Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

TÔNG ĐỒ


SUY NIỆM  
LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ 

(Tđcv 12, 1-11; 2Tm 4, 6-8.17-18; Mt 16, 13-19).


          Thánh Phêrô và thánh Phaolô là hai cột trụ kiên vững tiên phong của Giáo Hội Công Giáo. Thánh Phêrô là tông đồ cả trong số 12 tông đồ của Chúa Giêsu. Phêrô thường được gọi là Simon Phêrô. Tên thật là Simon, thân phụ tên là Gioan, Chúa Giêsu đã đặt tên ông là Phêrô. Ông sinh tại Bethsaida, thuộc miền Galilêa, gần vùng biển Tibêria. Phêrô đã lập gia đình. Trong Kinh Thánh có nói đến người mẹ vợ bị bệnh và đã được Chúa Giêsu chữa lành. Phêrô là anh em với ông Anrê. Hai anh em làm nghề đánh cá tại Capharnaum, trên hồ Galilêa. Phêrô đã gặp Chúa Giêsu qua sự giới thiệu của ông Anrê. Ông thuộc vào số những môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu mời gọi cùng với Anrê, Gioan và Giacôbê. Trong danh sách các tông đồ, tên Phêrô luôn đứng đầu.
           Phêrô đã đồng hành và sống sát gần với Chúa Giêsu trong khi Chúa đi giảng dậy. Đặc biệt Phêrô cùng với Gioan và Giacôbê được chứng kiến những biến cố quan trọng trong sứ vụ của Chúa Giêsu: Như khi Chúa cho con gái ông Giairô chết sống lại, sự biến hình của Chúa trên núi và cơn hấp hối của Chúa trong vườn Cây Dầu. Ông Phêrô là người có tính khí, nhiệt thành và thẳng thắn. Khi được Chúa Giêsu hỏi các tông đồ rằng các con nói Thầy là ai?Simon Phêrô đại diện các tông đồ và thưa rằngThầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16, 16). Trong hành trình theo Chúa, có những lúc ông cũng yếu đuối và yếu lòng tin, như khi đi trên mặt nước, vì sợ hãi thì ông bắt đầu chìm và ông đã xin Chúa cứu. Khi Chúa Giêsu nói về của ăn hằng sống là Thịt và Máu Chúa, một số môn đồ nghe thế, thấy chói tai và đã bỏ đi. Phêrô đã nhân danh các tông đồ còn lại biểu lộ lòng trung thành với Chúa Giêsu, ông đã thưa: Thưa Thầy, bỏ Thầy, chúng con biết theo ai? Thầy mới có lời ban sự sống đời đời.
          Tại bữa tiệc ly, khi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, lúc đầu Phêrô đã từ chối, nhưng sau đó đã để cho Thầy rửa chân và xin rửa cả người. Trước cuộc tử nạn, Phêrô cam đoan sống chết với Thầy, nhưng khi Thầy đã bị bắt, trong cơn hoảng sợ, ông đã chối Thầy ba lần. Sau khi đã an táng xác Chúa trong mồ, Phêrô và các bạn buồn sầu trở về nhà canh thức. Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria báo tin là xác Chúa đã bị mất, Phêrô và môn đệ mà Chúa yêu đã chạy ra mộ. Ông đã chứng kiến cảnh mồ trống và nhìn thấy các khăn liệm của Chúa còn đó, ông đã tin. Sau khi Chúa Kitô phục sinh, Phêrô đã dẫn đầu các tông đồ trong các cuộc tụ họp cầu nguyện. Chúa Giêsu đã trao quyền cho ông chăn dắt các chiên con, chiên mẹ, đã trao chìa khóa Nước Trời và Chúa hứa sẽ xây Hội Thánh của Chúa trên Phêrô: Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và cửa địa ngục sẽ không thắng được (Mt 16, 18).
          Sách Tông đồ Công Vụ đã thuật lại thuở Giáo Hội sơ khai, Phêrô giữ vai trò lãnh đạo: Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước trời. “Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”(Mt 16, 19)Phêrô thi hành chức vụ và chủ tọa việc bầu chọn một tông đồ thay thế Giuđa Iscariôt. Chủ tọa công đồng đầu tiên tại Giêrusalem. Khi đi rao giảng, Phêrô đã hăng say và nhiệt tình. Ông đã làm nhiều phép lạ nhân danh Chúa Kitô Phục sinh. Phêrô đã cai quản Hội Thánh trong khoảng 25 năm đầu. Theo truyền thống Công Giáo, Phêrô là Giám mục Rôma và là vị Giáo hoàng đầu tiên cai quản Giáo Hội.
         Theo tương truyền, khi Hoàng đế Nero bách hại giáo hữu, Phêrô quyết định đi khỏi Roma tìm nơi trú ẩn. Trên đường đi Appia, ông đã gặp Chúa Giêsu vác thánh giá đi vào thành. Phêrô hỏi: Lạy Thầy, Thầy đi đâu? Chúa đáp: Thầy vào thành để chịu đóng đinh một lần nữa. Phêrô hiểu ý đã trở về thành để tiếp tục sứ mệnh làm nhân chứng cho Chúa. Sau cùng, ông đã bị bắt và tống ngục. Khi bị giam trong ngục, một thiên sứ đã cứu ông ra khỏi ngục, nhưng rồi các nhà lãnh đạo lại bắt giam trở lại. Vì thấy không xứng đáng được chết như Thầy, ông xin được đóng đinh ngược đầu vào thập giá. Sau khi chết, thi hài của Phêrô được chôn táng trong một nghĩa trang gần đó và tin rằng chính nơi đây, Giáo hội đã xây Đền Thánh Phêrô trên đồi Vatican.
          Thánh Phaolô là người Do-thái, có tên là Saolô. Ông được sinh ra và lớn lên ở Tarsus, ngày nay là miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Saolô lớn lên và được giáo dục ở Giêrusalem với Thầy cả Gamaliel, thuộc nhóm Biệt Phái và có quốc tịch Rôma. Saolô rất nhiệt tâm và trung thành với đạo Do-thái Giáo. Muốn triệt hại đạo Kitô, Saolô đã xin tình nguyện lên đường đi truy nã và ruồng bắt những Kitô hữu đã tin theo Chúa Giêsu. Một hôm trên đường từ Giêrusalem tới Đamas để bắt bớ các Kitô hữu, ông đã bị một luồng sáng đánh ngã. Sau này, chính Phaolô đã thuật lại, khi ông bị ngã ngựa, thì có tiếng nói: Saolô, Saolô, sao người bắt bớ Ta? Tôi thưa lại: Ông là ai? Ta là Giêsu Nazareth ngươi đang tầm nã bắt bớ. Tôi hỏi: Bây giờ tôi phải làm gì?Ông chỗi dậy và người ta đã dẫn ông vào thành và được ông Anania cầu nguyện và mở mắt cho ông. Sau đó, Saolô đã lãnh chịu phép rửa tội và trở về Giêrusalem trong một con người mới hoàn toàn. Tên Saolô được đổi thành Phaolô.
         Phaolô là một tông đồ sinh sau đẻ muộn. Chúa Giêsu đã chọn Phaolô để sai ngài đi rao giảng Tin mừng cho dân ngoại. Cùng với Barnabê, Phaolô đến gặp thánh Phêrô và xin Giáo Hội cử phái đoàn đi rao giảng Tin mừng trong các miền phụ cận. Phaolô được ủy thác việc truyền giáo cho các dân ngoại. Ông đã cộng tác với Barnabê, Sila, Timôtêô, Titô và Luca trong các cuộc truyền giáo. Sách Tông Đồ Công Vụ đã tường thuật những bước đầu của Phaolô cùng với các cộng sự viên. Phaolô đã viết 12 thơ gởi cho các Giáo Đoàn và cá nhân. Một thơ gởi cho cộng đoàn Galata, một thơ gởi cho cộng đoàn Rôma, hai thơ gởi cho cộng đoàn Corintô và hai thơ gởi cho cộng đoàn Thessalônica. Có bốn thơ viết trong tù gởi cho các cộng đoàn: Colossê, Philipphê, Ephêsô và ông Philêmon. Ba thư riêng về mục vụ: Hai thơ viết cho giám mục Timôtêô và một thơ viết cho Titô.
         Người Do-thái thù ghét Phaolô vì nghe biết các việc truyền giáo ông đã thực hiện. Họ tìm cách loại trừ và triệt hạ ngài. Khi Phaolô về tới Giêrusalem, người ta đã bắt trói và tống ngục tại Xêsarê. Phaolô đã nại đến quyền công dân Rôma để được giải về Rôma xét xử. Tại Rôma, ông đã bị giam giữ và rồi được thả tự do. Phaolô rất can đảm làm nhân chứng cho Chúa Kitô, Ngài viết: Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin (2Tm 4, 7)Khoảng năm 64, khi Hoàng Đế Nerô bách hại đạo, Phaolô đã cùng chịu chung số phận với các Kitô hữu. Phaolô đã bị bắt, chịu gông cùm và chịu chém đầu. Xác ngài được an táng gần địa điểm hiện nay là Vương Cung Thánh Đường thánh Phaolô Ngoại Thành.
           Mừng lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta nhận thấy mỗi vị có ơn gọi riêng. Các ngài đều là những con người yếu đuối và phạm lỗi, nhưng với lòng trung tín, các ngài đã bù đắp những sự thiếu sót bằng chính cuộc sống gương mẫu và chịu đựng gian khổ vì danh Chúa cho đến chết. Các ngài là mẫu gương thực sự cho mỗi người chúng ta. Các ngài có yếu đuối, có lầm lỡ, nhưng đã biết ăn năn sám hối, quyết tâm sửa đổi và canh tân. Với ơn sủng của Chúa, hai ngài đã rao giảng Tin mừng một cách can đảm và không mệt mỏi hay chùn bước. Hai ngài đã trung kiên cho đến cùng và giữ vững đức tin.
          Thánh Phêrô và Phaolô là hai trụ cột kiên cố của Giáo Hội Công Giáo. Tại tòa thánh Vatican, trước điện có đặt hai tượng thánh Phêrô và thánh Phaolô. Qua bao nhiêu sóng gió, con thuyền Giáo Hội vẫn vững vàng trước các thử thách của trần đời. Phêrô tông đồ cả và Phaolô tông đồ dân ngoại, hai vị thánh đã bổ túc cho nhau để làm cho Hội Thánh sống động nhờ lời rao giảng của các ngài. Với tấm gương hy sinh và lòng nhiệt thành của các ngài, Giáo Hội có một nền móng vững chắc như xây trên đá tảng.

         Lạy Chúa, chúng con mừng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Xin cho chúng con được hiệp nhất nên một trong Chúa Kitô, để cùng mang tin mừng của Chúa đến cho mọi người.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét