Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

SA TAN KIA , XÉO ĐI .

                                               Fx. Đỗ Công Minh 
       indexĐã mang thân phận con người, chẳng ai thoát khỏi cám dỗ. Cám dỗ tựa như tấm mạng nhện khổng lồ sẵn sàng chụp xuống để bao bọc và giết chết con mồi. Vậy cám dỗ là gì? Thưa, cám dỗ là khơi dậy lòng ham muốn đến mức làm cho sa ngã. Cám dỗ là tìm mọi cách quyến rũ làm việc không tốt. Như thế, động lực của cám dỗ là xấu, là đi ngược lại với luân thường đạo lý; và để lại những hậu quả không tốt nơi bản thân cũng như những người xung quanh. Thực vậy, cám dỗ chẳng buông tha ai (Tĩnh tâm GP Long Xuyên). Bài Tin mừng Chúa nhật thứ I Mùa Chay cho con thấy Chúa đã bị cám dỗ ba lần, mà còn hơn thế nữa. (Xem Mt 27, 39-44).
     Cám dỗ thứ nhất là thỏa mãn nhu cầu vật chất hàng ngày, cụ thể về ăn uống. Sau bốn mươi đêm ngày ăn chay, về bản tính con người, Đức Giêsu thấy đói. Ăn uống trở lại là việc bình thường, nhưng ma quỉ muốn thử thách phần Thiên tính của Người, thử xem Người có đói đến mức độ dùng quyền năng thực hiện những việc của kẻ phàm phu tục tử, theo cái nhìn của y: biến đá thành bánh? Chúa đã dùng Lời Kinh Thánh để chiến thắng ”Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra“
     Không chịu thua, Satan cám dỗ Chúa về quyền lực mà y cho rằng, dù là Thiên Chúa, nhưng cũng như con người, mong muốn thể hiện quyền lực của mình để mọi người biết đến: ”Nếu ông là Thiên Chúa Hãy gieo mình xuống đi!“. Tưởng Chúa nghe theo lời để tỏ uy quyền, nhưng Người đã phản bác:“Ngươi đừng thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi“.
     Lần cuối , y chắc mẩm thế gian với vinh quang của nó và của cải vật chất, lợi lộc  hẳn là đến Thiên Chúa cũng ham muốn, y tự tin đến mức: ”Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi“. Đến đây thì Người phải lên tiếng một cách kiên quyết: ”Satan kia, hãy xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi“.
    Đức Giêsu chịu ma quỉ cám dỗ và người đã chiến thắng. Chúng đã hiển hiện là tên cám dỗ trước mặt Chúa và Người đã xua đuổi thẳng tay. Tên Quỉ đã bỏ đi và chờ đợi nhiều dịp khác. Chúa đã từng nhắc các Tông đồ “Ma quỉ sẽ sàng anh em như người ta sàng gạo“. Ngày hôm nay, con không nhận biết được hình dạng tên cám dỗ đó như thế nào? Nhưng trước những lôi cuốn từ của cải, tiền bạc, lợi lộc, quyền lực bất chính vẫn hàng ngày diễn ra trong cuộc sống của con, tên cám dỗ vẫn quanh quẩn bên con. Qua những lời rủ rê, qua những lợi lộc cho bản thân, cho gia đình; qua một vị trí, địa vị, quyền lực hấp dẫn, nấp dưới nhiều chiêu bài khác nhau đang lôi kéo con chiều theo “Những cám dỗ ngọt ngào, những vũng lầy êm ái”của nền văn minh sự chết, khiến con rời xa ơn cứu độ của Thiên Chúa, rời xa vòng tay yêu thương của Cha trên trời, của cộng đòan Hội Thánh nơi trần gian này.
     Xin cho con biết tỉnh táo để nhận ra những cám dỗ trong cuộc sống hôm nay. Con biết đón nhận  Lời Chúa, biết đem ra thực hành trong đời sống đạo. Đó là con đang sử dụng những khí cụ chống lại những cơn cám dỗ tưởng như nhẹ nhàng, êm ái nhưng đầy hiểm độc.
     Lạy Chúa!  Xin chớ để con sa chước cám dỗ. Xin cứu con qua khỏi mọi sự dữ. AMEN.
Fx. Đỗ Công Minh
                                                                                       (Nguồn : longchuathuongxot.vn)            
                                                              

VÀO HOANG ĐỊA


CHÚA NHẬT THỨ I MÙA CHAY NĂM A


                                                                                   TGM Ngô Quang Kiệt

        Đời sống tâm linh là một cuộc chiến đấu. Chiến đấu với ba thù: ma quỉ, xác thịt, thế gian. Để có đủ khả năng chiến đấu, ta phải được rèn luyện, phải trải qua những thử thách. Chúa Giêsu, sau khi chịu phép rửa, được Thánh Thần đưa vào hoang địa để chịu thử thách.
        Hoang địa là nơi hoang vu không nhà không cửa, không người thân, không cây cối, tức là không có một tiện nghi tối thiểu nào, không có một nguồn trợ lực nào. Chỉ có cát đá, thú dữ, ma quỉ, tức là chỉ có những khó khăn thách đố bắt ta phải chiến đấu, phải đương đầu.

        Cuộc chiến đấu thứ nhất mà Đức Giê su phải trải qua là cuộc chiến đấu với thiên nhiên.
         Người sống trong hoang địa phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Tại các sa mạc cát phủ, đêm thì lạnh thấu xương, ngày thì nóng như thiêu. Hầu như không có thực phẩm. Người sống trong hoang địa phải chịu đói, chịu khát, chịu cái nóng nung người, chịu cái lạnh cắt da, chịu tất cả mọi thiếu thốn của đời sống thường ngày. Xưa, dân Do thái được Chúa đưa vào hoang địa để huấn luyện trước khi đưa họ vào Đất Hứa. Trong hoang địa, người Do thái không chịu nổi những thiếu thốn, nên đã nhiều lần nổi loạn chống lại Chúa, chống lại ông Mô-sê, muốn quay trở lại làm nô lệ bên Ai cập để được ăn no ngủ kỹ. Trái lại, tổ phụ áp-ra-ham đã chấp nhận vượt qua hoang địa, nên đã tới được Đất Hứa, tiên tri Êlia đã vượt qua hoang địa 40 đêm ngày, nên đã đi đến núi của Thiên chúa. Và hôm nay, Chúa Giêsu đã thắng được cái lạnh, cái nóng và nhất là đã thắng được cái đói, cái khát, đã hoàn toàn làm chủ được bản thân trước những nhu cầu của thân xác.

        Cuộc chiến đấu thứ hai mà Chúa Giêsu phải trải qua là cuộc chiến đấu chống lại ma quỉ.
         Thiên chúa cho phép ma quỉ thử thách con người. Từ tạo thiên lập địa, hai ông bà nguyên tổ đã bị ma quỉ cám dỗ và đã thua cuộc. Ông thánh Gióp cũng đã bị ma quỉ thử thách, mất hết tài sản, mất hết con cái, mất hết danh dự. Nhờ kiên quyết trung thành với Chúa đến cùng, ông đã thắng được ma quỉ. Chúa Giêsu đã thắng vượt mọi cơn cám dỗ ma quỉ đưa tới nhờ Người vững lòng tin ở Thiên chúa. Những cơn cám dỗ của ma quỉ thường là cám dỗ về đức tin. Adong Evà không vững lòng tin nên đã sa ngã. Ông thánh Gióp vững lòng tin nên luôn đứng vững qua mọi thử thách. Chúa Giêsu luôn vững niềm tin vào Chúa Cha, nên đã chiến thắng mọi cơn cám dỗ thâm độc nhất của ma quỉ.

        Cuộc chiến đấu thứ ba mà Chúa Giêsu đã trải qua là cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để tìm thánh ý Chúa Cha.
         Hai ông bà nguyên tổ đã tìm ý riêng hơn ý Chúa, nên đã đi trệch đường. Chúa Giêsu luôn tìm thánh ý Chúa Cha, nên Người đã từ bỏ con đường kiêu căng để đi vào con đường khiêm nhường, từ bỏ con đường rộng để đi vào con đường hẹp, từ bỏ con đường dễ để đi vào con đường khó, từ bỏ con đường vinh quang để đi vào con đường thập giá, từ bỏ con đường giàu sang để đi vào con đường nghèo hèn, từ bỏ con đường riêng tư để đi vào con đường Chúa Cha đã định. Nên Người đã toàn thắng trong cuộc chiến đấu.
Hoang địa không phải chỉ là nơi thử thách. Hoang địa còn là nơi gặp gỡ Chúa. Sau khi đã thắng vượt tất cả các cuộc thử thách, ta sẽ gặp được Chúa, sẽ sống thân tình với Chúa và sẽ hoàn toàn thuộc về Chúa. Ông Mô-sê, sau 40 đêm ngày ở trên núi Sinai, đã trở nên bạn nghĩa thiết của Chúa. Mặt ông trở nên sáng láng đến nỗi dân Do thái không dám nhìn thẳng vào. Tiên tri Elia, sau khi đi 40 đêm ngày, đã tới núi của Chúa và đã gặp được Chúa. Chúa Giêsu đã gặp gỡ Chúa Cha, đã tìm được ý Chúa Cha và kết hiệp mật thiết với Chúa Cha đến độ từ nay Người trọn vẹn thuộc về Chúa Cha. Thánh ý Chúa Cha trở thành kim chỉ nam hướng dẫn đời Người. Thi hành thánh ý Chúa Cha trở thành lương thực nuôi dưỡng Người. Người sẽ hi sinh tất cả, kể cả mạng sống để cho thánh ý Chúa Cha được nên trọn. Chính vì thế mà Người đã được gọi là “Con yêu dấu” của Chúa Cha.
          Trong Mùa Chay, Giáo hội mời gọi ta hãy vào hoang địa với Đức Giê su để chịu thử thách, để rèn luyện đời sống tâm linh cho vững mạnh, kiên cường. Ta không có điều kiện để vào nơi hoang vắng, nhưng ta vẫn có thể vào hoang địa của cuộc đời.
- Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thiếu thốn trong đời sống, dù đói nghèo vẫn giữ được tâm hồn tự do, không chịu nô lệ vật chất.
- Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là kiên cường chống trả mọi cơn cám dỗ ma quỉ đưa tới, luôn vững niềm tin vào Chúa dù gặp những khó khăn thử thách.
- Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là từ bỏ ý riêng để luôn tìm thánh ý Chúa, sẵn sàng thực hành thánh ý Chúa, dù có phải đau đớn, thiệt thòi.
- Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là giữ tâm hồn bình an thanh thản để gặp gỡ Chúa, tiếp xúc thân mật với Chúa, hoàn toàn thuộc về Chúa để trở nên “Con yêu dấu” của Chúa.
         Nếu ta chuyên tâm rèn luyện trong suốt mùa Chay, tâm hồn ta sẽ trở nên vững mạnh chống lại được những cám dỗ ma quỉ đưa tới; nhanh nhẹn dấn thân vào những việc đạo đức không ngại khó khăn vất vả; quen từ bỏ ý riêng để tuân theo ý Chúa và sẽ trở nên Con hiếu thảo của Chúa.

                                                                               (Nguồn : danchuausa.net)