Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

KHÓA 9: CÔNG MINH

TRẦN DUY NHIÊN

CÔNG MINH


I. - Gợi Ý


Khi người trưởng đã có uy thế thì các thành viên đòi hỏi được đáng giá một cách công minh. Chỉ cần một sự bất công là uy thế của người đó có nguy cơ sụp đổ.

Công minh là tuyên dương hay phê bình chính xác, là hiểu được sự cố gắng của mỗi người, và nếu cần, hiểu được nguyên do đã làm cho một người không thể tiến thêm được nữa.

Công minh là không thiên vị bất cứ trường hợp nào, là đánh giá theo sự kiện chứ không theo tình cảm.

Công minh là tôn trọng quyền hạn mà mình đã giao phó.

Công minh là không qui trách nhiệm cho người khác khi mọi việc không xảy ra tốt đẹp, nhất là khi người thừa hành đã nỗ lực thi hành một mệnh lệnh vượt khả năng hoặc khi người ấy thi hành không đạt yêu cầu vì lệnh của mình ban ra không rõ ràng chính xác.

Cuối cùng, công minh là trung thực, là thực hiện thật tốt những gì mình đòi hỏi người khác làm, là không dành về mình một quyền lợi vật chất hay tinh thần trên công sức của người khác.

Người trưởng cần phải công minh. Thiếu công minh, người trưởng sẽ mất cả uy tín lẫn uy quyền, và bao nhiêu phẩm chất khác cũng bị tập thể quên đi.

II. - Câu hỏi tự kiểm


1. Bạn có thường bênh vực cho thành viên khi gặp bất công không?

2. Bạn có thích làm nổi bật những thành tựu của thành viên mình không?

3. Bạn có ghê tởm sự giả dối không?

4. Khi bạn có một khuyết điểm hay phạm một sai lầm, bạn có nhận dễ dàng hay tìm cách chối quanh?

5. Bạn có trọng chữ Tín không?
6. Bạn có bao giờ tha thứ cho bản thân một lỗi lầm mà mình khiển trách người khác không?

7. Khi gặp một thất bại, bạn lãnh trách nhiệm hay đổ lỗi cho người khác hoặc cho hoàn cảnh?

8. Khi thành công, bạn có nhớ lại công sức của thành viên hay qui tất cả vào cho mình.

9. Có bao giờ bạn thiên vị vì cản tình hay vì cả nể không?

10. Có bao giờ bạn lấy một sáng kiến của thành viên làm của mình và tự hào về sáng kiến đó không?

III. - Đề tài thảo luận


- Bạn hiểu sự công minh như thế nào?

- Đối với bạn, sự công minh có tầm quan trọng như thế nào trong các phẩm chất của người trưởng?

IV. - Rèn luyện



Hãy ghi lại những hạn chế trong khi trả lời những câu hỏi tự kiểm và tìm biện pháp xóa bỏ những hạn chế đó cho đến khi dứt hẳn.

V. - Phương châm



Lời của anh em phải là: có thì nói có, không thì nói không, kỳ dư là tự ác tà mà ra. (Mt 5, 37)

                                                                                (tiengnoigiaodan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét