Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

THIÊN TÀI ÂM NHẠC BEETHOVEN : TÌM HẠNH PHÚC TRONG KHỔ ĐAU BỆNH TẬT


Mời nghe tuyệt phẩm
Beethoven - Moonlight Sonata (60 Minutes Version)


TRƯƠNG TẤT THỌ

     Những người yêu nhạc cổ điển chắc sẽ không thể nào quên được tiếng dương cầm réo rắt làm say đắm lòng người với nhạc phẩm “Lettre à Elise” hay “Sonata quasi una Fantasia” (dạo khúc ánh trăng) của Beethoven. Ông là đại nhạc sư của nền âm nhạc thế giới, nhưng mấy ai biết được, ông cũng là người nghệ sĩ mang trong mình nhiều bệnh trong đó có cả bị điếc và không nghe được những âm thanh do mình sáng tạo nên cho nhân loại?

TÀI HOA NỞ TRÊN ĐAU KHỔ

Nhạc sĩ Beethoven (1770 – 1827)có tên là Ludwig van Beethoven, sinh ngày 16 tháng 12, năm 1770, tại Bonn, Đức quốc. Cuộc đời của Beethoven (Ludwig van Beethoven) là một chuỗi liên tiếp rủi ro, bất hạnh. Cha ông, một người đàn ông nghiện ngập đã “giúp” Beethoven “học nhạc” bằng những cuộc nhậu rượu thâu đêm và bắt con trai chơi đàn mua vui cho bạn nhậu. Mặc dù bị ép chơi nhạc trong nỗi sợ hãi và ghê tởm, nhưng cũng nhờ thế, mà từ rất sớm, Beethoven đã hình thành được “sự nhạy cảm” và khả năng cảm thụ âm nhạc tinh tế. Chính trong những buổi dạy với đòn roi, la hét của cha, cậu bé Ludwig đã sớm thể hiện tài năng lớn đồng thời cũng trở nên ương ngạnh, bất hòa với cha mình.
Đến năm 8 tuổi, Beethoven chính thức trình diễn cho công chúng xem. Sang năm 12 tuổi Beethoven trở thành một nhạc sĩ dương cầm xuất sắc, mang nhiều triển vọng cho tương lai và được Tòa Tổng giám mục tại Bonn mướn chơi đàn, mà mức lương Beethoven kiếm được cao hơn cha ông gấp bội. Tới năm 17 tuổi, Tòa Tổng giám mục thấy tiềm năng dương cầm đầy hứa hẹn của Beethoven nên bảo trợ cho ông sang Áo với mục đích theo thọ giáo kỹ thuật dương cầm cao cấp của tay đàn cự phách, lẫy lừng Mozart tại Vienna, khi ấy Mozart được 30 tuổi. Đến năm 1792, ông được 22 tuổi và ông trở lại Vienna, học đàn với các danh cầm như Haydn, Schenck, Albrechtsberger và Salieri.. Beethoven hầu như là người thất bại và cô đơn trên tình trường. Và chính vì không có vợ con ông đã dành toàn thời gian cho việc phát triển tài nghệ âm nhạc.
TÀI HOA, ĐA BỆNH


Đau khổ khi phát hiện mình khiếm thính

Khi đường danh vọng của ông lên cao thì ngược lại sức khỏe của ông lại càng sa sút, yếu kém.
Kể từ năm 1798 đến 1801 ông nhận thấy tai mình không nghe rõ nữa, ông bị mất đi thính giác khi chỉ mới ba mươi tuổi. Ông bị điếc dần dần, bắt đầu là bằng nghe tiếng vo ve và ầm ừ trong lỗ tai rồi điếc đặc. Khi xuất hiện trước công chúng lần cuối cùng, thính giả đã nồng nhiệt vỗ tay ông nhưng vì điếc Beethoven hoàn toàn dửng dưng với điều đó. Cuối cùng, có người phải kéo tay áo ông nhắc nhở và giúp ông quay lưng lại để ông có thể thấy đám đông hâm mộ mình. Ông đã khóc và đó là một trong những dịp hiếm hoi người ta thấy ông khóc.
Ông đành giã từ nghề nhạc sĩ trình tấu piano bậc thầy nên đâm ra khổ sở, tuyệt vọng, có ý định tự tử rồi quyết định sống ẩn dật, tránh né đám dông, quần chúng.

Những đau đớn thể xác vì nhiều bệnh

Trong cuộc đời của mình, Ludwig van Beethoven đã phải chịu đựng sự hành hạ đau đớn về mặt thể xác. Nguyên nhân bệnh tật của ông cho đến hôm nay vẫn còn là đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học. Ngoài chứng điếc tai, ông còn bị chứng viêm phổi, sưng gan, đau bụng hành hạ.
Khi nghiên cứu về Beethoven, nhiều người đã đi đến kết luận sức khỏe ông suy sụp ngay từ khi đang ở độ tuổi 20 và ngày càng trở nên tồi tệ. Ông thường đau bụng dữ dội, biểu hiện của nhiễm độc chì. Tới gần 30 tuổi thì ông bị điếc, nhưng do sức khỏe của Beethoven tồi tệ nên cũng có thể chính các phương pháp và các loại thuốc chữa trị đã khiến cơ thể ông bị nhiễm độc chì.
Có một thời người ta cho rằng Ludwig van Beethoven mắc bệnh giang mai bẩm sinh.

