Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

KỸ NĂNG CẮM TRẠI


 Cắm Trại
 là một phần trong cuốn sách  : Du Hành và Cắm Trại , trong bộ sách  : KỸ NĂNG SINH HOẠT DÃ NGOẠI của tác giả PHẠM VĂN NHÂN , do nhà xuất bản Trẻ  xuất bản vào  tháng 04 năm 2008 .
Bộ sách rất đồ sộ và có ích cho thanh thiếu niên  gồm nhiều tập  :
 -tập 1: Du hành và cắm trại
-tập 2 : Đến vùng sông núi
                -tập 4 : Phương hướng và ước đạc
                      -tập 5 : Đối phó với tình huống khẩn cấp
    -tập 6 : Sơ cấp cứu dã ngoại
Bộ sách này là một trong những bộ sách bán chạy nhất ở VN  trong những năm qua và được rất nhiều trang mạng trích đăng lại .
Các Trưởng và anh chị em HTDC nếu có điều kiện nên tìm đọc .
Vì rất nhiều nên chúng tôi chỉ có thể đưa lên một vài chương thật cần thiết như :
- Cắm trại; 
                                                    - Đối phó với những tình huống khẩn cấp,
           - Sơ cấp cứu ….
                                                                             bllcht


Kỹ năng cắm trại

Nói đến “cắm trại” nhiều người lại nghĩ ngay rằng: đó là cuộc vui chơi, giải trí, nghỉ mát, du lịch, dã ngoại... hoặc đại loại như vậy. Quan niệm sai lầm đó khá phổ biến ngay cả trong các đoàn thể thanh thiếu niên.
Trại là một nhu cầu cần thiết trong sinh hoạt và giáo dục thanh thiếu niên. Giúp các em thỏa mãn óc phiêu lưu, khám phá, huấn luyện tinh thần kỷ luật, trật tự, tăng cường sức khỏe, sự chịu đựng.
Trại là một thế giới thần tiên của những thanh thiếu niên yêu thiên nhiên và ham hoạt động. Ở đó các em thấy mình gần gũi và hòa quyện với thiên nhiên, thấy tâm hồn mình phóng khoáng và cao thượng hơn.
Trại cũng là một dịp để các em thoát ra khỏi sự ồn ào náo nhiệt của thành phố, sự đơn điệu buồn tẻ của các cao ốc và những bức tường.
Trong chương trình sinh hoạt trại, các em có dịp học hỏi và thực hành các kỹ năng trong đời sống thường ngày, trổ tài tháo vát, phát huy sáng kiến để tạo tiện nghi tối đa cho đời sống trại. Khi cùng làm việc với nhau, các em sẽ gây dựng một tình đồng đội, thân ái, vui tươi, đoàn kết...
Ai chưa một lần ngủ đêm dưới lều để nghe côn trùng hòa nhạc, chưa một lần tắm nắng đến cháy da bên bờ biển, chưa một lần bó gối nhìn cơn mưa ở giữa rừng hay cuống cuồng đắp bờ chắn nước đang lăm le tràn vào lều... thì coi như mình mất đi một phần đẹp của tuổi trẻ.
Có nhiều loại, nhiều hình thức trại tùy theo điều kiện và nhu cầu.

Các hình thức trại

1. Trại cuối tuần
Đây là một hình thức trại cho một nhóm nhỏ người do một Đội trưởng tổ chức (được sự đồng ý của Phụ trách) trong vòng 24 giờ.
Tuy là trại nhỏ, nhưng cũng phải có chương trình rõ ràng, đầy đủ. Phải cắm trại cho ra cắm trại. Không nên dùng thực phẩm chế biến sẵn mà phải nấu nướng đàng hoàng (đây cũng là một phần của sự huấn luyện).

2. Trại kỹ năng
Trong những lần sinh hoạt thường xuyên, chúng ta không có đủ thời giờ và điều kiện để huấn luyện một số kỹ năng chuyên môn đặc biệt. Trại kỹ năng được tổ chức để san lấp lỗ hổng đó.
Trại kỹ năng là dịp để cho các trại sinh ôn tập và huấn luyện một số kỹ năng đòi hỏi phải có không gian và địa điểm thoáng rộng, thiên nhiên thích hợp như: tìm phương hướng, tìm sao, ước đạc, quan sát dấu vết, thủ công trại, truyền tin, cứu thương.
Nếu có nhiều đơn vị cùng tham gia thì trại sinh sẽ có tinh thần ganh đua hào hứng hơn và kết quả sẽ tốt đẹp hơn.

3. Trại bay
Thường dùng trong các cuộc thám du khảo sát... Như tên gọi của nó, “Trại bay” không cố định như “Trại đứng” mà nó luôn theo bước chân của toán thám du. Cảnh vật luôn luôn thay đổi sẽ gây nhiều thú vị cho trại sinh. Muốn trại bay có kết quả, ta nên nhớ:
+ Tổ chức vào lúc thời tiết tốt
+ Trang bị gọn nhẹ
+ Có mục đích và đề tài rõ ràng

4. Trại hè
Đương nhiên sẽ tổ chức vào dịp các học sinh - sinh viên được nghỉ hè, cho nên trại hè có thể kéo dài nhiều ngày.
Trại hè cũng là dịp để tổng kết, ôn tập và thực hành những điều đã học trong năm qua.
Sự thành công của trại hè là do sự tổ chức, sắp xếp chương trình và duy trì kỷ luật.

5. Trại họp bạn
Nhiều đoàn thể cùng phong trào ở nhiều nơi, nhiều xứ (lớn nhỏ tùy theo qui mô tổ chức) cùng qui tụ về một địa điểm để:
+ Gặp gỡ, kết thân
+ Trao đổi, học hỏi kinh nghiệm
+ Báo cáo sự tiến bộ
+ Thể hiện tình huynh đệ cùng chí hướng
Thường thì mọi đoàn tham dự phải trình diễn mọi trình độ khả năng sinh hoạt của đơn vị mình trước các cán bộ Phụ trách cao cấp. Nhất định sẽ có cuộc thi đua để trắc nghiệm chung cho từng đoàn, từng ngành... và sẽ có thứ hạng trên dưới. Các đơn vị hãy coi đó là sự chứng minh tiến bộ của mình. Đừng vì hơn thua mà tự mãn hay thất vọng.

6. Trại huấn luyện
Như tên gọi của nó - Trại huấn luyện qui tụ các Phụ trách cùng một tổ chức để đào tạo hoặc hoàn thiện khả năng lãnh đạo. Tùy theo từng đẳng cấp và đề tài. Trại có thể kéo dài nhiều ngày. Những trại này sau khi bãi trại (mãn khóa) những trại sinh trúng cách, sẽ được xét duyệt để được cấp bằng hoặc chứng chỉ.


Tổ chức một cuộc trại

A. Chuẩn bị

Để chuẩn bị, chúng ta lần lượt tiến hành những điểm sau:
1. Chọn lựa địa điểm
2. Tiếp xúc, thông báo, xin phép
3. Chỉnh trang lều vải
4. Dụng cụ đi trại
5. Lên chương trình
1. Chọn lựa địa điểm
Đích thân anh chị Phụ trách phải đi tiền trạm để khảo sát và chọn lựa. Đất trại phải rộng rãi đủ chỗ để dựng lều. Và cần hội tụ đủ các yếu tố sau:
a. Phong cảnh
Đây là dịp đưa các em ở thành phố hòa mình với thiên nhiên, nên phong cảnh đẹp là yếu tố quan trọng giúp trại thành công. Đất trại ở gần biển, sông, suối, ao, hồ, rừng, núi... tha hồ cho các em tổ chức trò chơi. Nên dự phòng một nơi trú ẩn khi thời tiết trở nên xấu (giông, bão, lũ, lụt...).
Ngược lại, đối với các em ở nông thôn, chúng ta nên tổ chức những cuộc cắm trại hay tham quan ở những điểm trong thành phố (sở thú, tụ điểm vui chơi, du lịch...)
b. Thoát nước
Đất trại có phủ cỏ, khô ráo, sạch sẽ, thoai thoải, không bị lụt hay úng thủy khi mưa lớn.
c. Nước uống
Phải có nước sạch gần nơi cắm trại để có thể lấy được dễ dàng.
d. Cây, củi
Việc đun, nấu, làm thủ công trại đều phải sử dụng cây, củi, nên điểm cắm trại phải gần chỗ có thể lấy cây, củi...
e. Dễ tới
Địa điểm cắm trại phải phù hợp với khả năng kinh phí chuyên chở của đơn vị. Nếu có thể nên ở gần trục lộ giao thông để đề phòng trường hợp phải di tản trại sinh.
f. Chợ
Là nơi tiếp tế thực phẩm và nhu yếu phẩm cho trại. Tuy nhiên chúng ta không vì thế mà cắm trại gần chợ. Càng xa càng tốt nhưng phải thuận tiện cho việc đi lại mua sắm.
Ngoài ra, không nên cắm trại ở nơi đông người, bệnh viện, khu quân sự...

2. Tiếp xúc, thông báo, xin phép
a. Tiếp xúc
- Với chủ đất hay chính quyền địa phương để xin phép sử dụng địa điểm cắm trại.
- Với các đoàn bạn và các tổ chức thanh thiếu niên sở tại, để mời sinh hoạt chung hay nhờ họ hướng dẫn những tập quán phong tục địa phương. Cần nắm các đền chùa, nhà thờ và các giờ hành lễ, các di tích lịch sử, thắng cảnh địa phương... Các địa chỉ của bác sĩ hay trạm y tế gần nhất.
b. Thông báo, xin phép
Đến các cấp cao hơn trong phong trào và gửi giấy thông báo và xin phép đến từng phụ huynh của trại sinh.
Thông báo cho trại sinh biết ngày, giờ, địa điểm tập kết... thời gian đi trại, chủ đề hay mục đích của trại, lệ phí trại. Lên danh mục những vật cần mang theo cho đúng với nhu cầu của trại.

3. Chỉnh trang lều vải
Ta phải xem lại các lều vải, chỗ nào hư mục thì phải thay bỏ hay vá. Kiểm xem số lều có phù hợp với số trại sinh không? Nếu thiếu thì may hoặc mượn thêm. Kiểm tra dây, cọc, cột, dùi cui có đủ không?

4. Dụng cụ đi trại
a. Dụng cụ tập thể
Phân công cho trại sinh mỗi người mang một ít, người nào mang món nào phải có trách nhiệm giữ gìn bảo quản cho đến hết kỳ trại. Những dụng cụ chung cho cả tổ, đội gồm:
+ Lều vải, dây, cọc, dùi cui
+ Thùng hay xô chứa nước
+ Tô dĩa lớn
+ Vá, muỗng lớn, đũa lớn
+ Dao, rìu, rựa
+ Cuốc nhỏ hay xẻng (loại xếp được càng tốt)
+ Túi cứu thương
+ Địa bàn
+ Đèn bão
+ Tấm poncho hay nylon lót lều chống ẩm
+ Thực phẩm và gia vị
+ Nồi, soong, chảo, ấm nấu nước
b. Dụng cụ cá nhân
Chưa quen đi trại, nhiều em hay mang theo những thứ luộm thuộm vô ích. Hành trang của trại sinh phải gọn nhẹ và đa dụng.
Đây là những vật dụng gợi ý:
+ Y phục: Tùy theo mùa, đồ ngủ, đồng phục, đồ tắm, đồ lót, áo mưa, giày dép...
+ Đồ vệ sinh cá nhân: Kem, bàn chải răng, xà phòng, gương, lược, khăn, giấy vệ sinh...
+ Vật dụng ăn uống: Chén, đũa, muỗng, ly, dao đa năng, bình đựng nước...
+ Vật dụng học tập: Bút, sổ tay, còi, dây...
+ Vật dụng sinh hoạt: Đèn pin, đèn cầy, quẹt gas, nhang muỗi hay thuốc chống muỗi...
+ Mùng mền, võng cá nhân.
Tất cả sắp xếp thứ tự gọn gàng vào ba lô, những vật ít sử dụng để dưới, vật xài nhiều để ở trên.
Điều quan trọng mà mỗi trại sinh phải có là sổ tay cắm trại. Có thể gọi đây là Nhật ký trại, trong đó ghi chép:
- Thời gian, địa điểm và mục đích của những kỳ trại.
- Những kinh nghiệm, những ưu khuyết điểm đã gặp trong kỳ trại qua.
- Mô tả toàn bộ khung cảnh và hoạt động của trại (dưới dạng một ký sự)
- Phác họa hay dán những tấm hình đã chụp trong kỳ trại đó.
Liệt kê những thứ phải mang theo trong những kỳ trại, tìm ra những gì thừa hay thiếu để lần sau bỏ bớt hay mang theo.
Đây cũng là bằng chứng hùng hồn nhất để chứng minh khả năng của mình trong những lần Hội đồng Phụ trách xét duyệt để nâng cấp hay trao chuyên hiệu.

5. Lên chương trình
Trại không phải là nơi vui chơi, nghỉ mát một cách tùy tiện, vui đâu làm đó. Phải hoạt động nhiều để trại sinh không có những phút trống rỗng, bất động. Muốn được như vậy, Phụ trách phải có một chương trình thật hoàn chỉnh, khít khao với giờ giấc, đúng với chủ đề hay mục đích cắm trại. Có chương trình rồi cũng phải biết san lấp những lỗ hổng (nếu có) trong ngày. Đi đúng chương trình có nghĩa là không kéo dài tiết mục nào ra, dù tiết mục đó đang hấp dẫn.
Người Phụ trách cũng phải soạn một chương trình dự phòng - dành cho trời mưa hay trường hợp bất khả kháng - không để trại sinh ngồi bó tay chịu trận.

B. Chương trình sinh hoạt trại

Trong chương trình sinh hoạt trại chúng ta có những hoạt động sau:
1. Phân nhiệm
2. Theo đúng chương trình
3. Vệ sinh khu vực trại
4. Kỷ luật (nghiêm phép)
5. Bếp núc, ăn uống
6. Lửa trại

1. Phân nhiệm:
 
Để điều hành một cuộc trại, chúng ta có những thành phần nhân sự như sau:
Trại trưởng:
Chịu trách nhiệm chung về mặt pháp lý và điều hành trại, có quyền quyết định mọi hoạt động của trại, giám sát chương trình, chủ tọa mọi nghi thức.
Trại phó:
Tùy theo qui mô lớn nhỏ của trại, chúng ta có từ một đến vài Trại phó phụ tá cho Trại trưởng.
Trại phó trực:
Là một Phụ trách được phân công chịu trách nhiệm điều hành chương trình trại trong ngày. Giám sát và thi hành mọi mệnh lệnh của Trại trưởng. Có quyền quyết định mọi việc (miễn là theo đúng chương trình) trong thời gian mình trực. Tổ chức các buổi sinh hoạt.
Giúp cho việc điều hành trại, còn có các ban như:
+ Huấn luyện
+ Nghiêm phép (kỷ luật)
+ Hậu cần
+ Văn nghệ...
2. Theo đúng chương trình:
 
Trại có hấp dẫn và kết quả hay không là do nơi có theo đúng chương trình hay không. Chúng ta thà bỏ một vài tiết mục trong chương trình (vì thiếu thì giờ) còn hơn là soạn một chương trình lỏng lẻo, nhiều khoảng trống).
Giờ tự do (trường hợp trại sinh tự phụ trách phần giải trí hay hoạt động) cũng nằm trong chương trình.

3. Vệ sinh trại:
Khi vừa đến khu vực trại, chúng ta phải tổng vệ sinh khu vực (nhưng không được xâm phạm cảnh quang thiên nhiên).
Trại phải ngăn nắp, sạch sẽ, thứ tự. Phải chú ý đào ngay hố rác, nhà cầu và phải đào xa lều, dưới gió. Thức ăn thừa và thực phẩm chưa dùng phải được che đậy kỹ càng.
Lều và góc đội, góc đơn vị phải giữ ngăn nắp, sạch sẽ, không phải chỉ là lúc Phụ trách đi khám trại mà là suốt ngày.
Buổi sáng, khi thức dậy, trại sinh phải có đủ nước và tiện nghi tối thiểu để làm vệ sinh.
Ban đêm phải có mùng mền đủ ấm và chống muỗi cũng như côn trùng. Phải thay quần áo khô ráo để không bị cảm hay ho.

4. Kỷ luật (nghiêm phép)
Nhìn vào một cảnh trại, thấy trại sinh ăn rồi nằm vật vạ trong lều, đọc truyện, tán nhảm, đi lang thang không mục đích. Đồ đạc, soong nồi, chén bát vất lung tung... ta thấy ngay rằng buổi trại đó chẳng thú vị gì, thà đừng tổ chức thì hơn.
Chương trình cắm trại có thành công hay không một phần là do kỷ luật trại. Anh Phụ trách kỷ luật có trách nhiệm nhắc nhở, kiểm tra. Dù là kỷ luật tự giác nhưng vẫn dùng biện pháp mạnh, nếu vi phạm luật trại.
Giờ nghỉ ngơi phải triệt để tôn trọng, nhất là giờ ngủ, bắt buộc các em phải im lặng ngủ (thường thì các em rất khó ngủ trong trường hợp này) ngày hôm sau các em mới có sức hoạt động tiếp mà không ảnh hưởng sức khỏe. Nên dành riêng cho các em một giờ nhất định để viết thư hay ghi nhật ký.
Ban đêm, phải cắt cử người gác đêm để gìn giữ an ninh và kỷ luật trại, cứ 1 hay 2 giờ đổi ca. Nhiệm vụ của các em gác là nhắc nhở trại sinh im lặng ngủ, kiểm tra các bạn mê ngủ, lăn ra khỏi chăn màn (nhưng không làm ảnh hưởng giấc ngủ trại sinh), phát hiện gì lạ, phải báo ngay cho Phụ trách trực.

5. Khám trại:
Đây là thời gian Phụ trách đến từng lều kiểm tra vệ sinh, kỷ luật, sắp xếp, trình bày ngăn nắp, trang trí, nút dây... của từng lều.
Mỗi ngày, Phụ trách nên khám trại một hay hai lần, bằng nhiều cách khác nhau. Có khi đi xa xa mà quan sát, có khi bất ngờ đi ngang qua, thường thì đến một cách chính thức và có báo trước.
Khi các Phụ trách đến chính thức, Tổ, Đội trưởng phải tổ chức đón tiếp và hướng dẫn các anh chị đi thăm trại mình.
Nên có các hình thức khen thưởng cho Đội nào khá nhất.

6. Bếp núc
7. Lửa trại

C. Bãi trại

Trại sinh thu gom vật dụng chung và đồ đạc cá nhân gọn gàng. Khi được lệnh thì mới giỡ lều.
Trả lại nguyên trạng cảnh quang giống như lúc ta mới đến.
Xóa bỏ tất cả dấu vết của trại. Lấp hố rác, hố vệ sinh, nhổ hết cọc lều, tổng vệ sinh khu vực. Làm thế nào để khi chúng ta rời khu vực trại phải để lại những kỷ niệm đẹp và ấn tượng tốt đối với địa phương.
Trước khi ra về, ta cám ơn chủ đất, cám ơn chính quyền địa phương.
NHỚ: Đừng để lại gì ngoài lời cám ơn và một kỷ niệm đẹp.

Tổng kết trại
Sau khi đi trại về, trễ nhất là 1 tháng, chúng ta phải có một buổi họp tổng kết trại.
Trong buổi tổng kết, chúng ta rút ra những ưu khuyết điểm, những phê bình, xây dựng của Phụ trách, những ý kiến đóng góp của trại sinh, để chúng ta dần dần hoàn thiện hơn trong những kỳ trại tới.

Lều trại

Trên thị trường hiện tại, người ta có bày bán đủ các loại, dạng lều - từ lều một vài người cho đến loại vài chục người... đủ các hình thức, kiểu dáng, màu sắc... Tuy nhiên loại lều này giá hơi đắt.
Là một người tháo vát (hay tập làm người tháo vát) chúng ta phải biết cách tự may lấy lều của mình, vừa rẻ tiền, vừa đúng ý của mình.
Muốn may lều, trước hết ta chọn mẫu rồi làm bằng bìa cứng với tỷ lệ 1/10.
Phóng đại 10 lần lên vải rồi mới cắt.
Gọn và nhẹ nhất là dùng vải nylon dầu, không thấm nước và rất mau khô. Hoặc dùng vải kaki, katê, bạt nylon có sọc...
Muốn không thấm nước, ta dùng dung dịch Acetate d’alumine (mua ở các cửa hàng hóa chất) pha thêm 3-4 lần nước. Nhúng vải vào rồi đem phơi nắng thật khô. Hóa chất này không làm vải đổi màu, không làm vải nặng hơn, vẫn thông khí nhưng lại không thấm nước.
Về kiểu dáng, thì tùy chúng ta chọn. Ở đây, chúng tôi xin hướng dẫn cách may và kích thước loại lều hai mái thông thường mà chúng ta hay sử dụng nhất.
Loại này, về mùa lạnh hay mưa thì hai mái xuôi xuống. Nếu là mùa nắng nóng bức, ta căng một mái lên thì lều sẽ thoáng mát.
Khi may loại lều này, chúng ta vừa tiết kiệm tiền bạc, vừa tiện dùng và cũng vừa hợp với nhu cầu của chúng ta. Chúng ta chọn loại vải không thấm nước. Màu sắc thì nhạt và sáng để không hấp thụ sức nóng của mặt trời. Ở giữa nóc, chúng ta nên dằn một lằn dây dù dẹp. Các góc và đầu dây trên lều chúng ta đắp thêm vải hay da để tăng sức chịu đựng của lều.
Về kích thước thì tùy theo nhu cầu của chúng ta. Dưới đây là kích thước lều dành cho từ 6 đến 8 người: loại kích thước này tương ứng với cột lều 1,60m.
Ghi chú: Hai bên hông lều, nên có hai tấm riềm chắn gấp vào trong được, để chống mưa hắt và côn trùng.
Nếu có điều kiện, ta nên may những tấm chắn tam giác ở hai đầu lều dùng cho ban đêm và mùa mưa.

Vị trí dựng lều

- Cắm lều ở nơi đất trống, có bóng cây che nắng buổi chiều.
- Chọn chỗ đất bằng phẳng, không có đá lởm chởm, không có rễ cây lớn, không có bụi cây hay cỏ gai, dọn sạch sẽ và lượm bớt sỏi đá.
- Tránh hướng gió thốc vào lều.
- Không dựng lều sát tàn cây cao, rất nguy hiểm khi mưa gió.
- Không dựng lều dưới lòng suối cạn, nước lũ về trở tay không kịp.
- Khoảng cách các lều đủ gần để dễ điều hành nhưng phải đủ xa để các tổ, đội được độc lập với nhau.


Động tác dựng lều

Để dựng một cái lều cho nhanh và đúng quy cách, trại sinh phải được huấn luyện mọi thao tác cho đồng bộ. Phải biết nhiệm vụ của mình là làm gì trong đội hình dựng lều.
Đội hình dựng lều thay đổi từ 2 đến 8 người, các trại sinh phải được huấn luyện thuần thục để khi thực hành khỏi lúng túng. Tiêu chuẩn đặt ra là thời gian dựng mỗi lều không được quá 5 phút.
Với đội hình 8 người:
1. Hai trại sinh cầm hai cột lều, đặt vào vị trí 1 và 2 trên nóc lều. Cột cứng bằng nút quai chèo (cột thuyền). Giữ cho cột thẳng. Nóc lều quay đúng hướng quy định.
2. Hai trại sinh khác, đang đứng ở vị trí A1 và A2, đóng hai cọc hai đầu để căng nóc lều. Cọc đóng cách chân cột lều khoảng 1,6m (tương ứng với chiều cao cột lều). Kéo thật căng dây lèo và cột bằng nút quai chèo.
3. Bốn trại sinh đang đứng ở bốn vị trí B1, B2, B3, B4 cùng một lúc kéo bốn góc lều ra, đóng cọc và cột vào bằng nút căng lều (tenteur) hoặc nút quai chèo hay một vòng hai khóa. Phải kéo góc 450 cho mái lều thật căng.
4. Bốn trại sinh đang đứng ở vị trí 1, 2, A1, A2 rời vị trí, đến các đầu dây C đóng cọc và cột vào.
Lưu ý:
- Các cọc phải đóng 45o nghiêng ra phía ngoài.
- Các cọc B và C thẳng hàng với nhau tạo một hình chữ nhật tưởng tượng chung quanh lều.
- Hai cột lều 1,2 và hai cọc căng dây lèo A1 và A2 cùng nằm trên một đường thẳng.
- Hai cột lều phải thẳng góc với mặt đất.
- Các cọc B1, B2, B3, B4 cắt góc lều thành hai phần, mỗi phần 45o.

Với đội hình hai người:
Với hai trại sinh X và Y, chúng ta lần lượt thao tác:
1. Trại sinh X phải giữ thật chặt và thẳng cột lều số 1.
2. Trại sinh Y đóng cọc A1 và kéo dây lèo buộc vào.
3. Trại sinh Y lần lượt đóng các cọc B1, B3 và kéo dây buộc vào.
4. Trại sinh X rời vị trí, qua giữ cột lều số 2.
5. Trại sinh Y đóng cọc A 2 và kéo dây buộc vào.
6. Trại sinh Y lần lượt đóng các cọc góc B2, B4 và kéo dây góc lều buộc vào.
7. Trại sinh X và Y rời vị trí, đến đóng các cọc còn lại và điều chỉnh mái lều.
Nếu làm quen với hai người, chúng ta có thể dựng một cái lều trong vòng 10 phút.

Tiêu chuẩn của một cái lều

- Thao tác nhanh chóng
- Mái lều căng thẳng, không nếp nhăn
- Buộc đúng nút dây
- Cân đối, đẹp mắt
- Có rãnh thoát nước


Các vật dụng cần thiết

Để hoàn thành một cái lều nhanh chóng và dễ dàng, chúng ta phải có một số dụng cụ và vật liệu cần thiết, tương xứng với kích cỡ lều đang sử dụng.


Dây
Thường thì lều may sẵn lúc nào cũng có đủ bộ dây, lèo... nếu không chúng ta phải mang theo. Nên chọn những loại dây mềm, dễ thao tác, tương xứng với kích cỡ và màu sắc của lều như: Dây dù dẹp, dây dù tròn, dây thừng nylon... tuyệt đối không dùng dây kẽm hay dây loại nhỏ khó nhìn thấy, trại sinh rất dễ vấp ngã, gây tai nạn, thương tích.


Cọc
Tùy theo thế đất cứng hay mềm mà chúng ta sử dụng cọc ngắn hay dài, bằng hợp kim có bán trên thị trường hay bằng tre gỗ, sắt thép, tự chế... Dễ dàng nhất là sử dụng một khúc tre tầm vông chẻ đôi, chuốt bớt hai cạnh, vạt nhọn một đầu, là có một bộ cọc tốt, rẻ tiền.


Gậy (cột lều)
Phải tương xứng với kích cỡ lều, để không hở chân lều vì gậy cao quá hoặc phải kéo mái bẹt ra (rất dễ bị đọng nước và dột) vì gậy quá thấp. Thường thì nên sử dụng gậy 1,60m cho lều tổ, đội.
Gậy nên làm bằng tre tầm vông, vừa rẻ, vừa nhẹ và chắc... Ở thị trường có loại gậy xếp, gậy nối nhiều đoạn, rất gọn nhẹ.


Dùi cui (vồ)
Đây là một vật dụng mà các trại sinh ít lưu ý nhất và cũng hay quên mang theo nhất. Nhưng nếu muốn dựng một cái lều nhanh mà thiếu dùi cui hoặc chỉ có một cái rồi chuyền tay hết người này đến người khác, thì khó mà hoàn thành nhanh được... ÍT nhất mỗi đội phải có hai cái trở lên.
Dùi cui có thể làm bằng gốc tầm vông hoặc những thanh gỗ nặng, đẽo cán cho vừa tay cầm.
Ngoài ra chúng ta còn sử dụng cuốc xẻng hay cuốc chim để đào rãnh thoát nước.

Mương thoát nước
Khi đã dựng lều xong, chúng ta phải đào mương thoát nước ngay, và xin đừng làm lấy có mà phải đào thành một con mương đàng hoàng, sâu khoảng 10cm, rộng 20cm. Tâm của con mương ngay dưới mép lều (chỗ giọt nước nhỏ xuống). Bao nhiêu đất đào lên, nên đắp thành một con đê chắn phía bên trong lều.
Mương và đê nên đào và đắp thật thẳng để tăng thêm phần thẩm mỹ của lều.
Nếu đất bằng phẳng, thì chúng ta phải đào mương đủ bốn phía của lều và ít nhất là một mương tháo, dẫn nước ra xa lều. Cuối mương tháo là một hố chứa nước.
Nếu đất dốc, thì chỉ cần đào 3 phía của lều. Phía trên dốc đào hơi sâu hơn, phía hai bên hông thì đào dài ra khỏi lều một tí.
Đừng bao giờ thấy trời đang nắng mà không đào mương, vì nếu trời đổ mưa bất ngờ (nhất là về đêm) thì không thể nào trở tay kịp.


Gấp lều

Cũng giống như khi dựng lều, khi gấp lều chúng ta cũng phải thao tác theo thứ tự để được nhanh chóng và gọn gàng.
+ Dọn sạch sẽ đồ đạc trong lều và chung quanh.
+ Tháo dây và nhổ hết cọc hai bên hông lều (không nhổ hai cọc ở hai đầu lều)
+ Đóng cửa lều (nếu lều có cửa)
 
+ Chập hai mái lều lại và cho nghiêng về một bên
+ Tháo dây lèo và nhổ hai cọc đầu lều.
+ Xếp hai cửa lều vào giữa, gấp các riềm vào trong.
+ Xếp gọn lại sao cho vừa túi đựng lều (nếu có).
+ Dùng dây bó chặt lều lại.
Lưu ý:
Đừng gấp lều khi còn ướt. Nếu tình thế bắt buộc thì về nhà phải đem phơi lại. Nếu không lều sẽ dậy mùi, ẩm mục. Khi đem cất, nên nới lỏng dây buộc lều.
Một số loại nút dây thường sử dụng khi dựng lều
Một số kỹ thuật nhỏ
Trong cuộc sống ở trại, nhất thiết chúng ta phải biết một số kỹ thuật nhỏ (mẹo vặt) để dễ dàng khắc phục những trở ngại nho nhỏ mà chúng ta thường gặp trong các kỳ trại.


Căng mái lều
Mái lều của chúng ta lúc mới dựng, trông nó thẳng thóm và đẹp biết bao, thế nhưng sau vài cơn gió, một trận mưa hay một đêm ngủ lăn lộn... trông nó thảm hại làm sao. Nếu tháo ra làm lại thì rất mất công. Vậy khi cột lều vào cọc, ta hãy sử dụng nút căng dây (Tendeur) hoặc dùng một cái tendeur bằng gỗ như sau:
Dùng một miếng gỗ nhỏ, dùi hai lỗ vừa đường kính của dây lều, luồn dây vào (theo hình). Khi cần thì kéo miếng gỗ đến đâu là dây cố định đến đó.
Trong trường hợp thời tiết không ổn định, mưa gió nhiều, chúng ta có thể dùng những vòng dây thun như hình bên để căng lều, mái lều sẽ chịu được sức gió mà không bị xé rách hay chùng.

Cọc lều bị nhổ bật lên
- Trường hợp gặp đất mềm, cọc hay bị nhổ bật lên khi ta căng dây, ta hãy chèn đá theo hình.
- Khi cắm trại ở bờ biển, ta không tìm ra đá, thì hãy làm các hàng cọc neo như những hình dưới đây:


Muốn nâng cao cột lều:
Xác định vị trí của chân gậy, ta cắm một vỏ chai hay ống tre có mắt ở giữa. Nếu cột bị lún, ta đập vỡ 1/2 nửa trên của chai rồi úp ngược xuống, hoặc úp một cái tô xuống đất để làm chân đế.

Nước chảy vào hai đầu võng:
Khi ta nằm võng dưới lều, nước mưa thường chảy theo hai đầu dây treo võng làm ướt lưng. Nếu muốn khắc phục, bạn chỉ cần mua hai khoen sắt (cỡ vòng đeo tay), cột ở hai đầu võng. Nước chảy đến khoen sắt sẽ tự nhỏ hết xuống đất.


Nước chảy vào trong lều:
Khi chúng ta sử dụng hai gốc cây thay thế hai gậy để căng lều, nếu trời mưa, chắc chắn nước sẽ theo dây rồi chảy vào lều, các bạn dùng một sợi dây ngắn, cột trên sợi dây căng lều (gần phía lều) nước sẽ nhỏ theo dây ngắn đó mà không chảy vào lều.

Mái lều bị dột:
Mái lều của bạn làm bằng vải thấm nước, nếu mưa lớn sẽ bị dột. Để khỏi bị ướt đồ đạc, các bạn đính vào chỗ dột một sợi dây, đầu dây cột một cục đá nhỏ, bỏ vào trong một cái tô hay một vật chứa nước. Nước dột sẽ theo sợi dây chảy vào trong tô.


Góc lều không có khuy:
Khi chúng ta sử dụng những tấm bạt hoặc drap để làm lều, thì ở góc không có khuy đồng để xỏ dây, ta có thể làm như sau: túm góc bạt quanh một viên sỏi tròn (không dùng đá sắc cạnh sẽ làm sờn rách vải) dùng dây làm nút thòng lọng để buộc góc bạt.


Hố rác lộ thiên:
Nếu gặp đất cát, đất quá cứng... không thể đào hố rác được, ta có thể làm như sau: lấy 3 hay 4 cái cọc, đóng ló lên khỏi mặt đất chừng 3 tấc (chu vi bằng túi nylon mà ta định sử dụng).
Bẻ miệng túi nylon lại và tròng vào đầu mấy cọc đó. Khi đầy, ta túm lại đem bỏ vào hố rác công cộng hay đốt bỏ.

Cọc nhổ không lên:
Trước khi ra về, chúng ta phải nhổ tất cả các cọc lều để khỏi gây tai nạn cho người đến sau. Trường hợp đất cứng hay cọc đóng quá sâu không nhổ lên được, chúng ta dùng phương pháp đòn bẩy như hình dưới đây:

Bếp núc nấu nướng

Những trại sinh nào nhận trách nhiệm làm bếp, phải hiểu giá trị dinh dưỡng của những thức ăn thông thường và nhớ kỹ hai phương châm: Tiết kiệm và vệ sinh.
 
Trại là cơ hội tốt nhất để các trại sinh thực tập và thể hiện tài năng bếp núc của mình. Đây là một trách nhiệm nặng nhọc, âm thầm nhưng không kém phần lý thú. Chúng ta đừng vội vã khui đồ hộp ra ăn khi thức ăn bị nấu hỏng. Hãy để cho trại sinh tự xoay sở, cho các em phát huy óc tháo vát, lòng tự tin... Đồ hộp chỉ nên dùng trong các kỳ trại dài ngày hoặc trường hợp bất khả kháng, không thể mua được thực phẩm tươi sống.
Ở trại, chúng ta nên nấu những món ăn đơn giản nhưng ngon và giàu dinh dưỡng. Không nên làm những món cầu kỳ, tỉa bông, tỉa hoa... xào nấu linh đình.

Tiêu chuẩn người làm bếp

Những người nhận trách nhiệm làm bếp, phải hội đủ các tiêu chuẩn sau:
1. Biết thảo thực đơn cho tổ, đội trong 3 ngày trại
2. Biết đi chợ
3. Biết chọn lựa và bảo quản thực phẩm
4. Chế tạo được các kiểu bếp thông thường
5. Biết nhóm lửa và bảo quản củi
6. Biết khử trùng nước
7. Biết nấu cơm và một số món ăn thông thường ở trại
8. Biết vệ sinh khu vực bếp

Thảo thực đơn

Trước tiên chúng ta phải nắm rõ: chúng ta có bao nhiêu tiền, cho bao nhiêu người ăn, trong bao nhiêu ngày. Sau đó chúng ta mới dự kiến những thực phẩm cần phải mua. Nếu cắm trại nhiều ngày mà ở xa chợ, hai ba ngày mới có thể đi một lần, người làm bếp phải biết những thức ăn nào để lâu mà không cần chế biến (trứng, lạp xưởng, cá khô, đồ hộp...), những thức ăn có thể để lâu nhưng phải chế biến (tôm rim, mắm chưng, ruốc xào, chà bông...), những thứ nào phải ăn ngay (thịt cá, rau cải...). Dựa vào đó ta thảo một thực đơn cho đội thật dễ dàng. Nếu tài chính rộng rãi, ta có thể mua gà vịt mang theo, vừa để được lâu, vừa có thức ăn tươi ngon, bổ dưỡng.
Thực đơn mẫu (cho 8 người ăn trong 3 ngày)
Đi chợ: (Một lần cho 3 ngày ăn)
- 8 ổ bánh mì, 8 gói mì, 8kg gạo, 2kg nếp
- 1kg thịt, 1kg cá, 1kg tôm, 1/2kg mắm muối vùi, 1/2kg các khô, 100gr tôm khô, 12 trứng vịt
- 1kg giá, 2 bó rau muống, 1kg cải xanh, 1kg cải trắng, 2kg bí đao, 2kg bí ngô, 1kg su su, 1kg su hào.
- Một trái dừa khô, me, hành, ngò, tỏi, ớt, tiêu, đường, muối, bột ngọt, dầu ăn, nước mắm, nước tương....
Làm món:
Ngày thứ nhất:
Sáng: Bánh mì thịt
Trưa: Cá chiên, giá xào, canh tôm cải xanh
Tối: Thịt kho, rau muống luộc, canh thịt cải trắng
Ngày thứ hai:
Sáng: Xôi
Trưa: Tôm rim, su su xào, canh bắp cải tôm khô
Tối: Mắm chưng trứng, bí ngô hầm dừa
Ngày thứ ba:
Sáng: Mì gói
Trưa: Cá khô chiên, su hào xào, canh chua cá khô
Tối: Trứng chiên, canh bí đao tôm khô
Trên đây chỉ là thực đơn gợi ý, chúng tôi tin rằng, các bạn thừa sức trở thành “đầu bếp kỳ tài”.


Đi chợ:

Ít có trại sinh nào “hân hạnh” được mẹ sai đi chợ hàng ngày, mà nắm được giá cả và không lúng túng trong khi đi chợ.
Hầu hết chúng ta năm thì mười họa mới đặt chân đến chợ một lần. Cho nên trước khi đi chợ, chúng ta phải nhờ những người đi chợ thường xuyên chỉ cho chúng ta biết rõ giá cả của từng loại thực phẩm, khu vực phân bố trong chợ. Vì nếu không biết rõ loại nào bán ở khu vực nào, thì chúng ta sẽ đi vòng vo, vừa mất thì giờ, vừa mệt... Ghi vào giấy, chúng ta cũng chia thành từng nhóm: Nhóm thực phẩm tươi sống, nhóm đồ khô hay thực phẩm chế biến sẵn, nhóm rau cải, nhóm gia vị và tạp hóa. Như vậy chúng ta chỉ đi một vòng chợ là có thể mua đầy đủ.
Người làm bếp cũng phải biết ước lượng thực phẩm vừa đủ cho tổ, đội. Không mua quá thừa hoặc quá thiếu, và cũng đừng mua những thực phẩm sang trọng, giá cao (bào ngư, nấm đông cô...).

Chọn lựa và bảo quản thực phẩm

Khi đi trại dài ngày mà chợ thì ở xa, chúng ta phải biết cách chọn lựa và bảo quản một số thực phẩm trong môi trường tự nhiên để vừa có thức ăn tươi nhiều ngày, vừa bảo đảm vệ sinh sức khỏe... Thông thường, để cho các trại sinh thực tập nấu nướng bằng thực phẩm tươi sống giúp các em phát huy óc sáng kiến, tháo vát, linh động... người ta không cho mang theo đồ hộp hay thực phẩm chế biến sẵn. Nhưng nếu tổ chức trại dài ngày (ở vùng sâu, vùng xa) đồ hộp dành cho những ngày cuối trại thì thật tiện lợi và hợp vệ sinh.

Chọn lựa thực phẩm

Trước tiên ta nên biết cách chọn thực phẩm tươi, ngon, thì mới có thể bảo quản lâu được.
Thịt:
Phải có màu đỏ hồng, sớ thịt săn, da mỏng, miếng thịt còn ươn ướt. Nếu ngả sang màu nâu, tím đen hay tái xanh và có mùi thì đừng mua.
Cá:
Vạch mang ra xem, nếu đỏ hồng là cá tươi. Nếu mang trắng bệch, dập đầu, bể bụng, ấn ngón tay thấy lõm xuống thì đừng mua.
Gà:
Chọn gà mái tơ gần đẻ, hậu môn nhỏ, sạch, màu hồng; chân vàng, lườn to. Không nên mua những con hậu môn ướt, bầu diều phồng to, miệng chảy dãi, mồng tím, ít phản ứng khi bắt, đó là gà bệnh.
Vịt:
Chọn những con vịt đực, mỏ to, mềm, ức tròn, da cổ da bụng dày, lông cánh đầy đủ.
Cua:
Lật ngửa cua ra, nhấn vào mép mai ở hai bên hông, cứng là cua chắc, mềm là cua ốp.
Trứng:
Khi mua trứng, đừng cầm lắc lắc, bạn có thể bị rầy. Bạn chỉ cần giơ trứng ra ánh sáng (hay ngọn đèn). Nếu khoảng trống trên đầu không có hay rất nhỏ là trứng tươi, nếu lớn thì trứng đã để lâu. Có thể bỏ vào nước, chìm ngay là tươi, nổi là trứng cũ.
Đồ hộp:
Không nên chọn những hộp móp méo nhất là phồng dộp hai đầu, ăn sẽ bị ngộ độc.
Chúng ta cũng cần phải lưu ý đến ngày tháng bảo hành ghi ở vỏ hộp.
Bảo quản thực phẩm
Khi cần để dành thực phẩm cho những ngày hôm sau. Người đầu bếp phải biết cách giữ gìn và bảo quản.
Những thực phẩm để qua đêm phải bỏ vào bao, dùng dây (có bôi thuốc chống muỗi) treo lên cây để khỏi bị kiến và thú rừng làm hỏng (nhất là những vùng đất hoang dã).


Những phương pháp giữ gìn và bảo quản thực phẩm:

Thịt sống:
- Nhúng vào nước phèn chua pha loãng (10gr phèn với 1 lít nước sôi để nguội) ngâm độ 1 giờ, vớt ra xát muối bọt, treo nơi thoáng mát. Khi dùng, rửa sạch lại. Cách này giữ được 3-4 ngày.
- Ngâm trong mật mía, mật ong, có thể để lâu 4-5 tháng mà vẫn tươi ngon.
- Người dân tộc họ giã sơ thịt với muối, đoạn treo nơi thoáng mát, +++g gió, cũng giữ được cả tuần lễ.
Thịt chín:
Cắt thịt sống thành từng miếng bằng bàn tay, rồi đem ram hoặc luộc chín. Xong đem ngâm vào nước mắm, nước tương hay nước muối, cách này để lâu được 1 đến 2 tháng.
Thịt khô:
Thịt nạt xắt mỏng, dùng dao to bản đập dẹp. Ướp nước mắm (hay muối), đường, nước cốt củ riềng - xong sấy hay phơi khô để dành.
Cá tươi:
Phải đập đầu cho nó chết ngay (không để chết từ từ). Mổ bụng cá, lấy hết ruột, rửa sạch, xát muối vào mang cá và đều khắp trong ngoài mình cá. Xong bạn lấy chén giấm pha một muỗng đường. Dùng miếng vải nhúng ướt hợp chất này gói cá lại. Cách này có thể để được 3-4 ngày.
Cá chín:
Kho cá cho đến khi thấm mặn. Cho thêm vào một ít rau câu hay thạch đen. Tiếp tục kho thêm một lúc nữa. Trút toàn bộ ra một cái thố sạch, để nguội. Rải một lớp muối lên trên, đậy nắp.
Cách này có thể bảo quản được vài tuần.

Thiết kế các kiểu bếp

Trong các cuộc cắm trại, chúng ta đều sử dụng cây khô làm củi và bếp tự tạo để nấu nướng. Tuy nhiên nếu có thể, chúng ta cho trại sinh dùng bếp gaz, hay lò dầu trong trường hợp cần nấu nhanh như trà, cà phê... hoặc cần nước sôi để sát trùng y cụ... nhưng các bữa ăn chính thì phải dùng bếp củi.

Chọn nơi làm bếp

Việc chọn và chuẩn bị nơi làm bếp, chúng ta phải lưu ý một số điểm sau:
- Bếp phải gần nơi lấy củi
- Đất trại thích hợp với loại bếp nào
- Thời gian sử dụng bếp
- Che mưa, nắng, gió
- Phát quang chỗ làm bếp, tránh tàn cây và gốc cây
- Dọn sạch các vật dễ bắt lửa
Lưu ý:
Nếu làm bếp trên đám cỏ tươi, hãy lột lớp cỏ để nơi ẩm mát, xong mới đào đất hay thiết kế bếp. Khi hết sử dụng bếp, ta lấp lại rồi đặt cỏ tươi lên đó, tưới ít nước nó sẽ sống lại.
Trường hợp đất quá ẩm ướt, hãy lấy cành cây hay vỏ cây mà lót trước khi đặt bếp lên.
Khi làm bếp trên nền xi măng, hãy lót đất, cát trước vì sức nóng có thể làm nứt hư nền xi măng.

Các kiểu bếp tham khảo

Bếp rất đa dạng, mỗi kiểu đều có những ưu, khuyết điểm khác nhau. Tùy thời tiết, thế đất, dụng cụ, vật liệu... mà thiết kế loại bếp cho thích hợp. Dưới đây là một số kiểu bếp để chúng ta tham khảo.

Bếp gọng sắt
Đây là kiểu bếp gọn nhẹ và tiện lợi nhất, với 3 gọng sắt này, bạn có thể sử dụng trên mọi loại đất, cát, nấu bất cứ loại nồi lớn nhỏ nào cũng được (chỉ cần dùng sắt 6 ly là được).

Bếp mini
Nếu bạn chỉ cần pha trà, cà phê... hoặc bạn đi trại một mình, nấu nướng ít, bạn có thể chế tạo một bếp mini đơn giản bằng các cách sau:
1/ Dùng một lon kim loại có nắp đậy, đục 4 lỗ trên nắp lon, xâu 4 tim đèn vào 4 lỗ đó. Nấu các vụn của đèn cầy hoặc paraffine đổ vào, để nguội, các bạn đã có một bếp mini.
2/ Lấy 4-5 tờ nhật báo cuộn tròn lại, cột từng khúc như bánh tét, rồi cắt từng đoạn ngắn (vừa bỏ vào lon). Nấu paraffine hay đèn cầy đổ vào lon như trên.

Dùng một miếng thiếc cắt theo như hình bên. Khi không dùng thì tháo ra xếp gọn, khi cần thì chồng lên nhau thành kiềng để đặt ca hay lon lên nấu.
Trong khi nấu, các bạn có thể bỏ bếp mini vào trong một lon nước lạnh lớn hơn (để làm nguội).

Nhóm lửa & bảo quản củi
Ở nhà, chúng ta có củi khô, có đầy đủ chất dẫn lửa, kín gió... thì nhóm một bếp lửa củi chẳng khó khăn gì (nhiều trại sinh không biết nhóm lửa như thế nào vì gia đình xài bếp gas hay bếp điện). Nhưng ở ngoài thiên nhiên thì khác: củi ẩm ướt, mưa gió, chất dẫn lửa tồi... Cho nên để có một bếp lửa thì nước mắt nước mũi ràn rụa.


Mồi lửa
Hãy dùng rơm, lá thông hoặc giấy, vỏ cây, trái gòn, các cây có chất dầu chẻ nhỏ... để làm vật dẫn lửa.
Sau khi có chất dẫn lửa rồi, ta dùng những cành khô thật nhỏ (cỡ bằng que diêm). Sắp thành hình tháp hay hình nón, trên đó chúng ta sắp thêm các cành cỡ bằng ngón tay, đoạn nhóm lửa cho cháy đượm lên, ta mới chất củi vào.
Với cách này chúng ta chỉ cần 1-2 que diêm là có thể nhóm được một bếp lửa.
Trường hợp có gió to, ta nên theo hướng gió mà nhóm lửa. Củi ẩm thì để dưới gió. Lưu ý đừng để tàn lửa gây nên hỏa hoạn, nhất là cháy rừng.


Bảo quản củi
Trong những kỳ trại dài ngày, chúng ta phải biết dự trữ và bảo quản củi cho đủ dùng.
- Chọn củi khô và nhỏ
- Che mưa và sương ẩm
- Nếu củi ướt phải phơi khô hay làm giàn hong
- Sắp xếp, phân loại củi lớn nhỏ khác nhau, để riêng từng nhóm cho dễ lấy.

Khử trùng nước
Nước sông, lạch, ao, hồ... nơi ta cắm trại, chắc chắn là không tinh khiết, nên ta phải biết khử trùng trước khi sử dụng.


Sau đây là một vài cách khử trùng nước uống:
Đun sôi: là phương pháp dễ dàng, rẻ tiền và hiệu quả nhất. Chỉ cần đun sôi nước lã trong 15 phút là dùng được.
Thuốc tím: cho một ít tinh thể nhỏ của thuốc tím (vài ba hạt) vào nước, khuấy đều cho đến khi nước có màu hồng lợt là uống được.
Dùng chloramine B: thường dùng khi chống dịch, tỷ lệ thuốc tùy theo tính chất của nước, thường thì người ta dùng 3gr Chloramine B 25% pha trong một lít nước.
Nước Javel: nhỏ một giọt nước javel 30o vào 2 lít nước, sau 2 giờ là uống được. Nhưng vì có mùi rất khó chịu, ta nhỏ thêm một giọt Hyposulfite de soude 10% để khử mùi.
Dùng iod: Iod được dùng dưới dạng Teinture D’iode 5% có bán ở các tiệm thuốc tây. Dùng 5 giọt này cho một lít nước, lắc đều. Để yên trong 30 phút là dùng được. Dùng iod vừa sát trùng vừa tránh được bệnh bướu cổ.
Ngoài ra còn một số thuốc khử trùng ít phổ biến hoặc thời gian sử dụng ngắn như Hypoclorite, Halojone nhưng ít khi dùng.


Nấu nướng

Nấu nướng ở trại không dễ như nấu ở nhà. Nắng gió, mưa, củi ẩm, bếp ướt... Đi trại dài ngày mà trong những ngày mưa gió nếu không có một căn bếp đàng hoàng, thì đầu bếp có giỏi cũng đành bó tay.
Trước tiên, căn bếp phải có thứ tự và sạch sẽ. Vật nào chỗ đó; củi khô xếp cạnh bếp. Chén, bát, nồi niêu, soong, chảo... thực phẩm và gia vị, phải có giàn cao và che đậy cẩn thận.
Nếu trại ngắn ngày thì chúng ta làm bếp tạm, nhưng nếu dài ngày thì làm bếp đứng cho tiện nghi và thoải mái, như thế chúng ta không quá vất vả khi nấu nướng.
Nấu nướng ở trại, chúng ta phải nhớ: không cần phải bày biện nhiều món, tỉa bông tỉa hoa, xào nấu như tiệc tùng đình đám, nhưng cũng không nên cho trại sinh ăn uống quá kham khổ. Thức ăn phải ngon, bổ, rẻ, giản dị, dễ làm, phù hợp với nguyên vật liệu và gia vị mà chúng ta mang theo, nhất là phải biết đổi món cho ngon miệng và dễ tiêu hóa.


Lưu ý khi nấu cơm

Trong mười lần ăn cơm trại thì hết chín lần cơm không đạt tiêu chuẩn vì những lý do sau:
+ Ở trại, củi ẩm ướt, gió nhiều nên lửa không đều, lúc nóng lúc không, nên cơm dễ bị sống.
+ Gạo do trại sinh góp, nên không đồng nhất, do đó khó nấu hơn một loại gạo như ở nhà.
+ Trại sinh hay nổi lửa lớn để kịp thời gian ấn định, nên cơm thường khê.
+ Trại sinh hay sốt ruột, mở nồi ra xem và ngoáy nhiều, nên cơm bị đổ lông và nhão.
+ Không quen ước lượng gạo để nấu cho nhiều người ăn, nên thường bị bung nắp nồi.
Trại sinh nào khắc phục được những trở ngại trên, để có thể nấu được những nồi cơm đạt tiêu chuẩn, thì thật xứng đáng là dân đi trại chuyên nghiệp.

Tiểu xảo - Mẹo vặt

Ngoài những công thức để chế biến thức ăn, chúng ta cũng cần biết một số tiểu xảo, mẹo vặt về nấu nướng, để khắc phục những sự cố nhỏ trong khi làm bếp.

Ghi nhớ:
+ Các món hầm, luộc, canh, súp... có thể nấu trước hay cùng lúc với nồi cơm.
+ Các món chiên, xào... làm sau khi “rế” cơm.
+ Thịt heo thì phải xào nấu thật chín, nhưng thịt bò thì xào tái.
+ Nấu lạt dễ điều chỉnh hơn nấu mặn.
Muốn thịt mau mềm:
- Cho vào nồi thịt hầm một chung rượu trắng, hoặc một cục nước đá.
- Bỏ một ít đu đủ xanh vào nồi thịt.
- Một vài miếng thơm (dứa) cũng làm thịt mau mềm.
- Gói thịt vào lá đu đủ (đã đập dập sống), hơ trên ngọn lửa cho nóng ấm. Sau đó đem ra thái mỏng, rồi xào, nấu.
- Ngâm thịt vào nước ấm có mủ đu đủ độ vài tiếng trước khi xào nấu.
Muốn cá không bị nát:
Nhúng cá (đã được làm sạch) vào nước ấm trước khi chiên hoặc kho, thịt cá sẽ dẽ, không nát.
Cá chiên không dính chảo:
Cá làm sạch, để vào rá, tẩm sơ một ít bột mì hoặc rắc muối bọt, xóc đều. Cho cá vào chảo mỡ nóng, dùng xạn (hay đũa) xê dịch con cá vài cái rồi để nằm yên, cho tới khi vàng bên này mới trở qua bên kia.
Luộc rau chín mà vẫn xanh:
Để nước thật sôi, cho vào tí giấm, chanh hay muối rồi mới nhúng rau vào, không đậy nắp, rau sẽ chín mà vẫn xanh.
Muối chua:
Bạn nên học cách muối chua một số rau cải, củ, trái... những thực phẩm này để được lâu, ăn ngon miệng và dễ tiêu hóa.
Cơm khét:
Ra lửa ngay, mở vung bỏ vào nồi cơm vài cục than còn cháy đỏ, đậy vung lại sẽ bớt mùi khét.
Cơm nhão:
Mở nắp vung để rẩy mồ hôi đọng trên vung nhiều lần. Khi cơm chín, xúc ra rá để cho bốc hơi, sẽ bớt nhão phần nào.
Cơm sống:
Cho vào một ít nước sôi, xới lên, đậy nắp vung thật kín. Gắp than cháy hồng bỏ lên trên nắp vung. Cơm sẽ chín đều.
Công dụng của nước vo gạo:
- Rửa chén đũa không cần xà bông
- Cá khô sẽ bớt tanh và mặn nếu được rửa bằng nước vo gạo
- Rửa cá tươi với nước vo gạo cũng sẽ bớt tanh
- Khoai mì sẽ trắng nếu được ngâm trong nước vo gạo
Cách chùi soong chảo
Trước khi nấu, bôi nhiều lớp xà phòng ở mặt ngoài nồi, soong, chảo... Khi rửa, bạn chỉ cần dùng giẻ ướt chùi sơ qua soong nồi sạch sẽ như mới.

Đồ hộp
Đối với các đồ hộp có thể ăn liền như: Gà càri, gà nấu đậu, thịt bò, thịt heo, hamburger, cá sốt cà chua... Muốn ăn nóng, chúng ta không nên mở hộp đổ vào soong để hâm nấu lại, mà hãy nấu một nồi nước và bỏ các hộp vào (như chưng cách thủy), để sôi khoảng 10-15 phút (bên trong hộp sẽ nóng khoảng 60-700C không làm hủy hoại sinh tố có sẵn trong thức ăn). Sau đó mở hộp ra ăn ngay, vừa nóng vừa ngon mà vẫn bổ dưỡng.
Vệ sinh khu vực bếp
Đức tính quan trọng của người làm bếp là: gọn gàng và sạch sẽ.
* Gọn gàng để vừa trông đẹp mắt vừa không mất công tìm kiếm dọn dẹp.
* Sạch sẽ là tiêu chuẩn hàng đầu của người làm bếp.
Chúng ta phải giữ nơi làm bếp và chung quanh khu vực bếp thật sạch sẽ. Thức ăn thừa hay thực phẩm chưa dùng tới phải để trên cao hay treo lên và đậy cẩn thận. Xô hay thùng đựng nước uống phải có nắp đậy và được treo lên hoặc để nơi cao ráo, sạch sẽ.
Đào hai hố; một hố ở gần nhà bếp để đổ nước dơ, một hố hơi xa bếp để chứa rác. Sau mỗi lần đổ rác, chúng ta rải một lớp đất hay tro mỏng.
Trước khi rời khu vực trại, hãy đốt bỏ những thứ gì có thể đốt được, còn những thứ không đốt được thì chôn thật sâu.
Nếu chúng ta có lột lớp cỏ trước khi làm bếp thì phải đặt vào chỗ cũ và tưới nước lên, trả lại nguyên thủy tình trạng khu vực như khi ta vừa đến.
 
Một số đồ dùng nhà bếp

Lửa trại

Trong một cuộc cắm trại (có ở lại đêm) sẽ không trọn vẹn nếu thiếu lửa trại. Nhưng đây cũng là một hoạt động dễ bị hiểu lầm và lạm dụng nhiều nhất trong sinh hoạt.
Hãy nên nhớ rằng: lửa trại không phải là một buổi trình diễn văn nghệ cho trại sinh có dịp giải trí sau một ngày hoạt động, hay để giúp vui cho dân chúng trong vùng, hoặc để phô diễn tài nghệ cá nhân... mà chúng ta phải lưu ý đến tính chất giáo dục và mục đích rèn luyện của lửa trại. Lửa trại không dành cho các tài tử hay diễn viên chuyên nghiệp mà dùng cho các trại sinh. Ở đây, họ được giao lưu kết bạn, xây dựng tình đồng đội, thân hữu... được cùng vui chơi, ca hát, nhảy múa, đóng kịch... giúp các em phát triển năng khiếu nghệ thuật, lòng tự tin, mạnh dạn, óc quan sát, trí tưởng tượng... Ngoài ra, lửa trại còn để lại trong tâm hồn trại sinh những dấu ấn sâu sắc, khó quên, nhất là những buổi lửa tĩnh tâm, lửa dặm đường.
Lửa trại phải diễn ra ở khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, tránh những khu vực đông đúc nhiều người qua lại, để bầu không khí được thân mật, ấm cúng, các trại sinh dễ dàng biểu lộ khả năng hay mạnh dạn sinh hoạt.


Các loại lửa trại:
Có nhiều loại lửa trại, nhưng tựu trung được chia làm hai loại chính:
- Lửa trại nguyên thủy
- Lửa trại tăng cường
Lửa trại nguyên thủy
Lửa trại nguyên thủy cũng chia thành nhiều loại như: lửa vui, lửa dặm đường (thanh đàm, mạn đàm), lửa tĩnh tâm...


1. Lửa vui
Đây là một hình thức của lửa trại nguyên thủy như các cổ nhân ta xưa, khi phát hiện ra lửa; cứ đêm đêm họ cùng tụ tập bên đống lửa, nghỉ ngơi, sưởi ấm, xua đuổi bóng đêm và thú dữ. Họ kể cho nhau nghe những chuyện đã làm, dự kiến những chuyện sẽ làm... Họ nói, họ hát cho nhau nghe, họ múa, họ nhảy để cảm tạ thiên nhiên, thần thánh, trời đất...
Lửa vui thường dành cho các tiểu trại, trong những đêm không có lửa trại chính thức.
Loại lửa trại này sau khi đốt lửa lên rồi, các trại sinh đến tụ tập bên đám lửa kể chuyện hay đàn hát tự do. Không có chương trình hay nghi thức sắp đặt trước. Trại sinh muốn tham dự hay không tùy ý. Nhưng phải có một anh chị Phụ trách ở đó giám sát, không cho xuất hiện những ngôn ngữ hay hành động quá đáng. Trong những lần lửa trại như thế này, người Phụ trách sẽ nhận thấy rằng: Chính nhờ ngồi quanh đống lửa để chuyện trò thân mật, mình mới có thể tìm hiểu các em một cách sâu sắc hơn bất cứ một dịp nào khác. Cũng chính tại nơi đây, bầu không khí thân hữu nảy nở, khiến những e dè thường nhật bị xóa bỏ, chúng ta sẽ có thể dễ dàng chuyện trò thân mật hơn.


2. Lửa dặm đường
Đây là loại lửa trại đặc trưng của những anh chị đã trưởng thành. Hình thức tổ chức cũng giống như lửa vui, nhưng (có thể) có những chủ đề sâu sắc hơn để cùng bàn luận, đàm đạo... trong không khí thân mật, thoải mái.
Như những người lữ hành, du mục, sau những chặng đường dài, họ đốt một đống lửa bên đường để tạm nghỉ. Ôn lại chặng đường đã qua và chuẩn bị cho chặng đường sắp đến. Họ truyền đạt cho nhau những kinh nghiệm sống, những kiến thức cuộc đời, động viên tinh thần, an ủi giúp đỡ lẫn nhau...
Lửa dặm đường tổ chức rất gọn nhẹ, ấm cúng, thân mật... Đây cũng là một buổi thanh đàm thoải mái và tự do, ai muốn ngâm thơ, đàn hát, kể chuyện... tùy thích.


3. Lửa tĩnh tâm
Thường được tổ chức sau các chương trình lửa trại, khi tất cả các trại sinh không phận sự đã về lều, chỉ còn lại các đối tượng đã được xét chọn, những người có trách nhiệm và các anh chị Phụ trách. Đây là một phương pháp giáo dục tâm hồn, nâng cao tinh thần hướng thượng...
Trong tình thân ái cởi mở, những người được chọn nói lên những suy nghĩ, thắc mắc, ước nguyện... để chia sẻ với những người tham dự. Những người này sẽ hướng dẫn, động viên, giải tỏa và bồi dưỡng thêm cho đối tượng. Sau đó, tùy theo nội lệ của từng đơn vị, sẽ có nghi thức tuyên hứa hay kết nạp.
Dù mỗi phong trào, mỗi đơn vị có nghi thức tĩnh tâm khác nhau, nhưng tất cả đều hướng tới điều thiêng liêng cao đẹp nhất của con người.

Lửa trại tăng cường
Loại lửa trại này bầu không khí hoàn toàn khác hẳn. Sẽ có nghi thức khai mạc và chương trình sắp đặt từ trước - do một Quản trò và một quản lửa điều hành buổi lửa trại.


“Lửa trại tăng cường” được chia thành nhiều hình thức.

1. Lửa trại khai mạc:
Đây là buổi lửa trại trong đêm đầu tiên ở đất trại - có thể xem đây cũng là một nghi thức khai mạc.
Nội dung gồm những tiết mục có tính cách tự giới thiệu và kết bạn (nếu có nhiều đoàn cùng tham dự). Nên ngắn gọn - không kéo dài quá 1 giờ 30 phút.


2. Lửa trại chính thức:
Đây là buổi lửa trại quan trọng nhất. Thường tổ chức vào đêm bế mạc trại. Đây cũng là buổi tổng kết, trao giải, biểu dương, khen thưởng những cá nhân và đơn vị đã xuất sắc trong kỳ trại. Chương trình được Quản trò +++g vào những tiết mục đã thu gom ở đơn vị hoặc cá nhân và được sắp xếp sao cho thật linh động, hấp dẫn.


3. Lửa trại kỷ niệm:
Được tổ chức nhân kỷ niệm một sự kiện hay một danh nhân, một thánh nhân hoặc trong dịp sinh nhật của đoàn hay của nhân vật quan trọng trong vùng.
Đây là loại lửa trại có đề tài riêng - cho nên nội dung chỉ xoay quanh chủ đề đó.
Khi tổ chức những hình thức lửa trại này, theo phép xã giao, ta nên mời chủ đất và gia đình, những nhân vật mà đoàn tiếp xúc, những ân nhân, v.v...
Ngoài ra, chúng ta nên mời các Phụ trách và các tổ chức thanh thiếu niên sở tại tham gia sinh hoạt lửa trại để tình huynh đệ phong trào thêm đoàn kết và phát triển.
Trường hợp cắm trại để tĩnh tâm tuyên hứa, thì sau giờ “lửa trại chính thức”, được tổ chức làm giờ tĩnh tâm.

Tổ chức một buổi lửa trại

Để tổ chức một buổi lửa trại cho có kết quả, chúng ta phải biết chuẩn bị những công đoạn sau:
Chuẩn bị khung:
Thông báo cho các Tiểu trại hay các Đội trưởng trước về chủ đề của buổi lửa trại và số lượng tiết mục mà họ có thể tham gia.
Trại sinh nếu chưa rành các nghi thức thì phải tập luyện hay ôn lại cho thống nhất và đồng bộ. Ôn lại những băng reo, bài hát, luân xướng, ca múa cộng đồng...
Các dụng cụ hóa trang thường được tận dụng những thứ có sẵn như chăn màn, khăn quàng... chứ đừng đặt nặng vấn đề đạo cụ, may sắm như một đoàn hát.
Các tiết mục trình diễn, được chuẩn bị trong thời gian ở trại. Nếu lửa trại có đề tài đã được thông báo trước, thì tiết mục nên xoay quanh chủ đề đã chọn.
Chuẩn bị địa điểm:
Chọn một khu đất khô ráo, rộng rãi, thoáng đãng, không có tàn cây de ra trên đống lửa, không có những hố trũng, gốc cây, rễ cây... Dọn sạch sẽ đất đá và gom sạch lá khô chung quanh.
Chuẩn bị chỗ ngồi cho quan khách (nếu có) và các Phụ trách được thoải mái tự do, trên gió, gần nơi trình diễn...
Nếu là sân xi măng hay gạch, chúng ta lót thiếc, vỏ cây, lá cây... ở dưới trước, sau đó đổ cát lên, để sân không bị quá nóng dẫn đến nứt nổ.
Chọn đề tài:
Để cho buổi lửa trại có ý nghĩa, chúng ta nên cô đọng chương trình trong một chủ đề nào đó.
Thí dụ: Nếu là buổi lửa trại kỷ niệm ngày thành lập đơn vị, chúng ta nên xoay quanh nguyên lý phong trào, truyền thống đơn vị... Nhưng vẫn không làm mất đi sự vui tươi, trẻ trung, dí dỏm...
Hoặc đang cắm trại tại một địa danh lịch sử, một đền thờ anh hùng dân tộc, một di tích tôn giáo... thì chủ đề cũng nên đặt trọng tâm vào đó, tìm hiểu và nêu gương để giáo dục trại sinh.
Sắp xếp củi
Có nhiều hình thức sắp xếp củi cho một buổi lửa trại như: hình nón, hình kim tự tháp, hình lục lăng, hình tam giác... Cho dù sắp kiểu nào, thì chúng ta cũng phải cho những vật dễ bắt lửa ở dưới trước, rồi sắp cành cây hay củi nhỏ lên, sau hết mới chất củi lớn (nhớ chừa nơi châm lửa).
Sắp xếp đội hình
Nếu là lửa trại nguyên thủy thì quá dễ dàng, vì trại sinh tự động đến ngồi xuống xung quanh đống lửa là đủ. Nhưng nếu lửa trại tăng cường, nhất là những buổi lửa trại có quan khách và khán giả tham dự, thì chúng ta phải biết cách sắp xếp đội hình.
Trại sinh ngồi hai ba vòng, không nên ngồi quá rộng, vì sẽ không nghe được tiếng nói của diễn viên (nếu không có hệ thống khuếch âm), cũng đừng để khán giả tràn vào nơi trình diễn, gây cảnh lộn xộn.
Quan khách được tiếp rước và hướng dẫn đến chỗ ngồi dành sẵn, trên gió, gần nơi trình diễn.
Nhưng các bạn hãy cẩn thận. Một buổi lửa trại mà có quan khách và khán giả thì sẽ biến thành buổi biểu diễn văn nghệ, không khí thân mật ấm cúng sẽ không tồn tại. Các trại sinh dễ rụt rè nhút nhát bỏ mất dịp thử nghiệm tài năng. Như thế thì giá trị giáo dục của lửa trại sẽ chẳng còn bao nhiêu.

Chương trình lửa trại
Lửa trại là một buổi trình diễn văn nghệ tự nhiên nhưng không vì thế mà chúng ta thiếu cố gắng và dễ dãi với mình để đi đến coi thường tình cảm của khán giả, và tự hạ thấp tính năng giáo dục của nghệ thuật.
Hãy suy nghĩ để sáng tạo cái đẹp, cái thiêng liêng của ngọn lửa - đừng để lố bịch, nhàm chán, rẻ tiền vì thiếu chuẩn bị.
Chương trình lửa trại được Quản trò sửa soạn ít nhất là một ngày. Nhưng hình thức và nội dung được giữ kín để tạo sự hấp dẫn (ngoại trừ Quản lửa, để kịp phối hợp).
Sau khi thu thập các tiết mục của các đơn vị - Quản trò sẽ tùy nghi sắp xếp, nhưng ca hát thường phải chiếm tối đa, nhất là ca múa cộng đồng. Như thế, bầu không khí sẽ sôi động, bớt uể oải, nhàm chán.
Nên thu xếp sao cho các anh chị Phụ trách và cả quan khách tham gia một vài tiết mục hay mẩu chuyện (nhưng phải hỏi ý kiến của họ trước).
Thường thì chương trình được thiết lập theo khung sau:
- Tập hợp (hò lửa)
- Đón các anh chị Phụ trách và quan khách.
- Gọi lửa, châm lửa, nhảy lửa
- Lời khai mạc (nếu có)
- Sinh hoạt cộng đồng, văn nghệ, ca múa...
- Giờ tinh thần (câu chuyện tàn lửa)
- Giải tán
Quản trò nên sắp xếp làm sao cho đến khi gần kết thúc, thì chương trình trầm lắng dần dần và kết thúc trong im lặng.
Thủ tục khai mạc
Quản trò linh động lựa chọn các cách khai mạc lửa trại tùy theo điều kiện và tính chất của buổi lửa trại đó. Những thủ tục dưới đây chỉ là sự gợi ý:
Thủ tục 1:
- Quản trò và một số người “hò lửa”.
- Sau mỗi bài hát “Gọi lửa” thì nêu tên từng đơn vị mời ra khu vực lửa trại.
- Đơn vị nào nghe gọi tên mình sẽ “A” lên một tiếng thật dài và chạy ra.
- Sau khi trại sinh đã ra khu vực lửa trại hết thì mới mời các anh chị Phụ trách và quan khách.
- Trại trưởng hay chủ tọa châm lửa.
- Hát bài “nhảy lửa” và cùng nhảy chung.
- Lời khai mạc (nếu có)
- Chương trình sinh hoạt, văn nghệ.
Thủ tục 2:
- Anh chị phụ trách tiếp tân đón quan khách từ xa và hướng dẫn vào khu vực lửa trại.
- Thần Bóng đêm ra chận lại, vừa khoe khoang khoác lác vừa hù dọa.
- Thần Ánh sáng (Quản trò) xuất hiện trong tiếng động inh tai (do trại sinh gõ bằng đủ thứ loại dụng cụ) với cây đuốc trong tay, đánh đuổi Thần Bóng đêm và hướng dẫn quan khách an tọa (trại sinh im lặng). Thần Ánh sáng lên tiếng trấn an và ca ngợi ngọn lửa, ca ngợi ánh sáng...
- Thần Ánh sáng hát bài “Gọi lửa” lần thứ nhất, tất cả hát lại lần thứ hai.
- Quản trò mời anh chị Phụ trách hay chủ tọa châm lửa.
- Múa và hát bài “Nhảy lửa”.
- Chương trình sinh hoạt, văn nghệ....

Bế mạc

Hết chương trình, Trại trưởng cám ơn quan khách và khán giả. Anh chị Phụ trách tiễn quan khách trong khi trại sinh ca bài “Tạm biệt”.
Nếu có tĩnh tâm, tuyên hứa thì giờ này bắt đầu chuẩn bị tiến hành.
Câu chuyện tàn lửa
Nếu lửa trại thường, thì trước khi bế mạc, Trại trưởng có “Câu chuyện tàn lửa” với tất cả trại sinh. Đây cũng là giờ tinh thần với những lời tâm tình nhắn nhủ ngắn gọn. Sau đó hát bài “Tàn lửa” rồi từ từ im lặng rút lui về lều của mình, tuyệt đối không vỗ tay, reo hò hay hô giải tán lúc này.
Quản trò
Người ta thường hiểu lầm: Quản trò là một anh hề, lên nhảy nhót, uốn éo để chọc cười thiên hạ. Không đơn giản như vậy đâu, người Quản trò là linh hồn của buổi lửa trại, nó quyết định sự thành đạt của buổi lửa trại đó. Người Quản trò ngoài óc khôi hài, dí dỏm, còn phải năng động, phản ứng nhanh, san lấp ngay những lỗ hổng của chương trình. Người Quản trò phải có nhiều vốn liếng sinh hoạt như: trò chơi, băng reo, ca múa cộng đồng... Phải biết lúc nào tạo bầu không khí sôi động, lúc nào phải trầm lắng. Biết cắt ngang một cách khéo léo những tiết mục quá dài hoặc có nội dung nhảm nhí. Biết phối hợp cùng Quản ca và Quản lửa để tạo nên một chương trình sống động.
Quản ca
Thường thì nhiệm vụ này Quản trò có thể kiêm nhiệm nhưng nếu trong buổi lửa trại lớn hay Quản trò không có năng khiếu về ca hát, thì phải có Quản ca để chia bớt gánh nặng.
Quản ca không cần phải là ca sĩ mà chỉ cần biết hát và thuộc nhiều bài hát sinh hoạt, vui ca... Biết bắt nhịp, chia bè hát đuổi (luân xướng), biết một số bài ca múa cộng đồng, biết chọn bài hát cho đúng với hoàn cảnh, biết trại sinh đã thuộc những bài ca múa nào và cũng phải có óc hài hước, vui tươi, dí dỏm, phối hợp với Quản trò, Quản lửa cho nhịp nhàng.
Quản lửa
Là người chịu trách nhiệm về củi đốt và ánh sáng (nếu tổ chức lớn thì nên lập ra một ban ánh sáng) cho nên người Quản lửa phải biết kỹ thuật sắp củi sao cho cháy đều, hiểu rõ tính chất cháy của những loại củi khác nhau. Lo dự trù củi cho đủ dùng, không được thiếu nửa chừng. Là người chọn khu vực để đốt lửa, Quản lửa phải biết phòng hỏa, tránh đốt lửa dưới tàn cây xanh hay gần những cây có dầu.
Trong lúc sinh hoạt văn nghệ, phải phối hợp với Quản trò, Quản ca, để biết khi nào cần tăng, khi nào cần giảm ánh sáng. Vì vậy Quản lửa phải biết một số xảo thuật ánh sáng và cách tạo màu cho lửa.
Ghi nhớ:
- Quản trò, Quản lửa, Quản ca không nên xuất hiện khi trình diễn, trừ trường hợp cần thiết.
- Anh chị Phụ trách nào muốn tham gia cũng phải báo cho Quản trò để sắp xếp, không được giẫm chân lên phần việc của họ.


Công cụ hỗ trợ cho lửa trại

Chuột lửa:
Là một công cụ dùng cho việc châm lửa khai mạc, có nhiều cách để chế tạo chuột lửa, tùy theo sáng kiến của mỗi người. Hoặc từ trên cao chạy xuống đống lửa hoặc từ dưới thấp chạy lên cao rồi mới xuống đống lửa.


a. Từ trên cao chạy xuống:
- Căng dây kẽm đến thân cây hay một điểm cao và có độ dốc vừa phải, đầu dây kẽm (phía đống lửa) chúng ta nối bằng một đoạn dây nylon ngắn để sau khi cháy thì dây đứt, không gây trở ngại cho việc trình diễn.
- Lấy lon sữa bò, lon bia... cho giẻ tẩm dầu vào, lấy dây kẽm làm thành một cái quai. Dùng tim đèn nối dài (hay vải se lại thành sợi) cột vào lon.
- Treo lon trên điểm cao nhất của sợi dây kẽm, cố định bằng dây thun, thòng dây tim xuống cho vừa tầm.
- Khi đốt, dây thun đứt, lon lửa sẽ trôi theo độ dốc xuống đống lửa.


b. Từ dưới chạy lên:
Nguyên tắc thì vẫn trượt theo dây kẽm nhưng một bên thì nhờ trọng lượng, một bên thì nhờ dây thun đàn hồi. Loại chuột lửa này chúng ta để cho hộp lon nằm ngang và làm hai khoen bằng dây kẽm để dễ dàng trượt theo dây hướng dẫn.
Từ một góc nào đó, dùng dây thun tạo lực đàn hồi để bắn mồi lửa lên cao, có sẵn chuột lửa. Từ đó chuột sẽ chạy xuống đống củi.


Làm đuốc:
1. Dùng vải quấn quanh một cành cây tươi, lấy dây kẽm buộc lại, nhúng vào dầu. Cách này giản dị nhưng lửa cháy không bền.
2. Lấy một lóng tre, trúc, nứa... vừa tay cầm và có mắt (loại còn tươi), đổ dầu vào lóng tre và nhét giẻ lại, ta có một cây đuốc cháy khá lâu.
3. Chẻ một lóng tre ra làm 6 hay 8 phần đều nhau, lấy lon bia hay nước giải khát (loại nhỏ) để vào và dùng dây kẽm cố định cho thật chặt, đoạn đổ dầu và nhét giẻ vào.


Tạo màu cho lửa
Trong khi trình diễn văn nghệ, nếu Quản lửa biết cách tạo màu cho lửa, thì tiết mục sẽ thêm hấp dẫn và vui mắt. Dưới đây là một số vật liệu mà Quản lửa phải chuẩn bị để tạo màu cho lửa.
Lửa bừng sáng: Ném vào lửa những bao nylon nhỏ có chứa dầu lửa hay xăng, rơm khô, giấy cắt vụn, thuốc pháo bông.
Tạo khói: Ném vào lửa rơm ướt, lá cây tươi.
Lửa màu đỏ: Bột than.
Lửa xanh: Bột sulfate đồng, giấy bạc trắng.
Lửa vàng: Muối bọt, nhựa thương phẩm.
Lửa tóe bông: Muối hột.

Báo trại

Một trong những hoạt động lý thú của trại hè, trại họp bạn... là BÁO TƯỜNG. Báo tường là một hình thức thông tin, giới thiệu, giải trí... của trại sinh.
Thông tin: Thông báo những chỉ thị, huấn lệnh... của ban quản trại, phản ảnh lại cuộc sống và hoạt động của trại, đưa những tin tức mới nhất trong ngày.
Giới thiệu: Nếu có nhiều đoàn, nhiều địa phương tham gia thì nên nêu một vài nét về đơn vị mình như: truyền thống, tổ chức, số thành viên... và giới thiệu về địa phương của mình.
Giải trí: Gồm thơ, văn, truyện, tùy bút, tranh ảnh, sưu tầm, dịch thuật, vui cười...
Báo tường cũng là một hình thức thủ công trại, nên không thể làm sẵn ở nhà (dù chỉ là tiêu đề hay tên báo), rồi đem đến gắn vào. Tất cả phải được làm ở trại và chỉ được mang theo những vật dụng cần thiết như:
- Giấy, keo, hồ...
- Màu, bút màu, giấy màu...
- Hình chụp, tranh ảnh, tạp chí...


Đề tài:
a. Đề tài tự chọn: Nếu tự chọn đề tài, thì chuẩn bị nội trong một ngày là đủ. Tuy nhiên chúng ta cũng nên giới hạn trong một số chủ đề.
b. Đề tài quy định: Với hình thức này, nên thông báo cho trại sinh trước vài ngày để họ kịp sáng tác.
Cách chấm điểm:
1. Sự tham gia nhiệt tình của từng đơn vị.
2. Đúng chủ đề.
3. Trình bày đẹp, cân đối, hài hòa.
4. Văn thơ hay, tranh vẽ đẹp, có ý nghĩa.


Ghi nhớ:
Mục đích của Báo Trại là thúc đẩy khả năng sáng tạo, ứng biến linh động của trại sinh, nên không được làm sẵn ở nhà hay nhờ người khác làm dùm.
- Không nói xấu hay công kích lẫn nhau.
- Không khoe mẽ hay hoạt động tuyên truyền.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét