Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

KHÓA 10: TẾ NHỊ

TRẦN DUY NHIÊN

TẾ NHỊ


I. - Gợi ý


Đối tượng hành động của một trưởng không phải là cái máy những là con người với tình cảm, với ý chí, với lòng tự trọng... Vì thế, bổn phận của người trưởng là biết rõ từng người trong tập thể mình chịu trách nhiệm. Không những biết tên tuổi, chỗ ở, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, mà còn phải biết tính tình, khả năng, xu hướng của họ. Điều này không phải là một chuyện quá khó nhưng nhiều khi trưởng không làm vì không nghĩ rằng quan trọng. Mặt khác, khi biết rõ về một người nghĩ rằng quan trọng. Mặt khác, khi biết rõ về một người thì người trưởng tỏ ra ‘thông cảm’ qua mức, nghĩa là tỏ ra dè dặt, cả nể và không dám yêu cầu cao... Cả hai thái độ - hoặc không muốn biết gì, hoặc biết rồi không muốn đòi hỏi mảy may - cảh ai thái độ ấy đều không phải là thái độ tế nhị. Người tế nhị luôn luôn tôn trọng phẩm giá của thành viên mình những không vì thế mà trở nên yếu hèn, không dám phê bình, không dám đặt yêu cầu cao. Người tế nhị là người biết thuyết phục mà không lớn tiếng, biết phê bình mà không nhục mạ.

Các trưởng của các tập thể tự nguyện thường rơi vào một trong hai thái cực sau:

- Một là nói lên khuyết điểm của thành viên, nhưng liền sau đó kể ra trăm ngàn lý do để biện bạch và bênh vực người có khuyết điểm đến độ khuyết điểm hầu như trở thành ưu điểm.

- Hai là phê bình hằn học hạn chế của thành viên khiến lòng tự ái của họ bị tổn thương.

Trong hai trường hợp, người trưởng đều thiếu tế nhị. Người trưởng là người có lý có tình. Tế nhị là phẩm chất của một người tự tin và tin tưởng vào mục đích của mình. Thiếu tự tin, người trưởng xử sự như một người hèn nhát chứ không phải là một người tế nhị. Người trưởng tế nhị là người biết tạo ra bầu không khí phấn khởi để tiến bộ, để mọi người góp sức vào việc chung; mọi hành vi khiến cho bầu không khí đó mất đi đều là hành vi thiếu tế nhị. Người trưởng tế nhị biết dùng lý trí để cưỡng bách và dùng tình cảm để kêu gọi, như thế người trưởng vừa được kính trọng vừa được mến thương.

Tóm lại, người tế nhị là người mà các thành viên cảm thấy giá trị mình được nâng cao khi cùng cộng tác trong việc chung.

Người trưởng thường bị phân vân khi thấy cần làm mất lòng một thành viên và bảo vệ nỗ lực của tập thể. Người trưởng tế nhị cần tôn trọng nguyên tắc này: sự tế nhị đối với mọi người cho phép mình tổn thương người làm cản trở công việc chung trong ý hướng giúp người ấy thăng tiến, nhưng người trưởng không có quyền gây tổn thương cho một người, vì lý do cá nhân của mình hoặc gây tổn thương một cách vô ích. Xét cho cùng, ta chỉ có quyền làm đau một người để khuyết điểm người đó không gây đau cho nhiều con người khác chứ không bao giờ có quyền tổn thương một con người để cho một công việc xảy ra vừa ý mình.

II. - Câu hỏi tự kiểm


1. Bạn có cân nhắc kỹ càng những cách đối xử với tập thể để các thành viên đồng thời giữ được vừa tinh thần hăng say vừa tinh thần kỷ luật không?

2. Lời ăn tiếng nói của bạn có nhã nhặn không?

3. Khi có một thành viên làm hỏng việc tập thể, bạn có muốn ‘trả thù’ cho hả giận, hay muốn giúp đỡ để cho người ấy tiến lên cùng với tập thể?

4. Bạn có đủ uy tín khiến cho mọi lời tuyên dương của bạn là một sự động viên và mỗi lời phê bình của bạn là một khích thích vươn lên không?

5. Khi phê bình, bạn hằn học hay bạn trầm tĩnh nhưng dứt khoát?

6. Khi một thành viên có lỗi, bạn có gặp riêng người ấy trước để tìm hiểu rõ lý do không?

7. Có bao giờ phải phải hối hận vì đã phê bình không đúng chỗ, hay bỏ qua một lỗi lầm vì cả nễ không?

8. Khi một thành viên bị khó khăn, đau ốm, tai nạn, bạn có chạy ngay đến với người đó không?

III. - Đề tài thảo luận


1. Hãy nêu lên một vài trường hợp cụ thể để chứng minh rằng tế nhị không phải là xuề xòa, buông thả.

2. Tế nhị có đi ngược lại với uy quyền không? Tại sao?

IV. - Rèn luyện


Tưởng tượng một trường hợp cụ thể mà bạn phải phê bình. Bạn hãy phê bình vào máy cassette, sau đó tự đặt mình vào vị trí của người được phê bình nghe lại cassette và xét xem cách cư xử ấy có làm cho bạn tiến bộ không? Rút kinh nghiệm cho những lần động viên các thành viên của tập thể mình chịu trách nhiệm.

V. - Phương châm


Anh em muốn được người ta làm cho anh em thế nào thì anh em hãy làm cho người ta như vậy (Lc 6, 31).

                                                                                         (tiengnoigiaodan.net)