Biến đau thương thành hành động: Trở thành nhạc sĩ sáng tác

Nhưng sự kiên cường vươn lên trong đời, sự đam mê âm nhạc đã thôi thúc ông, đã buộc ông hướng tới tương lai  và coi điều bất hạnh của mình như một động lực để sáng tác, trở thành một Beethoven bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống lại số phận. Ông nói, việc ông bị điếc là thách thức lớn với ông, và ông nhất định chiến thắng. Ông tâm sự Tôi đã thoát khỏi nỗi u buồn và tôi sẽ là một người đàn ông chín chắn, thiết tha với cuộc sống. Bạn có thể nghĩ tôi đang cố tỏ ra hạnh phúc trong điều bất hạnh. Không! Tôi không cam chịu. Cuộc đời này đẹp lắm và tôi có hàng nghìn lý do để sống”.
Chính trong giai đoạn giao thời khi âm nhạc thoát thai từ cổ điển biến dạng sang khuynh hướng lãng mạn, Beethoven đã đóng góp tích cực cho trào lưu mới, ông dồn khả năng cảm thụ âm nhạc và viết lên những tác phẫm mới thật tuyệt vời như “Moonlight” hay “Waldstein”. Đây cũng là giai đoạn ông rung cảm từ con tim, tuy không nghe được, nhưng tưởng tượng ra và ghi lại thành nốt nhạc. Năm 1812 ông cho ra bài hòa tấu khúc số 7 (the Seventh Symphony) và bài số 8 ra đời sau đó không lâu.

Những ngày cuối cùng

Đầu tháng 12-1826, Beethoven trở lại Vienna, bệnh viêm phổi đã lui dần nhưng vài ngày sau, ông phải nằm liệt giường vì mắc chứng xơ gan, toàn thân Beethoven phù nề đáng sợ. Đầu tháng 3/1827, sức khoẻ của ông suy sụp nghiêm trọng,  5:45 chiều ngày 26/3/1827, tim Beethoven ngừng đập, hưởng dương 57 tuổi. Theo kết luận chính thức của y giới thời ấy, ông chết do xơ gan và tràn dịch khoang bụng.
An ủi cuối đời.
Cuộc đời ông chịu nhiều khổ sở về gia đình, về tình ái, và bệnh tật nhưng ở cuối đời, ngày đám tang của ông được tổ chức thật linh đình, trọng thể. Đã có gần 20,000 quan khách tiễn đưa và bạn đồng nghiệp là nhạc sĩ Franz Schubert đứng ra đọc điếu văn từ giã một thiên tài trong âm nhạc. Ông được chôn cất tại Wahring Cemetery. Năm 1888, hài cốt nhà soạn nhạc thiên tài được chuyển tới Zentral ( Vienna)  – nơi an nghỉ dành riêng cho những nghệ sĩ vĩ đại

NGHIÊN CỨU HỘP SỌ BEETHOVEN

Giữa tháng 11 năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu Beethoven, thuộc Đại học San Jose (Hoa Kỳ) chính thức tuyên bố đã tìm ra hộp sọ của Beethoven. Đây là tài sản thừa kế của nhà doanh nghiệp Paul Kaufmann (người gốc Áo hiện đang sống tại Danville, California, Hoa Kỳ). Chiếc hộp sọ này gồm 13 mảnh (2 mảnh lớn phía sau sọ, 11 mảnh nhỏ) được khai quật năm 1863 rồi được cất giữ tại Pháp trước khi được chuyển giao cho Paul Kaufmann vào năm 1990. Qua nghiên cứu hộp sọ so sánh DNA với các mẫu tóc của Beethoven, một số giả thuyết về cái chết của Beethoven được củng cố như hàm lượng chì cao. Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne ở Chicago đã đưa ra bằng chứng là ngay từ thời thanh niên Ludwig van Beethoven đã bị nhiễm độc chì rất nặng Công bố này dựa vào sự phân tích một mẫu xương sọ của Ludwig van Beethoven bằng X quang. Như vậy có thể nói ngay từ khi ông mới 20 tuổi Ludwig van Beethoven đã chịu đựng tác động rất nặng của tình trạng nhiễm độc chì. Tuy nhiên người ta vẫn chưa rõ liệu chứng điếc của ông có phải do nhiễm độc chì hay không. Các nhà khoa học cũng không tìm thấy thủy ngân trong cơ thể của Beethoven, như vậy có thể loại trừ giả thiết từ lâu nay rằng ông bị chết bởi bệnh giang mai, căn bệnh thời đó thường được chữa trị  bằng thủy ngân
Gia tài âm nhạc của ông để lại cho hậu thế rất đáng nể gồm:Chín bản Giao hưởng từ 1 đến 9, 1 vở nhạc kịch “Fidelio”, 32 bản sonata cho piano, 5 bản concerto cho piano, 16 bản nhạc cho bộ tứ đàn dây; 16 bản sonata cho piano với nhạc cụ khác (cello, violin)…

(Nguồn :vanthonhactrieuchau.blogspot.com)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét