Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

ĐỌC KINH THÁNH : HIỂU BIẾT VÀ ĐỨC TIN (1)



                      



BA DỤ NGÔN VỀ VIỆC ĐỌC KINH THÁNH 
LM. JM. Mười Một, CSsR

            Trong cuốn Thiên Chúa và Trần Thế, phóng viên Peter Seewald kể cho ĐGH Bênêđictô XVI nghe chuyện thánh Phanxicô dùng Kinh Thánh như một lối “chơi bài.” Ông nói: “Khi lập Dòng, ngài mở đại một trang sách và nói: ‘Chúng ta làm như thế!’ Rồi lại mở một trang khác và nói: ‘Đây là luật Dòng chúng ta.’” Đáp lời, ĐGH kể cho ông phóng viên câu chuyện vua Baudouin nước Bỉ cũng làm tương tự. Ngài nói: “Trong một cuộc khủng hoảng chính phủ trầm trọng, ông không còn biết làm sao để lập chính phủ, ông liền vào nhà nguyện, cầm Kinh Thánh mở ra và tìm được phương cách giải quyết.” Nhưng liền sau đó, ĐGH nhắc nhở rằng chúng ta không thể dùng cách ấy “như một toa thuốc. Bằng không, Kinh Thánh trở thành sách bói toán.” Người Việt chúng ta vẫn gọi lối đọc đó là “bói Kiều.”
             Vậy, ta phải đọc Kinh Thánh thế nào? ĐGH nhấn mạnh với Seewald: “Điều đúng và quan trọng là ta đọc Kinh Thánh thường, đều, và để Lời Chúa đồng hành và hướng dẫn ta. Cứ suy tư với nó, ta sẽ gặp được những lời thiết thực có ích cho ta trong những tình huống nhất định” (chữ nghiêng nhấn mạnh của chúng tôi). 
         Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu làm sao để “Lời Chúa hướng dẫn ta.” Theo Kevin J. Vanhoozer, triết gia Søren Kierkegaard (1813–1855) kể ba dụ ngôn về việc đọc Kinh Thánh. Ba dụ ngôn này giải thích cách Lời Chúa hướng dẫn chúng ta.

“Nhìn mình trong gương”
           Kierkegaard rút ra dụ ngôn thứ nhất này từ thư thánh Giacôbê: “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào. Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo -luật mang lại tự do-, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (1,22-25).
          Kierkegaard đặt câu hỏi: Người đọc phải nhìn mình trong gương Lời Chúa như thế nào để lãnh nhận được ơn Chúa? Và ông trả lời: Việc đọc Lời Chúa chỉ sinh ích cho người đọc khi người đọc không chỉ dừng lại ở việc xem xét gương mà còn nhìn thấy được chính mình trong gương đó. Rõ ràng, thánh Giacôbê cảnh báo sai lầm của các Kitô hữu chỉ kiểm tra gương mà không soi mình trong gương.
         “Nhìn mình trong gương.” Cách đọc của Kierkegaard về hình ảnh trong thư Giacôbê gợi lên một vấn đề trong ngành giải thích Kinh Thánh. Kierkegaard có ý gì khi nói “nhìn mình trong gương”? Liệu ông có cho rằng trong bản văn Kinh Thánh không chứa đựng bất cứ ý gì, và do đó người đọc nhìn thấy chỉ có hình ảnh mình ở trong đó? Hay ông có ý nói rằng người đọc chỉ thật sự thấy mình khi nắm bắt được ý nghĩa bản văn thư thánh Giacôbê đó có ý nói về tội và ơn cứu độ? Nói cách khác, khi đọc bản văn Kinh Thánh, người đọc phóng dọi mình vào bản văn hay khám phá ra mình trong bản văn? Hình ảnh “tấm gương” khơi lên một vấn đề quan trọng nhất hiện nay trong ngành giải thích, cho Kinh Thánh cũng như các bản văn khác, đó là bản văn có mang ý nghĩa nào không - ý nghĩa phản ánh một thực tại độc lập với hành vi giải thích của người đọc - hay bản văn chỉ phản ánh thực tại của người đọc?

“Lá thư tình”
           Dụ ngôn thứ hai nói về một chàng thanh niên nhận được lá thư tình của người yêu. Lá thư được viết bằng một thứ ngôn ngữ xa lạ. Không “bó tay,” chàng đem từ điển ra tra từng từ và bắt đầu dịch lá thư, từng từ một. Bất chợt, một người bạn đi vào, thấy anh làm vậy liền nói: “Bắt quả tang đang đọc thư tình của bồ nhé.” Chàng trai liền nói: “Không phải đâu. Tôi ngồi đây, vật lộn từng từ với cuốn từ điển, mà cậu gọi là đọc thư tình sao? Cậu đang ‘nói xỏ’ tôi thì có.”
          Kierkegaard có ý nói rằng việc nghiên cứu lịch sử và ngữ học chưa hẳn là đọc Kinh Thánh đích thực. Đó mới chỉ là xem xét các chi tiết của “gương” – nghĩa là nhìn bề ngoài gương – chứ chưa nhìn vào trong gương. Đó là mối nguy cho việc đọc và giải thích Kinh Thánh.

“Chiếu chỉ nhà vua”
           Trong dụ ngôn thứ ba, Kierkegaard tưởng tượng một chiếu chỉ được vua ban ra cho thần dân. Thay vì tuân theo chiếu chỉ thì thần dân lại bắt đầu giải thích chiếu chỉ đó. Mỗi ngày người ta đưa ra một lời giải thích mới về chiếu chỉ đó, còn chính chiếu chỉ thì chẳng còn ai đọc nữa. Người ta chỉ còn tập trung vào việc giải thích chứ không đọc chiếu chỉ để tuân theo.
            Kinh Thánh vừa là “lá thư tình” vừa là “chiếu chỉ nhà vua.” Chúng ta chỉ nhìn bề ngoài hay nhìn vào trong Kinh Thánh? Chúng ta chỉ đọc những giải thích Lời Chúa, còn chính bản văn Kinh Thánh thì chẳng đọc? Khi đọc, chúng ta dốc lòng tuân theo hay chỉ lo “giải thích”? Chúng ta nhìn mình trong bản văn Kinh Thánh hay phóng dọi hình ảnh mình vào trong đó?
          Ba dụ ngôn trên của Kierkegaard nhắc những ai đọc Kinh Thánh hãy tự xét mình xem họ có “ở trong ánh sáng đức Tin” hoặc “dựa vào đức Tin” để giải thích Kinh Thánh hay không. Đức Tin thật sự là điều kiện cần thiết nhất để có thể đọc và giải thích Kinh Thánh như Lời Chúa. Điều này không chỉ đúng vào thời của Kierkegaard mà càng đúng trong thời đại hôm nay. Chúng ta cần xem xét tất cả lối giải thích Kinh Thánh hiện nay có “ở trong ánh sáng đức Tin” hoặc “dựa vào đức Tin” hay không, vì khi giải thích Kinh Thánh, có người đã không còn tôn trọng thẩm quyền của Lời Chúa. Kierkegaard đã than thở: “’Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các người lại biến thành sào huyệt của bọn cướp’ (Mt 21,13). Và Lời Chúa, mục đích của Lời Chúa là gì và các người đã biến Lời Chúa thành cái gì?”
         Ba dụ ngôn của Kierkegaard cảnh báo một thực tế đó là có những người không nghiêm túc khi giải thích Lời Chúa. Việc giải thích Kinh Thánh thật sự phải giúp khôi phục và nối kết người đọc với sứ điệp của Thiên Chúa chứ không phải là bản thân người đọc. Có những người giải thích Kinh Thánh theo kiểu chỉ nhằm tránh né phải “đối diện” với Thiên Chúa, tránh né đòi hỏi phải đáp trả những lời chất vấn của bản văn Kinh Thánh. Những người đó giải thích Kinh Thánh như thế để làm gì? Kierkegaard trả lời: “Nếu nhìn kỹ thì lối giải thích đó chỉ nhằm bảo vệ cái tôi của người đọc và chống cưỡng lại Lời Chúa.” Để tránh nhìn thấy con người thật của mình trong gương Kinh Thánh, một số người chỉ thích nhìn ngắm bề ngoài gương hoặc phóng dọi vào đó hình ảnh tốt đẹp của mình do họ tự vẽ ra.

        Sau cùng, ba dụ ngôn trên gợi nhớ đến dụ ngôn Người Gieo Giống (x. Mt 13,18-23). Các dụ ngôn của Chúa Giêsu và Kierkegaard cho thấy có những lý do khiến hạt giống Lời Chúa chưa sinh hoa kết quả trong cuộc đời các tín hữu. Nếu muốn trở thành mảnh đất tốt có thể sinh hoa kết quả, các tín hữu cần phải trải qua một cuộc hoán cải toàn diện và chân thành.