Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

TRIẾT LÝ ĐŨA CỦA NGƯỜI PHƯƠNG ĐÔNG



            Trước lúc đến khám phá phương đông khách phương Tây nên học cách dùng đũa. Rõ ràng, đối vơí nhiều nước Á Đông, đôi đũa không chỉ là một dụng cụ đơn thuần cho một phong cách ăn uống, mà còn làm nên giá trị rất riêng cho nền ẩm thực nơi này.
chiet-ly-dua-300x199
           Ở châu Á, bốn nước Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc được gọi vui là các “quốc gia đũa”, bởi đôi đũa được xuất hiện từ rất xa xưa và là vật dụng không thể thiếu trên mỗi bàn ăn ở các quốc gia này.
          Do cùng truyền thống hay bởi ảnh hưởng giao lưu văn hóa nên từ nhiều thế kỷ nay đôi đũa xuất hiện nhiều trong đời sống ẩm thực của những gia đình phương đông như một nét đẹp văn hóa. Có người cảm thấy đó như một thói quen,cũng có người coi đôi đũa là cả triết lí sống, là tình cảm, tình nghĩa gia đình…và dù ở quốc gia miền đất nào, đôi dũa vẫn thể hiện nét đẹp trong truyền thống ngàn đời nay của người Á Đông.
         Tuy nhiên lich sử đôi đũa vẫn còn là chủ đề  bàn luận.
         Nhiều học giả nước ngoài thường cho rằng đũa xuất hiện sớm nhất ở Trung Quốc, từ hơn 1500 năm trước công nguyên. Nhưng thực ra, thói quen dùng đũa của người Trung Quốc chỉ xuất hiện sau những cuộc chinh chiến về phương nam. Trước đó, tập quán ăn uống của họ ít  nhiều giống người Ấn Độ-những cư dân trồng kê, mạch ăn bánh mì, bánh bao, thịt và dùng tay bốc.
         Theo giải thích của nhà nghiên cứu văn hóa PGS,Viện sĩ Trần Ngọc Thêm thì sự hình thành thói quen dùng đũa của người phương Đông là do tác động của văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên. Theo ông cách dùng đũa khi ăn là mô phỏng từ động tác con chim nhặt  hạt và bởi thói quen không thể ăn những thứ dùng tay bốc được như cơm, cá, nước mắm. Thói quen dùng đũa còn được ông giải thích là do ở phương Đông rất sẵn tre, gỗ làm vật liệu. Hơn nưã dùng đũa lại rất linh hoạt, thực hiện được tổng hợp nhiều chức năng như gắp, và, xé, dầm,  trộn ,vét, lấy thức ăn ở xa. Trong khi bộ đồ ăn của phương tây phải đầy đủ dao, thìa , nĩa mỗi dụng cụ mang một nhiệm vụ riêng.
          Trong văn hóa ẩm thực phương đông, đũa là một loại vật dụng chứa đựng nhiều triết lí nhân sinh hơn cả. Cách dùng đũa đặc trưng ấy xuất phát từ một triết lý đã có từ xa xưa. Đối với người phương đông, giờ ăn là dịp để hòa hợp xã hội, quây quần bạn bè, người thân trong gia đình. Không khí ấy không thích hợp với dụng cụ tạo ra để cắt, hay đâm (như dao,nĩa) trên bàn ăn, vì chúng dễ  khiến chúng ta liên tưởng đến binh đao bạo lực.
           Đó cũng chính là lí do vì sao đôi đũa của người Á đông không bao giờ có đầu nhọn. Khi cầm đôi đũa gắp thức ăn, người ta cũng phải từ tốn nhẹ nhàng, vì chỉ cần một chút hấp tấp nóng vội, món ăn sẽ dễ dàng bị rơi vãi khắp nơi.
          Trong văn hóa dùng đũa, thức ăn thường được chế biến thành nhiều miếng nhỏ. Đũa thường được làm từ tre, gỗ sừng đến kim loại, chất dẻo. Riêng đũa bạc từng được  xem là “vật hoàng gia” vì còn có tác dụng tìm độc tố trong thức ăn.
          Tuy vậy mỗi quốc gia lại có quan niệm và thói quen sử dụng đũa khác nhau. Với người Việt thì hình ảnh đôi đũa như một nét văn hóa lâu đời cần được trân trọng và phát huy. Người Việt ta cũng có nhiều phong tục riêng biệt với đôi đũa. Trước tiên là nét văn hóa mà người Việt Nam ta vẫn quan niệm qua hình ảnh đôi đũa. Đó là tính có đôi có cặp. Những câu nói dân gian như” vợ chồng như đũa có đôi” “Bây giờ chồng thấp vợ cao, như đôi đũa lệch so sao cho bằng?”. Ngoài ra đôi đũa còn được quan niệm là thể hiện tính tập thể, tính cộng đồng trong nét sinh hoạt. Tiêu biểu là hình ảnh bó đũa mang biểu tượng của sức mạnh đoàn kết.
         Tục lệ trong mỗi bữa cơm gia đình Việt người bề dưới thường phải  so đũa cho người bề trên và khi bố mẹ cầm đũa thì con cái mới được cầm sau. Điều này như thể hiện sự tôn trọng, phép tắc giữa người trên và người dưới trong mỗi gia đình.  Người Việt từ xưa đã có ‘luật lệ’ khá rạch  ròi. Chẳng hạn, không cầm đũa chọc hay đảo món ăn để tìm phần ngon cho mình, hoặc vừa cầm đũa vừa chan canh vào cơm. Trong cuộc sống thường ngày người Việt nam không bao giờ dùng đôi đũa cắm lên phía trên bát cơm vì theo quan niệm đó thể hiện sự chết tróc. Ngoài ra người Việt còn đặc biệt kiêng kị khi bị gãy đũa, ném đũa.
           Ở Trung Quốc, trẻ em được hướng dẫn cầm đũa tự ăn cơm từ tuổi lên ba. Hầu hết các món ăn của người Trung Quốc cũng thích hợp với đũa hơn là dao, nĩa. Người Trung Quốc thích dùng đũa sừng và tre. Đặc biệt người Trung Quốc còn dùng đũa làm quà tặng trong những dịp đặc biệt như cưới hỏi, nhà mới, đoàn viên hay khi trẻ đầy tháng . Với người Hàn Quốc lại chuộng dùng đũa kim loại như đũa  nhôm hoặc inox vì những loại đũa tre khá nhẹ với họ và dễ bị ăn mòn bởi những món ăn ngâm chua như kim chi.
          Với người Nhật thói quen dùng đũa đã nâng lên thành ngày hội đũa truyền thống vào mùng 4/8 hàng năm. Với tính cách cẩn thận nên trong các gia đình người Nhật thường  mỗi người dùng 1 đôi đũa riêng, kể cả chủ và khách, ngăn đựng đũa của họ còn phân định rõ đâu là đũa dành cho chủ đâu là đũa dành cho khách. Đũa Nhật Bản làm bằng gỗ, ngắn và dễ sử dụng hơn cả. Việc dài ngắn cuả đôi đũa của người Nhật không chỉ đơn thuần là thói quen mà con người xứ sở mặt trời mọc này còn coi đó như việc thể hiện uy quyền hay vai vế chức sắc. Trước đây, đũa của người dân thường dài hơn, trong khi đũa của các bậc vua chúa thì chức tước càng cao lại càng ngắn và tinh xảo hơn. Đặc biệt với món ăn sống sashimi, việc dùng đồ kim loại như dao, thìa , nĩa còn khiến món ăn nhanh hỏng. Trong bữa ăn, người Nhật dùng một  đôi đũa chung để gắp thức ăn vào bát riêng của mình. Sau khi dùng bữa, thường đũa của các vị khách sẽ được bỏ đi để biểu hiện sự sạch sẽ của người dân xứ sở hoa anh đào. Tập tục khác biệt của người Nhật là họ thường bẻ đôi đũa của mình mỗi khi đi cắm trại xa về. Theo quan niệm của người nước này bẻ đũa sẽ tránh được tà ma deo bám về gia đình và bữa cơm nhà mình.
             Mỗi quốc gia có sự khác nhau về thói quen và truyền thống dùng đũa ăn. Nhưng với người Á Đông nói chung hình ảnh đôi đũa mang ý nghĩa rất thiêng liêng. Giữ được tập tục dùng đũa cũng như vai trò của đôi đũa trong bữa cơm gia đình là thể hiện nét văn hóa của mỗi quốc gia vùng miền hay từng cá nhân.
(Nguồn : woodpro.vn)