Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

TÂN PHÚC ÂM HÓA GIÁO XỨ VÀ CỘNG ĐOÀN


1Mùa Vọng là khoảng mong chờ Con Thiên Chúa giáng thế làm người cứu độ nhân loại. Mùa Vọng là khởi đầu Năm Phụng Vụ. Năm 2014 – năm Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình, khép lại để khởi đầu năm 2015 – năm Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ và cộng đoàn. Đó là định hướng phụng vụ mà Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề ra cho Giáo hội tại Việt Nam. Ngày 19-10-2014, Giáo hội cũng vừa kết thúc Công nghị về Gia đình. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của gia đình, giống như tế bào gốc trong cơ thể vậy. Theo chu kỳ phụng vụ, năm 2015 là năm B và năm lẻ.
Phúc Âm hóa là gì? Về cơ bản, đó là chia sẻ Tin Mừng với bất cứ ai mình gặp, chia sẻ bằng lời hoặc các động thái. Chia sẻ Tin Mừng là chia sẻ Đức Kitô – Đấng là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14:6). Chia sẻ Tin Mừng là kể chuyện về cuộc đời của Chúa Giêsu, Đấng đã mặc xác phàm, chịu chết vì tội lỗi chúng ta để cứu độ chúng ta, nhưng Ngài đã phục sinh vinh quang và lên trời hiển trị đời đời, ứng nghiệm đúng như lời Kinh Thánh.
Công nghị về Tân Phúc Âm hóa cho biết: “Để đem Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô đến cho mọi người, theo yêu cầu của cuộc Tân Phúc Âm hóa, mọi giáo xứ và cộng đoàn phải là các tế bào sống động, là những nơi thúc đẩy sự gặp gỡ chung và riêng với Đức Kitô, cảm nghiệm sự phong phú của Phụng vụ, để đào tạo về Kitô giáo, giáo dục mọi người về tình huynh đệ và đặc biệt là thể hiện đức ái đối với người nghèo”.
Như đã nói, năm 2015 là năm Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và cộng đoàn. Tân Phúc Âm hoá giáo xứ là đổi mới giáo xứ. Giáo xứ không ưu tiên là một cơ sở, một cơ chế, một địa hạt có ranh giới, nhưng ưu tiên là một cộng đồng các tín hữu (Giáo Luật 515, 1), là gia đình của Chúa, là huynh đoàn chỉ có một linh hồn (Hiến chế Lumen Gentium 28, 1964), là ngôi nhà của gia đình đầy ắp tình huynh đệ sẵn sàng đón tiếp (ĐGH Gioan Phaolô II, Catechesi Tradendoe, 1979).
Mục đích của việc Tân Phúc Âm hóa là giúp đỡ mọi người cùng loan báo Tin Mừng. Điều đó không chỉ được chỉ định chung trong mỗi giáo xứ và cộng đoàn, mà còn được “chỉ định” riêng cho mỗi người:“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).
Việc loan báo đó vẫn liên tục kéo dài suốt hơn hai ngàn năm qua và kéo dài mãi cho tới tận thế, chứ không phải chỉ trong một thời gian nào. Loan báo Tin Mừng là truyền giáo, là sứ vụ chung của toàn Giáo hội, của mọi người, không phân biệt ai. Loan báo Tin Mừng trước tiên là cầu nguyện và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu đã nêu cao vai trò truyền giáo bằng cách này.
Dù loan báo Tin Mừng bằng cách nào, điều cần thiết là phải để Chúa Thánh Thần tác động. Thánh Phaolô nói:“Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3:6). Chúng ta cứ tích cực hành động, kết quả là việc của Thiên Chúa. Mọi người trong giáo xứ và cộng đoàn phải đồng tâm nhất trí mà hành động để cho “Danh Cha cả sáng” và “Nước Cha trị đến”, chứ không làm nổi bật mình. Người ta rất dễ làm nổi bật mình bằng nhiều cách, thích dùng quyền để thể hiện chính mình. Động thái này đối lập với việc Phúc Âm hóa.
Cần phải tìm hiểu, nhận thức, thảo luận để thống nhất cách thực hiện sao cho phù hợp với từng giáo xứ và cộng đoàn, nhờ đó mà có thể đạt hiệu qua tốt nhất. Tuy nhiên, kết hiệp với Chúa Giêsu phải là tâm điểm của đời sống mỗi người: Cầu nguyện liên lỉ và thể hiện Đức Tin trong mọi hoàn cảnh.
Khi gặp gỡ nhau, thay vì “tám chuyện” bình thường, hãy tận dụng thời gian để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sống đạo, kinh nghiệm việc tìm hiểu Kinh Thánh, và học hỏi gương sống tốt của những người mà mình biết – kể cả gương sống tốt của những người không có cùng niềm tin tôn giáo như mình. Các tấm gương này luôn ở bên chúng ta hàng ngày. Đừng câu nệ hoặc tự ái về bất cứ điều gì, cũng đừng thành kiến với bất cứ ai. Ngay cả các thánh nhân cũng là những người đến với Chúa qua con đường tội lỗi và được Thiên Chúa thứ tha!
Trong năm nay, năm Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ và cộng đoàn, ngoài những dịp đặc biệt, hãy cùng nhau tích cực học hỏi Kinh Thánh để biết rõ Thiên Chúa hơn, vì “không biết Kinh Thánh là không biết Thiên Chúa” (Thánh Bênađô). Vả lại, Chúa Giêsu cũng đã xác định: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4; Lc 4:4). Còn tác giả Thánh Vịnh tâm niệm: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119:105).
Song song với việc học hỏi Kinh Thánh, suy niệm Lời Chúa, hãy cùng nhau tham dự Thánh Lễ và viếng Thánh Thể nhiều hơn. Ngày nay, nhiều giáo xứ có Nhà Chầu Thánh Thể để mọi người có thể đến với Chúa Giêsu bất cứ lúc nào. Đây là việc đạo đức đáng khích lệ, chắc chắn rất đẹp lòng Chúa, vì Ngài luôn mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Thời gian ở bên Chúa Giêsu Thánh Thể là thời gian tịnh tâm, là lúc cấm phòng riêng. Nhờ đó chúng ta có thể sống dồi dào nhờ nguồn sống của chính Đức Kitô.
Sách Công Vụ cho biết hoạt động của các cộng đoàn tín hữu đầu tiên: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2:42-45). Đây là “mô hình” hoạt động nên duy trì ở các giáo xứ và các cộng đoàn để tạo mối liên kết với Thiên Chúa và với mọi người.
Các cộng đoàn tín hữu đầu tiên là giáo xứ kiểu mẫu để chúng ta noi theo. Nếu muốn theo kiểu mẫu đó, chúng ta cần thực hiện các yếu tố chính để đạt được đời sống cộng đoàn như Chúa mong muốn. Các yếu tố đó cũng thể hiện sứ vụ và chức năng của mỗi giáo xứ.
Tuân giữ các giáo huấn của Phúc Âm là điều rất quan trọng đối với việc sống đức tin. Các bài giảng nên được chuẩn bị chu đáo và có cách áp dụng cụ thể, đừng nói chung chung, mơ hồ, lan man. Mọi thành viên trong giáo xứ đều được mời gọi tham dự các bí tích và các hoạt động chính của giáo xứ. Điều này đem lại lợi ích tâm linh cho cả cộng đồng giáo xứ.
Giáo xứ là “nhịp cầu giao tiếp” giữa Giáo hội và xã hội. Nên mở rộng “nhịp cầu” này như một trung tâm về tâm linh và luân lý để mọi người cùng tham gia cộng các tích cực.
Thánh Gioan Phaolô II cho biết: “Tân Phúc Âm hóa không là rao giảng một Phúc Âm mới vì ‘Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời’ (Dt 13:8), nhưng mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả” (Diễn văn tại Đại hội XIX của CELAM, Port-au-Prince).
Phúc Âm hóa là tạo một môi trường tốt trong cộng đồng giáo xứ. Có thể là các hoạt động như: Đánh giá “sức khỏe tâm linh” của giáo xứ để biết điều gì nên khuyến khích và điều gì nên chấn chỉnh, tiếp cận với các thành viên mới trong giáo xứ và những người Công giáo thụ động, khuyến khích đối thoại cởi mở với những người thuộc các tôn giáo khác và những người chưa có niềm tin tôn giáo, quan tâm cụ thể hơn đối với những người nghèo, đưa ra các mục đích cần đạt được về đời sống vật chất và tinh thần (giáo lý, văn hóa, xã hội, nghệ thuật,…). Quan trọng nhất là cách sống, vì chính cách sống của chúng ta sẽ “nói” nhiều hơn các hành động khác.
Ước gì các thành viên trong mỗi giáo xứ và mỗi cộng đoàn đều “hiệp nhất nên một” như Thầy Chí Thánh Giêsu mong muốn, để mỗi nhịp thở của chúng ta là  nhịp thở của Tin Mừng. Nhờ đó, mỗi người khả dĩ nói được như tác giả Thánh Vịnh: “Thánh chỉ Ngài là khúc nhạc của con, giữa cảnh đời tha hương lữ thứ” (Tv 119:54).
                                                                                                                            
                                                                                                                                  TRẦM THIÊN THU
                                                                                                                              (Nguồn : mtgthuduc.net)