Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

NGƯỜI QUẢN TRÒ TRONG SINH HOẠT TẬP THỂ


I - ĐÔI LỜI DẪN NHẬP

Có thể dùng danh từ “nghề” để nói về công việc Quản Trò, mặc dù nghề này không hề nhắm đến vấn đề sinh kế hay một địa vị danh vọng nào trong xã hội như các nghề khác.
Thế nhưng, nhìn dưới góc độ phục vụ vị tha thì nghề Quản Trò có những đặc nét dễ thương, làm cho ai đã “lỡ” dấn thân vào thì trở thành cái nghiệp, không tài nào rũ bỏ được.
Ở đây, xin trình bày 3 đặc nét làm nên một Quản Trò, hay còn gọi là một Linh Hoạt Viên chân chính:
·         Tính cách
·         Vốn liếng
·         Kinh nghiệm
Khi lần lượt phân tích từng điểm rồi, chính bản thân chúng ta sẽ ý thức được giá trị sâu xa của nghề Quản Trò mà tự tin hơn, nỗ lực hơn để ngày một trở nên thành thạo hơn, đồng thời cũng cảm thông hơn với các anh chị em Quản Trò khác khi họ gặp thất bại khi “hành nghề”.


II - TÍNH CÁCH CỦA NGƯỜI QUẢN TRÒ

Người ta thường quan niệm một cách khá bạc bẽo rằng người Quản Trò là một anh, một chị chuyên làm “trò hề” cho thiên hạ mua vui, có chút máu tiếu lâm, tính tình lại hay bông đùa hời hợt, khi vào việc đứng đắn quan trọng thì chẳng ai dám tin tưởng giao phó, sợ bị người ấy biến thành trò đùa !
Thiết nghĩ, quan niệm như thế là nông cạn, hẹp hòi và tàn nhẫn. Để làm được một anh hề dễ thương, một chị Quản Trò tài giỏi, trước hết, bạn phải là một người có tâm hồn cởi mở, ý thức sâu sắc, bản lĩnh vững vàng và khả năng đa dạng.

<1>Tâm hồn cởi mở:
 Người Quản Trò có cái Tâm vị tha thì có thể sẵn sàng đóng góp phần mình một cách nhiệt thành cho cuộc vui chung, cho bầu khí tập thể thêm đậm đà, ý nhị và thân tình gắn bó.

<2> Ý thức sâu sắc:
 Người Quản Trò có ý thức, phán đoán tốt thì sẽ biết làm những gì, biết nói thế nào cho đúng lúc, đúng nội dung, đúng đối tượng, nhờ vậy, thông qua trò chơi, dần dần bồi đắp cho mỗi người và cho tập thể nhiều giá trị giáo dục.

<3> Bản lĩnh vững vàng:
 Người Quản Trò có bản lĩnh cứng cáp thì có thể biến báo nhanh nhẹn trong mọi việc; không tránh việc, không dựa hơi; thành công không kiêu, thất bại không nản; và đến một thời điểm nào đó sẵn sàng nhường bước cho người giỏi hơn, cho thế hệ trẻ hơn kế thừa mà không buồn, mặc cảm và ganh tỵ.
Khả năng đa dạng: Khả năng càng đa dạng thì người Quản Trò
 càng có thể biến mọi việc, mọi dịp thành một trò chơi đúng nghĩa và lý thú; biết khá rộng mọi lãnh vực để vận dụng; biết ăn nói dõng dạc mạch lạc, biết cư xử hài hòa. Người Quản Trò có đủ cả sở trường sở đoản thì dễ “nhập vai”: khi kể truyện, lúc đệm đàn, tập hát, tập mini vũ, lại có thể thành diễn viên kịch nghiệp dư hay người dẫn chương trình ( Speaker ), và đặc biệt là người chịu trách nhiệm cuối cùng khi có sự cố xẩy ra mà không còn ai có thể giải quyết.

Như thế, chúng ta không thể coi Quản Trò là một anh hề, có tài vặt và lém miệng. Ngược lại, phải nhìn nhận đây là một thủ lĩnh (leader) đầy trình độ và thiện chí, có thể làm chủ một tập thể từ 6 đến 600.000 người trong một thời gian ngắn hay dài. Kết quả cuối cùng mà người Quản Trò đón nhận được lại chỉ là những phần thưởng tinh thần tự mình cảm nhận được sau khi cuộc vui đã tàn, mọi người đã chia tay.
Vậy, tắt một lời, dù đòi hỏi nhiều kỹ năng, phương pháp, dù đã gọi là nghề, Quản Trò vẫn là cả một “nghệ thuật”.


III - VỐN LIẾNG CỦA NGƯỜI QUẢN TRÒ:

Chúng ta có thể xem vốn liếng ở đây là những gì bẩm sinh người Quản Trò được thiên phú như một năng khiếu quý và hiếm, không phải ai cũng có được. Tuy nhiên, chỉ thế thôi chưa đủ, cần còn rất nhiều nỗ lực học hỏi qua tài liệu sách vở, qua các bài khóa huấn luyện, qua kiến tập và thực tập cùng với các Huynh Trưởng lớn. Chắc chắn một điều là phải luôn trong tư thế sắp sẵn (toujours prêt ), không phải đợi thành tài mới ra nghề, nhưng chính là thành nghề lần hồi mới ra tài.
Ở đây chúng ta sẽ đề cập đến một số vốn liếng thiết thân tối thiểu người Quản Trò phải có:

1. GIỌNG NÓI VÀ KHUÔN MẶT
 
Người Quản Trò cần có giọng nói to, dõng dạc để trình bày trò chơi, hướng dẫn luật chơi thật ngắn gọn mà dễ hiểu, gây được sự chú ý tập trung và bất ngờ hấp dẫn chocả tập thể đông người, mặc dù có thể họ đã chơi trò ấy nhiều lần.
Khi người Quản Trò làm cả nhiệm vụ một Trọng Tài, cần có những quyết định công minh mà vẫn giữ được bầu khí vui tươi, khi đưa ra một số khẩu lệnh dứt khoát nhưng pha một chút dí dỏm, khiến mọi người dễ dàng tự nguyện làm theo.
Khuôn mặt người Quản Trò luôn tươi tỉnh, cởi mở, ánh mắt nhìn bao quát toàn bộ, tránh để lộ sự nóng nẩy hoặc nản lòng thoái chí, dứt khoát không nạt nộ, ra lệnh gay gắt.

2. CỬ CHỉ VÀ DÁNG ĐIỆU
Người Quản Trò cần có dáng vẻ tự nhiên, cư xử dễ thương, gây nhiều thiện cảm, tạo được sự chú ý, mới xuất hiện đã làm cho tập thể vui nhộn hẳn lên, tương tác giao kết với nhau thoải mái. Cần tránh các cử chỉ thừa, vụng về, tự mình sẽ dễ mất tự chủ trước đông đảo người tham dự đang tập chú về mình. Tất cả toát lên sự gần gũi thân tình, làm Quản Trò điều khiển cuộc chơi mà cứ như thể ở cùng một phía với người chơi.

3. SỨC KHỎE VÀ THÁO VÁT

Thể lực của người Quản Trò đòi hỏi phải tương đối dai bền, mau hồi phục để tránh tình trạng kiệt sức giữa chừng, thở hổn hển, nói đứt quãng, không chơi mẫu được như trò chơi yêu cầu. Sự thành thạo, nhanh nhẹn tháo vát về kỹ năng ( chơi bóng, vẽ, nút giây, ảo thuật, hò đối đáp... ) cũng hết sức cần thiết cho người Quản Trò dù không đến mức buộc phải là một cầu thủ, một họa sĩ, một thi sĩ, một lực sĩ hay một ảo thuật gia...

4. KIẾN THỨC VÀ Ý NIỆM
Kiến thức bước đầu của nghề Quản Trò có thể là “học lóm”, là bắt chước, nhưng muốn tiến lên mức cao hơn cần phải biết tự học trong sách, với thầy, với bạn để rồi dần dần tự hệ thống thành lý luận kiến thức, làm vốn liếng riêng của mình.
Người Quản Trò cần luôn tự nhủ rằng: mình đang góp phần giúp mọi người nhận ra các giá trị do trò chơi sinh hoạt đem lại. Muốn thế, bản thân phải “ngộ” được trước các giá trị ấy để sau đó mới có thể truyền đạt trò chơi một cách sinh động.
Sẽ không là cường điệu nếu nhận định rằng: nghề Quản Trò cũng góp một phần gián tiếp trong chức năng sư phạm và giáo dục, đặc biệt với các bạn trẻ sinh hoạt.

5. VỐN LIẾNG VÀ TRANG BỊ
Đã làm Quản Trò thì không bao giờ được cạn trò chơi, ngược lại, luôn tìm học và tự sáng tác trò chơi mới, ít ra cũng là biết chế biến, “thêm mắm thêm muối”, để mỗi lần xuất hiện là một lần hứa hẹn sẽ đem đến một trò hấp dẫn, có duyên, có ý nghĩa, đáp ứng được ngay nhu cầu của tập thể. Người Quản Trò cũng nên rủ các bạn trong nghề cùng nhau sưu tập, lập Trương Mục hoặc Ngân Hàng Trò Chơi để vốn liếng trang bị ngày một thêm phong phú đa dạng và hợp thời.


IV - KINH NGHIỆM CỦA NGƯỜI QUẢN TRÒ


Đã gọi là kinh nghiệm thì hay nhất vẫn là chính bản thân người Quản Trò phải tự học lấy, mắt thấy tai nghe, ghi chép vào Sổ Tay Quản Trò, thử nghiệm qua nhiều thành-bại.
Thật vậy, không có kinh nghiệm của người nào lại giống của người nào. Nhờ đó, mỗi Quản Trò sẽ tự hình thành cho mình một tính cách riêng, một nét duyên đặc thù không thể nhầm lẫn với ai khác.
Ở đây, xin nêu 5 vấn đề chính yếu phải thận trọng lưu ý:
·         Về số lượng người chơi;
·         Về đối tượng tham dự;
·         Về bầu khí cuộc chơi;
·         Về điều kiện tổ chức sinh hoạt;
·         Về chính bản thân Quản Trò
1. SỐ LƯỢNG NGƯỜI CHƠI
Có một hàm số nghịch biến về tâm lý tập thể ở đây: khi số lượng
 người tham gia sinh hoạt càng đông thì tính chất của trò chơi lại càng “trẻ con” đi ! Do vậy, người Quản Trò cần biết biến báo, chọn lựa trò chơi, đưa ra cho hợp với “độ tuổi tâm lý” nghịch thường nói trên. Ở đây chúng ta khảo sát 4 cấp độ của số lượng người chơi:

Trên dưới 12 người:
 
Cho dù đối tượng chỉ là các thanh thiếu niên còn rất trẻ đi nữa thì trò chơi vẫn phải ở cấp độ khá cao, thường đòi hỏi sự quan sát, óc lý luận, trí tưởng tượng và tính khôi hài dí dỏm, có vẻ “ông cụ non”.
Trò chơi không nhắm tới thắng-bại, hơn-thua, mà chỉ cốt những người cùng chơi cảm thấy thú vị khoái chí là thành công. Ví dụ: Trò chơi xếp giấy Origami; Các câu đố mẹo dân gian, chơi chữ; Trò Chơi Kim; Các dạng Trò Chơi Dùng Phiếu; Tòa Án Vườn.
Nếu cần dùng đến Bài Hát Sinh Hoạt thì nên chọn tập những bài ở mức độ khá cao, có thể đệm guitare hát chung với nhiều tâm tình như các bài: Cho Con, Trường Làng Tôi của Phạm Trọng Cầu; Mặt Trời Bé Con của Trần Tiến; Bông Hồng Cài Áo của Phạm Thế Mỹ; Quê Hương của Đỗ Trung Quân và Giáp Văn Thạch; Ngài Cho Anh Ngài Cho Tôi của Thành Tâm; Nối Lửa Cho Đời của Tiến Lộc và Võ Tá Khánh...

Trên dưới 60 người:

Trò chơi sẽ ở cấp độ trung bình, đòi hỏi sự nhanh nhẹn, tháo vát, khéo léo, dẻo dai, đầy sôi động. Ví dụ: Các Trò Chơi Vận Động Nhẹ hay Mạnh, Trò Chơi Phản Xạ, Đối Kháng, Thi Đua..., các Bài Hát Có Cử Điệu...
Sinh hoạt với khoảng 60 người là hoàn cảnh thông thường nhất dành cho các Quản Trò, không quá ít cũng không quá đông người tham dự, vừa sức cho một Quản Trò trẻ, đang thời gian “thử tay nghe”à có thể rèn luyện khả năng. Nếu cần hát sinh hoạt, nên chọn các bài ở mức trung bình, khá dễ tập, dễ nhớ như: Gặp Gỡ Đức Ki-tô của Tiến Lộc; Ra Khơi Với Đức Ki-tô, Ngôi Nhà Chúng Ta của Quang Uy...

Trên dưới 300 người:

Trò chơi ở mức độ đơn giản, chỉ đòi hỏi sự đồng loạt nhịp nhàng, vui nhộn, dễ bắt chước, luật chơi hết sức dễ hiểu và dễ thực hiện.
Nếu không gian chơi là một hội trường, nên áp dùng các Trò Chơi Phản Xạ. Nếu ở ngoài sân rộng rãi thì nên dùng các Trò Chơi Vận Động Nhẹ. Cũng đừng quên các Băng Reo là loại trò chơi vừa hợp với đám đông lại vừa tạo hiệu quả cao.
Bài Hát Sinh Hoạt nên chọn loại phổ biến, dễ hát, mau thuộc, nhịp độ vui hùng như: Hành Trang Người Trẻ của Hoàng Đức; Nối Vòng Tay Lớn của Trịnh Công Sơn; Phồn Ơi, Kìa Nhìn Xem của Tiến Lộc; Năm Châu Yêu Thương của Quang Uy...

Trên dưới 3000 người:

Trò chơi ở mức độ thấp nhất ( thấp nhất nhưng vẫn không phải là tầm thường ), chỉ đòi hỏi những động tác đơn giản nhất loạt dựa vào các khẩu lệnh ngắn và rõ, như trong các bài tập thể dục như: vỗ tay, đứng lên ngồi xuống, quay phải quay trái...
Các Bài Hát Sinh Hoạt ở mức dễ tối đa, 4 câu, nét nhạc lập đi lập lại, nhịp điệu đơn sơ rập ràng, như: Cái Nhà Là Nhà Của Ta của cha Nguyễn Văn Thích; Mình Với Ta Tuy Hai Mà Một của Phạm Duy; Anh Em Hãy Ca Lên của Tiến Lộc; Nào Mời Anh Lên Tàu Lửa của Thành Tâm; Gần Nhau Trao Cho Nhau...

2. ĐỐI TƯỢNG THAM DỰ
Khi nhận nhiệm vụ bất ngờ, Quản Trò cần chú ý nhận xét được sự khác biệt giữa một tập thể đã tương đối có đội ngũ nề nếp ( các học sinh Giáo Lý, các Hội Đoàn Giới Trẻ... ) với các đám đông được tập họp đột xuất và tạm thời mà thôi ( khách dự tiệc cưới, quần chúng đón một vị khách... ). Nhận định rồi, Quản Trò mới có thể tìm được phương án sinh hoạt thích ứng với từng trường hợp. Mặt khác, cũng cần lưu tâm ưu tiên đến đối tượng chính được đặc biệt nhắm đến hoặc đang chiếm đa số trong đám đông tham dự. Như vậy, có 6 trường hợp cần chú ý:

Đã có đội ngũ:

Trường hợp này, Quản Trò cần “tung chiêu” lạ, bất ngờ, mức độ chơi càng lúc càng khó, tận dụng những nét đặc trưng của đội ngũ họ đã có sẵn (tôn chỉ, hoạt động, truyền thống, tình thân, ý thức kỷ luật... ) để từ đó dẫn vào các trò chơi có ý nghĩa sâu sắc mà gần gũi với họ.

Không có đội ngũ:

Trường hợp phải đối diện với một đám đông phức tạp, lại chưa có đội ngũ, Quản Trò nên mở đầu thăm dò bằng các Trò Chơi và Bài Hát Sinh Hoạt đơn giản, dễ bắt chước, tạo sự chú ý tập trung nhanh. Sau đó, nếu cần mới nâng mức độ lên dần.

Chưa quen sinh hoạt:
 Ở thành thị hay thôn quê, chắc chắn vẫn luôn có những tập thể chưa quen sinh hoạt. Trước tiên, Quản Trò cần đưa ra loại trò chơi “đập đá phá băng” để hóa giải cái ngại ngần giữa nam và nữ, cái ngỡ ngàng với hình thức sinh hoạt lạ lẫm ( Ví dụ: các trò chơi Bão Thổi, Kết Chùm, Vỗ Tay Theo Nhịp... )
Bằng lời mời gọi khích lệ và cách hướng dẫn luật chơi cặn kẽ, Quản Trò dần dần lôi cuốn họ vào cuộc chơi cởi mở nhiệt tình bằng những trò chơi đơn giản.

Đã quen sinh hoạt:
 Đừng vội nghĩ là chuyện dễ, chuyện nhỏ khi đến với một tập thể đã quá quen với các dạng sinh hoạt.
Khi chọn đưa ra một trò chơi, Quản Trò nên thăm dò xem họ đã biết chưa, có thích trò ấy không, nương theo đó mà chế biến hoặc nâng cao liều lượng từ dễ đến khó. Trò chơi cũ nhưng cách chơi mới thì mới hấp dẫn họ, làm cho họ “kết” mình.

Có nhiều trẻ em:

Nếu trong đám đông, trẻ em chiếm đa số nhưng cũng hỗn tạp, nhiều trình độ, nhiều lứa tuổi, Quản Trò nên dùng các Trò Chơi và Bài Hát Có Cử Điệu ngắn, dễ tập, dễ thuộc, lại có ý nghĩa giáo dục nhân bản hoặc tôn giáo vừa tầm cho mọi người, cả trẻ em lẫn người lớn.

Có nhiều người lớn:

Đây là trường hợp người lớn có dắt theo con cái cùng đi dự một buổi họp mặt của người lớn với nhau. Quản Trò chỉ nên chọn loại Trò Chơi dễ chơi nhưng tương đối sâu sắc, không đòi hỏi vận động nhiều, lại có nét duyên dáng ý nhị, nhanh chóng gây được cảm tình, tạo được sự sinh động trẻ trung, người lớn lẫn trẻ em đều thấy vui.

3. BẦU KHÍ CUỘC CHƠI
Quản Trò cần lượng giá được ngay tình hình chung của tập thể bằng một vài trò chơi ngắn để thăm dò: Họ có quen hoặc có thích sinh hoạt không ? Bầu khí háo hức sinh động hay rời rạc ơ hờ ?
Từ đó Quản Trò mới quyết định chọn lựa tung “trò ruột” nào để tạo hứng khởi, phá thế thụ động của tập thể.
Mặt khác, Quản Trò cần kịp thời ứng biến thay đổi loại trò chơi, tránh đơn điệu kéo dài, tránh để tập thể ngồi quá lâu hoặc chạy nhảy quá mệt, xen kẽ lúc thì sôi nổi, khi thì lắng đọng nhẹ nhàng hơn, vừa mở chiều rộng lại vừa nhấn chiều sâu.

4. ĐIỀU KIỆN TỔ CHỨC SINH HOẠT
Người Quản Trò có quyền chọn lựa trước địa điểm sinh hoạt tối ưu, nhưng nếu bất ưng, ngoài dự kiến thì vẫn phải luôn sẵn sàng thích ứng với mọi hoàn cảnh và điều kiện của không gian tổ chức sinh hoạt sẵn có. Ở đây xin nêu 5 tình huống dặc trưng có thể gặp, đòi hỏi Quản Trò phải biến báo:

Sân bãi quá rộng:

Nếu số người tham gia không quá đông, Quản Trò cho lập vòng tròn SHO không quá lớn để bầu khí không bị loãng, tận dụng diện tích rộng để có thể chọn các Trò Chơi Vận Động Mạnh, di chuyển nhiều và nhanh, có tính đối kháng, nhưng cũng nên thỉnh thoảng xen kẽ bằng những Trò Chơi Vận Động Nhẹ, ngồi tại chỗ.

Phòng ốc quá chật:
 Nếu số người tham gia khá đông, Quản Trò nên chọn các Trò Chơi Vận Động Nhẹ tại chỗ, có thể tận dụng cả bàn ghế và các vật dụng sẵn có trong phòng vào các nội dung và tình huống chơi cho thêm lý thú, thỉnh thoảng cũng nên xen kẽ bằng các Bài Hát Sinh Hoạt. Thời gian sinh hoạt không nên lâu quá 1 giờ, tránh bị ngộp.

Không có micro để điều động:
 Nếu không gian quá rộng, số lượng người tham gia quá đông, mà lại không có micro điều động, thì quả là một tình huống khó khăn. Quản Trò có thể mời một số bạn trẻ biết nghề tình nguyện làm các Quản Trò Phụ Tá, chơi một trò mở đầu chung, sau đó chia tập thể thành 2, 3 nhóm sinh hoạt riêng, cuối cùng sẽ lại tập họp chung để sinh hoạt kết thúc.
Nếu tập thể hoàn toàn chưa quen sinh hoạt mà cũng không có ai phụ giúp, Quản Trò phải ít dùng khẩu lệnh hơn là thủ lệnh, dùng các trò có luật chơi đơn giản, dễ phổ biến ngắn gọn, có nhiều động tác để dễ bắt chước. Cũng đừng quên các Bài Hát Sinh Hoạt quen thuộc, các Băng Reo ngắn để gây bầu khí chung mà lại tiết kiệm sức nói. Cố gắng không nên kéo dài sinh hoạt quá 30 phút, sẽ bị khản cổ khan tiếng là... thua !

Bên cạnh đang có sinh hoạt khác quá ồn:

Không nên ganh đua bằng cách cố hò hát cho to hơn, cho át các sinh hoạt ồn ào gần đó. Quản Trò cần đưa ra các trò chơi thuộc dạng kiếm tìm, nhận xét bằng thị giác, khưú giác và xúc giác ( các Trò Chơi Kim ) hoặc các Trò Chơi Phản Xạ có nhiều động tác, lại dễ điều động bằng thủ lệnh.
Trong thực tế, có vị Quản Trò lão thành đã khéo léo lợi dụng cả nhịp điệu và âm thanh dàn nhạc vọng sang từ một buổi biểu diễn văn nghệ ngoài trời gần đó, để tạo ra một điệu múa chung cho nhóm của mình thật hết sức lý thú và ý nghĩa trước khi quyết định... chia tay giải tán.

Chung quanh đang cần yên tĩnh:
 Các Nhóm khi đi tĩnh tâm tại một Thiền Viện Phật Giáo hoặc Tu Viện Công Giáo, vẫn cần đôi chút sinh hoạt thay đổi bầu khí mà không sợ làm phiền đến các Nhóm tĩnh tâm khác và sự thanh tịnh chung nơi tu hành. Quản Trò nên chọn các Trò Chơi Lý Luận ( dùng phiếu ), Trò Chơi Kim, các câu Đố Vui... 

5. BẢN THÂN NGƯỜI QUẢN TRÒ
Đối với riêng người Quản Trò, kinh nghiệm cho biết nếu chủ quan, coi thường, ỷ y vào khả năng biến báo của mình, không lường trước được những rủi ro bất ưng của ngoại cảnh, có khi do người khác vô tình gây ra, khi ấy Quản Trò rất dễ nếm mùi thất bại cay đắng, vô phương “chữa cháy”. Ở đây xin nêu lên 4 bước cần lưu tâm:

Chuẩn bị trò chơi:
 Ngoại trừ trường hợp bị “bắt cóc bỏ dĩa”, người Quản Trò luôn có điều kiện chuẩn bị nghiên cứu trước các mặt sau đây:
·         Địa điểm tổ chức sinh hoạt có những thuận lợi và bất lợi nào ?
·         Đối tượng sinh hoạt là ai ? độ tuổi nào ? có những nhu cầu gì ?
·         Phân công cụ thể cho các Quản Trò Phụ Tá như thế nào cho hợp lý và hiệu quả ?
·         Các vật dụng liên quan đến trò chơi được sắp sẵn gồm những gì ? hiện để ở đâu ? do ai đang giữ ? Phải đưa ra lúc nào ?
·         Kịch bản cuộc chơi diễn tiến ra sao ? Có khả năng sẽ xẩy ra những sự cố đột xuất bất ưng nào ? Sẽ biến báo ra sao ?

Hướng dẫn luật chơi:

Quản Trò phải biết cách tập trung mọi người, sao cho tất cả đều bị thu hút, im lặng chú ý nghe phổ biến luật chơi, thỉnh thoảng hỏi xem mọi người đã hiểu, đã nắm vững luật chơi chưa ? Có thể dùng một câu truyện ngắn và vui để dẫn dụ vào trò chơi. Nên chơi mẫu và cho họ chơi nháp trước khi chơi thật.

Tiến Hành trò chơi:
 Quản Trò phải biết trực tiếp hòa mình một cách nhiệt tình cùng với người chơi, trong mọi trò chơi. Luôn nêu cao tinh thần tự nguyện tự giác, trung thực trong sáng khi chơi, nhất là với các em còn nhỏ, quá hăng máu, thích ganh đua, so kè hơn-thua.
Quản Trò cũng cần khéo léo và tế nhị khuyến khích những ai còn nhút nhát, chưa quen sinh hoạt, hoặc những người khách mới đến còn lạ lẫm với tập thể.

Kết thúc trò chơi:

Quản Trò đừng bao giờ để người chơi, nhất là các bạn nữ và các em nhỏ chơi đến mức kiệt sức. Nên biến báo thay đổi các dạng trò chơi mạnh và nhẹ, có thể dùng một... trò chơi để mọi người được giải lao, đi vệ sinh. Quản Trò đừng buộc mọi người phải im lặng tuyệt đối ngay sau khi chấm dứt trò chơi, vì thường thì họ vẫn còn thích bàn cãi sôi nổi, ồn ào thêm ít phút nữa mới có thể ổn định lại.
Nếu trò chơi mang tính đối kháng, Quản Trò phải thật công minh, thường thì nên có giải thưởng cho tất cả các Đội, khen người thắng và khích lệ người “chưa thắng”. Nên chuẩn bị sẵn một số Trò Chơi Thưởng-Phạt, bản thân Quản Trò cũng nhập cuộc cho thêm vui, người bị phạt sẽ không ngượng ngùng.
Cuối cùng, Quản Trò nên vắn tắt nêu ý nghĩa của trò chơi vừa chơi xong, về mặt nhân bản hoặc ý hướng sống đạo, khớp với chủ đề bài Giáo Lý hoặc câu ý lực Tin Mừng.
Nhìn chung, các kinh nghiệm nêu trên và nhiều điều khác nữa không hề có trong bài bản huấn luyện trường lớp, cần tích lũy ngay khi mới vào nghề, dần dần trưởng thành hơn thông qua thực tế “chiến trường” có nhiều phen thất bại hơn thành công.
___________________________________________

Nguồn: Giaophanthaibinh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét