Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

CHA ĐẮC LỘ : MẪU GƯƠNG TRUYỀN BÁ ĐỨC TIN VỚI TINH THẦN SÁNG TẠO VÀ HỘI NHẬP VĂN HÓA


Dac-Lo
Quyên Di tuyển lọc tài liệu, hiệu đính và nhận định
Cùng với nhiều nhà truyền giáo khác, linh mục Alexandre de Rhodes (mà người Việt Nam gọi một cách thân kính là Cha A Lịch Sơn Đắc Lộ) đã đến Việt Nam rao giảng Tin Mừng vào thế kỷ thứ XVII.
TIỂU SỬ CHA ĐẮC LỘ
Cha Alexandre de Rhodes (A-lịch-son Đắc Lộ) sinh tại Avignon trong các lãnh địa của Giáo Hoàng năm 1593 (có tài liệu ghi là 1591). Cha gia nhập dòng Tên tại Roma năm 1612; được phụ phong linh mục năm 1618; năm sau (1619) Cha lên thuyền từ Lisbonne đi Ðông Dương. Cha đến Ma Cao năm 1623. Ngày 27-12-1624, Cha Đắc Lộ theo Cha Gabriel de Mattos vào hoạt động tại Đàng Trong, Việt Nam. Ngày 12-3-1627, Cha Đắc Lộ cùng với Cha Phêrô Marques xuống tàu rời Ma cao đi Đàng Ngoài. Tàu gặp bão lớn đánh giạt vào Cửa Bạng – Thanh Hoá đúng vào ngày Lễ Thánh Cả Giuse 19-3-1627 (x. Alexandre de RHODES, Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, B.d. Hồng Nhuệ). Đây là mốc điểm đánh dấu sự khai mở công cuộc truyền giáo chính thức tại Việt Nam. Cha cư ngụ tại đấy từ năm 1627 cho đến lúc bị trục xuất vào năm 1630. Sau mười năm sống ở Ma Cao (1630- 1640), Cha lại được gửi đến Ðàng Trong và điều hành vùng truyền giáo này. Cha cư ngụ ba đợt tại đây, từ năm 1640 đến năm 1645 là năm Cha vĩnh viễn bị trục xuất (ngày 03-07-1645). Cuối năm 1645, Cha lên tàu đi Âu châu để thảo luận về tương lai công cuộc truyền giáo Việt Nam. Sau đó, Cha được sát nhập vào đoàn truyền giáo dòng Tên của Ba Tư, cư ngụ tại Ispahan cho đến lúc qua đời vào ngày 5 tháng 11 năm 1660.
SỰ NGHIỆP TRUYỀN GIÁO
Cha Đắc Lộ đã truyền giáo cả ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Trong quá trình hoạt động truyền giáo, Cha đã tuyển chọn và huấn luyện những tín hữu ưu tú nhất trở thành những cộng sự viên đắc lực cho công cuộc truyền giáo. Cha tập hợp thành đoàn thể, giúp họ tuyên xưng ba lời khấn: Vâng lời, Khiết tịnh, Khó nghèo. Đây là tiền thân của tổ chức “Nhà Đức Chúa Trời” và là vườn ươm các linh mục bản xứ trong tương lai. Chính nhờ sự cộng tác đắc lực và hoạt động hiệu quả của các thầy giảng, mà sau 3 năm, số tín hữu Đàng Ngoài đã tăng lên 6,700 người. Trong khi đó, tại Trung quốc, 25 năm với 11 Cha Dòng Tên truyền giáo chỉ rửa tội được cho 2,500 người.
Nhờ có sự vận động tích cực của Cha, Đức Thánh Cha Alexandre VII đã ký sắc lệnh ngày 29-7-1658, cử hai Giám mục sang Việt Nam. Ngày 09-9-1659, Toà Thánh quyết định thành lập địa phận tại Việt Nam: Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Alexandre de Rhodes 7
CHA ĐẮC LỘ VỚI TIẾNG VIỆT VÀ CHỮ QUỐC NGỮ
Ngoài công lao đặt nền móng cho Giáo Hội Việt Nam, Cha Đắc Lộ cũng là người có công nhiều nhất trong việc hình thành chữ Quốc Ngữ hôm nay. Bốn tháng sau khi đến Việt Nam, Cha đã có thể giải tội bằng tiếng Việt, sáu tháng Cha giảng thông tiếng Việt. Khi mới đến Đàng Trong, Cha tưởng chừng “cái thứ ngôn ngữ khi nói nghe như tiếng chim hót ấy không thể học được”. Vậy mà, với lòng nhiệt tình tông đồ và trí thông minh, Cha đã cùng với các thừa sai và một số tín hữu bản xứ, cải biến chữ viết bằng cách dùng mẫu tự La Tinh để phiên âm Tiếng Việt.
Sau này học giả Dương Quảng Hàm viết những lời thán phục chữ Quốc Ngữ: “Ở trên hoàn cầu không có thứ chữ viết nào tiện lợi và dễ học dễ biết bằng thứ chữ ấy.” (Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, 1944, t.177). Bằng thứ chữ viết mới này, Cha Đắc Lộ đã biên soạn cuốn “Phép Giảng Tám Ngày” để dạy giáo lý cho người Việt Nam. Trong cuốn sách này, Cha đã khéo léo sử dụng nếp cảm nghĩ truyền thống của người Việt để diễn đạt nội dung Giáo Lý Đức Tin nhằm giúp người đón nhận dễ hiểu, dễ nhớ mà vẫn giữ được tính nguyên tuyền của Giáo Lý Giáo Hội Công giáo.
Cha Đắc lộ cũng là tác giả của nhiều tác phẩm quan trọng: Cuốn tự điển ba thứ tiếng Việt-Bồ-La, xuất bản tại Rôma, năm 1651; cuốn Văn Phạm Tiếng Việt; cuốnLịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài; cuốn Hành Trình và Truyền Giáo. Đây là những công trình rất có ích cho hoạt động truyền giáo tại Việt Nam. Ngoài ra, Cha Đắc Lộ còn là tác giả của bản tường trình về cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê Phú Yên, người học trò của Cha.
ĐIỂM ĐẶC BIỆT TRONG ĐƯỜNG LỐI RAO GIẢNG CỦA CHA ĐẮC LỘ LÀ TINH THẦN SÁNG TẠO VÀ HỘI NHẬP VĂN HOÁ
SÁNG TẠO TRONG VIỆC GÓP PHẦN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CHỮ QUỐC NGỮ
dictionnaire1aChữ Quốc ngữ là một món quà vô cùng quý báu mà các vị thừa sai Công giáo trao tặng dân tộc Việt Nam. Đây là một sáng tạo tuyệt vời: dùng các mẫu tự La Tinh và các dấu thanh (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) để ghi âm tiếng Việt, một thứ ngôn ngữ được diễn tả là “nghe như chim hót”.
Cha Đắc Lộ nhận định về tiếng Việt, đồng thời tóm tắt lý do và kết quả việc học tiếng Việt của mình như sau:
“Khi tôi vừa đến Nam Kỳ và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ra ngã lòng, vì nghĩ rằng, có lẽ không bao giờ mình học nói được một ngôn ngữ như thế. Thêm vào đó, tôi thấy hai Cha Emmanuel Fernandez và Buzomi, khi giảng, phải có người thông dịch lại. Chỉ có Cha François Pina là hiểu và nói được tiếng Việt, nên các bài giảng của Cha Pina thường đem lại nhiều lợi ích hơn là của hai Cha Fernandez và Buzomi. Do đó tôi tự ép buộc mình phải dồn mọi khả năng để học cho được tiếng Việt. Mỗi ngày tôi chăm chỉ học tiếng Việt y như ngày xưa tôi học môn thần học ở Roma. Và nhờ ơn Chúa giúp, chỉ trong vòng 4 tháng, tôi học biết đủ tiếng Việt để có thể giải tội và sau 6 tháng, tôi có thể giảng được bằng tiếng Việt. Kết quả các bài giảng bằng tiếng Việt lợi ích nhiều hơn các bài giảng phải có người thông dịch lại.”
Cha Đắc Lộ không phải là người đầu tiên dùng mẫu tự Latin để ghi âm chữ Quốc Ngữ. Trong “Lời Mở Đầu” cuốn Tự Điển Việ-Bồ-La, Cha xác nhận: “Trong công việc nầy, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô-sinh và Đông-kinh, thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ Đào, thuộc hội dòng Giê-su rất nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng nầy, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspa de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu từ tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ-đào, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La-tinh…”
Về việc Cha Đắc Lộ học tiếng Việt với người bản xứ, tài liệu ghi như sau:
Đầu năm 1625, Cha Alexandre cùng với 4 Cha dòng Tên khác và một tín hữu Nhật-Bản, cập bến Hội-An, gần Đà-Nẵng. Cha bắt đầu học tiếng Việt và chọn tên Việt là Đắc-Lộ. Thầy dạy tiếng Việt cho Cha là một thiếu niên trạc tuổi 10-12. Đây là một cậu bé thông minh. Cha Đắc-Lộ vô cùng mộ mến khi nói về vị thầy tí hon này:“Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ Châu Âu, thế mà, cũng trong vòng 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc học viết tiếng La-tinh và đã có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu bé. Sau đó, cậu trở thành thầy giảng giúp việc các Cha truyền giáo và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của thầy và nơi vương quốc Lào láng giềng”.
Tuy không phải là người đầu tiên sáng chế chữ Quốc Ngữ, nhưng Cha Đắc Lộ đã đóng góp một phần rất lớn vào việc chuẩn hoá thứ chữ này. Đặc biệt, Cha là tác giả hai quyển sách đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ, đó là quyển “Tự Điển Việt-Bồ-La” và quyển “Phép Giảng Tám Ngày” (như đã nói ở phần trên.) Để in được hai tác phẩm này, nhà in phải đúc một bộ chữ mới, trong đó có những chữ cái đặc biệt của chữ Quốc Ngữ, như Ă, Â, Đ, Ê, Ô, Ơ, Ư và các dấu thanh sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Chính vì thế, mỗi khi nói đến chữ Quốc Ngữ, người ta không thể nào không nhắc đến Cha Đắc Lộ.
SÁNG TẠO TRONG CÔNG CUỘC DẠY GIÁO LÝ
Thành lập Hội Thầy Giảng: đội ngũ giáo lý viên
Qua kinh nghiệm ở Nhật, khi tới Việt Nam, các Cha Dòng Tên đã dùng tông đồ giáo dân. Trong giai đoạn đầu ở Đàng Trong, Cha Buzomi đã tổ chức Hội Thầy Giảng. Tuy nhiên, phải chờ tới khi Cha Đắc Lộ đến truyền giáo ở Đàng Ngoài (1627-1630), Hội Thầy Giảng mới hoàn thành và hoạt động mạnh.  Hội này thu nhận các thanh niên tình nguyện suốt đời giúp các giáo sĩ lo việc truyền giáo, với những lời khấn đặc biệt, để có thể giúp việc một cách tích cực và hữu hiệu hơn. Việc thu nhận và và huấn luyện các Thầy Giảng cũng được thực hiện một cách cẩn thận. Trong số các ứng viên, Cha Đắc Lộ đã tuyển chọn các cựu tu sĩ Phật giáo, các nho sĩ là những người thông thạo văn hoá của dân tộc. Cha cũng bắt buộc các thanh niên còn ít tuổi phải học Tứ Thư Ngũ Kinh thì mới được nhận làm Thầy Giảng. Vai trò của các Thầy Giảng rất quan trọng trong thời kỳ này. Các Thầy sống gần gũi với vị thừa sai, có lời khấn hứa để sống một đời sống đặc biệt như một cộng đoàn tu sĩ. Họ được huấn luyện kỹ lưỡng, có thể ban bí tích rửa tội khi không có vị thừa sai. Để được huấn luyện, các Thầy thường đi theo các vị truyền giáo và theo các lớp giáo lý các vị này dạy các người dự tòng. Đây là Hội Thầy Giảng được Cha Đắc Lộ thành lập ở Đàng Ngoài và Đàng Trong. Hội có nội quy, đường lối đào tạo, lời khấn công khai. Nhờ Hội này, nhiều cộng đoàn đầu tiên đã giữ vững đức tin và phát triển. Trong thời gian cấm cách, các Thầy đã thay thế các Linh Mục, làm mục vụ cần thiết. Thầy Giảng Chân Phước Anrê Phú Yên, người tử đạo đầu tiên, là gương sáng cho người trẻ Việt Nam.
anreCha Đắc Lộ là một nhà truyền giáo, một tông đồ nhiệt thành, một nhà giảng giáo lý và tổ chức phụng thờ nghi lễ vừa bình dân vừa sốt sắng. Ngoài ra, Cha còn là một nhà lãnh đạo có tài tổ chức. Giáo đoàn có nhiệt tâm, nhưng nếu không có người lãnh đạo để chỉ dẫn thì giáo đoàn ấy không có cơ phát triển. Lúc này chỉ có các giáo sĩ ngoại quốc, chưa có linh mục bản xứ. Vì vậy việc tốt nhất là huấn luyện một lớp thầy giảng người bản xứ, trao cho họ một số nhiệm vụ, như dạy giáo lý, chuẩn bị cho người chịu phép rửa tội. Họ là những cộng tác viên rất đắc lực của nhà truyền giáo, vì họ là người Việt, biết phong tục của dân tộc, nói tiếng bản xứ, dễ dàng đi lại tiếp xúc mà không bị nghi ngờ.
Trong số những người được chọn và được huấn luyện thì có người có học, hoặc đã là thầy đồ dạy học, đã là thầy sãi. Khi họ theo đạo thì được Cha Đắc Lộ giảng dạy giáo lý và cho đi thực tập tại chỗ, nghĩa là đi theo giáo sĩ. Đàng Ngoài, có mấy thầy chính yếu là Phanchicô, Anrê, Inhaxu và Antôn.
Phanchicô là một thầy sãi, một người thành tâm tìm đạo lý, nhưng sau khi nghe Đắc Lộ rao giảng thì liền bỏ đền chùa miếu mạo mà theo đạo. Ông cũng tò mò xin đến ở nhà giáo sĩ trú trọ, không phải để theo mà để xem các giáo sĩ ở đây có giữ những lời các ông dạy hay không. Khi thấy không những các giáo sĩ giữ mà còn giữ nghiêm khắc hơn lời giảng dạy, lúc đó ông mới thú nhận và xin làm người trợ giúp. Ông được đặt làm trưởng đoàn các thầy giảng. Phần 2 chương 19 trong Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài có nói tới cuộc trở lại của ông. Khi Cha Đắc Lộ lên đường để trở về Macao thì đem theo Phanchicô cho tới khi đến bến tàu. Phanchicô ngỏ lời muốn theo thầy của mình về Macao nhưng Cha Đắc Lộ khuyên nên ở lại, vì giáo đoàn cần đến thầy.
Antôn là một thanh niên cường tráng, anh đã tự nguyện làm người giúp việc trong cộng đoàn. Sau được đi theo Cha Đắc Lộ trong hành trình vào Thanh Nghệ năm 1629. Cũng thế, Inhaxu cùng đi thuyền với Cha Đắc Lộ khi bị trục xuất. Trên thuyền, vào buổi tối Inhaxu vì có tài thơ phú nên đã ca hát cho vui, và cũng là cơ hội tuyên truyền các giáo lý cơ bản.
Trước khi trở về Macao năm 1630, Cha Đắc Lộ đã tổ chức một lễ tuyên thệ long trọng và cảm động. Các thầy đặt tay trên sách Phúc âm và thề ba điều, một là giữ luật độc thân, hai là không giữ của cải riêng cho mình, ba là phải vâng lời thầy trưởng đoàn cho tới khi nào có các Cha dòng tới. Phanchicô đọc lời thề trước hết rồi đến Anrê và Inhaxu, sau cùng là Antôn.
Đó là ở Đàng Ngoài, còn ở Đàng Trong thì Cha Đắc Lộ cũng cho tổ chức hội các thầy giảng tương tự như thế. Đoàn thể các thầy giảng gồm có Anrê, Inhaxu, Vinh sơn và 7 người khác, rồi sau cùng thêm hai người nữa, làm thành 12. Anrê là người chứng thứ nhất, tử đạo tháng bảy năm 1644 trước mặt người Cha, người thầy và người anh là Cha Đắc Lộ. Nhưng người nổi tiếng nhất là thầy Inhaxu (I-nhã) “trước kia làm quan, một trong những viên quan thời danh nhất và giỏi giang nhất trong phủ chúa”. Cha Đắc Lộ nói nhiều về thầy, vì thầy được trao cho những nhiệm vụ quan trọng, đưa phái đoàn lên miền Bắc giảng dạy thay Đắc Lộ; thầy đứng ra tranh luận với một “tuyên úy” của Tống Thị và vì thế bị bà này căm thù và bị lên án tử hình. Mấy lần bị bắt và bị tra hỏi, thầy vẫn cương quyết giữ vững niềm tin.
Cũng như khi còn ở Đàng Ngoài, Cha Đắc Lộ đã làm lễ tuyên thệ cho các thầy giảng, thì ở Đàng Trong, ngày 31 tháng 7 năm 1643, đúng ngày lễ thánh tổ I-nhã, Cha Đắc Lộ đã cho đoàn thể các thầy giảng tuyên thệ. Trước khi rời Đàng Trong, Cha Đắc Lộ đã ghi trên giấy những lời dạy dỗ và cắt đặt I-nhã làm trưởng đoàn. I-nhã và Vinh-sơn đã chết tử vì đạo thời chúa Nguyễn Phúc Lan ngày 22 tháng 6 năm 1646, chung quy cũng chỉ do lòng thù ghét của một người đàn bà nhân tình nhân ngãi của Phúc Lan. Trong Hành Trình và Truyền Giáo, Cha Đắc Lộ viết về cái chết vinh quang của hai thầy. Còn Saccano là người tới Đàng Trong. Sau khi Cha Đắc Lộ về Macao, nói tới cuộc tử đạo của hai người trong cuốn Tường Trình về Xứ Đàng Trong xuất bản tại Paris năm 1653, Saccano đã dành hai chương nói tóm tắt về cuộc đời thầy giảng I-nhã và thầy giảng Vinh-sơn. Bản tường trình được viết tại Đàng Trong năm 1646.
Như vậy là vào thời Nguyễn Phúc Lan ở Đàng Trong đã có ba thầy giảng chịu chết vì đạo: An-rê (Phú Yên), I-nhã (Vinh Nghệ Tĩnh) và Vinh-sơn (Quảng Ngãi).
Tổ chức các thầy giảng được duy trì mãi cho tới năm 1954 là năm có cuộc di cư lớn lao làm xáo trộn các quy chế nhà đạo.
Sách Giáo Lý “Phép Giảng Tám Ngày”
giao-si-dac-lo
“Phép Giảng Tám Ngày” là một quyển toát yếu Giáo Lý Công Giáo. Tín lý Công giáo được thu gọn nhưng đầy đủ mọi điều quan trọng để trở thành những bài giảng, giảng trong tám ngày là hoàn tất. Đây là một sự sáng tạo tuyệt vời, vì quyển sách đáp ứng đúng nhu cầu giảng và học giáo lý trong buổi sơ khai của giáo hội Việt Nam. Nó dễ dạy, dễ hiểu, dễ học, dễ nhớ và dễ áp dụng.
Cuốn giáo lý Phép Giảng Tám Ngày trình bày những điều cần thiết để giúp các Thầy Giảng đọc trước, tìm hiểu thêm và rồi đem ra dạy dỗ những người dự tòng, cũng như dùng trong các lớp giáo lý khác. Hình thức và nội dung của nó ngắn gọn, có 8 ngày, đi từ những điểm giáo lý liên hệ tới con người, nguồn gốc, số phận và cùng đích của con người; rồi bàn về sự hiện hữu của Thiên Chúa; nói tới thiếu sót của một số nền luân lý và niềm tin của con người đương thời trong xã hội Việt Nam thời đó. Tiếp theo cuốn giáo lý trình bày về cuộc đời Chúa Cứu Thế. Sau cùng sách giáo lý trình bày về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi và các sự sau (tứ chung). Hình thức giảng trong 8 ngày, có lẽ là hình thức linh thao ngắn gọn mà mỗi tu sĩ Dòng Tên theo để cấm phòng mỗi năm. Cha Đắc Lộ ưa dùng những hình ảnh, đi từ những sự kiện trong dân gian để rồi đưa tới giáo lý của đạo Công Giáo. Ngoài ra còn có thêm các điểm cụ thể của hoàn cảnh Việt Nam thời đó, như biện minh giáo lý Công Giáo trước các điều giáo huấn của Phật Giáo, Lão Giáo hay Khổng Giáo, hay niềm tin dân gian thường ngày.
Trong cách giảng giáo lý – cách nói khác của truyền bá Đức Tin – Cha Đắc Lộ còn tận dụng mọi hoàn cảnh, sáng tạo nhiều phương thức để người nghe giảng hiểu được và chấp nhận các bài giáo lý một cách hứng khởi, cũng như hiểu được các bí tích một cách đơn sơ nhưng chính xác.
Vận dụng hiểu biết về khoa học
Để thuyết phục người nghe, Cha đã khéo vận dụng sự hiểu biết về khoa học, và toán học phổ thông.
Năm 1627, trong những lần đầu Cha gặp chúa Trịnh, Cha đã trình bày cho vua, chúa và triều đình về khoa học thường thức, thiên văn thời tiết, toán học phổ thông, ngay cả việc sử dụng máy móc thông dụng. Nhờ vậy Cha đã gây được cảm tình nơi quan lại trong triều. Ngay dịp này, trong triều có người xin trở lại. Vài năm sau, thấy Cha được nhiều người mộ mến, chúa Trịnh lại tìm cách trục xuất Cha ra khỏi Đàng Ngoài. Cha phải lén lút giảng đạo ở Nghệ An. Nhờ Cha đã cắt nghĩa rõ ràng về ngày giờ nhật thực, nên Quan trấn thủ ở đây rất quý mến Cha, lại còn bênh vực Cha khỏi những lời vu khống. Chính ông xác nhận : “Nếu họ (các thừa sai) tiên đoán rất chắc chắn và xác thực về những bí mật trên trời và các tinh tú chúng ta không biết, và vượt quá khả năng của chúng ta, thì phải tin rằng họ không lầm trong sự nhận biết Đạo Chúa Trời Đất, và những chân lý họ rao giảng. Mặc dù những chân lý ấy rất xa lạ với tâm lý chúng ta và không dễ cho chúng ta am hiểu.” Kết quả, trong vòng 8 tháng, các Cha rửa tội được hơn 600 người. (Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài. Hồng Nhuệ. tr. 55)
Dùng tiếng Việt để giảng dạy
Không phải thừa sai nào cũng nói thạo được tiếng Việt. Thời đó đã có thông dịch viên đi bên cạnh các thừa sai. Trước kia như Cha Baldinotti không nói được tiếng Việt, đành bỏ về. Nên Cha Đắc Lộ được đề cử thay. Cha chăm chỉ học tiếng Việt và nêu ra lý do muốn truyền giáo cho người Việt phải biết tiếng địa phương. Cha quả quyết rằng hiệu quả của việc trình bày các mầu nhiệm trong ngôn ngữ của họ, thì vô cùng lớn lao hơn khi giảng bằng thông ngôn. Thông ngôn chỉ nói điều mình dịch, chứ không sao nói với hiệu lực của lời từ miệng người truyền đạo có Thánh Thần ban sinh khí. (Hành trình Truyền Giáo. Hồng Nhuệ, tr. 56)
Cha còn nhận xét: nếu chưa thông thạo tiếng Việt, vì chưa phân biệt các dấu khác nhau trong tiếng Việt, nên có thể xẩy ra ngộ nhận về ý nghĩa. Muốn nói sự thánh thiện lại hoá ra nói tục tằn. Cho nên người rao giảng Lời Chúa phải rất cẩn thận. Để không làm cho Lời Chúa thành ngộ nghĩnh, đáng khinh bỉ. (Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài. Hồng Nhuệ. tr.71)
Đáp ứng đúng tâm lý và nhu cầu của người nghe
Cha Đắc Lộ nhạy bén trước những nhu cầu, tâm lý của người nghe. Các bài giảng trở thành bài giáo lý linh hoạt và uyển chuyển. Lương dân, trước nay vốn có ý niệm sẵn về “hồn không bao giờ chết” hay “Ông Trời có quyền phép”. Bài học giáo lý của Cha bắt đầu bằng dẫn chứng từ ánh sáng tự nhiên, dẫn đến mầu nhiệm trong Đạo; như: linh hồn bất tử, sự sống lại đời sau, bản tính Thiên Chúa, Thiên Chúa quan phòng… dần dần đi đến những điều khó hiểu.
Ngày 19-3-1627, lễ thánh Giuse, Cha Đắc Lộ và Cha Petro Marquez đến Cửa Bạng, Thanh Hoá, thuộc Đàng Ngoài. Mở đầu hành trình truyền giáo. Dân chúng kéo đến xem đông. Cha liền mở hàng hoá cho họ xem và nói Cha còn thứ hàng hoá quý và rẻ hơn. Đó là đạo thật, đường thật, ban hạnh phúc. Cha sẵn sàng biếu không. Trong bài giảng này, Cha không dùng chữ “Thiên Chúa” cũng không dùng “Chúa trời”, mà nói “đức Chúa trời đất”. Chữ ‘‘đức’’ làm tôn giá trị tuyệt đối của “Chúa trời đất”. Vì trong cung điện, trong phủ người ta vẫn phải nói đức vua, đức chúa. Thì nay, Cha rót vào tai người nghe danh thánh Thiên Chúa là “đức Chúa trời đất”, dễ hiểu hơn. Hơn nữa, tại Việt Nam có nhiều đạo: đạo Khổng, đạo Lão, đạo Phật, đạo Tổ Tiên… Nhưng đây là đạo thánh, chứ không phải đạo thường. Cho nên, phép giảng giúp cho người muốn chịu phép rửa tội để vào đạo Thánh đức Chúa trời.
Sau bài giảng, Cha thúc giục người nghe động lòng thương mến và thờ lạy đấng đã vì loài người mà chịu chết trên thập giá. Cha Đắc Lộ đã hiểu người Việt Nam phân biệt trời là trời, người là người, thượng đế cao vời xa xôi. Như thế, họ khó công nhận Thiên Chúa chết như phạm nhân. Nên Cha đã nhấn mạnh đến những sự lạ sau khi Chúa bị đóng đinh, rồi người ta đốt nến sốt sắng cung kính.
Sau đó, Cha Đắc Lộ chỉ vào thánh giá, hỏi người nghe, và nói tới ba lần: “Này là Người, Chúa Trời đã chết vì bạn.” Rồi thúc giục người đối diện, hãy coi tay thánh, xem chân rất thánh, coi sườn đức Chúa trời, và ngắm mặt xưa gồm mọi sự tốt lành.
Ngay trong mẻ lưới đầu tiên Cha Đắc lộ kéo tại Cửa Bạng đã thu được thắng lợi lớn. Ba mươi hai con cá đủ loại. Theo báo cáo của Antôn Phanxicô Cardim (1595 –1659) về tình hình Đàng Ngoài thì trong số đó có: một con trai của một trong những vị quan chính yếu của địa phương này; một vị lão thành nhà nho và một người quý phái; thậm chí có cả vị sư chùa gần đó cũng xin được rửa tội  và lôi kéo theo nhiều đồ đệ của mình theo đạo. Như vậy, Thiên Chúa đã chuẩn bị mảnh đất tâm hồn để cuối cùng Ngài sai người gieo giống đến (x. Nguyễn Khắc Xuyên, Để Hiểu Lịch Sử Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam đầu thế kỷ XVII, NXB Ánh Sáng, 1994).
Quan tâm đến phong tục tập quán địa phương
Đây là điểm quan trọng, tức là hội nhập văn hoá.
Cha Đắc Lộ luôn tôn trọng và giữ phong tục tập quán của người Việt Nam, đồng thời đưa ra những thích ứng phù hợp. Những tập tục dị đoan của ba Ngày tết Việt Nam được thay bằng nghi thức kính Ba Ngôi Thiên Chúa. Thay vì cắm cây nêu, Cha đã dựng cây Thánh Giá. Những nghi lễ Công Giáo được tổ chức mang mầu sắc phù hợp với tâm tình Việt Nam hơn. Ngày nay chúng ta còn giữ lại một số truyền thống như làm phép nến, dùng cành ô-liu trong ngày lễ Lá, ngắm Thương Khó Chúa Giêsu vào mùa Chay. Cha khuyến khích giáo hữu sáng tác thơ nhạc, giới thiệu Thiên Chúa cho người khác.
THÀNH QUẢ TRUYỀN GIÁO CỦA CHA ĐẮC LỘ
CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN (+ 26/7/1644)
anre-phu-yen-2Một trong những công việc mà Cha đắc Lộ quan tâm, đó là vấn đề đào tạo. Cha đã đào tạo nhiều thầy giảng, trong đó có thầy Anrê quê ở Phú Yên.
Cha Bùi Đức Sinh viết : “Giáo đoàn xứ Nam cho đến lúc này có thể nói là được sống trong cảnh thái bình, tuy đôi khi còn bị tấn công khá ác liệt, nhưng chưa bao giờ đi đến đổ máu, nghĩa là chưa có vị tử đạo làm nhân chứng cho Tin Mừng. Chúa đã dành vinh dự đó cho một thầy giảng trẻ mới 19 tuổi, người quê ở thị xã Ram-An (Raran) phủ Phú Yên, trấn Quảng Nam.
Tháng 7/1644, Tống thị – một dâm phụ, được Thượng vương coi như chính phi… (sau này vì làm nhiều điều gian ác, bà đã bị trảm quyết) của triều Thượng vương ra lệnh cho quan trấn Quảng Nam bắt giam thầy Inhaxu và tìm cách phá đạo, phá công việc của Cha Đắc Lộ.
Quan trấn vốn có tiếng là người ghét đạo, đã nhiều phen làm nhà truyền giáo phải điêu đứng. Vừa ở vương phủ về, ông ra lệnh bắt giam cụ Anrê, vị quan đã minh chứng đạo ở Hải Phố trước đây. Rồi ông sai lính đến vây nhà Cha Đắc Lộ ở Hải Phố để bắt thầy Inhaxu.
Cha Đắc Lộ và các thầy, sau một thời gian đi thăm bổn đạo ở Đồng Hới và thủ phủ Kim Long, đã trở về Quảng Nam, định mở đầu việc rao giảng Tin Mừng cho vùng này. Sau khi tạt qua thăm nhà ở Hải Phố, Cha lên thị trấn, muốn dùng phép xã giao đến chào thăm quan trấn, hy vọng nhờ đó ông cho dễ dãi cho việc truyền giáo. Không ngờ lại gặp chính lúc con người thù ghét đạo đang mưu toan phá công việc của Cha. Khi đến cửa dinh quan, Cha mới được người Bồ Đào Nha cho hay biết điều đó, và họ khuyên Cha nên cho các thầy di tản vào các họ đạo.
Khi lính bủa vây nhà Cha Đắc Lộ để bắt thầy Inhaxu, thì thầy vừa ra khỏi nhà. Lính tức giận, bắt trói thầy Anrê đang có mặt đấy điệu đi, sau khi lục soát nhặt nhạnh và tịch thu ảnh tượng trong nhà. Thầy Anrê ở nơi khác mới đến, được Cha Đắc Lộ cắt đặt ở lại săn sóc bốn thầy đau yếu. Khi ngược sông trở về thị trấn, thuyền lính gặp thuyền của Cha Đắc Lộ và các thầy, họ hỏi thăm có gặp Cha Đắc Lộ và thầy Inhaxu không.  May trời nhá nhem tối, họ không nhận ra Cha và nhiều thầy trong thuyền.
Khi về tới thị trấn, quan ra lệnh tống giam thầy Anrê. Bước vào ngục, thầy gặp cụ Anrê mới bị bắt ban chiều. Hai người suốt đêm chia sẻ niềm an ủi do cùng một lòng tin, mong đợi đến sáng để được dâng lễ hy sinh, cùng nhau hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Vừa tảng sáng, quan trấn ra lệnh dẫn hai tù nhân lên dinh, và để cho có hình thức công lý, ông cho lập toà án. Nhưng không cần điều tra tội vạ, ông tuyên bố ngay án xử tử cả hai.
Sáng hôm ấy, Cha Đắc Lộ đến dinh quan trấn. Biết chuyện, Cha nhất định cùng với một số người Bồ đang buôn bán ở đó, vào xin quan trấn cho rút án lại. Là những người được Thượng vương kính nể, đang tìm cách giữ mối giao hảo để mua súng ống đạn dược, Cha và những thương gia Bồ tìm hết cách để yêu cầu quan trấn tha cho hai người vô tội; có lúc đã đi đến đe dọa, nhưng ông nhất định không nhượng bộ. Cuối cùng, ông bằng lòng rút án cho cụ Anrê vì có gia đình con cái, còn thầy Anrê, theo như ông nói: “cứng đầu cứng cổ đã dám thưa với ông rằng: dù có chết cũng nhất định không bỏ tên người có đạo, vì thế phải y án, để cho dân chúng biết phép chúa mà trọng.”
Không thể cứu thầy Anrê, Cha Đắc Lộ chỉ biết đến bên thầy trong giờ phút cuối cùng để giúp thầy tín thác vào lòng thương xót của Chúa, với cả tinh thần dũng cảm làm chứng cho Tin Mừng.
Khi lên đường chịu xử, thầy xưng tội lần chót rồi quỳ cầu nguyện chờ đợi. Một tên lính đứng sau cầm giáo đâm thầy một nhát mạnh. Thầy âu yếm nhìn Cha Đắc Lộ như gửi lời chào vĩnh biệt, Cha làm dấu bảo thầy nhìn lên Trời, nơi Chúa đang chờ đợi để trao triều thiên tử đạo cho thầy. Rút giáo ra, tên lính đâm nhát thứ hai, rồi thọc tìm trái tim, đâm nhát thứ ba. Thầy Anrê vẫn quỳ ngay ngắn, mắt nhìn về Trời. Thấy thế, một tên lính khác vung đao chém cổ thầy, đầu đứt rơi về phía phải, chỉ còn dính lại một chút da cổ. Chính lúc đó, Cha Đắc Lộ nghe rõ tiếng kêu tên cực trọng Chúa Giêsu và xác ngã gục xuống đất. Ngày đó là 26/7/1644…
Thi hài của đấng tử đạo được đưa xuống thuyền của Cha Đắc Lộ ở Hải Phố. Người ta mở quan tài ra để tắm rửa và ướp muối.
Khi Cha Đắc Lộ vĩnh biệt xứ Nam về Macao, Cha đã đem theo thi hài vị tử đạo. Thuyền Cha Đắc Lộ gặp bão lớn ở phía bắc đảo Hải Nam, nhiều tàu bè bị đắm, riêng thuyền của Cha thoát nạn về tới bến bình an. Thi hài thầy Anrê được chôn táng trong nhà thờ dòng Tên.
Cuối năm 1645, khi về châu Âu, Cha Đắc Lộ đã đem đầu thầy sang Rôma, còn thân giữ lại ở Macao. Khi lên án xử tử thầy Anrê, quan trấn Quảng Nam đồng thời cũng ra lệnh trục xuất Cha Đắc Lộ…” (sđd 186-189).
GIÁO HỘI VÀ HÀNG GIÁO PHẨM VIỆT NAM
Cha Bùi Đức Sinh viết : “Cha Đắc Lộ tuy phải rời khỏi xứ Nam (1645), nhưng vẫn ôm mộng thấy xứ truyền giáo này có Giám Mục và một hàng giáo sĩ bản quốc; Cha lại được Đức Thánh Cha Innocentê X (1644-1655) ủy thác cho công việc tìm kiếm những giáo sĩ có thể gánh vác chức vụ này và những thừa sai tình nguyện. Cha đi nhiều nơi trong nước Ý, nhưng thất bại. […].
Năm 1653, Cha tới Paris, được giới thiệu đến gặp nhóm ‘Giáo sĩ trẻ’ gồm nhiều linh mục trẻ tuổi và đại chủng sinh, thường hội với nhau để cầu nguyện và học hỏi. Người hướng dẫn nhóm là linh mục Francois Pallu […].
Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin nghe biết, và thừa lệnh Đức thánh Cha Innôcentê X, đã truyền cho Sứ Thần Toà Thánh ở Paris chọn ba linh mục trong số tình nguyện, để đưa lên chức Giám mục. Một trong các linh mục được chọn là Francois Pallu […]. Tháng 7/1653, các linh mục tình nguyện được sai đi soạn một kiến nghị hưởng ứng chương trình Đông Á của Toà Thánh […].
Ngày 17/8/1658, Toà Thánh bổ nhiệm Cha Francois Paullu làm Đại Diện Tông Toà. Cũng ngày ấy, vì biết rõ khả năng và đức độ của Cha Pierre Lambert de la Motte, … Toà Thánh chọn Cha Pierre làm Đại diện Tông Toà thứ hai cho chương trình Đông Á.
Ngày 17/11/1658, Đức Cha Pallu được tấn phong giám mục hiệu toà Heliopolis tại vương cung thánh đường thánh Phêrô do Đức hồng y Antonio Barberini tổng trưởng Thánh bộ Truyền Bá.
Đức Cha Lambert cũng được tấn phong giám mục hiệu toà Berythe tại nguyện đường dòng Thăm Viếng ở Paris do Đức Tổng giám mục Tours ngày 11/6/1660…
Ngày 9/9/1659, Đức thánh Cha Alexandrô VII ký đoản sắc tuyên bố thiết lập hai địa phận Đàng Ngoài (gồm cả Ai Lao và các tỉnh miền Nam Trung Quốc) và Đàng Trong (gồm cả Chiêm Thành, Cao Miên và Thái Lan) ở Việt Nam… (sđd 232-235).
Vì Đức Cha Pallu không vào được Đàng Ngoài nên ngài trao quyền địa phận cho Đức Cha Lambert de la Motte từ đầu năm 1665.
haiDucha
Công đồng Dinh Hiến
“Ngày 14/02/1670, Đức Cha Lambert họp Công Đồng thứ nhất Bắc Hà (Đàng Ngoài) tại Dinh Hiến (Phố Hiến) thuộc trấn Sơn Nam. Dinh là khu vực dinh thự quan trấn, Phố là khu vực buôn bán. Thực tế, Công Đồng họp dưới tàu đậu trên sông Cái (sông Hồng) cạnh Dinh Hiến. Trấn hay tỉnh Sơn Nam, gọi tắt là xứ Nam, bấy giờ gồm các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên và Thái Bình sau này. Thủ phủ của Sơn Nam là Phố Hiến.
Tham dự Công Đồng có Cha chính Deydier, hai thừa sai Pháp De Bourges và BouChard, và chín linh mục Việt là các Cha Biển Đức Hiền, Gioan Huệ và bảy tân linh mục.
Công Đồng có mục đích phổ biến những nghị quyết của Toà Thánh về trách nhiệm và quyền bính của các vị Đại diện Tông Toà, tổ chức các mặt sinh hoạt tôn giáo trong địa phận, như phương pháp truyền đạo, cắt cử các linh mục, tuyển mộ chủng sinh, cũng như đựa ra nhiều chỉ thị về việc ban phát các bí tích.
Công Đồng chính thức nhận thánh Giuse làm Bổn Mạng Giáo Hội xứ Bắc. “Patron de ce Royaume” nếu hiểu nghĩa hẹp thì chỉ là xứ Bắc, nhưng nếu hiểu theo nghĩa rộng thì phải hiểu là cả xứ Bắc lẫn xứ Nam. Một bản Huấn thị gồm 33 điều, phần nhiều giống như bản “Huấn thị” Juthia (1644), chỉ sửa đổi cho thích hợp với sinh hoạt địa phương.
Công Đồng quyết định chia địa phận Đàng Ngoài thành chín hạt và nhóm họp hội nghị hằng năm. “Công Vụ Công Đồng Dinh Hiến” được Đức thánh Cha Clêmentê X châu phê trong Tông chiếu “Apostolatus Officium” ngày 23/12/1673.  […].
Thành lập Dòng nữ Mến Thánh Giá
1
Sau Công Đồng, Cha chính Deydier giới thiệu với Đức Cha hai nhóm trinh nữ sống từ lâu (ở Kiên Lao và Bái Vàng). Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng tại chỗ, nhằm lễ Tro 19/2/1670, Đức Cha Lambert quyết định ban sắc chính thức thành lập dòng nữ Mến Thánh Giá tại Kiên Lao (Nam Định) và Bái Vàng (Hà Nam), cùng nhận thánh Giuse làm bổn mạng.
Thành lập dòng nữ này là Đức Cha đã đạt được ước mơ từ năm1657, khi đến Anncy và cầu nguyện lâu giờ trước mộ thánh Phanxicô Salêsiô và nữ thánh Gioanna de Chantal là hai vị sáng lập dòng Thăm Viếng.
Người được ơn soi sáng để nhận thấy: trong tay Hội Thánh Công Giáo, linh mục và nữ tu là hai nguồn mạch tuôn đổ đức tin và đức ái xuống cho một đất nước…
Cũng ngày 19/02, Đức Cha Lambert trao cho các nữ tu Mến Thánh Giá một hiến pháp, đã được soạn tại Juthia. Và tại Kiên Lao, Đức Cha đích thân nhận lời tuyên thệ của hai nữ tu tiên khởi: chị Inê và chị Paola..” (sđd 260-263).
Một bản Huấn Thị (Monita) của Công Đồng Juthia được ban hành:
“Công Đồng mời gọi các thừa sai phải cảnh giác trước đời sống buông thả, và tập trung nỗ lực vào đời sống cầu nguyện và chiêm niệm. Các thừa sai biết việc, biết người, quen thuộc ngôn ngữ, phong tục, nhưng phải khước từ những phương thế và thủ đoạn nhân loại để đạt lý tưởng.
“Các thừa sai phải trình bày Lời Chúa với một khoa sư phạm thích hợp cho từng lớp tuổi và từng giai đoạn, nhất là nên thận trọng đừng làm phật lòng các tôn giáo bạn.
“Trong tổ chức nội bộ giáo xứ, các thừa sai nên đề cử ông trùm, ông câu, ông biện và một số bà hộ sinh, với nhiệm vụ rửa tội cho trẻ sơ sinh nguy tử, để không trẻ nào chết mà không được rửa tội. Đời sống tu đức được đề nghị cho các linh mục địa phương là một nền linh đạo tập trung vào mầu nhiệm Chúa Kitô chịu đóng đinh” (sđd 244).
Trong tất cả những bước tiến của Giáo Hội Công Giáo và Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, Cha Đắc Lộ đã góp một phần không nhỏ.
HỘI NHẬP VĂN HOÁ
TruyenGiaoAC_1_0_0Đối với Cha Đắc Lộ, khi mới tiếp xúc với miền Á Đông, mọi sự đều khác lạ. Một số người Tây phương đã tỏ thái độ miệt thị khinh bỉ dân bản xứ. Trái lại, với tâm hồn quảng đại, Cha Đắc Lộ đã quan sát kỹ lưỡng, tìm hiểu ý nghĩa cao đẹp của các tập quán. Cha đã cảm phục và nhìn nhận những tinh hoa, những cái tốt đẹp trong thuần phong mỹ tục của Việt nam. Cha rất am tường tinh thần đạo đức và tín ngưỡng đặc biệt của dân tộc Việt nam. Cha chỉ đề cao Niềm Tin cổ truyền ở một Vị Thần Siêu Việt hơn hết mọi người, mọi vật mà dân chúng thường kêu xin là “Ông Trời”. Cha cũng đã khen ngợi: lòng Hiếu Thảo của người Việt Nam hơn mọi dân nước trên thế giới. Có thể Cha chưa có thời giờ đủ để tìm hiểu triết thuyết của Tam Giáo, hoặc là vì Cha cho đó là những giáo phái ngoại quốc du nhập từ Ấn Độ, Trung Hoa vào Việt nam chứ không phải tôn giáo thuần tuý của dân gian. Dầu khen ngợi lòng sùng đạo của dân Việt, Cha Đắc Lộ đã chỉ trích những tập tục mang mầu sắc dị đoan mê tín như đốt vàng mã, hoặc làm tổn thương đến nhân phẩm, vi phạm quyền bình đẳng của người đàn bà, và di hại cho sự hợp nhất của gia đình như tục đa thê.
Ngày nay, người ta thấy các cộng đồng tín hữu Việt Nam trong nước và ở ngoại quốc còn sốt sắng “giữ đạo”, xưng tội, rước lễ, dự lễ ngày Chúa nhật với tỉ số rất cao sánh với các cộng đồng khác, sinh hoạt các đoàn thể công giáo tiến hành rất sầm uất… Đấy cũng là truyền thống đã có từ thời Cha Đắc Lộ, lấy việc “Hành Đạo”, thực hành làm điều quan hệ hơn là lý thuyết suông. Hơn nữa, tín lý, tín điều đi đôi, liên kết với các lễ nghi, cầu nguyện và nghệ thuật trang trí, ca nhạc, rước kiệu… khiến việc thực hành đạo được vui tươi, phấn chấn, nhẹ nhàng, không quá “duy lý”, khô khan.
Theo các lời tự thuật trong các sách Du Kí, Cha Đắc Lộ đã quan sát khá tinh vi về nếp sống của dân chúng Việt nam. Biết trước sẽ gặp sức đề kháng chống đối mạnh mẽ về phía nhà cầm quyền, nhưng Cha Đắc Lộ vẫn can đảm rao giảng những Chân lý của Phúc Âm với ước nguyện cải đổi được nếp sống tinh thần, xã hội Việt Nam thêm hoàn hảo. Do đó, để nâng cao nhân phẩm người phụ nữ, Cha đã cương quyết rao giảng chế độ “nhất phu nhất phụ”, dầu bị vua chúa cấm cách, bỏ tù, trục xuất. Mặt khác, vì thấy dân chúng Việt nam trọng lễ nhạc, vui thích đời sống cộng đồng hội hè đình đám, rước sách, nên Cha Đắc Lộ đã cổ võ thành lập hội đoàn để việc sinh hoạt tôn giáo, và thực hành sống Đạo được sầm uất, phấn khởi. Đây cũng là nét đặc thù của các cộng đồng công giáo Việt Nam hải ngoại, như ta thấy ngày nay trên khắp thế giới, khác biệt với cách sống đạo của các cộng đồng khác.
ÁP DỤNG TINH THẦN SÁNG TẠO VÀ HỘI NHẬP VĂN HOÁ VÀO HOÀN CẢNH TRUYỀN GIÁO NGÀY NAY
Rao giảng bằng phương tiện kỹ thuật mới
‘‘Hãy lên mái nhà mà rao giảng!” (Mt 10, 27). Đây là lời khuyên của ĐGH Gioan Phaolo II áp dụng cho chiều hướng truyền giáo mới, phù hợp với nền văn minh hiện đại. Văn minh càng tiến, nhà truyền giáo cần có nhiều hiểu biết về sự đổi mới về tư tưởng và suy tư của người nghe. Cha Đắc Lộ đã dùng kiến thức hiểu biết về khoa học, để cho người nghe tin vào lời ngài giảng dạy. Nhà truyền giáo hôm nay cũng cần khéo léo sử dụng phương tiện truyền thông nhạy bén và hữu hiệu vào việc truyền bá tư tưởng và văn hoá. Các phương tiện kỹ thuật mới (radio, TV, website, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter…, ) cần được các nhà tân truyền giáo sử dụng một cách đúng mức và nghiêm chỉnh.
Phó tế vĩnh viễn và Giáo lý viên
Hội Thầy Giảng là nền tảng cho việc tổ chức nhân sự cho Giáo Hội Việt Nam thời sơ khai. Có thể tìm phương thức đào thành phần giáo lý viên và tái lập đoàn “Phó Tế Vĩnh Viễn” như nhiều nơi trên thế giới, thay thế Hội Thầy Giảng trước đây. Ngày nay, các Phó Tế đang hoạt động nhiều mặt và thành công, nhất là những nơi thiếu ơn gọi. Giáo lý viên cũng đã và đang góp phần không nhỏ vào việc giảng dạy giáo lý, truyền bá Tin Mừng.
KẾT LUẬN
Thật ra, trên hành trình truyền giáo, Cha Đắc Lộ đã bắt chước theo đúng khuôn mẫu mà Chúa Giêsu đã làm gương. Ngài rao giảng Tin Mừng Nước Trời dựa trên những hoàn cảnh thực tế của người Do Thái thời bấy giờ cũng như dùng những cảnh vật thiên nhiên làm đề tài rao giảng: vườn nho, cánh đồng, ruộng lúa, v.v… Sống với các môn đệ, Ngài hoà nhập cách sống của họ một cách dễ dàng. Chính trong cách sống hoà đồng đó, Ngài dạy các môn đệ những bài học rất cụ thể. Chúa Giêsu, một khi đã có chương trình cứu chuộc nhân loại, Ngài hội nhập cộng đồng nhân loại, để giống con người mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Ngài chấp nhận làm một công dân Do Thái và giữ trọn vẹn mọi điều luật của đạo Do Thái thời bấy giờ.
Đời sống, cách sáng tạo trong việc rao giảng, tinh thần hội nhập văn hoá với thành phần nghe giảng dạy, triệt để theo gương Chúa Giêsu của Cha Đắc Lộ chính là mẫu gương cho các giáo lý viên, những người có sứ mệnh truyền bá đức tin cho anh chị em đồng loại.

Quyên Di


Các tài liệu tham khảo và trích dẫn, trích đoạn:
. Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, Alexandre de Rhodes – bản dịch của Hồng Nhuệ
. Hành Trình Truyền Giáo, Alexandre de Rhodes – bản dịch của Hồng Nhuệ
. Tự Điển Việ-Bồ-La, Alexandre de Rhodes
. Lịch Sử Giáo Hội, Linh mục Bùi Đức Sinh
. Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Dương Quảng Hàm
. Linh Mục Đắc Lộ, Vị Sáng Lập Chữ Quốc Ngữ Và Xây Dựng Thiên Chúa Giáo Tại Việt Nam, Linh mục Jos Cao Phương Kỷ
. Tiếp Nối Bước Chân Truyền Giáo, Lm Giuse Trần ngọc Liên & Lm Hướng Dương, Dalat
. Alexandre de Rhodes, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
. Việc dạy giáo lý thời cha Đắc Lộ, ĐÔ Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
. Cha Đắc Lộ với Xứ Thanh, Mạng lưới Giáo Phận Thanh Hoá
. Đường Lối Truyền Giáo của Cha Đắc Lộ tại Việt Nam, Mạng lưới Thánh Ca Việt Nam


(Nguồn : loanbaotinmung.net)