Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

ĐỨC TIN LÀ SỨC SỐNG




THANH 26


                                                                                         +ĐTGM.Giuse Ngô Quang Kiệt

Có người nói rằng: Đừng kể cho tôi những phép lạ vĩ đại, những chiến công hiển hách của các vị đại thánh siêu phàm. Vì tôi chẳng thể nào bắt chước nổi. Nhưng hãy kể cho tôi những yếu đuối, sai sót, vấp váp và sự ăn năn thống hối của các vị thánh.Như thế hi vọng tôi mới có thể noi gương theo gót các ngài. Điều đó rất thật và rất gần gũi chúng ta vốn là những kẻ phàm hèn yếu đuối tội lỗi.
Có lẽ cũng vì thế mà Chúa đã đặt hai con người có nhiều sai sót lỗi lầm là hai thánh Phêrô và Phaolô làm nền tảng và cột trụ của Hội Thánh. Thật vậy thánh Phêrô có nhiều sai sót. Tin Mừng thuật lại ít nhất 3 lần. Lần thứ nhất khi Chúa cho phép ngài đi trên mặt biển. Nhưng đi được vài bước ngài lại nghi nan nên chìm xuống (Mt 14,31). Lần thứ hai khi Chúa loan báo cuộc khổ nạn, ngài đã ngăn cản Chúa (Mc 8,33). Và lần sau cùng trầm trọng nhất, ngài đã chối Chúa ba lần. Còn thánh Phaolô không chỉ rơi vào sai lầm mà còn thù nghịch với Chúa và bắt bớ Hội Thánh. Với những lỗi lầm lớn lao như thế mà Chúa còn tuyển chọn các ngài làm nền tảng và cột trụ của Hội Thánh. Tại sao thế? Có 3 lý do
1.Chúa đặt hai thánh Phêrô và Phaolô làm đầu Hội Thánh, để ta hiểu rõ con người là yếu đuối lỗi lầm. Nhưng Thiên Chúa là nhân từ xót thương. Lịch sử nhân loại chính là lịch sử của lầm lỗi. Và cũng là lịch sử của lòng thương xót của Chúa. Con người luôn lỗi lầm phản bội. Nhưng Chúa luôn tha thứ cứu vớt. Đặt hai con người yếu đuối lầm lỗi làm đầu Hội Thánh để mọi người thấy rõ lòng nhân từ Chúa xót thương. Để Hội Thánh trở thành bí tích xót thương. Để các vị mục tử chăm sóc đoàn chiên bằng tình xót thương. Và để con người cũng biết xót thương nhau. Vì lòng thương xót là điều luôn cần thiết đặc biệt trong thời đại con người và xã hội có quá nhiều thương tích này. Đó chính là điều Đức Thánh Cha Phanxicô luôn kêu gọi chúng ta: “Hãy thương xót vì Thiên Chúa là Đấng thương xót”.
2.Chúa đặt hai thánh Phêrô và Phaolô làm đầu Hội Thánh, để ta thấy con người là mong manh yếu đuối. Nhưng Thiên Chúa là hùng mạnh uy dũng. Để ta biết Hội Thánh là cho con người. Nhưng là của Chúa. Vì thế  mà cửa hỏa ngục không phá được. Ta đã được chứng kiến Phêrô là con người rất mong manh dễ vỡ. Nhưng Phêrô trở thành đá tảng trên đó Chúa xây Hội Thánh vì Phêrô dựa vào sức hùng mạnh uy dũng của Chúa. Trong lịch sử ta thấy biết bao lần Hội Thánh lâm nguy tưởng chừng tan vỡ, điêu tàn. Nhưng rồi lại hồi phục với tất cả sức sống của tuổi thanh xuân. Kể cả khi những lỗi lẫm do chính nội bộ Hội Thánh gây ra. Chính vì thế biết bao lý thuyết và biết bao thế lực muốn tiêu diệt Hội Thánh đều đã qua đi. Nhưng Hội Thánh vẫn luôn tồn tại. Vì Hội Thánh tuy gồm những con người nhưng sống bằng sự sống và sức mạnh của Chúa.
3.Chúa đặt hai thánh Phêrô và Phaolô làm đầu Hội Thánh, để ta hiểu rằng Hội Thánh sống nhờ đức tin. Hôm nay sau khi thánh Phêrô tuyên xưng đức tin, Chúa đã khen ngợi thánh Phêrô. Và ngay tức khắc Chúa tuyên bố thiết lập Hội Thánh. Thực ra Hội Thánh được Chúa xây dựng không phải trên con người Phêrô yếu hèn. Nhưng xây trên đức tin của Phêrô. Chính đức tin vào Chúa làm cho Phêrô thành đá tảng vững mạnh. Chính đức tin mới làm Hội Thánh lớn mạnh. Vì khi sống đức tin ta sống nhờ Chúa. Lịch sử minh chứng đức tin xây dựng và phát triển Hội Thánh.
Trong Hội Thánh hoàn vũ, khi đạo vừa mới xuất hiện tại đế quốc Rôma, lập tức bị bách hại trong 300 năm. Chúa Giêsu vị sáng lập đã chịu xử tử. Các tông đồ, trừ thánh Gioan, tất cả đã bị xử tử. Nhưng lạ lùng càng bị bách hại số người tin Chúa càng gia tăng.  Sau 300 năm, khi hòa ước Trajano được ký vào năm 313 thì đạo đã tràn lan khắp chốn.
Trong Hội Thánh tại Việt nam cũng thế. Tin mừng đến Việt nam chính thức vào thế kỷ 17 thì lập các vua chúa liên tục bắt đạo trong 3 thế kỷ 17, 18 và 19. Có đến hằng trăm ngàn người bị giết chết. Bấy giờ đạo mới truyền vào. Số người theo đạo còn ít. Nhưng đã bị tàn sát như thế tưởng là đạo đã bị tuyệt diệt. Lạ thay càng bị giết thì người tin đạo càng đông. Sau khi hòa ước Giáp Tuất được ký vào năm 1862, thì đạo công giáo đã tràn lan khắp đất nước.
Các bài đọc hôm nay cho thấy Thiên Chúa sẽ ra tay giải thoát Hội Thánh. Người ta có thể bắt bớ tín hữu nhưng không thể bắt bớ Thiên Chúa. Có thể giam cầm thân xác nhưng không thể giam cầm đức tin. Có thể giết hại con người nhưng không thể tiêu diệt Hội Thánh. Trái lại càng bắt bớ tín hữu Thiên Chúa càng hoạt động mạnh mẽ. Càng giam cầm thân xác đức tin càng bừng cháy mãnh liệt. Càng giết hại con người, đạo giáo càng phát triển. Máu chứng nhân đổ ra sẽ làm hạt giống đức tin tràn lan và trổ sinh muôn vàn tín hữu. Xin kể một câu chuyện mới đây để minh họa.
Ngày 4-5-2014 vừa qua, tại giáo xứ Gia lạc, huyện Vũ thư, Thái bình,  Đức Cha FX Nguyễn văn Sang đã rửa tội cho hai cụ Giuse Phạm ngọc Thung và Têrêxa Nguyễn thị Mậu, 95 tuổi. Tại sao cụ Thung tin đạo? Cụ kể lại. Hơn nửa thế kỷ trước, đơn vị bộ đội của cụ giữ trật tự trong một buổi hành quyết một linh mục. Cụ thản nhiên chẳng nghĩ ngợi gì. Chỉ biết linh mục là người vô tội, chịu oan ức, và chết vì đoàn chiên. Cụ quên đi  theo năm tháng. Nhưng khi về già, nhất là sau khi đã chứng kiến nhiều ngang trái, giả dối, xấu xa trên đời, tự nhiên hình ảnh vị linh mục trở lại trong trí nhớ. HÌnh ảnh ngày càng sáng tỏ cho cụ thấy đây đúng là người tốt và đạo thật. Đó mới là điều làm cho đời sống này có ý nghĩa. Thế là cụ bắt đầu đi tìm đạo, yêu mến đạo. Hai cụ tâm sự với con cháu. Khiến cho cả các con các cháu ngày nay đều mong muốn được đón nhận đức tin. Hạt giống đức tin kỳ diệu thay. Sức sống của đức tin mãnh liệt thay.
Hôm nay mừng lễ hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, là Đá Tảng và Trụ Đồng của Hội Thánh, ta càng xác tín về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, về Sức Mạnh của Thiên Chúa và về Sức Sống của Đức Tin. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Hội Thánh và cho chính chúng ta được ơn Đức Tin. Khi có Đức Tin ta sẽ biết sống đạo và truyền đạo. Khi có Đức Tin ta sẽ có Sức Mạnh của Chúa. Khi có Đức Tin ta sẽ tin cậy vào Lòng Thương Xót của Chúa. Và khi có đức tin ta sẽ biết dùng Lòng Thương Xót mà đối xử với nhau.
Lạy hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô xin dạy con biết đi theo con đường đức tin của các ngài để biết tuyên xưng đức tin và loan truyền đức tin cho thế giới hôm nay.
TGM.Giuse Ngô Quang Kiệt