Photo: Andreas Praefcke

Cũng không phải là dân chuyên đọc sách gì cho lắm, nhưng kệ, cứ viết đại đi biết đâu có người tìm được ý gì đó hay ho cho cái sự “đọc”.
“Đọc sách là được trò chuyện với những người thành đạt của các thế kỷ” – Decartes
Nhớ ngày trước Tôi có bài viết “Đọc sách chẳng phải chuyện dễ dàng” đã nói tới vấn đề cần thiết của việc đọc sách nên giờ chỉ đề cập tới cách đọc sách của bản thân.
Mỗi người yêu thích một thể loại sách khác nhau, có người thích tác phẩm văn học – tiểu thuyết – truyện ngắn, có người lại thích các cuốn sách về kỹ năng sống – nghệ thuật sống, có người lại muốn đọc sách kinh tế – làm giàu, có người lại yêu thích triết lý cuộc sống, người khác lại đam mê truyện tranh….
Mỗi loại sách yêu cầu người đọc có những cách khác nhau, hay ít nhất là sự điều chỉnh tương ứng. Vậy nên nó khó hơn hẳn so với bài viết về cách học Toán của cô học trò cấp 2.
Đối với thể loại  truyện ngắn – tiểu thuyết : Chúng ta đọc đôi khi vì giải trí, vì những tình tiết câu chuyện. Tôi thì không đọc nhiều những thể loại này cho lắm, hầu hết những tiểu thuyết ngôn tình thì  đọc mấy chương đầu rồi chuyển sang chương cuối, nếu diễn biến hấp dẫn thì có thể đọc hết cuốn…
Còn đối với tác phẩm văn học hay và dân chuyên về văn học, thích viết lách thì họ tập trung vào cách sử dụng ngôn từ, cách hành văn để học hỏi,….đòi hỏi người đọc sách phải biết cảm thụ và biết cách đặt mình vào trong chính câu chuyện để hiểu được ý sâu xa của tác phẩm. Có cô bé từng viết cho Tôi thế này:
“Văn” là “cảm” và “nhận”
“Cảm” khi nhắm mắt lại và thấy mình như Billie đang để cơn gió, tia nắng ve vuốt làn da của thế giới thực. Khi siết chặt tay theo nỗi đau của Jennifer khi Jafub rời xa. Hay nhói lòng, se sắt với nụ cười giễu cợt của người cha của “Ba ơi, mình đi đâu?” …
Thích một quyển sách, bài hát… hầu hết vì tìm thấy nét gì đó tương đồng với ta (dù là của hiện tại, quá khứ hay tương lai trông đợi). Không đồng cảm sẽ rất khó để sẻ chia.
“Cảm” là sống cùng nhân vật.
Những trang sách đưa em đi rất xa, đến những vùng miền thậm chí chưa từng nghe tên, có khi chị tồn tại trong tưởng tượng. Trang sách có thể đưa em đến cảm giác hạnh phúc bình an của cái nắng mùa hè, hay nỗi đau dai dẳng của những ngày xa cũ…
Em “nhận” lại một tâm hồn rộng mở hơn, biết chan hòa yêu thương, biết quan tâm, chăm sóc. “Nhận” những niềm tin và an ủi, như những chàng tra, cô gái, ông bố, bà mẹ đó đang bên cạnh ôm lấy mình. “Nhận” thấy mình còn quá bé giữa dòng đời, rất mong manh và cũng vô cùng cứng cỏi.
Đối với bản thân Tôi thì hiện tại việc đọc sách chủ yếu là tìm kiếm thông tin, nhưng biết đâu được một ngày nào đó chuyển sang cảm nhận văn học để viết lách. Và hầu hết những cuốn sách, rất hiếm khi Tôi nuốt hết từng chữ trong đó. Không phải cứ nuốt hết từng chữ trong một cuốn sách mới gọi là tốt. Quan trọng là ta tìm và thấy được thông tin trong đó. Kiến thức thì vô biên, còn cảm giác “đủ” của con người lại không giới hạn. Vậy đọc sách như thế nào mới hiệu quả?

Trước hết, phải nắm bắt được từ khóa và ý chính

Trong một cuốn sách thì chỉ có 20% là từ khóa, còn 80% còn lại không phải là từ khóa. Chỉ cần nắm bắt được 20% từ khóa thì chúng ta nắm bắt được ý cần hiểu. Chúng ta phải tìm ra những ý chính và đánh dấu chúng lại, nó sẽ giúp cho việc tăng tốc độ đọc, khả năng tập trung và nắm bắt thông tin để lĩnh hội kiến thức.

Học cách di chuyển đôi mắt

Theo một nghiên cứu thì đôi mắt và bộ não có khả năng tiếp thu 2000 từ/ phút. Nhưng thực tế thì chúng ta chỉ mới tận dụng được khả năng khoảng 200 từ/ phút. Khi đọc sách thì chúng ta nên di chuyển mắt theo hướng từ trên xuống, không nên di chuyển theo hướng ziczac, và phải mở rộng tầm mắt đọc theo cụm từ.

Đọc lướt và đọc phụ lục tìm thông tin cần thiết cho mình

Không phải tất cả những kiến thức trong một cuốn sách đều cần thiết cho bạn ở thời điểm hiện tại, tất nhiên sẽ không phủ nhận nó là vô ích, nhưng bạn nên tập trung vào những ý cần thiết cho mình. Đặc biệt, nên đọc kỹ tóm tắt của từng chương – vì ở đó là cô đọng nhất kiến thức của toàn chương.

Luôn có một cuốn sổ và cây viết bên cạnh

Nhiều người giữ sách rất kỹ, quý sách như vàng, không bao giờ để cho sách có từng nếp gấp huống gì là viết lên đó, nhưng Tôi có một thói quen xấu là hay gạch bậy bạ lên sách, gạch lên những ý chính mà mình thấy hay và muốn nắm bắt. Và cũng hay viết những câu văn hay ra cuốn sổ nhỏ (Bạn có thể áp dụng cách này nếu bạn muốn giữ sách cẩn thận).

Đọc sách nhiều lần

Kiến thức thì chẳng bao giờ thừa, với cùng một cuốn sách nhưng thời điểm đọc khác nhau chúng ta cũng sẽ cảm nhận và học hỏi được những điều khác nhau. Chính những nhận thức, kinh nghiệm và hiểu biết ở mỗi thời điểm hiện tại đôi khi không đủ để ta hiểu hết tất cả những giá trị trong sách. Bởi thế, không nên đọc những cuốn sách chỉ một lần duy nhất, đọc lại nhiều lần vừa củng cố được kiến thức đã nắm bắt hoặc đã quên, vừa tìm ra được những thông tin hay ho mới phù hợp hơn.
Và quan trọng nhất chính là tạo cho mình thói quen đọc sách mỗi ngày. Xem sách là một người bạn thân mà mỗi ngày không gặp khiến ta luôn có cảm giác thiếu thiếu.
P/S: Chỉ là những quan điểm của bản thân, sai lầm hay thiếu sót thì mong mọi người góp ý nhé.
Trang Nguyễn
(triethocduongpho.com)