Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

DẠY CON SỐNG TRUNG THỰC - TƯỞNG KHÓ MÀ LẠI DỄ


Muốn dạy con sống trung thực, trước tiên bố mẹ hãy dạy con trung thực với cảm xúc của chính mình để từ đó biết trung thực trong suy nghĩ và hành động. Việc này tưởng khó mà lại rất dễ.


TS Vũ Thu Hương chia sẻ với các ông bố bà mẹ trên Facebook của mình về vấn đề dạy con sống trung thực rất đơn giản nhẹ nhàng mà lại có tính thuyết phục lớn như sau:

“Có lẽ việc dạy con sống trung thực là việc mà ai cũng cảm thấy vô cùng cần thiết nhưng lại luôn có nhiều lý do để không thực hiện. Sống vài chục năm ở đời, các cha mẹ đều biết sự trung thực quá nhiều khi sẽ giết chết các mối quan hệ, giết chết tình cảm và thậm chí giết chết cả những con người.

Vậy sống trung thực thế nào để mọi việc vẫn ổn là câu hỏi mà ngay người lớn cũng nhiều khi lúng túng nữa là bọn trẻ. Theo tôi, chúng ta phân biệt ra 2 dạng trung thực: trung thực với người khác và trung thực với chính mình. Việc đầu tiên là trung thực với chính mình thì theo tôi chúng ta phải khẳng định là nên làm. Vậy sẽ làm thế nào?

1. Trung thực và tôn trọng cảm xúc của chính mình: Các bạn có thể có cảm giác bực bội, ghen tị… những cảm xúc không đẹp lắm khi gặp một tình huống gì đó. Hãy trung thực là chúng ta có cảm xúc đó, tôn trọng nó, thừa nhận nó.

Từ cảm xúc đến hành động khá xa. Vì thế, trước khi hành động mọi việc, hãy bỏ qua những cảm xúc đó và trung thực suy nghĩ xem có nên hành động như vậy không. Chính sự trung thực này sẽ giúp chúng ta ngăn chặn được những hành vi bộc phát nhiều khi là không phù hợp hoặc có thể nói là gây hậu quả xấu.
Dạy con sống trung thực – tưởng khó mà lại rất dễ
Bố mẹ nên bắt đầu bằng việc dạy con trung thực với cảm xúc của chính mình (Ảnh internet)

Vì thế, hãy dạy con trung thực với cảm xúc của chính mình bằng cách thừa nhận: “Con đang cáu, con đang bực, con đang ghen tị… điều đó cũng chấp nhận được, miễn là con đừng nói xấu, đừng hành hung, đừng hại ai cả.” Khi con nhận được thông điệp đó. Con sẽ biết lắng nghe và trung thực với cảm xúc của con.

2. Trung thực với những va vấp của chính mình: Thừa nhận thất bại không hề đơn giản, thừa nhận ta đã sai còn khủng khiếp hơn. Nhưng sự thừa nhận đó chính là bài thuốc hữu hiệu để chữa trị cho ta một khiếm khuyết nào đó.

Con người không ai tốt đẹp 100%. Thừa nhận mình sai cũng là thừa nhận mình là con người. Cố gắng chỉnh sửa sai lầm đó sẽ tốt đẹp hơn là không hề làm sai điều gì.

Vì thế, cha mẹ hãy cùng ngồi xuống với con, nói chuyện thật lâu với con, kiên trì phân tích cho con hiểu là con đã sai ở đâu, con đã không đúng chỗ nào và chỉ ra cho con các con đường sửa sai.
Dạy con sống trung thực – tưởng khó mà lại rất dễ
Khi con mắc sai lầm đừng nên chỉ trích, hãy kiên trì phân tích cho con hiểu (Ảnh internet)

Việc lựa chọn cách sửa sai là quyền của con. Cha mẹ cần tôn trọng điều đó. Ngoài ra, chính cha mẹ cũng phải trung thực thừa nhận những sai lầm của mình để con có thể nhìn theo và học hỏi. Thừa nhận sai lầm cũng là bước giúp cha mẹ rời bỏ cái ngai cao vút để đến gần với con hơn, làm bạn cùng con.

3. Trung thực trong suy nghĩ: Nhận diện chính xác bản thân, yêu thương nhưng không quá đề cao bản thân sẽ giúp chúng ta đỡ va vấp hơn. Với con trẻ, việc này quả thật không đơn giản.

Trẻ có suy nghĩ mình rất to, mình là nhất. Cha mẹ cho con làm quen nhiều hơn nữa với các bạn cùng trang lứa, cho con hiểu biết về lịch sử Việt Nam và thế giới. Khi con hiểu rõ hơn về cộng đồng, con sẽ biết cách điều tiết cảm xúc và nhận thức rõ về bản thân.
Dạy con sống trung thực – tưởng khó mà lại rất dễ
Đừng nên khen ngợi hoặc nghĩ con quá giỏi giang (Ảnh internet)

4. Trung thực trong hành động: Các bạn nhỏ cũng như cha mẹ hãy nói KHÔNG với các hành vi xấu như quay cóp, xem trộm bài bạn, chạy điểm, chạy trường,…. Những hành vi thiếu trung thực sẽ tích góp lại để hình thành nhân cách KHÔNG TRUNG THỰC cho chính bản thân chúng ta và tạo cho người khác cảm giác THIẾU TIN TƯỞNG.

Một chút không hài lòng về điểm số, một tập thể lớp, trường không thật sự hấp dẫn,… là cái giá cần thiết chúng ta phải trả cho việc học tập thiếu tập trung. Đã trả giá rồi, thì việc sửa sai sẽ dễ hơn. Còn nếu thấy con sảy chân, cha mẹ chạy chọt cho con vào trường khác, lớp khác, vô tình sẽ dạy con tính THIẾU TRUNG THỰC.

5. Đề cao tính trung thực: Khi con phạm lỗi nhưng đã trung thực nhận lỗi, cha mẹ cần ngay lập tức ghi nhận thái độ trung thực của con. Hãy khích lệ con, thậm chí thưởng cho con một cái ôm ấm áp khi thấy con đã trung thực thừa nhận sai lầm của chính mình. Điều này sẽ giúp trẻ dũng cảm hơn nữa đấy nhé.

Đó là trung thực với bản thân, còn với người khác thì sao. Chúng ta cần phân biệt rõ hai trường hợp: nên và không nên nói thật. Phần lớn các trường hợp là nên nói thật. Nhưng cách nói thật phải làm sao để mọi người đỡ bị tổn thương.

Những cách nói khác nhau sẽ đem lại cảm xúc rất khác nhau. Ví dụ: “Sao mày ngu thế?” và “Con là một em bé rất dễ thương, tuy nhiên, việc này con làm chưa chính xác lắm. Có thể xem lại được không?”.

Hai cách nói khác nhau sẽ đem lại cảm xúc rất khác nhau. Chính bản thân cha mẹ kiềm chế xúc phạm, chỉ trích con cái, lựa lời nói với con, cũng sẽ là bài học tốt để con học cách góp ý cho người khác nhẹ nhàng và tế nhị hơn.
Dạy con sống trung thực – tưởng khó mà lại rất dễ
Cách nói của bố mẹ tác động rất nhiều đến cảm xúc của con (Ảnh internet)

Về những tình huống quá khó nói, quá nhạy cảm, thay vì nói dối, các bạn nhỏ chỉ cần im lặng. Khi bị hỏi dồn dập, chúng ta có thể sử dụng các câu từ chối nhẹ nhàng như:

“Cháu nghĩ cháu không phải là người thích hợp để nói ra chuyện này” hoặc “Cháu nghĩ đây chưa phải là thời điểm phù hợp để bàn đến vấn đề này, chúng ta có thể bàn lại sau”. Đây chính là sự trung thực rõ ràng nhưng không gây tổn thương cho bất cứ ai.

Dạy con trung thực chẳng đơn giản và chẳng phải lúc nào mình cũng làm được. Nhưng sống thật, trung thực sẽ cho tâm hồn chúng ta thanh thản cho dù sự việc xảy ra thế nào.

Theo Facebook TS Vũ Thu Hương