ta cũng nói cho trẻ biết, chúng có thể làm được một cách dễ dàng các việc bổn phận của chúng : Sáng trí và siêng năng như em thì chắc chắn  sẽ làm được việc nầy dễ như chơi .
        Ta đừng bao giờ báo tin cho trẻ biết những bất trắc, những nghịch cảnh sẽ xẩy ra như một tin buồn chán . Như thế các em sẽ đâm ra chán nản bỏ dở công việc . Thí dụ : Như chiều nay ta đốt lửa trại nhưng chiều mưa, ta không nên nói chuyện đáng buồn mà ta nói : Đó là dịp may để ta có thời gian ôn tập lại kỹ càng tốt đẹp hơn .
        Nhiều người chỉ nhìn với mặt trái của nó, Nghĩa là họ cho cái gì cũng xấu, cũng khó , cũng khổ cực . Trái lại người lạc quan họ thấy cái gì cũng tốt > Có khó  nhưng cũng có cái dễ, có cực nhưng cũng có cái sướng. Điều quan trọng là chúng ta biết cách lợi dụng tất cả để mưu ích cho ta và các trẻ .
        Chúng ta hãy nói cho trẻ biết :
-          Đạo đức sẽ đem lại hạnh phúc thật .
-          Sống đạo không phải là sống buồn .
-          Vui sống là đặc ân Thiên Chúa ban .
          Hãy tập cho trẻ nhìn mọi sự  với cặp mắt lạc quan . Nghĩa là tìm cái hay, cái  đẹp,cái tốt của nó và luôn luôn giữ nụ cười trên môi .
         Tục ngữ có  câu : “ Nếu bạn buồn thì dù một mô đất thấp bạn cũng khó vượt qua . Trái lại nếu bạn vui bạn có thể phá nổi những núi cao “ .
         Vui tươi sẽ giúp ta hăng hái và nghị lực . Nhờ nó ta cảm thấy ít mệt nhọc . Trí óc ta sẽ thư thái hơn . Việc gì ta làm, cách vui thích ta sẽ làm kỹ hơn và chắc thành công hơn .
        Sống vui vẻ không những chỉ làm ích cho riêng ta mà còn giúp ích được kẻ khác trong nhiều việc . Nhất là đối với trẻ . Một nhà giáo dục vui tính sẽ được các em mến thích gần gũi và nhờ đó chúng  sẽ sẵn sàng nghe lời  và làm theo các điều chỉ bảo .