Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

CHU VĂN AN - NGƯỜI THẦY CỦA MUÔN ĐỜI


   Vạn thế sư biểu của Việt Nam

                     
Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến Việt Nam. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An - người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam.
Vốn là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch, ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam.
Vua Trần Minh Tông (1300–1357) vời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai. Đến đời Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn (người đi ẩn hái củi), dạy học, viết sách cho tới khi mất.

Chu Văn An là nhà nho sống có lý tưởng, ông hành đạo để “chính sự và giáo hóa được đổi mới”. Suốt đời ông cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đạo làm người mà ông thực hiện và giáo dục học trò là đạo làm người theo tinh thần Nho giáo. Với cốt cách thanh cao, tinh thần trong sáng, trí tuệ sâu sắc và đạo học vững vàng, ông là một nhân cách lớn, đứng đầu trong lịch sử giáo dục Nho học nước nhà.


Sự nghiệp của Chu Văn An là sự nghiệp của một nhà giáo, nhà thơ và sự nghiệp ở chốn quan trường với một "Thất trảm sớ" lưu danh thiên cổ. Trong những sự nghiệp vẻ vang ấy thì sự nghiệp giáo dục được coi là vẻ vang nhất, kì vĩ nhất để ông được đương thời và hậu thế suy tôn là "Người thầy của muôn đời".Chu Văn An (1292-1370) là người làng Quang Liệt, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Trong chính sử Việt Nam, không có nhiều tư liệu về ông. Tuy nhiên, qua những tài liệu ít ỏi, ông được coi là "bậc nho học tiêu biểu nhất của nước Việt", là "bậc thánh cao nhất", là "ngôi sao sáng nhất trên bầu trời văn hiến Việt Nam", được hậu thế tôn vinh là "Vạn thế sư biểu" của Việt Nam, tức là "Người thầy của muôn đời".
Khi còn ở quê, ông mở trường dạy học ở Huỳnh Cung, là phần đất giáp ranh giữa hai xã Thanh Liệt và Tam Hiệp (nay thuộc huyện Thanh Trì - Hà Nội). Đại Việt sử kí toàn thư chép: "Tiếng đồn xa gần, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ". Hai học trò nổi tiếng nhất của Chu Văn An là Lê Quát quê ở Thanh Hóa và Phạm Sư Mạnh quê ở Hải Dương, đây là hai vị quan xuất thân từ khoa bảng có nhiều công lao đóng góp cho nước nhà hồi đó.

Do tài năng, nhân cách, phương pháp đào tạo học trò và viết sách mà lịch sử đã tôn vinh "Chu Văn An là ông tổ đạo Nho của nước Nam ta", "Chu Văn An là nhà giáo dục đầu tiên của Việt Nam".Chu Văn An không chỉ là người thông tuệ kinh sách mà còn là một nhà giáo rất nghiêm khắc, lấy mình làm gương mẫu cho học trò noi theo. Những học trò của ông tuy đã làm quan đến hàm thượng thư như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát những khi về thăm đều được thầy dặn dò chỉ bảo cặn kẽ. Những người không giữ được phẩm hạnh thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào.

Chu Văn An được sử sách khẳng định: "Ông thực xứng đáng là ông tổ của các nhà Nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu". Không chỉ vì tài năng, tiết hạnh trao truyền cho môn sinh mà ông còn có công mở đầu cho việc viết sách giáo khoa dùng để giảng dạy ở Quốc Tử Giám.
Với chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Chu Văn An là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Quốc học ở Việt Nam. Trải qua hơn 30 năm ở cương vị này, từ việc dạy dỗ các thái tử đến việc viết sách giáo khoa, đề xuất các tiêu chí lựa chọn người vào học, chương trình giảng dạy, thi cử để đào tạo và tuyển chọn nhân tài cho đất nước, những cống hiến của Chu Văn An với sự nghiệp giáo dục của nước nhà quả là "không ai sánh bằng".
  


                    

Chu Văn An là người Việt đầu tiên được thờ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám

Sinh thời, Chu Văn An đã nói: "Ta chưa từng nghe nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được". Tư tưởng của Chu Văn An đã thể hiện rõ tầm quan trọng của giáo dục đối với sự thịnh suy, hưng vong của mỗi quốc gia. Chu Văn An là một trong những người đặt nền móng cho việc đào tạo nhân tài bằng Nho học, không chỉ truyền đạt cho các nho sinh những tri thức thông qua Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử, Nam sử... mà còn giáo dục về đạo lý làm người, trung với nước, hiếu với dân.
Chu Văn An đã đi tiên phong trong việc mở trường dạy học "học trò đẩy cửa", hoàn chỉnh lối học, lối thi cử cho nền giáo dục Việt Nam thời kì Trung Đại. Khi về Chí Linh ở ẩn, ông vẫn tiếp nhận học trò. Theo ông, việc dạy học phải dành cho tất cả mọi người: "Việc dạy dỗ của thành nhân không phân biệt người đến học thuộc loại nào".

Truyền thống giáo dục nước ta được khơi nguồn từ tinh thần hiếu học của dân tộc, được khích lệ bởi sự phát triển của khoa cử theo tinh thần Nho học trong các triều đại phong kiến và kết tinh trong tư tưởng, nhân cách của nhiều nhà nho tiêu biểu, như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Đức Đạt, Đặng Huy Trứ, Phan Bội Châu, v.v.. Trong đó, Chu Văn An được coi là một trong những tấm gương tiêu biểu nhất của nền giáo dục Nho học Việt Nam. Nguyên nhân đưa Chu Văn An đến vị trí đó phải chăng chính là bởi những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và nhân cách của ông với tư cách một hình mẫu tiêu biểu của đạo làm người.
Suốt đời làm giáo dục và chính trong giáo dục, ông thực hiện lý tưởng sống của mình và qua đó, tạo nên nhân cách nhà nho hành động, nhà giáo dục thực tiễn. Để chính sự được đổi mới theo hướng có lợi cho dân, ông đã hành động theo đúng tính cách kẻ sĩ. Con đường hành đạo mà ông thực hiện là con đường của nhà nho chân chính.

Thảo Phương (Thethaovietnam.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét