Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

CÁCH TỔ CHỨC MỘT ĐÊM LỬA TRẠI



I. NGUỒN GỐC LỬA TRẠI
1. Lửa trại từ đời sống
Tập tục đốt Lửa Trại có lẽ đã có nguồn gốc từ rất lâu đời nơi những bộ tộc châu Mỹ, châu Á và châu Phi, ngay sau khi loài người tìm ra cách “bắt” và “nuôi” được Lửa Trời như một phát minh vĩ đại để ra khỏi kiếp cái sống “ăn lông ở lỗ” nguyên thủy sơ khai.
Đầu tiên, Lửa được đốt lên chỉ nhằm mục đích mưu sinh giữa thiên nhiên khắc nghiệt, như để nấu nồi cháo bắp ngô và kê, hoặc để nướng món thịt rừng vừa săn được trong ngày, để xua tan cái giá lạnh khi đêm về, để sấy khô những bộ lông thú làm y phục, và nhất là để phòng vệ chống lại các loài thú dữ thường đi săn mồi vào ban đêm.
Trong khi chờ đợi bữa ăn, người ta nhảy múa ca hát như thể để bày tỏ nỗi vui mừng yên tâm vững dạtrước thành quả hái lượm và trồng trọt của giới phụ nữ, của việc chăn thả các đàn súc vật đã thuần hóa và săn bắt các loại thú rừng của cánh đàn ông. Đôi khi, những đứa trẻ suốt ngày phải ở trong hang động, hoặc sau này phải ở trong những túp lều trên cây, giờ đây được ở bên cha mẹ, chơi đùa nghịch ngợm nhảy múa với nhau một cách tự do thoải mái. Ngọn Lửa giữa rừng hoặc giữa đồi nương quả thật là một niềm vui thú kỳ diệu. Thức ăn đã chín, rượu cất từ các loại hoa quả và lúa được mang ra làm tăng thêm các ý vị hoang sơ giữa thiên nhiên...
Dần dần, Lửa mang đậm tính cách thiêng liêng của các nghi lễ thơ øcúng thần Lửa, thần Rừng, thần Núi và thần Sự Sống. Các buổi lễ được khởi sự bằng nghi thức Gọi Lửa, Tế Lửa và sau đó không thể không kèm theo các điệu vũ quanh Lửa, diễn tả chính cái chức năng sinh sản phong nhiêu của người đàn bà và khả năng chiến đấu dũng cảm của người đàn ông. Các điệu nhảy múa bên lửa được đệm bằng các loại nhạc cụ thuộc về bộ gõ như trống, cồng, chiêng, thanh la, và bộ hơi như khèn, sáo... càng làm cho bầu khí quanh Lửa vừa rộn rã vui tươi, lại vừa thâm u kỳ bí.
2. Lửa trại của Hướng Đạo
Từ những thập niên đầu của thế kỷ 20, khi phong trào Hướng Đạo ra đời và phát triển, vị sáng lập là ngài Ba-đân Pâu-ueo ( Sir Baden Powell, BP, gọi tắt là cụ Bi Pi ) vốn là một danh tướng trong quân đội vương quốc Anh, đã hiểu rõ sự tuyệt vời của bầu khí và môi trường thiên nhiên, trong đó có khung cảnh của những đêm Lửa Trại giữa rừng hoang sơ, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc rèn luyện và giáo dục thanh thiếu niên về mọi mặt kỹ năng, phương pháp mưu sinh thoát hiểm, vui chơi sinh hoạt, cũng như bồi đắp nhân cách công dân và đời sống tập thể.
Tại một hòn đảo nằm ngoài khơi vương quốc Anh tên là Brao-xi     ( Brown Sea ), cụ Bi Pi đã tổ chức thử nghiệm những Ngày Trại và những Đêm Lửa Trại đầu tiên cho một nhóm thiếu niên, là tiền thân của các Hướng Đạo Sinh ( Scout ) sau này.
Từ đây, Đêm Lửa Trại trở thành một nội dung không thể thiếu được trong chương trình các kỳ trại Họp Bạn hay Huấn Luyện của phong trào Hướng Đạo. Các mẫu Đêm Lửa Trại được huấn luyện đặc biệt cho các Huynh Trưởng lớn ngay tại Gin-ueo ( Gilwell ) nước Anh, là Trại Trường của Hướng Đạo Thế Giới.
Ngày nay, không chỉ có phong trào Hướng Đạo, các đoàn thể tôn giáo ( như: Thiếu Nhi Thánh Thể, Hùng Tâm Dũng Chí... ) hay thuần túy dân sự ( như: các Câu Lạc Bộ Kỹ Năng, các Nhóm Du Lịch Dã Ngoại, Du Thám Thanh Niên... ) ở khắp các nước, có đối tượng giáo dục là giới trẻ, đều mạnh dạn đưa chương trình Đêm Lửa Trại vào như một trong những sinh hoạt chính yếu của mình.
Còn gì vui thú và xúc động hơn, khi màn đêm dần tỏa lan khắp thiên nhiên bao la hùng vĩ, giữa một cánh rừng thưa, trên một đỉnh núi cao, nơi một buôn làng hoang sơ của người dân tộc, người ta được ngồi vòng tròn bên nhau, nghỉ ngơi sau một ngày thám du hoặc huấn luyện căng thẳng và mệt mỏi, trò chuyện và trao đổi kinh nghiệm, ca hát và nhảy múa, thinh lặng và tĩnh tâm ngay chung quanh một đống Lửa Hồng...
II. MỤC ĐÍCH LỬA TRẠI
Về chiều sâu, Đêm Lửa Trại nhắm tới việc Giáo Dục và Huấn Luyện ngay trong lúc vô tư vui chơi và nghỉ ngơi thư giãn. Nó chẳng những làm cho mọi nhịp đập con tim được xúc cảm chan hòa cùng muôn thọ tạo, mà còn là một dịp tự nhiên làm phát triển trí tưởng tượng, óc quan sát, năng khiếu nghệ thuật, cởi mở cả về mặt tâmlý ứng xử và tâm lý chiều sâu.
Bên ánh sáng bập bùng kỳ ảo của Đêm Lửa Trại, tất cả các em, vốn dĩ cởi mở hay còn khép kín, rất đa năng hay còn mặc cảm kém tài, đều có thể hòa nhập với nhau trong những trò chơi nho nhỏ lý thú, hát những bài ca sinh hoạt thân thương, hoặc trình diễn những tiết mục văn nghệ bỏ túi đôi khi hết sức buồn cười nhưng lại thấm thía sâu xa...
Thật là sung sướng nếu sau một ngày hoạt động phục vụ, hoặc họp bạn vui chơi hết mình, cũng có khi là đã quá căng thẳng với những tiết dự khóa huấn luyện về lý thuyết và thực hành kỹ năng trong ngày, giờ đây, cá nhân mỗi người, cũng như cả tập thể Đội, nhóm được cười đùa ca hát thoải mái.
Thỉnh thoảng, được xen kẽ vào những khoảnh khắc thích hợp nhất bằng những mẩu chuyện lịchsử hào hùng của dân tộc, những truyền thống tự hào của phong trào, của đoàn thể và của Nhóm mình thông qua lời kể rưng rưng cảm động của các Huynh Trưởng đã bạc đầu.
Lại thêm các tình huống, các hiện tượng đáng phê phán của xã hội nói chung, của tập thể mình nói riêng, thông qua Đêm Lửa Trại, đã được cấp tốc dàn dựng thành các tiểu phẩm, các màn hài kịch châm biếm, dí dỏm, hiệu quả “tâm lý trị liệu” và giáo dục lại rất cao, đỡ đi bao nhiêu là bài giáo đục đạo đức khô khan của các Huynh Trưởng, các Giáo Lý Viên, mà thường ngày vẫn bị các em coi là “biết rồi, khổ lắm, cứ nói mãi”.
Cũng có khi, đối với độ tuổi lớn hơn, đặc biệt là ngành Tráng, nhân bầu khí khoáng đạt bên đống Lửa, anh em có thể đóng góp thẳng thắn cho nhau như một kiểu “cạo gió bôi dầu” trong tinh thần yêu thương huynh đệ.
Như vậy, những đêm đốt Lửa vừa giúp phát triển các khả năng tự nhiên, lại vừa gợi mở và nuôi dưỡng một cách âm thầm một chiều sâu nhân bản và siêu nhiên nơi bạn trẻ.
Tùy từng lứa tuổi, các đêm đốt Lửa được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau, đáp ứng đúng nhu cầu tinh thần và thích hợp với điều kiện tâm sinh lý:
1.   Lứa tuổi thiếu nhi ( ngành Ấu ): Hình thức Hoa Đỏ, chỉ kéo dài 45 phút đến một giờ; gồm nhiều tiếtmục múa hát có xen kẽ trò chơi nhỏ và các câu truyện kể; có bánh kẹo cho thêm vui; kết thúc tối đa lúc 21 giờ để đi ngủ.
2.   Lứa tuổi thiếu niên và dậy thì ( ngành Thiếu và ngành Kha ): hình thức Lửa Trại, được kéo dài từmột giờ đến một giờ rưỡi; có gọi Lửa và nhảy Lửa; phần văn nghệ có ca, múa, kịch, hoạt cảnh, ảo thuật, xen kẽ trò chơi; có thể có một nồi chè; kết thúc tối đa vào lúc 22 giờ để đi ngủ.
3.   Lứa tuổi thanh niên và huynh Trưởng ( ngành Tráng ): hình thức Lửa Dặm Đường, được quyềnkéo dài qua đêm không ngủ; không cần gọi Lửa và nhảy lửa; có thể tổ chức trong nhà, trên sân thượng, ngoài vườn, trên bãi biển; phần văn nghệ hoàn toàn để tự phát, chính yếu là trò chuyện chia sẻ theo một chủ đề; có thể có nướng thịt rừng, lùi khoai và bắp ngô, uống chút bia hoặc uống trà, cà-phê...
III. TỔ CHỨC ĐÊM LỬA TRẠI
Trong 3 hình thức vừa nói, dạng Lửa Trại là thông dụng nhất, dễ ứng dụng cho các Khối Giáo Lý cùng sinh hoạt chung. Hơn nữa, kỹ thuật tổ chức một Đêm Lửa Trại đòi hỏi nhiều chi tiết phức tạp, nên chúng ta hãy cùng nhau đi sâu tìm hiểu dạng này. Một khi các bạn Giáo Lý Viên và Linh Hoạt Viên đã từng trải qua một đôi lần tổ chức Lửa Trại, các bạn có thể tương đối có kinh nghiệm hơn để thực hiện dạng Hoa Lửa và dạng Lửa DặmĐường.
Có 8 yếu tố kỹ thuật tổ chức Đêm Lửa Trại như sau:
1. Vị trí vòng tròn sinh hoạt:
Ban Tổ Chức cần chọn được khu đất trống trải, xa các khu rừng thưa, không có tán và tàn cây thấp dễ bắt cháy; tương đối bằng phẳng, nền đất không trũng và ẩm ướt. Cần dọn sạch lá cây rụng và các cành gỗ mục từ buổi chiều chuẩn bị. Địa điểm cũng không nên quá gần khu vực dựng các lều trại của các Đội và của Ban Tổ Chức, nhưng nếu được, càng gần khu vực có nguồn nước càng tốt. Cần khảo sát thật kỹ khu đất để ngừa các loại đầu đạn, lựu đạn, bom mìn và mảnh chai lọ, dây thép gai có thể còn sót lại sau chiến tranh.
Nếu Lửa Trại dự kiến có quy mô lớn ( từ 200 em tham dự trở lên ) có thể tận dụng ngay những gốc cây to bị mục hoặc đã đốn từ lâu để làm điểm trung tâm. Nên liên hệ xin phép chủ đất, chủ rừng trước, và tuyệt đối tuân thủ quy định phòng cháy rừng của địa phương.
2. Vị trí đống Lửa Trại:
Đống Lửa luôn luôn ở giữa vòng tròn để các Đội cùng tổ chức được các nghi thức Gọi Lửa, Đốt Lửa và Nhảy Lửa, sau đó cũng dễ cho các trò chơi sinh hoạt bên Lửa.
Riêng “sân khấu” văn nghệ sẽ uyển chuyển xoay vòng theo vị trí ngồi của mỗi Đội tham dự. Nhưng hay nhất là “sân khấu” ở hẳn một phía, thuận tiện cho khán giả, trong đó có thể có quan khách, Cha Sở, các Huynh Trưởng lớn thưởng thức các tiết mục và Ban Tổ Chức có thể quan sát chung để đề phong những bất trắc rủi ro.
Nên chú ý chọn vị trí sao cho trục khán giả – sân khấu luôn vuông góc với hướng gió để tránh bị tạt khói gây ngộp và tàn lửa gây phỏng.
3. Đống Lửa:
Đống Lửa trong Đêm Lửa Trại có 3 tác dụng rõ rệt là: sưởi ấm – soi sáng – gây bầu khí ấm áp. Vì thế, Đêm Lửa Trại có thành công hay không phần lớn là do khâu chuẩn bị củi đốt, hình thức chất củi và kỹ thuật duy trì ngọn Lửa khi to khi nhỏ, khi sáng rực khi dịu mờ.
Củi dự trữ được xếp bao quanh thành một vòng đai quanh đống Lửa, vừa có tác dụng sấy sẵn nếu cành cây còn tươi, lại vừa đề phòng củi đang cháy lăn ra hoặc tro than bắn vào vòng tròn sinh hoạt. Củi dự trữ là củi to, thân dài khoảng 1m trở lại ( tùy quy mô đống Lửa lớn hay nhỏ ), cũng đừng quên phải có khá nhiều cành nhỏ, khô giòn để mồi thêm khi cần làm đống Lửa bùng lên rực sáng. Củi có thể được nhặt trong khu đất cắm trại, có thể được Ban Tổ Chức mua sẵn, nhưng hay nhất là mỗi em đi dự Lửa Trại đều có mang theo để góp vào một bó củi phần mình. Tuyệt đối không dùng vỏ xe và các vật liệu nhựa gây khói đen và khét.
Đống củi sẽ đốt Lửa Trại có thể có ít là 2 dạng sắp xếp, nhưng nên lưu ý không xếp củi quá khít, quá dầy, nhưng luôn luôn để chừa ra các kẽ hở để hút ô-xy giúp cho lửa bắt cháy được. Sau đây là 2 dạng xếp củi thông dụng:
Dạng hình tháp: Bên trong cùng là bùi nhùi, lá khô, rơm rạ khô, giấy vụn. Kế đến là một số cànhkhô nhỏ và giòn. Bên ngoài là các cành khô thân to và dài hơn được chất chụm đầu thành một cái chóp cao hình tháp. Sát tới giờ khai mạc Lửa Trại, tưới vào đống củi khoảng một xị dầu tây ( dầu hỏa, dầu hôi ), tuyệt đối không dùng xăng dễ phựt lửa nguy hiểm.
Dạng hàng rào: Còn được gọi nôm na là dạng “chuồng heo”, bởi các cành cây thân to và dàiđược xếp vây quanh theo kiểu gối đầu lên nhau, bên trong vẫn là đống bùi nhùi lá khô dễ bắt lửa hơn. Dạng này thuận lợi cho việc thiết kế quả cầu Lửa trượt từ trên cao xuống theo một sợi dây thép, khi quả cầu Lửa bắn vào, đống củi không bị xụp đổ như với dạng hình tháp.
Cái khó nhất là làm sao cho khi người đóng vai “Thần Lửa”, hoặc Cha Sở, hoặc một vị khách danh dự nào đó long trọng bước tới châm đuốc vào đống củi, ngọn Lửa phải bừng lên thật đẹp và hào hùng. Một kinh nghiệm nhỏ là nên để dành những mẩu vụn giấy thủ công đủ các màu, xếp chung sẵn với đống bùi nhùi cành khô ở giữa, khi Lửa cháy sẽ phát ra nhiều ánh sáng màu khác nhau rất đẹp, rất huyền ảo và kỳ bý, nhờ vào các thứ hóa chất tạo mầu cho giấy thủ công.
4. Quản Lửa:
Nên là một Huynh Trưởng đã có nhiều kinh nghiệm làm Lửa Trại. Quản Lửa sẽ chít khăn quàng đỏ trên đầu, và hóa trang với Áo Lửa là một tấm chăn choàng lên vai, vừa để chống sương lạnh phía sau lưng cộng với khí nóng phía trước ngực sẽ dễ gây bệnh cảm, lại vừa tạo cảm giác hoang sơ rừng rú. Áo Lửa của Hướng Đạo còn được vẽ vời trang trí, cắt xẻ thành tua ren, hoặc khâu thêm đủ thứ huy hiệu màu sắc vui tươi.
Nếu học được kỹ thuật đánh tín hiệu khói của người da đỏ châu Mỹ, Quản Lửa có thể trở thành “ảo thuật gia” tài ba với những trò tạo cụm khói thần kỳ. Nếu bất ngờ có rủi ro về lửa, Quản Lửa sẽ dùng tấm chăn này để dập tắt ngọn lửa nhanh chóng.
Ngoài ra, Quản Lửa còn cầm một cây sào dài để khơi đống Lửa, để đẩy thêm củi vào, tạo được hiệu năng tăng hay giảm liều lượng ánh sáng Lửa bập bùng phù hợp với bầu khí chung của Đêm Lửa Trại hoặc thích ứng với các tình huống trong từng tiết mục văn nghệ.
5. Quản Trò:
Trong một chương trình bình thường trên sân khấu, đây chính là một Người Dẫn Chương Trình ( Speaker ), hoặc hơn thế nữa, là một Người Điều Khiển ( MC – Master of Ceremony ). Nhưng ở đây, cùng với Quản Lửa, Quản Trò là linh hồn của Đêm Lửa Trại, có thể ví như một “Ngọn Lửa” nhỏ được tách ra khỏi đống Lửa để chạy khắp nơi sân khấu Lửa Trại, để làm cho vòng tròn trở nên linh động, thắp lên tia Lửa nhiệt thành ấm áp và thư thái nơi từng người tham dự.
Quản Trò khi ẩn khi hiện, liên kết và tạo ra cảm hứng sinh động cho mỗi tiết mục. Y phục hóa trang của Quản Trò có thể hơi quái dị lạ lùng, thỉnh thoảng lại thay đổi khác hẳn tùy theo chủ đề của Đêm Lửa Trại. Chương trình toàn bộ đều do Quản Trò sắp xếp điều phối sẵn, hoặc bất ngờ kêu gọi tự phát đóng góp.
Tóm lại, Quản Trò là một nhà nghệ sĩ. Với chất liệu là các tiết mục do từng đơn vị góp lại, Quản Trò sẽ khéo léo dàn dựng thành một tác phẩm độc đáo bằng những nét chấm phá đầy mầu sắc, gây ấn tượng thú vị, vui tươi mà không thiếu phần sâu sắc về Đêm Lửa Trại.
6. Quản Ca:
Ngoài những người Quản Ca riêng của từng Đội đến tham dự Lửa Trại, đôi khi người Quản Lửa và người Quản Trò có thể kiêm luôn vai người Quản Ca chung cho toàn bộ chương trình, họ cứ thế mà tung hứng với nhau rất ăn ý để vòng tròn quanh Lửa Trại luôn sẵn sàng bật lên những bài hát sinh hoạt rộn rã, những băng reo ngắn nhưng để lại dư vị âm vang, những cử điệu múa đơn giản mà chuyển tải được nhiều ý nghĩa, những tràng pháo tay nhịp nhàng, những tiếng hu-oa hoan hô bằng tay trên miệng mang âm hưởng của các bộ lạc bán khai.
Vai trò của Quản Ca đặc biệt cần thiết quan trọng khi mở đầu Đêm Lửa Trại cũng như khi bước vào phần Tàn Lửa chia tay, những bài hát và cử điệu sinh hoạt lúc thì phải hừng hực như Ngọn Lửa reo vui, lúc lại cần phải thấm thía, nhè nhẹ buồn buồn như ánh than hồng.
IV. CHƯƠNG TRÌNH LỬA TRẠI:
Diễn tiến một Đêm Lửa Trại có thể có nhiều nét phá cách sáng tạo độc đáo tùy theo ý đồ của Ban Tổ Chức và người Quản Trò, nhưng nói chung, vẫn cần hội đủ các thành phần chương trình như sau:
1.    Mời Dự Lửa:
Sau khi đã chuẩn bị xong đống củi và các khâu khác, Quản Lửa, Quản Trò, Quản Ca và Ban Tổ Chức Đêm Lửa Trại sẽ cùng nhau nhất loạt gọi thật to tên từng Đội một cách chậm rãi và dõng dạc, ví dụ: “Xin mời Đội Se Sẻ Hồn Nhiên ra dự Lửa Trại đêm nay, xin mời !” Đội Se Sẻ từ khu vực lều trại của mình sẽ hú đáp lại, hô khẩu hiệu Đội: “Se Sẻ – Hồn Nhiên !”, bắt lên bài ca Đội rồi sắp hàng một vừa chạy vừa hát cho đến khi ổn định tại khu vực sẽ tổ chức Đêm Lửa Trại.
Cứ thế, Ban Tổ Chức lại gọi: “Xin mời Đội Chích Chòe Chững Chạc ra dự Lửa Trại đêm nay, xin mời !”... Cho đến khi tất cả các Đội đều đã họp mặt đầy đủ thành một vòng tròn quanh đống củi, cuối cùng Ban Tổ Chức sẽ mời các vị quan khách, các vị Huynh Trưởng lớn...
Ra dự Đêm Lửa Trại, tất cả các Đội đều đã hóa trang sẵn cho tiết mục mình sẽ đóng góp. Quản Lửa, Quản Trò và Quản Ca cũng có thể hóa trang thành các vị Thần Lửa, Già Làng, Thầy Mo... Chỉ riêng quan khách và các Huynh Trưởng lớn thì không buộc phải hóa trang, nhiều lắm là chít một chiếc khăn quàng màu đỏ trên đầu để chống sương lạnh.
Cũng cần lưu ý rằng lúc này, không sử dụng bất cứ một nguồn sáng nào như nến, đèn pin, diêm... chỉ có ráng chiều đỏ xẫm hoặc trời đêm với ánh trăng sao tự nhiên.
2.    Gọi Lửa:
Quản Trò nói đôi lời ngắn gọn nhưng hết sức khúc chiết và dõng dạc về ý nghĩa của Lửa trong đời sống con người. Có thể kể câu truyện thần thoại Hy-lạp về việc thần Prô-mê-tê ( Prométhée ) đã đánh cắp Lửa Trời cho nhân loại, chấp nhận bị thần Dớtx ( Zeus ) trừng phạt. Sau đó, Quản Trò mời tất cả cùng hát 2 lần Bài Ca Gọi Lửa “Ta đốt to cho bừng lên sáng...” kèm theo các cử điệu phù hợp.
Đối với Đêm Lửa Trại cho Giáo Lý, có thể tôn-giáo-hóa các nghi thức Lửa bằng cách gợi đến bầu khí lo âu rụt rè trong ngày Lễ Ngũ Tuần của các môn đệ sau khi Chúa Giê-su Phục Sinh đã về Trời, để rồi Ơn Chúa Thánh Thần đã được ban xuống một cách chan hòa cho mọi người ( xem Cv 2, 1 – 4 ). Đại để Quản Trò có thể dẫn giải như sau:
”Các em thân mến, cách nay gần 2000 năm, sau khi Đức Giê-su đã về trời, vào ngày Lễ Ngũ Tuầnn, các môn đệ của Đức Giê-su đang tập trung cầu nguyện trong phòng, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần...
Vậy, ngày hôm nay, để có thể có được một Đêm Vui Trung Thu thật sự có ý nghĩa, tất cả chúng ta cũng hãy khẩn cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến giữa chúng ta, đó là Ngọn Lửa tượng trưng cho sự sống, cho niềm vui và cho tình yêu thương chan hòa, làm bừng sáng lên Lòng Tin – Cậy – Mến cho cuộc đời của mỗi chúng ta.
Xin mời tất cả các em cùng quỳ xuống, hát Bài Thánh Ca ( bài Thánh Thần Ngự Đến của cha Thành Tâm ):
“Thánh Thần khấn xin ngự đến, hồn con đang mong chờ Ngài.
Suối nguồn thánh ân hiện xuống, này dương gian,
Xin Ngài hãy đến, chiếu sáng nẻo đi quanh co sai lầm,
Ngài ơi, xin Ngài hãy đến hiển linh, Ngài ơi !
Lạy Ngài xin đến, dẫn dắt chúng con trên đời,
Cầu Ngài liên kết chúng con nhất tâm trong Ngài.
Cầu Ngài ban ơn thêm sức kiên vững không lay,
Sống sao nên người con Chúa, chứng nhân tình yêu...”
Lúc này, Quản Lửa đã ra ngoài chuẩn bị phần việc của mình.
3. Chạy Lửa:
Tất cả thinh lặng. Quản Trò xướng lên: “Xin hãy nổi trống lên !” Một huynh trưởng bắt đầu đánh trống theo 3 hồi 9 tiếng, suốt thời gian anh Đoàn rước đuốc chạy, trống càng ngày càng nhanh, dồn dập, rồi chậm dần cho tới khi anh Đoàn trao đuốc cho cha sở.
Từ xa xa trong bóng đêm, Quản Lửa trong vai Thần Lửa hoặc Thiên Sứ mang Lửa của Chúa Thánh Thần, tay cầm đuốc sáng, chạy với tốc độ vừa phải, đến nơi lại chạy 1, 2 vòng chung quanh, rồi rẽ mọi người chạy vào trong, chạy thêm 1, 2 vòng quanh đống củi. Cuối cùng khi tất cả vừa dứt tiếng trống, hoặc vừa dứt bài hát Gọi Lửa thì Quản Lửa đứng lại bên cạnh vị Huynh Trưởng danh dự hoặc Cha Sở là vị chủ sự Đêm Lửa Trại.
4.    Đốt Lửa:
Vị chủ sự sẽ đón lấy ngọn đuốc trên tay Quản Lửa, nói thật vắn tắt, hư một lời mời gọi, đại để: ”Đêm nay, chúng ta đã khao khát được đón lấy Lửa là ánh sáng, là hơi ấm, là niềm vui và là biểu tượng của sự sống. Giờ đây Lửa đã ở giữa chúng ta, ước gì chúng ta sẽ sống trọn vẹn niềm vui và tình yêu thương bên nhau đêm nay và mọi ngày trong cuộc đời...”
Nếu là Cha Sở, ngài sẽ chúc lành cho Đêm Lửa Trại: “Ơn Chúa Thánh Thần đã đến và còn đang đến nơi mỗi người Ki-tô hữu chúng ta, để mỗi ngày trong đời chúng ta đều là một ngày Lễ Ngũ Tuần. Nguyện xin Người chúc lành cho Lửa Trại đêm nay của chúng ta... “
Và ngay sau đó, vị chủ sự long trọng châm đuốc vào đống củi cho ngọn Lửa bừng lên, trống cái lại gióng lên vui tươi rộn rã một hồi dài. Đêm Lửa Trại chính thức được khai mạc...
Cũng có thể thiết kế một hệ thống quả cầu Lửa chạy theo dây thép bắn xuống thẳng đống củi làm cho Lửa bùng lên, vừa bất ngờ, hồi hộp, lại vừa gây ấn tượng tia Lửa xẹt trong đêm. Nhưng dùng kỹ thuật gì đi nữa, cũng cần chuẩn bị và thử nghiệm cẩn thận trước cho chắc ăn.
5.    Nhảy Lửa:
Nếu chỉ có khoảng 100 người trở lại, có thể tổ chức cho tất cả cùng Nhảy Lửa. Nhưng nếu tổ chức cho tất cả học sinh Giáo Lý trong giáo xứ, con số có thể lên đến hàng ngàn em, không thể cùng Nhảy Lửa được. Vì thế, chỉ nên chọn một lớp tương đối lớn ( ví dụ: lớp Tuyên Tín hoặc lớp Vào Đời ), khoảng từ 30 đến 50 em, tập luyện thật kỹ từ trước cho các em về bài ca cũng như các cử điệu Nhảy Lửa.
Đến đêm tổ chức Lửa Trại, cho các em hóa trang khá đặc sắc, đứng thành một vòng tròn trong cùng, đối diện với Đống Lửa. Quản Trò hoặc Quản Ca sẽ điều động cho các em cùng Nhảy Lửa. Mọi người tham dự đứng ở các vòng bên ngoài cùng hát Bài Ca Nhảy Lửa.
Kết thúc Bài Ca Nhảy Lửa, nên có một băng reo Mừng Lửa thật vui tươi và hào hùng. Sau đó, Quản Trò có thể cho một trò chơi vận động nhẹ cho hứng khởi, ví dụ: trò chơi kèm theo bài hát “Một ngón tay nhúc nhích này...” nhưng được sửa lại thành “Một Ngọn Lửa nhúc nhích này...” vừa hát vừa mời 1 người, rồi 2 người, rồi 3 người đứng lên nhún nhảy như Ngọn Lửa, cho đến 10 người thì kết thúc trò chơi... Cũng có thể mời mọi người hát và làm cử điệu các bài như: Thắp Ngọn Đèn Sáng, Đèn Sáng Muối Mặn...
6.    Văn Nghệ Lửa Trại:
Người Quản Ca hoặc Quản Trò đảm nhận làm Người Dẫn Chương Trình Văn nghệ trong Đêm Lửa Trại vừa giống lại vừa khác với một Người Dẫn Chương Trình ( Speaker ) trên sân khấu bình thường.
Giống ở chỗ vẫn phải có sẵn một “kịch bản” về các tiết mục văn nghệ sẽ diễn, biết cách dẫn nhập để giới thiệu một tiết mục cho duyên dáng và hấp dẫn, biết hướng nội dung từng tiết mục vào chủ đề của toàn chương trình thành một xâu chuỗi liền lạc và hài hòa...
Nhưng lại khác ở chỗ các diễn viên văn nghệ Lửa Trại lại cũng chính là khán giả. Đúng hơn, không còn là “khán giả” ( tức “người-xem” ) hay là “diễn viên” ( tức “người-diễn-cho-người-ta-xem” ) mà phải gọi là người tham dự Lửa Trại như mọi người, và mọi người một khi đã đến tham dự Lửa Trại cũng đều là các diễn viên với nhau và cho nhau.
Do vậy, Người Dẫn Chương Trình ở đây không nên giữ vẻ ngoài  quá tề chỉnh trang trọng, với những lời dẫn văn chương kiểu cách, nhưng cần phải khéo léo và dí dỏm để gây được bầu khí gần gũi: Diễn viên là khán giả, khán giả cũng lại sẽ là diễn viên. Bản thân Người Dẫn Chương Trình cũng có lúc hóa thân thành diễn viên để lôi cuốn vòng tròn chung quanh cùng nhập cuộc vào một tiết mục.
Cũng cần lưu ý, trong một chương trình văn nghệ Lửa Trại, không nên có quá nhiều tiết mục, thường chỉ nên ở mức từ 8 tới 12 tiết mục là vừa. Gần như không nên có đơn ca, ít các bài múa, nhưng có thể có một số hoạt cảnh, kịch ngắn, tiểu phẩm tấu hài. Cũng có thể có độc tấu sáo, phong cầm ( accordéon ), hoặc khẩu cầm ( harmonica ) hòa tấu với tây ban cầm ( guitare ) nhưng người chơi phải có trình độ giỏi và biết chọn bài phù hợp mới thuyết phục được người thưởng thức.
Sau mỗi tiết mục, hầu như Đêm Lửa Trại không dùng đến cách vỗ tay để tán thưởng hoặc những tiếng “Bis, bis !”  như bình thường, nhưng Quản Trò có thể cho vòng tròn úp tay lên miệng làm tiếng Hu-uoa, uoa, uoa để hoan hô, hoặc bắt nhịp hát các bài khen như: ”Vui là vui quá, vui là vui ghê...”, “Hoan hô Đội này một cái...”, “Vui là vui là vui chúng mình vui nhiều...”, “Vỗ tay, vỗ tay, cùng nhau hát mà vui cười...”, hoặc làm một băng reo để khen: “Hay, hay, hay, úi chà hay !”
Quản Trò và Quản Ca cũng nên có sẵn những trò chơi nho nhỏ, một bài hát sinh hoạt để mọi người làm cử điệu, một trò ảo thuật giúp vui... để xen kẽ giữa các tiết mục. Nếu có một vở kịch nội dung sâu sắc và khá lắng đọng, lại gắn được với chủ đề Đêm Lửa Trại, thì Quản Trò nên sắp xếp để diễn cuối chương trình.
Vở kịch chấm dứt, để chuẩn bị vào phần Tàn Lửa, bế mạc Đêm Lửa Trại, có thể có một khoảnh khắc 15 giây im lặng, rồi để gây thêm bầu khí trầm lắng, Quản Trò mời mọi người hát chậm và nhỏ giọng, không vỗ tay: “Ta hát to hát nho nhỏ nho, rồi mình ngồi kể truyện cho nhau nghe...” Trong khi đó, Quản Lửa dùng gậy dài kéo bớt củi cháy ra cho Ngọn Lửa dịu xuống, hầu như chỉ còn than hồng đỏ rực...
7.    Câu Chuyện Tàn Lửa:
Đây là một câu chuyện chiều sâu, một bài giáo huấn thấm thía, một lời dặn dò ân cần và gần gũi. Do vậy, đảm nhận phần này nên là một Huynh Trưởng lão thành, Linh Mục Tuyên Úy, hoặc Cha Sở. Ngài mở lời, giọng điềm đạm chậm rãi nói với mọi người trong vòng tròn:
“Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải chia tay. Ngọn Lửa của chúng ta đã từng bừng sáng reo vui, nhưng giờ đây chỉ còn đó than hồng rực nóng. Khoa học đã chứng minh rằng: than hồng âm ỉ thì có sức nóng hơn củi đang cháy nhiều lắm. Ước gì, mỗi người trong chúng ta, lát nữa đây chia tay ra về, cũng hãy giữ lấy trong tâm hồn mình chút than hồng của sức sống nhiệt thành. Đó sẽ là niềm vui bên nhau đêm nay, đó cũng sẽ là hành trang lý tưởng phục vụ cho ngày mai...”
Quản Ca bắt lên bài ca: Thắp sáng lên trong con, hoặc Một ngày gần hết, hoặc Một ngày sẽ qua đi, hoặc Đến nơi Nguồn Thật.
8.    Chia Tay:
Mọi người nắm lấy tay nhau thành một hoặc nhiều vòng tròn đồng tâm, có thể bắt chéo tay, có thể quàng tay sau lưng nhau. Quản ca bắt lên một trong các bài ca chia tay, như: Giữ chặt mối dây, Cùng biết ơn nhau, hoặc Câu hát chia tay, hoặc Họp mặt chia tay, hoặc Nối Lửa cho đời.
Nhưng có lẽ cảm động nhất vẫn là giai điệu và tâm tình của bài ca Shalom Chaverim của Do-thái, vốn đã trở thành bài chia tay truyền thống trên toàn thế giới, được địch ra rất nhiều thứ tiếng, luôn được cất lên trong mọi cuộc họp bạn quốc tế: đó là bài Giây phút chia ly, lời Việt của cha Tiến Lộc.
V. TINH THẦN LỬA TRẠI
Ít hay nhiều một Đêm Lửa Trại sẽ lưu lại như một dấu ấn không phai nơi tâm hồn của mỗi người và mọi người đã từng một lần tham dự.
Thường thì Ban Tổ Chức sẽ tận dụng tinh thần nối dài của Đêm Lửa Trại, sau khi các Đội đã chia tay ra về, vẫn duy trì đống than hồng để tiến hành một Giờ Tĩnh Tâm cho các Huynh Trưởng ( hoặc cho các bạn sẽ tuyên hứa vào sáng hôm sau ), hoặc một Hội Đồng Đường ( chuẩn bị cho một số Huynh Trưởng thuộc ngành Tráng Hướng Đạo được nhận huy hiệu RS – Rover Scout, để Lên Đường ), hoặc một Hội Đồng Rừng   ( đặt tên Rừng cho một số Đội sinh, Đoàn Sinh muốn gia nhập Rừng theo tập tục của Hướng Đạo ).
Riêng đối với Sinh Hoạt Giáo Lý, vị linh hướng có thể tổ chức một Đêm Lửa Dặm Đường cho toàn Ban Giáo Lý, nhận định và lượng giá về toàn Ngày Trại, về Đêm Lửa Trại vừa qua, đồng thời phác họa một kế hoạch cho tương lai. Cũng có thể có một Đêm Tĩnh Tâm chuẩn bị cho các em lớp Tuyên Tín ( Bao Đồng ) sẽ long trọng tuyên xưng Đức Tin trong Thánh Lễ sáng sớm ngày hôm sau ngay tại Đất Trại ( nếu điều kiện và hoàn cảnh cho phép ), hoặc tại Nhà Thờ của giáo xứ.
Nguồn tin: giáo phận thái bình
URL của bản tin này: http://giaoxubongtien.com/index.php?nv=news&op=Thu-Vien-Tai-Lieu/Bai-17-Cach-thuc-to-chuc-mot-dem-lua-trai-399

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét