Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

KHÓA 3 : VÔ VỊ LỢI

TRẦN DUY NHIÊN


KHÓA 3


VÔ VỊ LỢI




I.- Gợi ý:


Vô vị lợi: một yêu cầu thật cao, nhưng đó là yêu cầu cần thiết. Dưới một khía cạnh nào đó, ta có thể nhắc lại châm ngôn của khóa trước làm nền tảng cho những suy tư hôm nay: “người lãnh đạo là người tôi tớ”. Thế thì người chủ chính là những người mình chịu trách nhiệm. Người tôi tớ đúng nghĩa không bao giờ hành động vì quyền lợi của mình, mà luôn luôn thực hiện quyền lợi của chủ.

Người trưởng được giao nhiệm vụ là để phục vụ tập thể; đấy là người đại diện và người thi hành các quyết định vì quyền lợi của tập thể.

Người trưởng không có quyền tìm kiếm quyền lợi hoặc tìm tiếng tăm cho mình. Người ấy đi đến đích vì đó là nhiệm vụ chứ không phải là để chứng minh tài năng của mình. Người trưởng đúng nghĩa là một người vô vị lợi. Khi người trưởng tìm kiếm quyền lợi cho chính mình dưới hình thức này hay hình thức khác, người đó là một người phản bội tập thể. Dĩ nhiên, với tư cách là trưởng, người ấy có một số quyền lợi và cũng có một số quyền hạn để thực hiện nhiệm vụ của mình... Điều đó là phải lẽ. Thế nhưng, nếu quyền hạn và quyền lợi trở nên mục đích chính yếu thì đó là điều nguy hiểm. Người nào nghĩ đến mình thì quên tập thể. Ngày nào mà quyền lợi bản thân và quyền lợi tập thể không còn khớp nữa thì người đó sẽ phản bội tập thể. Và điều này không phải là chưa từng xảy ra.

Cao vọng, hiểu theo nghĩa ‘ước mơ cao cả’, là một điều tốt đẹp; nó giúp mình vượt trở ngại để phục vụ tốt hơn, nhưng nó trở nên nguy hiểm nếu nó có nghĩa là làm cho mình thỏa mãn tính hiếu thắng, cái xu hướng muốn ngồi trên đầu trên cổ người khác.

Người thủ lãnh là người tôi tớ, người phục vụ, chứ không phải là người bắt kẻ khác phục vụ mình. Một danh nhân đã chia loài người thành 4 hạng sau:

  • Dưới hết là hạng người muốn làm giàu.
  • Cao hơn một tí là hạng người muốn trở thành một cái gì đó.
  • Cao hơn nữa là hạng người muốn trở thành một ai đó.
  • Và trên đỉnh là hạng người lãnh đạo, nghĩa là những người muốn phục vụ tập thể, lớn hay nhỏ, bằng cách quên mình.

Vô vị lợi: đức tinh có thể là khó tìm thấy tinh ròng ở mọi người trưởng. Nhưng đó là hòn đá thử vàng để biết được ai là người thủ lãnh chân chính. 

II. Câu hỏi tự kiểm


  • 1. Bạn có để ý đến quyền lợi người khác trong quá trình thi hành quyền lãnh đạo không?
  • 2. Bạn có dễ dàng đặt mình vào chỗ người khác không?
  • 3. Khi tranh luận, bạn có cố gắng nhìn vấn đề dưới khía cạnh của người đối thoại không?
  • 4. Bạn có thích đem cái tôi ra ‘trưng’ không? Bạn có hay nói đến quá khứ của bạn, thành công của bạn, dự kiến của bạn không?
  • 5. khi sự việc xảy ra đúng như bạn dự kiến, bạn có thốt ra một cách tự mãn: “Tôi đã tính trước rồi!” hoặc một câu tương tự không?
  • 6. Bạn có bị ảnh hưởng lời khen đến độ biết rằng lời khen đó không hoàn toàn đúng sự thật mà mình vẫn thích nghe không?
  • 7. Bạn có chấp nhận phục vụ mà không cần ai biết đến không?
  • 8. Bạn có bao giờ giúp ai một cách vô danh không?
  • 9. Bạn có thường tỏ cho mọi người biết rằng thành công của tập thể là do công của mọi người chứ không phải của bạn không?
  • 10. Khi một công việc bị thất bại, bạn có thấy ngay mình là người duy nhất phải chịu trách nhiệm và phải trả giá không?

III. - Đề tài thảo luận



“Vô vị lợi là một đức tính khó tìm thấy tinh ròng ở mọi người trưởng”. Đúng hay sai? Tại sao?

.“Con người không thể sống hoàn toàn vô vị lợi, mà chỉ có thể ngụy trang quyền lợi của mình thôi”. Bạn nghĩ sao?

IV. - Rèn luyện



- Trong một tuần, tìm đủ mọi cách để tránh dùng chữ ‘tôi’ trong mọi câu chuyện.

- Mỗi tối, xét lại công việc mình làm và động cơ khiến mình làm việc đó, đặc biệt là những việc làm ‘vì người khác’.

V. - Phương châm


Con Người đến không phải để được phục vụ, mà là để phục vụ và thí mạng sống mình. (Mt 20, 28)


                                                                                (tiengnoigiaodan)