Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

NẾU CÓ ĐỨC TIN BẰNG HẠT CẢI

                                      (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
          Tại một cộng hoà thuộc Liên Xô cũ, trong một cuộc mít tinh nọ, một giáo sư muốn chứng minh cho cử tọa thấy rằng Chúa Giêsu chỉ là một tên phù thủy lừa bịp. Ông lấy một ly nước, đổ vào đó một ít bột, nước liền đổi ra màu đỏ. Ông tuyên bố với cử tọa như sau:
         “Thưa quý vị, tôi vừa mới làm một phép lạ. Ngày xưa Ông Giêsu cũng chỉ làm như tôi vừa làm mà thôi. Ông Giêsu đã biến nước thành rượu theo cách thế tôi vừa làm đó. Nhưng quý vị hãy xem tôi còn làm được điều ngoạn mục hơn nữa”. Nói xong, ông lấy một thứ bột khác cho vào nước. Nước từ từ đổi màu, rồi trở lại nguyên trạng.
         Trong đám cử tọa, một người đứng lên phát biểu: “Thưa ông, ông quả thực là người tài ba nhưng liệu ông có dám uống thử thứ rượu mà ông vừa chế biến hay không?” Quả thực, ông giáo sư biết mình đang làm trò bịp. Nước mà ông đã cho đổi màu ấy chỉ là một hóa chất độc hại. Thấy ông giáo sư chần chừ, người vừa lên tiếng phát biểu mới quay xuống đám đông và bình tĩnh giải thích như sau:
        “Thưa quý vị, đây là sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và ông giáosư nầy: với rượu nho của Ngài, Chúa Giêsu đã rót cho chúng tôi hai ngàn năm hoan lạc rồi. Còn với thứ rượu mà vị giáo sư nầy chế biến, nhân loại hẳn sẽ bị đầu độc”.
          Anh chị em thân mến,
       Hai ngàn năm qua, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục làm phép lạ trong cuộc sống của mọi con người, đặc biệt là trong cuộc sống của những ai tin vào Chúa. Mỗi cuộc đời Kitô hữu là một phép lạ phi thường của Chúa Giêsu. Trong phép lạ lớn lao ấy còn hàm ẩn biết bao phép lạ khác nữa. Chúa Giêsu hôm nay đã nói: “Nếu anh em có lòng tin nhỏ xíu bằng hạt cải thôi, anh em có thể truyền lệnh cho cây dâu nầy bật gốc lên, xuống mọc dưới biển kia cũng được”. Nói như thế, Chúa Giêsu không muốn nói rằng đức tin có khả năng làm phép lạ như một sức mạnh phù phép, bùa chú, hiểu theo nghĩa đen là “chuyển núi dời non”, “bứng rừng trồng xuống biển”. Nhưng Ngài muốn nói: đức tin là một động lực thúc đẩy chúng ta dám nghĩ, dám làm những việc to lớn, phi thường mà nếu không có lòng tin, chúng ta không dám hành động. Bởi vì, người có lòng tin thì hành động bằng quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải bằng khả năng giới hạn của mình. Do đó, người có lòng tin có thể làm được những việc mà chỉ có quyền năng vô biên của Thiên Chúa mới làm được. Thực ra, không phải là người ấy hành động nữa mà là chính Thiên Chúa hành động trong người ấy và qua người ấy.
         Nhờ đức tin thúc đẩy, chúng ta dám khởi công bắt ta vào việc xây dựng cuộc sống cho mình, cho anh chị em mình, rồi Chúa sẽ tiếp tay giúp sức chúng ta bằng quyền năng vô biên của Ngài, để hướng dẫn và biến đổi công việc nhỏ bé của chúng ta trở thành công trình to lớn, vĩ đại, phi thường. Nếu chúng ta không bắt tay vào việc là dấu chứng tỏ chúng ta chưa tin, hoặc không tin. Có tin, chúng ta mới dám làm, chưa làm hay không làm là vì chưa tin hay không tin. Đức tin đòi phải có hành động. Thánh Giacôbê tông đồ đã nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin đã chết rồi” (Gc 2,17). Ngài lấy ví dụ: “Nào có ích gì, nếu người nào rêu rao mình có đức tin trong khi chẳng chịu làm gì cả? Nếu có anh chị em nào thiếu ăn thiếu mặc mà một người nào trong anh chị em lại nói với họ: ‘chúc anh chị em đi bình an, ăn no mặc ấm’, mà không cho họ những gì cần thiết để ăn mặc, thì nào có ích gì? Đức tin đó có cứu được người ấy không? Cũng vậy, đức tin không có việc làm là đức tin đã chết mất rồi” (Gc 2,14-17). Bởi vì đức tin sống bằng đức ái. Đức tin phải được biểu lộ trong sự thông cảm, tha thứ, chia sẻ cho nhau cái ăn cái mặc, và nhất là biểu hiện trong sự phục vụ, làm tôi tớ lẫn nhau một cách vô điều kiện.
             Thưa anh chị em,
         Sống đức tin là sống phục vụ. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng một câu chuyện bình dân trong chế độ xã hội phong kiến ở thời đại Ngài mà dạy chúng ta bài học phục vụ. Chế độ phong kiến là chế độ có chủ có tớ, có địa chủ và nông nô. Tớ phải hầu hạ chủ như là chuyện đương nhiên. Chủ không bao giờ mang ơn tớ, cũng là chuyện coi như đương nhiên. Nhưng Chúa Giêsu công bố một đạo lý Tin Mừng khác hẳn quan điểm phong kiến đó. Chính Ngài đã “đến không phải để được hầu hạ, nhưng để làm tôi tớ mọi người” (Mt 20,28), và Ngài đòi hỏi: “Ai lớn nhất trong anh em phải làm tôi tớ mọi người” (Mc 9,35). Tin Chúa, theo Chúa là đem cả cuộc đời mình hiến thân phục vụ anh em như một chuyện đương nhiên, không đòi hỏi được đền ơn, đáp nghĩa, được biểu dương hay khen thưởng. Tin Chúa, theo Chúa không để chi lo cho phận riêng mình cách ích kỷ, không chạy theo lợi lộc, không tìm thăng quan tiến chức, nhưng để phục vụ mọi người như lẽ sống đời mình. Thái độ phục vụ không kể công, không vụ lợi là một yếu tố quan trọng đối với đời sống cộng đồng Giáo Hội cũng như xã hội. Sự đòi hỏi người khác biết ơn và đền ơn, đó là hành động của ước muốn thống trị và là bước đầu đưa tới thống trị trên người khác. Muốn cho tương quan trong cộng đồng xã hội mãi mãi trong sáng là tương quan huynh đệ, Chúa Giêsu đã dạy cách phục vụ không vụ lợi, không kể công. Có làm được điều gì tốt lành thì đó là việc phải làm chứ chẳng có gì để mà vênh vang tự đắc, nghĩa là mình có quyền đòi Chúa hay mọi người biết ơn. Do đó, mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ, mỗi người phải khiêm tốn tự nhận mình chỉ là “người tôi tớ tầm thường, vì đã làm việc bổn phận đấy thôi.”
          Anh chị em thân mến,
        Nếu nhờ đức tin, mọi người đều lấy mình làm tôi tớ lẫn nhau thì chắc chắn đức tin ấy sẽ làm được những việc phi thường. Đó là phép lạ của đức tin có hành động. Và cũng chính hành động nầy sẽ kiểm tra chất lượng đức tin của chúng ta xem nó bằng bao nhiêu sánh với hạt cải bé nhỏ. Vì nếu chúng ta có được lòng tin nhỏ bé bằng hạt cải thôi, chúng ta có thể “chuyển núi dời non”, “bứng rừng trồng xuống biển” cũng được. Đức tin có một sức bật kỳ diệu như vậy. Nhà vật lý Archimède đã nói: “Nếu có thể tìm được một điểm tựa bên ngoài vũ trụ, thì với một đòn bẫy, người ta có thể nâng bổng cả vũ trụ lên”. Và văn hào Kierkegaard đã nói: “Điểm tựa ấy chính là đức tin”. Đức tin có cả một sức bật như vậy, nó có khả năng biến đổi cả xã hội, cả thế giới đầy những bất công, bạo lực, chia rẽ, chiến tranh nầy thành một vương quốc của tình yêu, thành một “Trời Mới Đất Mới” trong ngày Cánh Chung.

                                                                                                                      (tgpsaigon.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét