Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

KHÓA 6 : TỔ CHỨC KỶ LUẬT

TRẦN DUY NHIÊN

TỔ CHỨC KỶ LUẬT


I. - Gợi ý


Tinh thần tổ chức kỷ luật đối với cấp trên là bổn phận của một thủ lãnh, một người trưởng. Nhưng tinh thần ấy không bao giờ lại là tinh thần vuốt ve, nịnh hót, luồn cúi.

Thường thường, nhưng người quá săn đón cấp trên lại là những người đòi hỏi cấp dưới một cách quá đáng. Điều này đi ngược lại với quan niệm về lãnh đạo. Người lãnh đạo phải là người biến trôn trọng giá trị của con người, giá trị cấp trên cũng như giá trị cấp dưới.

Có hai động cơ khiến ta tuân lệnh cấp trên:

1. Động cơ tình cảm: Ta vâng lời vì tin tưởng, vì người ấy biết làm cho ta phấn khởi, hăng say... Tóm lại, vì ta thích người ấy.

2. Động cơ lý trí: Ta vâng lời cấp trên vì ý thức rằng nhiệm vụ của người ấy là phối hợp những cố gắng của tập thể để hướng về một mục tiêu nhất định.

Trên thực tế hai động cơ này không mâu thuẫn đối kháng. Tốt nhất là hai động cơ tồn tại cùng một lúc.

Nhưng điều cần lưu ý là động cơ thứ hai phải là động cơ nền tảng và phải được đặt ưu tiên.

Nếu ta nghe lời cấp trên vì người ấy có một nhân cách xứng đáng thì rủi một ngày nào đó, vì một lý do khách quan, người ấy không còn như xưa, ta sẽ cảm thấy mình bị lừa gạt.

Dù sao đi nữa, vâng lời một người chỉ vì nhân cách người đó thường là dấu hiệu cho thấy rằng mình chưa có lòng tự trọng cao. Người trưởng nào phải dựa vào nhân cách của cấp trên mới có thể vâng lệnh, người đó là một người thiếu cá tính và sẽ tiếnđến tình trạng dựa vàouy tín người cấp trên đế hành động, để quyết định. Một người như thế khó trưởng thành về mặt tâm lý.

Vì vậy, một người trưởng biết tự trọng sẵn sàng vâng lời cấp trên mà không cần ai thuyết, vì nếu người trưởng không biết tự trọng thì không thể nào mong mỏi người khác tôn trọng mình, và nhũng người khác đó, trước tiên, là những thành viên trong tập thể mình chịu trách nhiệm.

II. - Câu Hỏi Tự Kiểm


1. Thái độ cộng tác của bạn có khác nhau khi cấp trên có mặt và cấp trên vắng mặt không? Nếu có thì vì sao có sự cách biệt đó?

2. Bạn có chăng cái khuynh hướng không muốn thi hành mệnh lệnh của người mình không thích, thậm chí còn muốn làm ngược lại, dù bạn không thấy lệnh ấy có gì sai?

3. Bạn có hiểu rằng tuân lệnh không phải là phục tùng một cách tiêu cực nhưng mà là hợp tác một cách tích cực với cấp trên vì quyền lợi của tập thể không?

4.Bạn có suy nghĩ về một lệnh mình phải truyền cho thật kỹ trước khi truyền lại để cho mệnh lệnh ấy biến thành một lệnh của chính mình ban ra chăng?

5. Bạn có biết rằng người tự trọng không phải là người nhiều tự ái nhưng mà nhiều tự tin?

6. Bạn có khuynh hướng qua nhún nhường trước cấp trên và quá đòi hỏi ở cấp dưới chăng?

7. Khi bạn yêu cầu tập thể mình làm tốt một nhiệm vụ, bạn làm thế vì muốn giữ uy tín với cấp trên hay vì nghĩ đến quyền lợi tập thể?

III. Đề Tài Thảo Luận:


1. Tại sao con người tự trọng vâng lời cấp trên vì lý trí hơn là tình cảm?

2. Tại sao vâng lời một cách mù quáng thường giảm uy tín của mình và bất lợi cho tập thể?

IV. - Rèn Luyện.


  • Đối với cấp trên, giữ thái độ đúng mức, không khép nép sợ hãi.
  • Trả lời khẳng khái, nhìn thẳng vào mặt cấp trên.
  • Phát biểu chính xác, không để tình cảm dính vào.

V. - Phương Châm:


Mẹ Ngài nói với các người hầu: ‘Ngài có bảo gì thì hãy làm theo’ (Yn 2,5)