Chúng ta ai cũng thuộc nằm
lòng câu chuyện người phú hộ và Lazarô ăn mày. Nhưng chưa chắc chúng ta đã hiểu
như nhau và nhất là biết hiểu đúng ý của tác giả Luca.
Thánh Luca kể rằng có một
người phú hộ ăn mặc gấm tía và lụa mịn, ngày ngày yến tiệc linh đình. Nếp sống
của ông ta làm cho chúng ta nhớ lại bài sách của Amos. Và quả thật, ông ta chỉ
biết ăn uống, chứ đâu có để mắt tới đồng bào, đồng loại gì... Có người ăn mày
tên là Lazarô, nằm ở cổng nhà ông chỉ mong được miếng thừa nào trên bàn của ông
liệng xuống mà vẫn không được. Cũng là hai con người, nhưng là hai thân phận.
Tác giả Luca không cần mô tả thêm con người giàu có. Ðã có Amos kể thay rồi.
Ngòi bút của Luca chú ý hơn để vẽ hình ảnh người ăn mày.
Ðây là lần duy nhất trong
tác phẩm, Luca đã đặt cho nhân vật trong bài dụ ngôn một tên. Thế nên chúng ta
đừng nghĩ đây là một tên thật, và muốn đồng hóa với Lazarô em của Mátta và
Maria. Hai chị em này đâu có nghèo đến nỗi bắt em phải đi ăn xin; Lazarô trong
tác phẩm của Gioan (chương 1) không lở lói, hôi thối đến nỗi người ta phải
khiêng vứt ở cổng nhà người phú hộ. Ðàng khác, dụ ngôn không phải là những câu
chuyện có thật, mà chỉ là những câu chuyện có khả năng xảy ra để giúp chúng ta
có một bài học đạo đức.
Nhưng tại sao tác giả Luca
lại muốn gọi tên người ăn mày là Lazarô? Ðể chúng ta liên tưởng đến người em
trai của hai chị em Mátta và Maria được Chúa thương cho sống lại? Và như vậy
Luca muốn báo trước số phận tốt đẹp chung cuộc của người ăn xin. Và khi mô tả
Lazarô lở lói, bị vứt ở cổng nhà người phú hộ, có lẽ tác giả muốn lấy lại hình
ảnh ông Yob và xác định đây là con người nghèo khó công chính, bị bạc đãi ở đời
này nhưng chỉ là tạm thời, vì chung cuộc tương lai sẽ rất tốt. Hơn nữa, trong
tiếng Do Thái, từ ngữ Lazarô có nghĩa là "Thiên Chúa cứu giúp". Tác giả Luca muốn nói rằng: những con người nghèo khó là những kẻ
đang cần được và sẽ được Thiên Chúa cứu giúp; họ là thành phần được Người quan
tâm, chiếu cố và yêu mến. Và Người sẽ bắt tất cả mọi sự phục vụ những con người
này, nên ở đây ngay bầy chó hoang, thường chỉ đi xâu xé, thế mà đối với Lazarô
chúng cũng dễ thương lạ lùng, đến liếm các ung nhọt cho ông. Và điều này càng
nói lên ác tâm bất nhẫn của người phú hộ hơn nữa.
Như vậy, việc giới thiệu
hai nhân vật đã xong. Tác giả Luca nói đến câu chuyện xảy ra. Lazarô chết và
được các Thiên Thần đưa lên dự tiệc ngay nơi lòng Abraham; còn người nhà giàu
cũng chết và được tống táng. Chỉ hai câu nói thôi, nhưng đầy ý nghĩa. Người Do
Thái quan niệm rằng các người công chính sau khi chết, sẽ được các thiên thần
đưa lên trời dự tiệc, giữa cộng đoàn dân Chúa có tổ phụ Abraham chủ tọa. Và ai
cũng được yêu, càng được ngồi gần vị tổ phụ. Kiểu nói "ngồi trong lòng
Abraham" chỉ muốn diễn tả chỗ ngồi đặc biệt và tình âu yếm ấy. Số phận của
Lazarô đã đổi thay hoàn toàn. Không do một biến động chính trị như Amos đã gợi
đến trong bài sách hôm nay. Cũng không như tác giả sách Yob đã nói rằng ông này
được lại hết mọi sự ở đời này và được gấp trăm, gấp nghìn. Ở đây việc đổi thay
số phận xảy ra ở bên kia thế giới, sau khi con người đã chết. Ðó là bình diện
Nước Trời chứ không còn phải trong phạm vi trần gian.
Chúng ta hãy đọc tiếp để
thấy quan niệm của tác giả Luca về đời sau và định mệnh chung cuộc của hai nhân
vật trong bài dụ ngôn. Vậy, Lazarô được đưa lên trời, còn người phú hộ thì được
đem đi tống táng. Một người ở trên và một người ở dưới. Kẻ ở dưới ngước mắt lên
thấy hạnh phúc người ở trên. Thấy mình đang nóng nảy trong lửa, còn Lazarô thì
đang an thái nơi lòng của Abraham; kẻ khổ sở tự nhiên phải buột miệng kêu lên.
Xin Cha Abraham nói với Lazarô nhỏ xuống cho một chút nước để đỡ khổ. Nhưng y
đã không hiểu gì. Và Abraham phải cắt nghĩa: bây giờ sự đổi thay đã dứt khoát
và hố sâu ngăn cách giữa hai thế giới hạnh phúc và khổ sở không thể bắc cầu
được nữa. Kẻ xưa khổ thì nay sướng và kẻ xưa sướng thì nay khổ. Chứ không như
ngày xưa khi ở trên mặt đất kẻ sướng có thể đến với kẻ khổ mà chia sẻ... Nhưng
vì đã không muốn làm việc ấy, nên giờ đây y đừng hy vọng bắt được nhịp cầu hiệp
thông...
Câu chuyện dĩ nhiên có thể
chấm dứt ở chỗ này. Và đã có nhiều bài học cho chúng ta. Ngoài những quan niệm
về đời sau như: định mệnh của người lành kẻ dữ đã khác nhau ngay từ sau khi
chết và trước ngày phán xét chung; định mệnh ấy đã dứt khoát không thay đổi
được nữa vì đã hết thời có thể lập công phúc; ở đây khi mô tả sự thay đổi số
phận của hai người trong khi sống và sau khi chết, tác giả Luca có ý diễn tả
một giáo huấn thông thường của Ðức Giêsu, đó là việc Nước Trời được dành cho
những kẻ nghèo khó; vì Thiên Chúa sẽ cứu giúp họ và kẻ tự mãn ở đời này sẽ ra
đi tay không về đời sau.
Nhưng tác giả Luca đã
không dừng lại ở những điểm này. Người muốn kêu gọi người ta "trở
lại". Ðặc biệt ở đây, Người muốn nói với những người Do Thái có Abraham là
tổ phụ. Họ phải thay đổi đường lối để không bị loại ra khỏi Nước Trời sau này.
Tác giả Luca biết rõ họ rất cứng lòng. Trước đây khi Ðức Giêsu còn đang giảng
đạo họ đòi phải thấy phép lạ điềm thiêng. Người bảo họ sẽ chẳng được xem dấu lạ
nào, ngoài dấu hiệu của tiên tri Giona, tức là ngoài sự kiện chính Người sẽ
sống lại ngày thứ ba sau khi chịu chết. Nay việc đó đã xảy ra rồi; thế mà Luca
vẫn thấy họ cứng lòng. Nên hôm nay, tác giả đau đớn dùng miệng Abraham mà nói:
dẫu cho có ai sống lại từ cõi chết, chúng cũng chẳng ngã lẽ đâu! Và đối với
người Do Thái, chỉ còn lại hy vọng là họ hãy nghe Môsê và các tiên tri. Ấy là
chưa kể chính mầu nhiệm Ðức Giêsu chịu chết và phục sinh, muốn hiểu được cũng
phải tựa vào lời sách thánh kể từ Môsê cho tới các tiên tri, như chính Chúa
sống lại đã làm như thế để giúp đỡ các đức tin của các tông đồ.
Như vậy bài Tin Mừng Luca
hôm nay có những ý tưởng mà thoạt nghe chúng ta đã chưa nhận ra. Người đã không
thuật lại câu chuyện Ðức Giêsu đã kể, một cách đơn giản đâu. Vẫn biết khi kể
chuyện người phú hộ và Lazarô ăn mày, Chúa đã có ý kêu gọi thính giả của Người
là người Do Thái, phải trở lại. Chúa cũng đã muốn thúc giục họ tin vào Môsê và
các tiên tri vì các ông này vẫn làm chứng về Người. Nhưng chắc chắn khi Chúa
nói: dẫu có ai sống lại từ cõi chết chúng cũng chẳng ngã lẽ đâu, người nghe lúc
bấy giờ chưa hiểu một cách thấm thía như tác giả Luca sẽ hiểu sau này và như
chúng ta vừa trình bày ở trên.
Dù sao ý tưởng chính của
tác giả vẫn là muốn kêu gọi người ta trở lại và thay đổi nếp sống chỉ biết có
cái bụng của mình mà không nghĩ đến ai. Thực ra đó cũng là ý của Amos khi ông
dùng hình phạt lưu đày để đe dọa những kẻ sống đầy đủ mà ích kỷ. Chỉ có điều
ông chưa nghĩ đến đời sau và bình diện Nước Trời một cách sâu sắc như tác giả
Luca. Nhưng có như vậy Tân Ước mới hoàn tất Cựu Ước!... Tuy nhiên Tân Ước nơi
các sách Tin Mừng, tức là giáo huấn đầy đủ của Chúa Giêsu cũng còn cần phải
được triển khai. Và hôm nay tác giả thư Timôthê giúp chúng ta thi hành giáo
huấn của Chúa.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét