Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016


SUY NIỆM 
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN C - 6/11/2016



"Mà Người không phải là
Thiên Chúa của kẻ chết,
nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống,
vì đối với Người, 

tất cả đều đang sống"
(
Lc 20,38)
Kính thưa anh chị em
Chúng ta đang ở trong tháng 11, tháng Giáo hội muốn chúng ta hướng về đời sau, cụ thể là sự chết và bên kia sự chết là cuộc sống đời sau. Có cuộc sống đời sau hay không? Đó không phải là một câu hỏi dễ trả lời.
I. Đặt Vấn Đề.
Trong Kinh Tin Kính của CĐ Nicêa mà chúng ta vẫn đọc: "Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy.Amen." Chúng ta vẫn đọc và có thể nói chúng ta vẫn tin như thế nhưng thử hỏi có phải tất cả mọi người đều tin như vậy hay không thì đó lại là một chuyện khác.
Trên thế giới ngày xưa cũng như hôm nay, có rất nhiều người không tin có thế giới mai sau và vì thế họ cũng không tin có sự sống lại. Chẳng hạn như trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy những người phái Sađốc là những người như thế. Họ không tin có thế giới mai sau, không tin có thiên thần, không tin có linh hồn bất tử, không tin có thưởng phạt, do đó họ không tin có sự sống lại.
Chính vì không tin vào cuộc sống đời sau cho nên họ đến gặp Chúa Giêsu với ý định muốn hạ gục Chúa để làm mất mặt Chúa trước mặt mọi người. Theo luật Lêvi, nếu một người chết mà không có con nối dõi, thì em trai của người này phải kết hôn với chị dâu để sinh con nối dõi cho anh mình. Quả thực những người Sađốc này đã âm mưu đặt Chúa Giêsu vào một tình huống thật khó xử, khi bắt Chúa phải xác định xem ai sẽ là chồng của người vợ này trong cuộc sống đời sau nếu có, vì cả bảy anh em đều đã lấy người phụ nữ đó làm vợ. Vâng! Bằng cách tạo ra một tình huống thật éo le, những người phái Sađốc đã muốn chế giễu giáo lý về kẻ chết sống lại mà Chúa Giêsu đã từng dạy.
Đó là ngày xưa. Còn ngày hôm nay thì sao? Ngày nay cũng chẳng thiếu gì những người như thế. Đức Thánh Cha Phaolô VI có lần đã nói đến một hiện tượng đang có ở trong Giáo Hội. Đó là hiện tượng "Những người công giáo vô thần" Những người công giáo vô thần. Đó là những người đã được Rửa tội, thậm chí đã lãnh nhận Bí tích thêm sức nhưng cuộc sống của họ chẳng gì một cuộc sống không có Chúa. Họ sống như chẳng có đời sau.
Trong kho tàng văn thơ VN tôi thấy Ông Cao Bá Quát cũng có một quan điểm như thế.
"Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,
Cảnh phù du trông thấy những nực cười.
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung lếu láo."
Ông Cao Bá Quát nghĩ rằng đời người vắn vỏi lắm, dài nhất là 3 vạn 6 ngàn ngày, nghĩa là 100 năm, sau đó thì ai cũng chết, mà chết là hết tất cả, cho nên còn sống bao lâu thì hãy lo ăn chơi, hưởng thụ, uống rượu "tiêu khiển một vài chung lếu láo". Đó là cách thể hiện cuộc sống của những người không tin có đời sau, không tin có sự sống lại.
Nếu chúng ta không tin thì chúng ta cũng sẽ sống như thế và sống như thế thì chẳng khác gì những người công giáo vô thần mà Đức Phaolô VI nói tới.
II. Bây giờ đến lượt chúng ta. Chúng ta nghĩ như thế nào về cuộc sống ở thế giới mai sau và sự sống lại?
Chắc chắn chúng ta không phải là những người vô thần.
1. Căn cứ vào câu trả lời của Chúa dành cho những người thuộc phái Sa-đốc trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta đã thấy thật rõ ý của Chúa. Chúa khẳng định một cách rõ rệt về cuộc sống mai sau và về việc kẻ chết sống lại. Đối với Chúa thì  cuộc sống mai hậu hay đời sau có một số đặc điểm khác với cuộc sống ở đời này. Trong cuộc sống đời sau: Người ta sẽ không lấy vợ gả chồng... bởi vì họ giống như các thiên thần và là con cái của Thiên Chúa, là con cái của sự sống lại. Chính Thánh Kinh cũng quả quyết điều đó: Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống; vì mọi người đều sống cho Thiên Chúa.
2. Đàng khác trong Tin Mừng với ba phép lạ Chúa làm cho người chết sống lại:
Em bé 12 tuổi con ông Giairô, chàng thanh niên con của bà góa thành Naim và cuối cùng là Lagiarô đã chết 4 ngày được sống lại, Chúa Giêsu đã không coi sự chết như một sự chấm dứt tất cả mà Ngài chỉ coi sự chết như một giấc ngủ.
Tất cả những ngôn từ Chúa sử dụng trong ba trường hợp này đều là những ngôn từ dành cho người đang sống:
Với em bé Chúa bảo: Em bé không chết. Nó đang ngủ và khi cầm tay em bé cho nó sống lại Chúa đã nói: "Ta truyền cho con hãy chỗi dậy".
Với người thanh niên Chúa cũng nói như thế: "Ta truyền cho anh hãy ngồi dậy".
Với Lagiarô Chúa cũng nói như thế: "Lagiarô ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy và ra khỏi mồ"
Vâng Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống; vì mọi người đều sống cho Thiên Chúa.
3Cuối cùng chúng ta không thể nào không nói đến chính sự phục sinh của Chúa Giêsu. Chính sự phục sinh từ cõi chết của Chúa là bằng chứng và cũng là nền tảng vững mạnh nhất cho niềm tin chúng ta về cuộc sống mai sau và cuộc sống đời đời.  
III. Kết luận: Hãy sống như những người có niềm hy vọng.
Heidegger: "Nếu chết là hết thì đời ta sẽ phải luôn sống trong lo sợ. Bởi vì biết rằng mình sẽ chết và chết là sẽ trở về với hư vô...và như vậy là đã mang sẵn hư vô trong mình rồi. Vậy thì sống mà làm gì để ngày mai phải vào cõi hư vô."
cách đây không lâu, trường đại học California đã thực hiện một cuộc thí nghiệm về sức chịu đựng của loài chuột đồng Na Uy. Những con chuột này được thả vào trong chậu nước và bị buộc phải bơi cho đến khi chúng kiệt sức và chết chìm. Trong lần thí nghiệm thứ nhất, các nhà nghiên cứu khám phá rằng những con chuột Na Uy có khả năng bơi khoảng 7 tiếng đồng hồ trước khi buông xuôi.
lần thí nghiệm thứ hai được thực hiện cũng như lần trước, chỉ khác một điều. đó là khi các con chuột gần như kiệt sức, không thể bơi được nữa, các nhà nghiên cứu sẽ vớt nó ra ngoài, cho nó nằm nghỉ một lát rồi lại thả vào trong chậu nước. Những con chuột này lại có thể bơi gần 20 tiếng đồng hồ trước khi chìm xuống dưới!
Các nhà nghiên cứu kết luận, sở dĩ những con chuột trong nhóm thứ hai có thể bơi lâu hơn nhóm thứ nhất là bởi vì nó có hy vọng. Nó đã có kinh nghiệm được giải cứu một lần và những gì giúp nó tiếp tục bơi lội thêm gần 20 tiếng sau đó là niềm hy vọng sẽ được giải cứu lần nữa.
con người chúng ta cũng không khác gì mấy, nếu không có hy vọng thì cuộc sống này sẽ trở nên vô nghĩa. Đó là lý do tại sao nhiều người dù gặp phải những hoàn cảnh hết sức bi đát nhưng vẫn kiên trì và quyết tâm vươn lên. Họ có hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn. Đó là động lực khiến họ không bỏ cuộc và không ít người trong số đó đã trở thành những vĩ nhân của nhân loại. Trong số những vĩ nhân đó phải kể đến những vị thánh mà chúng ta mới mừng kính mấy ngày hôm nay.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và xin Người cho chúng ta can đảm.Amen.

(Nguồn :http://tgpsaigon.net/)